Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười | Du lịch Mộc Hóa | Dulich24
các huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa và Tân Thạnh
Thắng cảnh được yêu thích tại Mộc Hóa, Long An
Mục lục bài viết
Giới thiệu Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười
Khu sinh thái Đồng Tháp Mười
Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười cách thị xã Tân An khoảng 50 km, thuộc các huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa và Tân Thạnh. Đây là khu du lịch sinh thái đặc trưng của Long An nói riêng và của Nam Bộ nói chung.
Ngược dòng Vàm Cỏ Tây, du khách sẽ đến được trung tâm Đồng Tháp Mười. Đến đây, bạn sẽ được tận mắt ngắm những cánh rừng tràm bạt ngàn, đầm sen rộng lớn mênh mông đơm bông khoe sắc dưới ánh mặt trời. Không chỉ có vậy, ở đây còn có rất nhiều động vật quý hiếm được bảo vệ như: sếu đầu đỏ, rùa rắn, thú… Cánh đồng có đầm nước mênh mông vô tận nơi đây từng là cảnh quay trong phim “Cánh đồng hoang” nổi tiếng.
Trong vòng tay thiên nhiên
… “Thời gian trôi đi, mọi sự trôi đi, chỉ còn lại mùi hương vĩnh cửu” – “slogan” của tiểu thuyết Perfume (và được chuyển thành bộ phim cùng tên). Cái tinh chất của mọi vật quyện lại trong mùi hương, theo cảm quan triết lý trong Perfume. Mùi hương trở thành sứ giả vượt khỏi ranh giới của hư vô. Tôi đã nhớ đến slogan ấy, khi một lần đặt chân đến một vùng sông nước đặc biệt. Tôi và bạn bè gọi cuộc đi này là hành-trình-đặt-tên. Hành trình để hiểu văn hóa của hương liệu. Ồ, hay thật.
Đồng sen Tháp Mười
Không xa Sài Gòn, chỉ ngoài trăm cây số để có thể vào ngày nghỉ cuối tuần làm một chuyến đi. Đến Tân An (Long An) rồi rẽ phải trên đường đi hướng về Mộc Hóa, đi khoảng 60km gặp bến đò, dừng lại. Xuống đò đi 20 phút là đến với “Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn dược liệu Đồng Tháp” (Remedica – Imexpharm), thuộc xã Bình Phong Lợi, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.
Hoa đào
Hoa đào
Làn gió mát rượi quyện vào hơi nước từ mặt sông bốc lên. Cơ duyên cho chúng tôi cùng đi với một nhóm sinh viên y khoa Pháp. Trên chiếc tắc ráng bằng composit, mà người dân tại chỗ gọi là “chiếc Dream của sông nước”, chúng tôi đang đến với khu rừng tràm gió nguyên sinh duy nhất tại Việt Nam. Tràm gió chứ không phải tràm cừ mà chúng ta quen gặp trong xây dựng.
Đón chúng tôi khi cập bến là dược sĩ Nguyễn Văn Bé, Giám đốc Remedica, được biết đến với danh xưng rất dân dã là “ông Ba đất phèn”.
Khu rừng tràm gió nhìn ngút ngàn, bao la những 800ha. Tràm “cajeput”, theo cách gọi của người Đức – nơi xa xôi châu Âu ấy có sản phẩm hương liệu bày bán trên thị trường quốc tế, hít vào thật sảng khoái. Hóa ra là nguyên liệu được lấy từ rừng tràm gió nơi đây! Thật lý thú. Nhiều người không hình dung là ở giữa đồng bằng lại có rừng nguyên sinh giữa vùng trũng nước.
rừng nguyên sinh giữa vùng trũng nước.
Ông Ba gọi “Đây là món quà quý giá nhất mà thiên nhiên ban tặng”. Trông “ông Ba đất phèn” không khác gì một nông dân. Hôm chúng tôi đến, ông Ba đang dẫn mấy cô cậu trẻ người Pháp, từ Đại học Y khoa Paris, tham quan vườn dược liệu và hương liệu. Ông mặc quần soọc, màu áo xám, nước da sạm nắng.
