Khu Di Tích Xẻo Quít

Khu di tích Xẻo Quít nằm trên địa phận hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cách quốc lộ 30 khoảng 06 km, có tổng diện tích là 70 héc-ta, trong đó khu bảo tồn (kv1) có diện tích 50 hec-ta và khu mở rộng phát triển dịch vụ (kv2) là 20 hec-ta. Từ năm 1960 đến năm 1975 Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) đã chọn nơi đây làm căn cứ  để lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Xưa kia, nơi đây là vùng đất hoang vu, sình lầy, đầy cỏ dại và là vùng nước ngọt nhiễm phèn, lắm muỗi, nhiều đĩa. Việc ăn ở, hoạt động của cơ quan Tỉnh ủy chủ yếu dựa vào sự đùm bọc, che chở của nhân dân quanh vùng và phải đào mương lên liếp để ngăn xe tăng giặc, xây dựng công sự và trồng cây gây rừng để trú ẩn và hoạt động. Rừng tràm di tích hiện nay là thành quả của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương thực hiện chủ trương trồng cây gây rừng của Tỉnh ủy năm 1961. Ngày nay, tràm ở đây có tuổi thọ khoảng 50 năm và mỗi cây tràm là biểu tượng của tấm lòng dân che chở Đảng.

Quanh căn cứ này, với bán kính 6 km là hệ thống gần như khép kín của hơn 10 đồn bốt địch. Trong đó, có hai đồn cách khu căn cứ khoảng 01 km. Trong suốt cuộc chiến tranh nơi đây là vùng tự do túc xạ, tự do bắn phá, là “trường bắn” và là “bãi tập trực thăng” của địch. Nhiều lần máy bay B52, xe lội nước M113, thuyền bay, pháo binh kết hợp với bộ binh địch liên tục dội bom, càn quét, bắn phá vào vùng căn cứ, hòng tiêu diệt mọi sự sống trên mảnh đất này. Một bông mướp vàng hay một tiếng gà gáy nếu để chúng phát hiện thì phải “đón nhận” hàng chục tấn bom pháo dội vào. Vì vậy, Xẻo Quít trở thành một vùng chiến sự rất ác liệt. Có những lúc Tỉnh ủy phải đối mặt giữa cái sống và cái chết trong gang tấc. Để hoạt động và tồn tại cho đến ngày toàn thắng, một mặt, Tỉnh ủy đã thể hiện tài trí thao lược, lòng kiên trì dũng cảm, chịu đựng gian khó để bám đất, bám dân “một tấc không đi, một ly không dời”, phải có kiểu ở thích hợp để sống được và sống tốt trong vùng đồng bằng, đồng đưng, mùa nước (phải đi lại và làm việc trên xuồng)… Mặt khác, Tỉnh ủy tồn tại được là do một nghĩa cử rất cao đẹp: “Xẻo Quít nằm ngay trong lòng quần chúng nhân dân”. Đây là yếu tố mang tính quyết định cho sự tồn tại và an toàn của căn cứ. Vì vậy, ngày nay Xẻo Quít được gọi là “CĂN CỨ LÒNG DÂN”.

Ngày nay, Xẻo Quít đã được bảo tồn và phát triển. Đường đến Xẻo Quít thuận lợi cả đường thủy và đường bộ. Từ quốc lộ 30, đi đường thủy 07 km hoặc đi đường bộ 06 km. Xẻo Quít được chia làm 2 khu vực: Khu vực 1 khoảng 50ha, khu vực 2 khoảng 20ha. Khu vực 1 là khu bảo tồn nguyên trạng các giá trị lịch sử, văn hóa của khu căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến và sự đa dạng về sinh thái tự nhiên …. Khu vực 2 là khu phát triển các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch và dã ngoại như: Nhà hàng, Hội trường, Khu ẩm thực ngoài trời, câu cá giải trí, các trò chơi trải nghiệm vùng sông nước….

 Đến tham quan Xẻo Quít, ngồi trên xuồng ba lá hoặc đi bộ len lỏi trong rừng tràm mát rượi, du khách sẽ được tiếp cận, nhìn thấy những nơi hội họp, làm việc và sinh hoạt của Tỉnh ủy và các Ban ngành tỉnh Kiến Phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ như: Hội trường Tỉnh ủy-nơi diễn ra nhiều hội nghị lớn, đề ra các chủ trương, nghị quyết quan trọng để lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh; nhà làm việc của đơn vị văn thư; công sự chiến đấu, công sự tránh bom, hầm bí mật, bãi ngù-tử địa…Du khách sẽ hiểu được một giai đoạn lịch sử chống ngoại xâm bi hùng và hiển hách của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

 Trong quá trình tham quan di tích quý khách còn được hít thở không khí mát mẽ trong lành trong khu rừng, được chiêm ngưỡng và ngắm nhìn những thân tràm sừng sững giữa trời, dây bòng bong xanh rờn vươn cao bám quanh thân tràm tạo thành hình chóp nón, hòa quyện với ánh nắng vàng xuyên qua kẽ lá tạo thành những bức tranh sơn thủy hữu tình, trông rất đẹp mắt. Sự đa dạng và phong phú động, thực vật nơi đây càng hấp dẫn hơn cho du khách, đặc biệt hấp dẫn đối với du khách yêu thích thiên nhiên và người nghiên cứu sinh học.

Xẻo Quít có không gian yên tĩnh, thanh bình, rộng và thoáng mát, nên nơi đây còn là điểm đến lý tưởng cho những cơ quan, tổ chức đoàn thể hay cá nhân có nhu cầu về nguồn, tổ chức lễ kết nạp đảng, đoàn, sinh hoạt truyền thống, nghĩ dưỡng hay sáng tác nghệ thuật.

Với những dấu ấn lịch sử quan trọng đó, ngày 09 tháng 4 năm 1992, Xẻo Quít đã được Bộ Văn Hóa-Thông tin công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.