Khung pháp lý về tiền ảo của một số nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
(Pháp lý) – Mỗi quốc gia có quy định về quản lý tiền ảo khác nhau. Tại các quốc gia như: Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản, Úc… các hoạt động liên quan đến tiền ảo được coi là hợp pháp. Trong khi đó, Trung Quốc, Ả Rập, Zambia, Indonesia, Bangladesh, Bolivia, Ecuador, Kyrgyzstan… đưa ra luật cấm tất cả các hoạt động liên quan tiền ảo.
Tại Việt Nam, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối giai đoạn 2021 – 2023. Do đó, việc tìm hiểu, nghiên cứu các quy định của một số nước đối với tiền là rất cần thiết để có thể rút ra bài học kinh nghiệm đáng quý trong định hướng cũng như xây dựng khung khổ pháp lý về tiền ảo ở Việt Nam.
Nhiều nước đã áp đặt các quy định pháp luật nhằm quản lý các đồng tiền ảo. (ảnh minh hoạ)
Nhiều nước đã áp đặt các quy định pháp luật nhằm quản lý các đồng tiền ảo…
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, một số quốc gia đã và đang tiến tới áp đặt các quy định pháp luật nhằm quản lý các đồng tiền kỹ thuật số. Điển hình như Mỹ – quốc gia có nhiều luật định liên quan đến tiền ảo nhất. Theo đó, năm 2013, Bộ Tài chính Hoa Kỳ phân loại bitcoin như là một loại tiền ảo phi tập trung có thể chuyển đổi. Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) đã phân loại bitcoin là một loại hàng hóa vào tháng 9 năm 2015 và cho phép các chứng khoán phái sinh tiền ảo được giao dịch công khai.
Theo Sở Thuế vụ Mỹ (IRS), Bitcoin bị đánh thuế như một tài sản. Sở Thuế vụ Mỹ quy định đánh thuế Bitcoin dưới danh một dạng tài sản ảo thay vì một loại tiền tệ chính thống. Bất kỳ giao dịch nào sử dụng Bitcoin sẽ bị đánh thuế dựa theo quy tắc tính thuế áp dụng với tài sản. Điều này đồng nghĩa các giao dịch liên quan đến Bitcoin phải được báo cáo đầy đủ về Sở thuế vụ, để phục vụ quản lý thuế.
Người đóng thuế tại Mỹ nếu bán hàng hóa đổi lấy Bitcoin phải thêm giá trị Bitcoin nhận được vào báo cáo thuế thu nhập hàng năm. Giá trị này được tính theo tỷ giá tại thời điểm người đóng thuế nhận được tiền ảo, hay tại thời điểm in trên hóa đơn bán hàng. Nếu Bitcoin được tích trữ dưới dạng vốn (tương tự như cổ phiếu, trái phiếu và các loại tài sản đầu tư khác), người nộp thuế Mỹ phải báo cáo đầy đủ lãi lỗ. Nếu đầu tư có lãi, thuế sẽ được thu tương tự như thu nhập đến từ cổ phiếu, trái phiếu và các loại tài sản đầu tư khác. Người nộp thuế không thực hiện những nghĩa vụ thuế với Bitcoin sẽ bị xử phạt theo luật định Mỹ. Sở thuế vụ Mỹ yêu cầu các giao dịch liên quan đến Bitcoin phải được ghi sổ sách để phục vụ quản lý thuế.
Tại Nhật Bản, từ năm 2016, Chính phủ Nhật Bản cũng đã công nhận tiền kỹ thuật số là một công cụ tài chính và cho phép thành lập các sàn giao dịch tiền điện tử; đồng thời, xây dựng khung pháp lý về tiền kỹ thuật số.
Theo đó, hoạt động kinh doanh và trao đổi tiền kỹ thuật số được điều chỉnh bởi Đạo luật dịch vụ thanh toán năm 2009 (sửa đổi, bổ sung năm 2016). Luật Dịch vụ thanh toán quy định tiền kỹ thuật số được hiểu là loại phương tiện thanh toán hợp pháp nhưng không phải là một loại tiền tệ.