Ông bay đi nhiều nước Á, Âu, Mỹ để rong ruổi tìm hiểu thị trường, để trao đổi với đối tác. Vừa buông khỏi những cuộc làm việc hợp đồng sang trọng, ông Ba lại quần soọc mặc vào, lúc thì lặn vô rừng lúc thức trắng trong phòng thí nghiệm. Công việc của ông không tính được bằng giờ.
Chăm sóc nâng niu, ông Ba theo dõi từng thời điểm một trong ngày, lúc nào cây cho tinh dầu nhiều nhất, hoa lúc nào cho mùi thơm ngào ngạt nhất. Nơi đây, hiện có hàng trăm loại tinh dầu, gồm cả dược phẩm chữa bệnh và tinh dầu làm nước hoa cao cấp cho một số hãng danh tiếng của châu Âu.
Nói cách nào đó, số phận đã gõ cửa để “khai thị” cho ông hiểu được quyền năng của cỏ, của cây. Tốt nghiệp Đại học Y Dược TPHCM, ban đầu dược sĩ Bé không hề tin gì vào điều huyền diệu trong gìn giữ sức khỏe của cây cỏ thiên nhiên, ông cho đó là “chữa bệnh lang băm”.
Nhưng khi chứng kiến những tác dụng chữa bệnh thần kỳ của loại thuốc trị rắn độc cắn, nạn nhân sắp chết đến nơi mà chỉ cạy miệng bỏ thuốc giải vào là sống được. Thuốc được lấy từ cây cỏ của trời đất. Từ đó, ông từ bỏ tất cả để tìm hiểu những “bí ẩn” của thiên nhiên. Dược sĩ Bé vào rừng, trở thành… “ông Ba đất phèn”.
Trên một phần tư thế kỷ gắn đời mình trong vùng sâu nước phèn, rời đô thị Sài Gòn đầu những năm 1980, ông tìm tới vùng đất hoang vu Mộc Hóa (Long An) để nghiên cứu cây tràm gió Long An. Hiện nay, nơi này đã trở thành khu bảo tồn, ngoài 800ha rừng tràm gió còn có 21 loài thực vật bậc cao và gần như đầy đủ hệ động vật đặc trưng của Đồng Tháp Mười nguyên bản như cò, diệc, giang sen, cồng cộc, sếu…
Cách đây trên 20 năm, thiên nhiên đã ban cho vùng trũng nơi đây những 7.000ha tràm gió. Thời đó, cây tràm gió chưa được nhiều người nhận ra giá trị tuyệt vời, lại rơi đúng vào cao trào phát động “khai hoang”, ai… phá hủy, đốn ngã tràm gió được càng nhiều thì càng có thành tích, càng được khen thưởng! Lẽ ra mất hẳn, không còn sót lại 800ha như hôm nay “có được hộ khẩu trên đời” nếu không có ông Ba tìm cách “lách”, chấp nhận bị phê bình rát mặt. Ngày đó, ông Ba đã dám đi ngược một trào lưu ồ ạt, dám lội ngược dòng!
…Dọc ngang cơ man là những kênh rạch trong khu rừng, kênh rạch tự tạo, nối nhau thành mạng “huyết quản”, tổng cộng khoảng 4,5km. Ông Ba cho biết, nơi đây hình thành một “Vạn lý trường thành” để bảo bọc báu vật tràm gió – một bức thành không bằng đá gạch mà bằng… cây nối cây, cùng với hệ thống tháp canh.
Giữa rừng có một hồ nước rộng mênh mông đến 100ha, tạo nên một không gian sảng khoái của nước, của gió hòa quyện với nhau. Chúng tôi trông thấy ngôi Trường Tiểu học Hương Tràm khang trang. Té ra đây là trường vừa khánh thành, xây bằng tiền của khu bảo tồn Remedica cùng với một số “Mạnh Thường Quân” góp lại để trả nghĩa đối với người nông dân, cùng nhau chăm sóc thế hệ con cái nhà nông.
Căn phòng nằm nghỉ của chúng tôi có một mùi hương không tìm thấy ở nơi khác. Nhẹ nhàng, sảng khoái. Đó là hương liệu do Remedica tự chế, có tính chất tổng hợp, thành phần hương liệu ra sao còn… trong vòng bí mật. Không chỉ thế, còn cả hàng loạt hương liệu khác, đến cả trăm mùi. Du khách mang trong mình những nỗi lo toan đến đây như được tháo gỡ, quên đi, được xả stress.
