Khu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài 2): Bảo tồn và phát huy giá trị di tích: Trách nhiệm của hậu thế

Khu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài 2): Bảo tồn và phát huy giá trị di tích: Trách nhiệm của hậu thế

Được xem là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt, đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, các di sản văn hóa nói chung, trong đó có Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu, là một phần quan trọng trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Cũng vì lẽ đó mà việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa này, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh ngày càng cao của Nhân dân, cũng như góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trở thành nhiệm vụ đặt ra cho hậu thế.

Khu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài 2): Bảo tồn và phát huy giá trị di tích: Trách nhiệm của hậu thếLăng mộ Bà Triệu trên đỉnh núi Tùng. Ảnh: Trần Hằng

Tin liên quan:

  • Khu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài 2): Bảo tồn và phát huy giá trị di tích: Trách nhiệm của hậu thếKhu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài 1): Vẻ …

    Di sản văn hóa là tài sản vô giá, được tích lũy qua nhiều thế hệ và là biểu hiện sống động về sự đa sắc, giàu giá trị của nền văn hóa một dân tộc. Nằm trong hệ thống di tích quốc gia, Di tích quốc gia đặc biệt Đền Bà Triệu – với các giá trị về kiến trúc, nghệ thuật và cảnh quan sinh thái – được xem là minh chứng điển hình cho tinh thần sáng tạo và truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Quần thể di tích Đền Bà Triệu là những công trình kiến trúc mang ý nghĩa thờ tự. Bên cạnh giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, thì những vấn đề về nghệ thuật trang trí, cách thiết trí thờ tự và những vấn đề lịch sử còn được lưu giữ, đã góp phần “nâng tầm” giá trị văn hóa – lịch sử của di tích. Đồng thời, cũng đặt ra cho các nhà quản lý văn hóa, chính quyền địa phương và người dân trong vùng di sản nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho muôn đời.

Nhiều tài liệu lịch sử còn lưu giữ cho thấy, khu di tích (gồm đền thờ Bà Triệu, lăng mộ Bà Triệu, mộ ba ông tướng họ Lý, miếu Bàn Thề, đình Phú Điền và nghè Đệ Tứ) được xây dựng ở nhiều thời kỳ khác nhau, trải qua nhiều biến cố lịch sử nên di tích đã bị tàn phá nhiều lần; đồng thời cũng được trùng tu, tôn tạo qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Trong đó, có di tích còn bảo tồn được nhiều yếu tố nguyên gốc như đình Phú Điền; còn các di tích khác được phục hồi, tôn tạo lại như đền thờ và lăng mộ Bà Triệu, mộ ba ông tướng họ Lý…

Để tạo cơ sở pháp lý và khoa học cho việc phục hồi, tôn tạo di tích, năm 1979 Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận quần thể tưởng niệm Bà Triệu là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; đến năm 1996 công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đối với đình làng Phú Điền. Đặc biệt, ngày 28-7-2003, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Thông báo kết luận về việc lập quy hoạch và dự án đầu tư tôn tạo di tích Bà Triệu. Trên cơ sở hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư bảo quản, tu bổ và phục hồi quần thể di tích lịch sử Bà Triệu, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, do Văn phòng Tư vấn và Chuyển giao công nghệ xây dựng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội lập, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 247/QĐ-CT ngày 27-1-2004 về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư bảo quản, tu bổ và phục hồi quần thể di tích Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Từ đó đến nay, về cơ bản các hạng mục công trình của quần thể di tích đã được trùng tu, tôn tạo.