Cụ thể, Điều 2 Khoản 5, Luật Dịch vụ thanh toán quy định: Tiền kỹ thuật số được hiểu là: Giá trị tài sản có thể được sử dụng làm khoản thanh toán cho việc mua bán, cho thuê hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ bởi những người không xác định và có thể chuyển nhượng qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử; Giá trị tài sản có thể trao đổi qua lại cho nhau bởi những người không xác định và có thể chuyển nhượng thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.
Theo Luật Dịch vụ thanh toán Nhật Bản, các công ty phát hành tiền kỹ thuật số lần đầu ra công chúng nếu thỏa mãn các điều kiện về giá trị tài sản được quy định tại Điều 2 Khoản 5 của Luật Dịch vụ thanh toán hoặc các công ty hoạt động cung cấp dịch vụ trao đổi tiền kỹ thuật số một cách thường xuyên sẽ phải đăng ký với Cục Tài chính ở địa phương mới được phép hoạt động kinh doanh dịch vụ trao đổi tiền kỹ thuật số.
Công ty cung cấp dịch vụ trao đổi tiền kỹ thuật số cũng phải tuân thủ theo các quy định của Chính phủ về nghĩa vụ cung cấp thông tin về phí, điều khoản và điều kiện của hợp đồng sử dụng dịch vụ trao đổi tiền kỹ thuật số phải được doanh nghiệp giải thích cho nhà đầu tư.
Đạo luật ngăn ngừa chuyển tiền trong tố tụng hình sự Nhật Bản quy định, các công ty cung cấp dịch vụ trao đổi tiền kỹ thuật số có nghĩa vụ kiểm tra danh tính của nhà đầu tư tiến hành mở tài khoản, lưu giữ hồ sơ giao dịch và thông báo cho cơ quan chức năng khi nhận ra giao dịch đáng ngờ.
Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) là cơ quan quản lý tài chính quốc gia chịu trách nhiệm giám sát, quản lý những hoạt động liên quan đến việc giao dịch, trao đổi tiền kỹ thuật số. Luật Dịch vụ thanh toán của Nhật Bản yêu cầu tất cả các trao đổi tiền kỹ thuật số phải được đăng ký theo giấy phép của FSA. Đồng thời, các công ty kinh doanh dịch vụ trao đổi tiền kỹ thuật số có nghĩa vụ lưu giữ hồ sơ kế toán về các giao dịch tiền kỹ thuật số tại doanh nghiệp và gửi báo cáo kinh doanh cho FSA vào khoảng thời gian cuối năm tài chính. Cơ quan Dịch vụ Tài chính có quyền thanh tra các doanh nghiệp và có thẩm quyền yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cải thiện hoạt động kinh doanh theo thời hạn luật định. FSA có thể hủy bỏ việc đăng ký kinh doanh trao đổi tiền kỹ thuật số hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp với thời hạn tối đa 6 tháng.
Pháp luật Canada cho phép sử dụng tiền kỹ thuật số, bao gồm Bitcoin. Theo Cơ quan tiêu dùng tài chính Canada, người tiêu dùng có thể sử dụng các loại tiền kỹ thuật số để mua hàng hóa và dịch vụ trên internet và trong các công ty chấp nhận tiền kỹ thuật số. Đồng thời, người tiêu dùng có thể mua và bán tiền kỹ thuật số trên các sàn giao dịch mở. Tuy nhiên, tiền kỹ thuật số, bao gồm Bitcoin, không được coi là tiền tệ hợp pháp tại Canada. Cụ thể, Đạo luật tiền tệ Canada năm 1985 định nghĩa tiền tệ hợp pháp là: Tiền giấy và tiền đồng do Ngân hàng Canada phát hành.
Về khung pháp lý thì Canada thông qua Đạo luật tài chính (Bill C-31), trong đó có quy định một số điều khoản liên quan đến tiền kỹ thuật số thông qua việc quy định các biện pháp ngăn ngừa rửa tiền và chống khủng bố tài chính. Theo đó, Khoản 1 Điều 29 Đạo luật Bill C-31 quy định: Hoạt động chuyển tiền kỹ thuật số được hiểu là việc sử dụng các thiết bị điện tử, thiết bị điện thoại hay bất kỳ máy tính nào để thực hiện truyền tải lệnh chuyển tiền, trong trường hợp sử dụng tin nhắn viễn thông liên ngân hàng thì chỉ bao gồm loại tin nhắn SWIFT MT103.
