Kiếm 20.000 USD mỗi tháng nhờ máy đào Bitcoin cỡ nhỏ

Ahmad Abu Daher, 22 tuổi, cùng 40 người ngày đêm lắp ráp và bán hàng nghìn máy đào tiền số cỡ nhỏ, thu 20.000 USD mỗi tháng.

“Chúng tôi không ngủ. Chúng tôi không có thời gian nghỉ ngơi”, Daher, hiện ở Lebanon nói với CNBC. “Toàn đội làm việc 16 tiếng mỗi ngày, có khi lên tới 19 tiếng”.

Lebanon từng tự hào là nơi có nền tảng tài chính ngân hàng phát triển mạnh, thu hút giới thượng lưu trên thế giới. Nhưng đồng nội tệ ở đây đã mất hơn 95% giá trị kể từ năm 2019, lương tối thiểu giảm xuống còn 17 USD một tháng. Trong bối cảnh đó, những người như Daher đã nhảy vào lĩnh vực khai thác tiền điện tử để tăng thu nhập. Từ hai năm trước, anh và một người bạn bắt đầu với ba máy đào tiền số chạy bằng năng lượng thủy điện ở Zaarouriyeh, thị trấn cách Beirut khoảng 50 km.

Ahmad Abu Daher đang lắp đặt một dàn trâu cày tiền số. Ảnh: Ahmad Abu Daher

Ahmad Abu Daher lắp đặt một dàn “trâu cày” tiền số. Ảnh: Ahmad Abu Daher

Là kiến trúc sư, Daher và một số sinh viên đại học khác không thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Do đó, anh tự học các công việc khác nhau để nâng cao khả năng thích nghi, chủ yếu thông qua xem video trên YouTube.

Đã 26 tháng từ khi thành lập cửa hàng đầu tiên, Daher cho biết máy đào mini của anh đang hiện diện tại 400 trang trại tiền số trên toàn quốc, với từ 5 đến 100 máy mỗi nơi. Các cỗ máy hoạt động bằng thủy điện, năng lượng mặt trời và nhiên liệu hóa thạch.

Việc vận hành hệ thống giúp Daher thu 20.000 USD mỗi tháng đã trừ đi các chi phí, chủ yếu kết hợp việc bán máy, khai thác tiền số, tư vấn kỹ thuật và bảo trì các cỗ máy mà anh đã bán. Ngoài ra, một phần thu nhập đến từ mua bán tiền số.

Tận dụng máy đào cũ từ Trung Quốc

Tại Lebanon, không có nhiều nhà cung cấp “trâu cày”. Tháng 5/2021, khi Trung Quốc ra lệnh cấm khai thác Bitcoin, một lượng lớn máy cũ đã tràn vào với giá rẻ và Daher lập tức thấy cơ hội. Sau khi mua, anh tân trang và mang đến những khu vực có nguồn năng lượng dồi dào. Khoảng một nửa đặt tại dãy Chouf giàu thủy năng, phần còn lại rải rác khắp Lebanon và thung lũng Beqaa, gần với biên giới Syria.

Nicholas Shafer, một học giả của Đại học Oxford nghiên cứu về ngành khai thác tiền điện tử của Lebanon, đã đưa mô hình của Daher vào các bài nghiên cứu. Ông cho biết 40 nhân viên của anh này nhận lương từ 800 USD tới 4.000 USD tùy vị trí, cao gấp ít nhất 26 lần lương tối thiểu ở Lebanon.

Daher khai thác nhiều loại tiền điện tử như Litecoin, Dogecoin, Bitcoin, Ethereum Classic. Anh cũng lập trình để “trâu cày” tự động chuyển sang khai thác bất kỳ đồng tiền số nào có lợi nhất mỗi ngày. Để quản lý các cỗ máy từ xa, anh dùng phần mềm TeamViewer.

“Mỗi máy có thể khai thác nhiều loại tiền, mỗi đồng có các chương trình cụ thể của chúng. Có thể hôm nay đồng tốt nhất để khai thác là Bitcoin, ngày mai là Litecoin và ngày sau là Ethereum. Chúng tôi luôn luân chuyển để thu nhiều lợi nhuận nhất có thể”, Daher cho biết.

Với một số khách hàng, Daher chỉ đơn thuần là người trông coi máy móc và bảo quản, làm mát, cung cấp nguồn điện ổn định và truy cập Internet mạnh mẽ cho chúng. Đổi lại, anh nhận tỷ lệ phần trăm tiền điện tử khai thác được, hoặc nhờ khách hàng môi giới bán hoặc lắp đặt thiết bị cho người khác.

Không giống như các trang trại khai thác khổng lồ ở Texas (Mỹ) với hàng trăm nghìn máy đào nằm trong các tòa nhà có kích thước bằng nhiều sân vận động bóng đá, Daher triển khai hệ thống ở quy mô nhỏ hơn. Anh chia nhỏ việc khai thác ở những nơi như cửa hàng, tầng hầm và căn hộ, mỗi chỗ chỉ 10-20 máy.

Vấn đề năng lượng

Các loại tiền điện tử như Bitcoin, Dogecoin và Litecoin được tạo ra thông qua một quy trình được gọi là bằng chứng công việc (PoW), tốn nhiều năng lượng. Đây cũng là lý do khiến việc khai thác tiền số bị cấm tại một số nước như Trung Quốc.

Tại Lebanon, các khu vực gần sông vẫn có lượng điện lớn, dù ở thành phố thiếu điện nghiêm trọng. Đây là lý do mà những người như Daher chọn các vùng như Chouf và sông Litani.

Dù vậy, việc thiếu điện khiến chính phủ Lebanon phải vào cuộc. Vào tháng 1, cảnh sát nước này đã đột kích một trang trại khai thác tiền điện tử nhỏ ở thị trấn Jezzine, thu giữ và tháo dỡ nhiều “trâu cày”. Ngay sau đó, Cơ quan quản lý thủy điện sông Litani cảnh báo hoạt động khai thác tiền mã hóa “đang tiêu tốn năng lượng và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên”.

Daher thừa nhận một số người phải khai thác ‘”chui”, không trả tiền điện cho nhà nước, nhưng chỉ là số ít. “Chúng tôi đã họp với cảnh sát và không gặp bất kỳ vấn đề gì, bởi đa số sử dụng điện hợp pháp, không ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng”, anh nói.

Ngoài ra, anh cũng nghiên cứu xây dựng các thiết kế sáng tạo để tiết kiệm năng lượng. Mục tiêu tiếp theo là tạo ra một vòng lặp năng lượng khép kín cho các trang trại khai thác, tự chủ nguồn điện và không phụ thuộc lưới điện quốc gia.

Bảo Lâm (theo CNBC)