“Tôi đã có những phác đồ điều trị chỉ bằng hương liệu, không uống thuốc”, ông Ba nói khi đưa chúng tôi vào tham quan laboratoire. Ngoài tràm gió, ở Remedica còn có một khoảnh rừng “Tràm Úc” rất lạ – thân cây là thân tràm nhưng “lá” thì lơi lả những “sợi” tựa như thông, theo cơn gió thoảng.
Ngồi trong khu tràm Úc, không gian tươi mát, trong khi bên ngoài rừng trời nắng chang chang. Đi một chút, gặp vườn cây. Không phải dược liệu để hái cây, lá, đem phơi khô làm thuốc. Mà lá ấy, cây ấy được qua một quy trình chế biến để cho ra tinh dầu hương liệu! Thủy xương bồ, cây nhàu, rau ôm, húng quế, rau má… rất đỗi thân quen, trải mình ra như tấm mền xanh bao la, mềm mại.
…Cái “hồn” của khu rừng của Remedica là tràm gió – tặng phẩm tuyệt vời đem lại sức sống sảng khoái cho con người. Rồi những búp sen đựng lấy những sợi trà, hứng sương đêm, đến sáng đem đổ vào ấm nước nóng pha trà, thật thơm nồng, ngòn ngọt mà thanh tao. Rồi lá sen non đi vào món ăn, thay cho bánh tráng để cuốn lấy cá lóc nướng. Rồi những con ong vò vẽ hiếm có, nhưng vẫn còn tồn tại nơi rừng tràm gió, cũng “hóa thân” thành tô cháo ăn ngọt và thơm kỳ lạ.
Thật thú vị cho một lần đến với khu rừng tràm như thế, trong vòng tay thiên nhiên, hào phóng và phong lưu.
Từ TP.HCM đi đường cao tốc đến Long An, rẽ phải theo quốc lộ 62 hướng về huyện Mộc Hóa chừng 50 km tới bến đò đoàn 2. Sau 45 phút đi đò, khách sẽ tới Trung tâm Nghiên cứu – bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười. Dân trong vùng gọi đây là “rừng thuốc”, bởi đi tới đâu cũng đụng cây thuốc chữa bệnh.
Vừa tới bìa rừng tràm, anh Hùng, tài công lái tắc ráng, vói tay ngắt một lá tràm vò nát rồi đưa lên mũi tôi kêu hít thử. Một mùi hương như dầu gió, hơi cay nồng bay lên làm tôi có cảm giác thông mát lên tới đỉnh đầu.
Từ cây tràm gió đến cây “chó đẻ”
Từ lâu, ai cũng biết dầu từ lá tràm dùng chữa bệnh cảm, ho, sổ mũi, nhức đầu… Nhờ sự hỗ trợ của TS Nguyễn Duy Cương (nguyên thứ trưởng Bộ Y tế) và dược sĩ Nguyễn Văn Én (nguyên giám đốc Công ty Dược liệu T.Ư 2), xưởng chế biến tinh dầu tràm đã ra đời tại trung tâm. Ngoài ra, giám đốc Nguyễn Văn Bé – gọi thân mật là Ba Bé – cho biết trung tâm đã chiết xuất thêm các loại tinh dầu khác như dầu sả Java, dầu trái chanh sần, dầu trái tắc, dầu rau om… dùng súc miệng, xông cảm, ngừa viêm xoang…
Theo anh Ba Bé, người Việt ta “sống trên đống thuốc, chết cũng trên đống thuốc”, bởi đi tới đâu cũng gặp cây cỏ có dược tính. Anh dẫn chứng: “Như cây cỏ cú mọc khắp nơi khiến dân làm rẫy rất bực mình vì khó diệt. Nhưng củ của nó hình tròn dẹt, màu đen, cỡ bằng hạt đậu đen, được đông y gọi là hương phụ, một vị thuốc quý có tác dụng điều kinh, trị các bệnh về máu huyết của phụ nữ”.
Câu chuyện về cây “chó đẻ” càng hấp dẫn hơn. Cây mọc hoang khắp nơi như cỏ, thân đứng, mềm, cao chừng 20 cm, lá hình răng cưa nên ông bà xưa còn gọi là cây chó đẻ răng cưa. Sở dĩ có tên “chó đẻ” là vì người ta quan sát thấy mỗi khi chó đẻ con thường tìm cây này để ăn. Trong y học, tên của cây này là diệp hạ châu.