Sau khi được trùng tu, tôn tạo, đền thờ Bà Triệu là công trình bề thế, trang nghiêm bậc nhất trong quần thể di tích, bao gồm nghi môn ngoại, hồ sen, nghi môn trung, nghi môn nội, tiền đường, trung đường, hậu cung và hệ thống sân, vườn, nhà khách… Đối với lăng mộ Bà Triệu, trên cơ sở giữ nguyên hình dáng kiến trúc mộ và lăng cũ, thay đổi từ vật liệu gạch, trát vữa sang đá nguyên khối; đồng thời, bổ sung bàn thờ đá (thạch án), tôn tạo lan can bằng đá, đường lên núi, sân làm bằng đá tảng, trồng hoa, cây cảnh hai bên đường lên xuống. Còn khu mộ ba ông tướng họ Lý được tôn tạo lại trên cơ sở tuyệt đối tôn trọng vị trí lăng mộ cũ, chỉ thay vật liệu vôi vữa đơn giản bằng đá xanh; cũng như bổ sung một số hạng mục phụ trợ cho các hoạt động hành lễ như thạch án, lư hương, sân mộ, nhà che bia… Đối với miếu Bàn Thề, hiện chỉ còn bàn thờ lộ thiên xây bằng gạch trát vôi vữa, nền sân miếu và toàn bộ khu vực miếu vẫn trong tình trạng bị ngập về mùa mưa. Đối với đền Đệ Tứ, hiện chỉ còn một ngôi nhà thờ 2 gian xây kiểu cuốn vòm, nhưng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nên cần được trùng tu, tôn tạo lại. Ngoài ra, đình Phú Điền đã được người dân làng Phú Điền bảo vệ, gìn giữ và đóng góp tiền của, công sức trùng tu, tôn tạo để có được diện mạo cổ kính và giàu giá trị cả về kiến trúc nghệ thuật và văn hóa tâm linh như hiện nay.

Khu Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Đền Bà Triệu (Bài 2): Bảo tồn và phát huy giá trị di tích: Trách nhiệm của hậu thếĐường lên lăng mộ Bà Triệu đã được đầu tư xây dựng, thuận lợi cho các hoạt động lễ hội, tham quan vãn cảnh.

Chưa dừng lại ở đó, để Khu di tích Bà Triệu trở thành điểm đến văn hóa tâm linh lớn của xứ Thanh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4139/QĐ-UBND, ngày 19-11-2010, về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng văn hóa lịch sử của quần thể di tích Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, có quy mô 136 ha, với tính chất là khu tưởng niệm và tái hiện những hình ảnh, hoạt động gợi nhớ về Bà Triệu; đồng thời là công viên văn hóa của đô thị Bà Triệu. Cùng với đó, ngày 7-11-2012, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3667/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Bà Triệu đến năm 2020. Qua đó, quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng, gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, cảnh quan, dịch vụ môi trường. Đồng thời, tạo cơ sở cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng rừng đặc dụng, huy động sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào hoạt động bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng…

Để tiếp tục bảo tồn hiệu quả di tích quốc gia đặc biệt này, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa, các thông tư, nghị định, hướng dẫn về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa – danh lam thắng cảnh nói chung; tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục nghiên cứu các tài liệu, hiện vật và di tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Bà Triệu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đồng thời, tập trung nghiên cứu hệ thống các câu đối, đại tự, sắc phong, thần tích, truyện kể (xuất xứ, tác giả…), các hiện vật, tư liệu quý còn lưu giữ để phục vụ cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo nâng cấp khu di tích. Đặc biệt, cần bảo tồn và giữ gìn tối đa tính nguyên vẹn của các di tích gốc, cả về kiến trúc, cảnh quan cũng như hiện vật trong các di tích ở khu vực I; tiếp tục phục hồi cảnh quan ở khu vực II. Đồng thời, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan bảo vệ di tích, chính quyền địa phương và cơ quan chủ quản, đơn vị có liên quan khác trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Ngoài ra, để phát huy giá trị di tích, ngành chức năng, chính quyền các địa phương và các đơn vị liên quan cần tăng cường quảng bá hình ảnh di tích trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tái bản, xuất bản các tài liệu và các công trình nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, thân thế, sự nghiệp của Bà. Đặc biệt, chú trọng nâng cao vị trí của di tích trong mối liên hệ về lịch sử, văn hóa của Thanh Hóa và của cả nước. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, phát triển các tuyến tham quan du lịch nội tỉnh như: Đền Bà Triệu – thắng cảnh Hàm Rồng – quê hương nhà Trịnh – quê hương nhà Nguyễn – Lam Kinh – Thành Nhà Hồ; kết nối, mở rộng các tuyến du lịch trong nước và quốc tế…

Bài và ảnh: Trần Hằng

(Bài viết có sử dụng một số thông tin trong cuốn “Lý lịch di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa”).

Bài 3: Đình làng Phú Điền – công trình văn hóa tâm linh độc đáo.