Như vậy, Luật Thực định Canada không công nhận tiền kỹ thuật số là tiền pháp định. Tuy nhiên, tiền kỹ thuật số được quy định là công cụ tài chính, do đó tiền kỹ thuật số có thể được sử dụng để thanh toán cho các giao dịch. Các quy định về thuế của Canada cũng áp dụng cho các giao dịch tiền kỹ thuật số. Theo cơ quan thuế của Canada thì việc sử dụng tiền kỹ thuật số để thanh toán cho hàng hóa hoặc dịch vụ được coi là một giao dịch trao đổi, do đó phải được đưa vào thu nhập của người bán hoặc người cung ứng dịch vụ để tính thuế. Vì vậy, bất kỳ khoản lãi hoặc lỗ nào từ việc sử dụng tiền kỹ thuật số để thanh toán cho hàng hóa hoặc dịch vụ đều phải được khai báo thuế.
Đồng thời, Đạo luật Bill C-31 không cho phép các ngân hàng mở tài khoản cho tiền kỹ thuật số dưới dạng dịch vụ chuyển đổi tiền nếu chưa được đăng ký. Cụ thể, các ngân hàng sẽ bị cấm mở và duy trì quan hệ ngân hàng đại lý với tiền kỹ thuật số dưới dạng dịch vụ chuyển đổi tiền mà chưa được đăng ký với Trung tâm phân tích báo cáo và giao dịch tài chính Canada.
Đặc biệt, mới đây nhất tại El Salvador, Quốc hội El Salvador ngày 9/6 thông qua luật công nhận tính hợp pháp của Bitcoin, khiến nước này trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số này. Tổng thống El Salvador Nayib Bukele phát biểu trên truyền hình rằng đạo luật công nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp sẽ có hiệu lực kể từ ngày 7/9 tới đây…
… tuy nhiên còn nhiều quốc gia tỏ ra thận trọng với loại tiền này
Điển hình nhất, Trung Quốc không thừa nhận bất kỳ loại tiền ảo nào là đồng tiền pháp định. Hệ thống ngân hàng không chấp nhận các loại tiền ảo và do đó không cung cấp các dịch vụ tương ứng.
Năm 2013, chính phủ định nghĩa bitcoin như một loại hàng hóa ảo và cho phép các cá nhân tự do tham gia việc mua bán trực tuyến bitcoin.
Tuy nhiên, ngay sau năm đó, các cơ quan quản lý tiền tệ – tài chính, trong đó có Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cấm các ngân hàng và các công ty thanh toán cung cấp các dịch vụ liên quan đến bitcoin.
Tháng 12/2017, Trung Quốc đã cấm các hoạt động phát hành lần đầu (Initial Coin Offerings – ICOs) tại một cuộc đấu thầu để bảo vệ các nhà đầu tư và hạn chế các rủi ro tài chính. Các nguyên tắc ICO cũng đã cấm các nền tảng giao dịch tiền ảo chuyển đổi đồng tiền pháp định thành tiền ảo và ngược lại; đồng thời cũng cấm các tổ chức tài chính và các công ty thanh toán cung cấp dịch vụ cho các hoạt động ICO và tiền ảo, bao gồm các dịch vụ mở tài khoản, đăng ký, mua bán, thanh toán và thanh khoản.
Các lệnh cấm này ngay lập tức khiến cho phần lớn các nền tảng giao dịch này phải đóng cửa, rất nhiều nền tảng đã phải chuyển ra nước ngoài. Cụ thể, theo PBOC, đến tháng 6/2018 có đến 88 nền tảng giao dịch tiền ảo và 85 nền tảng ICO đã rút khỏi thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc – một trong những quốc gia cấm tất cả các hoạt động liên quan tiền ảo
Mới đây, Trung Quốc tiếp tục ra thông báo siết chặt việc thanh toán qua tiền số, cấm các thể chế tài chính và các công ty thanh toán trong nước cung cấp dịch vụ liên quan đến loại tiền này.