Đại học Trung Dược ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã có báo cáo rằng diệp hạ châu giúp phục hồi chức năng gan và ức chế sao chép siêu vi B. Năm 1984, một nghiên cứu ở Trường đại học Dược Santa Catarina (Brazil) đã phát hiện một alkaloid của diệp hạ châu có tác dụng chống co thắt mạnh cơ vân và cơ trơn, do đó có hiệu quả điều trị sỏi thận, sỏi mật. Ở Việt Nam, diệp hạ châu được dùng sớm nhất tại Viện Đông y Hà Nội vào năm 1967 trong điều trị xơ gan cổ trướng.
Dĩ nhiên rừng thuốc của anh Ba Bé có hẳn một diện tích lớn trồng cây thuốc quý này. Hơn thế nữa, anh còn vận động bà con quanh vùng gom hái cây chó đẻ về bán lại cho trung tâm để có thêm nguồn sản xuất.
Thực phẩm sức khỏe
Trong hơn 1.000 ha đất của trung tâm, anh Ba Bé dành hẳn 25 ha trồng, lưu giữ nguồn gen các loại cây thuốc quý như: hà thủ ô, lạc tiên, bụp giấm, đinh lăng, tràm Úc, kim tiền thảo, ngải cứu, mù u… đặc biệt có cả bộ sưu tập chuối cau lửa mà anh cho rằng vài giống thuộc loại cực hiếm, như chuối cau sen (có bắp chuối giống bông sen). Có tới 83 loài thực vật trong khu bảo tồn được anh sưu tầm từ những chuyến đi thực địa, kể cả ra nước ngoài, chẳng hạn bạch đàn chanh gốc từ Brazil, sả Java…
Nhỏ vài giọt tinh dầu vào ly nước nóng trên bàn làm dậy mùi hương thơm lan tỏa khắp phòng, anh Ba Bé giải thích tinh dầu này chẳng qua là “rút gọn” nồi lá xông của ông bà xưa. Thay vì phải trùm mền giữ hơi xông thì chỉ cần ngồi trong phòng kín là đủ. Các cơ sở matxa xông hơi là khách hàng quan trọng của sản phẩm có giá chỉ 80.000 đồng/chai, tương đương 50 nồi lá xông. Hiện trên thị trường có bán các loại đèn tinh dầu dùng ở gia đình, mỗi đêm chỉ cần cho vài giọt tinh dầu vào đèn là có một không gian đậm mùi hương thiên nhiên rất dễ chịu.
Trong những ngày ở rừng thuốc, tôi có cảm giác các loại thức ăn, đồ uống đều có vị thuốc, chẳng hạn nước cây bụp giấm màu đỏ tươi chứa nhiều vitamin C và E dùng pha chế nước giải khát. Bữa cơm trưa toàn rau sạch mới hái như dây nhãn lồng, cải trời, đọt mướp… Cá thì bắt từ ao nuôi được giữ nguồn nước trong lành, đặc biệt không dùng thức ăn tăng trưởng.
Dùng cơm xong có kẹo ngậm sạch miệng được phối chế từ ba loại tinh dầu húng chanh, tràm trà, chanh sần. Thậm chí món rượu cũng là các loại rượu nhàu, ô môi, chùm ruột trị nhức mỏi, bệnh đường tiêu hóa, đẹp da… Riêng ly “cà phê đảm bảo ngủ ngon”, theo lời anh Ba Bé, thật ra là loại thuốc bột chiết xuất từ tinh chất cây lạc tiên, tên dân gian gọi là dây nhãn lồng, có tác dụng an thần, giải nhiệt, mát gan, chữa mất ngủ.
Tại khu trồng cây thuốc, anh Hùng cho tôi nhấm thử một bông vàng, nhỏ bằng ngón tay út. Một cảm giác tê tê lan từ đầu lưỡi ra vành môi trong gần 20 phút. Anh giải thích: “Đó là cây nút áo vì bông nhỏ bằng cái nút áo. Cây này dùng chế ra thuốc tê dùng cho gây mê”.
