Không để hầu đồng bị biến tướng
Một tiết mục hầu đồng, hát chầu văn tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ – Tứ phủ hướng tới cuộc sống thực tại với ước vọng về sức khỏe, tài lộc và may mắn. Đó là ước vọng mang tính chung và hấp dẫn với tất cả mọi người ở mọi thời đại. Nhìn chung lên đồng là một hình thức thực hành nghi lễ rất đặc biệt trong hệ thống các tín ngưỡng của Việt Nam.
Thực hành nghi lễ lên đồng đã tồn tại từ lâu trong đời sống tín ngưỡng của cư dân Việt vùng châu thổ Bắc Bộ, đã lan truyền ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước và theo chân người Việt xa xứ ra nước ngoài.
Theo GS.TS Từ Thị Loan – nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thì hầu đồng là một hình thức sân khấu tâm linh đặc biệt. Trong diễn xướng hầu đồng tích hợp cùng lúc nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật, tâm linh: âm nhạc, hát chầu văn, nhảy múa. sắm vai… Đây là một di sản văn hóa quý giá được trao truyền từ quá khứ cần được tôn trọng, giữ gìn và phát huy trong đời sống đương đại.
Nghi lễ hầu đồng có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các tín đồ và cả những người xem thông thường, tạo nên những cảm xúc khó quên trong mỗi người khi đã một lần chứng kiến. Bởi sự gần gũi giữa người thực hành nghi lễ với người chứng kiến, giữa tín đồ với các vị Thánh, giúp họ thăng hoa, hợp nhất với thần linh.
Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Huệ, Thủ nhang Phủ Tiên Hương (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) cho biết, nghi lễ hầu đồng là nét đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu: Ca ngợi các vị thánh anh hùng có công với đất nước trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, mang lại cuộc sống ấm no, hòa bình cho nhân dân. Qua từng lời văn, tiếng hát mọi người sẽ hiểu được những công lao của từng vị thánh.
Với tư cách là một hợp phần của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ – Tứ phủ, một di sản văn hóa tâm linh mang bản sắc riêng của Việt Nam, theo nhiều chuyên gia văn hóa, nghi lễ hầu đồng cần được tôn trọng và bảo tồn. Song có ý kiến cho rằng hầu đồng đôi khi đã bị biến tướng, lợi dụng để trục lợi, thương mại hóa.
Thực tế, có không ít “đồng đua”, “đồng đú”, không có “căn đồng” cũng tham gia thực hành, làm biến dạng các nghi lễ, làm sai lệch di sản, hoặc lợi dụng hầu đồng để đưa ra những lời phán truyền mang tính hù dọa tín đồ với mục đích lừa đảo. Xuất hiện những lời văn được “chế” thêm không phù hợp với các bài văn chầu và tính chất của các giá đồng. Từ đó khiến cho nghi lễ hầu Thánh đôi khi nặng về vật chất, hình thức, làm mất đi tính thiêng và những giá trị văn hóa tốt đẹp vốn có.
Theo GS.TS Từ Thị Loan, để góp phần định hướng bảo tồn và gìn giữ giá trị của hầu đồng thì cần phải có sự phối hợp tất cả các bên trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, góp phần điều tiết, chấn chỉnh những sai lệch làm méo mó bản chất của di sản.
“Trước hết từ phía các cơ quan quản lý nhà nước phải có tiếng nói khi có những biểu hiện sai lệch trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ – Tứ phủ nói chung và nghi lễ hầu đồng nói riêng. Bên cạnh đó, các nhà báo và cơ quan truyền thông phải tích cực tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Đặc biệt các nhà nghiên cứu có uy tín cần cung cấp, phổ biến các kiến thức liên quan để người dân hiểu biết đầy đủ hơn về di sản. Cùng với đó, về phía bản thân cộng đồng những người thực hành tín ngưỡng cũng cần có ý kiến để kịp thời chấn chỉnh” – GS.TS Từ Thị Loan cho biết.