Cụ thể, ba hiệp hội tài chính của Trung Quốc bao gồm Hiệp hội Tài chính Internet Trung Quốc, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc và Hiệp hội Thanh toán và Thanh toán bù trừ Trung Quốc đã yêu cầu các thành viên, trong đó có các công ty thanh toán trực tuyến và ngân hàng không cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền số cho khách hàng, như đăng ký, giao dịch và thanh toán.
Bên cạnh đó, các thể chế tài chính cũng bị cấm cung cấp các dịch vụ tiết kiệm, ủy thác hoặc cầm cố tiền điện tử và phát hành các sản phẩm tài chính liên quan đến tiền điện tử. Các công ty cũng được khuyến khích tăng cường giám sát các dòng tiền liên quan đến giao dịch tiền điện tử.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã đăng tải tuyên bố chung của ba hiệp hội trên vào ngày 18/5 vừa qua.
Ngoài ra, một số quốc gia như: Ả Rập, Zambia, Indonesia, Bangladesh, Bolivia, Ecuador, Kyrgyzstan… cấm tổ chức, cá nhân giao dịch mua bán, sử dụng Bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác trên lãnh thổ quốc gia…
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Tại Việt Nam hiện nay, việc sử dụng tiền ảo bị coi là bất hợp pháp. Tuy không cấm triệt để như Trung Quốc, nhưng chính phủ đã có nhiều quy định xử phạt các hoạt động liên quan đến việc sử dụng, phát hành tiền ảo. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2014 về thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2014 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Theo đó, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng tiền làm phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật.
Về biện pháp xử lý, theo quy định tại Nghị định số 96/2014 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả tiền ảo) sẽ bị xử phạt hành chính từ 150 đến 200 triệu đồng.
Từ năm 2018, những hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả tiền ảo) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tuy nhiên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối giai đoạn 2021 – 2023 cho thấy định hướng phát triển của Chính phủ đối với tiền ảo, bắt đầu thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với loại tiền này. Đây là một xu thế tất, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Thông qua việc tìm hiểm, nghiên cứu pháp luật của các nước trên thế giới mà cụ thể là Mỹ, Nhật Bản, Canada, Trung Quốc… trong việc quy định pháp luật và quản lí tiền ảo nói chung, có thể thấy rằng thế giới đang có những cách nhìn nhận cũng như quản lý tiền ảo theo cách riêng biệt của từng quốc gia. Có thể nhận ra rằng có 3 xu thế chính là: Cấm các giao dịch liên quan đến tiền ảo trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; Cho phép sử dụng, giao dịch tiền ảo nhưng quản lý chặt các trung gian giao dịch; Trung lập, chưa có động thái rõ ràng về tiền ảo.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia đã trang bị cho mình những quy định nhất định để nhằm bảo vệ người dùng hay gia tăng ngân sách của chính phủ như tiến hành đánh thuế giao dịch tiền ảo hay cho phép sử dụng tiền ảo nhưng dưới những quy định chặt chẽ.
Cho dù là dưới hình thức nào đi chăng nữa thì Việt Nam cần nghiên cứu và học hỏi cách quản lí của các quốc gia dưới góc độ tham khảo. Từ đó có thể rút ra một số kinh nghiệm trong vấn đề quản lí cũng như ban hành các quy định pháp luật về các loại tiền ảo.
Tuy nhiên, cho dù có ban hành các quy định liên quan đến tiền ảo như thế nào đi nữa thì cũng cần tuân thủ các vấn đề: Việc quản lí cũng như ban hành các quy định pháp luật về các loại tiền ảo đảm bảo thể chế hóa đường lối của Đảng; phù hợp với thực tiễn tình hình kinh tế – xã hội – chính trị của Việt Nam; phải đảm bảo sự đồng bộ của các quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung; phù hợp với quá trình Việt Nam hội nhập với pháp luật quốc tế, đảm bảo sự phát triển sâu và rộng trong một chỉnh thể phát triển với các quốc gia…
Xuân trường – Bùi Lộc