Ở đây anh Ba Bé có cách đặt tên thuốc rất ngộ nghĩnh nhưng dễ nhớ. Ví dụ như “tragutan” là kết hợp ba loại trà, gừng, tần (rau tần dày lá) trị cảm ho, viêm họng; hoặc “ninon” có nghĩa là nín nôn, chống ói mửa, lấy tinh chất từ củ gừng.
Nghỉ dưỡng trị liệu
Từ năm 2008, trung tâm mở thêm khu nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh. Trong những ngày nghỉ ở đây, khách được ăn theo chế độ dinh dưỡng vừa ngon miệng vừa giúp phục hồi sức khỏe, từ ly xirô bụp giấm để giải khát đến căn phòng được xông sẵn hương tinh dầu từ lúc khách mới vào.
Trong bữa ăn, khách được phục vụ các món “cây nhà lá vườn” đảm bảo sạch và rất thiên nhiên như cá lóc bông, heo rừng luộc, cá rô kho tộ, lẩu rắn… cùng các món rau rừng như cải trời, nhãn lồng, lá sen non…
Buổi sáng trời mát mẻ, anh Hùng lấy tắc ráng đưa tôi dạo chơi rừng tràm cùng lời căn dặn nên đi chân không. Tắc ráng lướt nhanh trên mặt nước, gió thổi rì rào, hương tràm thoang thoảng. Ở đây không có tiếng xe cộ ồn ào, không khói bụi, chỉ có tiếng chim kêu ríu rít, tiếng gà gáy. Đến khu vực “phim trường”, anh Hùng ghé vô kêu tôi lên bờ dạo chơi. Anh giới thiệu chỗ này là phim trường vì được đoàn làm phim Cánh đồng bất tận dựng cảnh quay. Tôi say sưa ngắm cảnh mà quên rằng mình không mang dép, chân vô tình đạp lên những cục đất lòn hòn dưới bờ kênh. Cứ vậy mà tôi đi bộ cả cây số.
Lúc lên tắc ráng anh Hùng mới nói: “Anh có nhớ lúc đi matxa xông hơi, có công đoạn đi bộ đạp sỏi không?”. Anh Hùng giải thích đó là cách trị liệu tác động lên gang bàn chân, nơi có nhiều huyệt đạo tác động lên não, làm giảm căng thẳng, phục hồi trí nhớ. Anh kể nhiều người bị gút, béo phì, huyết áp cao… khi đến “phim trường” này đều thích đi bộ chân không như vậy.
Thậm chí trung tâm còn tổ chức hẳn một chương trình “lao động trồng cây thuốc” cho những ai có nhu cầu được tham gia cuốc đất, nhổ cỏ, xách nước, tưới cây… cùng công nhân trong vườn. Hình thức lao động này giúp họ gần gũi với thiên nhiên, tăng tuần hoàn máu, xả stress, ăn ngon, ngủ yên, nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Cô Kim Cương, nhân viên phục vụ nghỉ dưỡng của trung tâm, kể tháng 10-2010 một phụ nữ khoảng 50 tuổi, thần sắc xanh xao vàng vọt đến đây một mình đem theo giá vẽ tranh. Bà ở đây khoảng ba ngày thì thú thật là bị ung thư máu, định vô đây sống những ngày cuối đời. Giám đốc trung tâm nghe vậy mời bà ở lại và cho thuốc điều trị, sau đó thấy bà khỏe ra, da dẻ hồng hào trở lại. Bây giờ bà đã bớt bệnh nhiều, thỉnh thoảng lại lên đây nghỉ dưỡng.
Trường hợp khác là mẹ của một người khách trẻ tên Trung ở Tân An (Long An), đã 82 tuổi, bị ung thư đại tràng, ăn uống không được, đưa vào đây nghỉ dưỡng và chờ lo hậu sự. Được hai tuần, bà ăn uống lại chút ít, đi đứng được. Bà được gia đình đưa về nhà, nay đã khỏe, chuyện hậu sự đành… gác lại.
Khoảng hai tuần một lần, gia đình lại đưa bà vào đây nghỉ dưỡng. Không khí trong lành chính là điều kiện tốt nhất giúp người bệnh hồi phục sức khỏe.
Bửu Toàn – Vĩnh Khang