Kiểm định an toàn là gì? Quy định kiểm định an toàn thiết bị

Để hoạt động kiểm định an toàn thiết bị đảm bảo chất lượng và an toàn cho người lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH về danh mục các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Vậy quy định kiểm định an toàn thiết bị như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.

Kiểm định an toàn là gì?

Kiểm định an toàn hay còn gọi là kiểm định kỹ thuật an toàn là hoạt động kiểm tra, thử nghiệm của một đơn vị kiểm tra theo một quy trình nhất định nhằm đánh giá tình trạng an toàn của các loại thiết bị trong quá trình vận hành.

Ngoài ra, đối với những thiết bị có mức độ rủi ro cao, nếu xảy ra sự cố có thể ảnh hưởng đến tài sản, môi trường và đặc biệt là tính mạng con người. Vì vậy, việc kiểm định an toàn thiết bị là một điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, thiết bị phải được kiểm tra định kỳ (thời gian giữa 2 lần kiểm định sẽ phụ thuộc vào chủng loại và tình trạng của thiết bị).

Để đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất, thi công, việc kiểm định kỹ thuật an toàn đối với các thiết bị, máy móc là yêu cầu bắt buộc đối với mọi tổ chức/doanh nghiệp được quy định tại Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2019.

Vì sao phải kiểm định an toàn thiết bị?

Hiện nay, thiết bị, máy móc đã trở thành một phần không thể thiếu đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mọi tổ chức/doanh nghiệp. Nó đóng một vai trò vô cùng quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành không thể tránh khỏi việc các thiết bị máy móc xảy ra hư hỏng, tai nạn gây mất an toàn cho người lao động. Đây được xem là một trong những lý do cho việc kiểm định an toàn thiết bị, ngoài ra hoạt động này còn giúp doanh nghiệp:

  • Tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về luật pháp của Nhà nước trong hoạt động sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

  • Đảm bảo an toàn cho người lao động, người sử dụng, hàng hóa và tài sản trong quá trình vận hành thiết bị, máy móc

  • Dễ dàng phát hiện ra những vấn đề bất thường của thiết bị, máy móc từ đó đánh giá tình trạng hỏng hóc và có những biện pháp khắc phục, sửa chữa kịp thời

  • Tăng hiệu suất và năng suất lao động do thời gian làm việc của thiết bị, máy móc không bị gián đoạn

  • Giảm thiểu các trường hợp tai nạn lao động và các chi phí phát sinh khi thiết bị, máy móc vận hành không an toàn

  • Là bằng chứng pháp lý quan trọng cung cấp cho các đơn vị bảo hiểm cũng như khách hàng khi đánh giá

  • Góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp khi thiết bị, máy móc đã được đảm bảo an toàn lao động.   

Các hình thức kiểm định kỹ thuật an toàn

Kiểm định kỹ thuật an toàn được chia thành 3 loại, cụ thể như sau:

Kiểm định an toàn lần đầu

Theo quy định, sau khi lắp đặt xong thiết bị, máy móc (trước khi đưa vào vận hành) đều phải tiến hành kiểm định kỹ thuật an toàn đối với các thiết bị, máy móc, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động nhằm đánh giá tình trạng kỹ thuật an toàn của thiết bị, máy móc và vật tư đó trong suốt chu kỳ vận hành và trong mối quan hệ tổng thể của một quy trình sản xuất (nếu có).

Lần kiểm định này được gọi là kiểm định an toàn lần đầu và qua giai đoạn này chúng ta mới thẩm định xem các đối tượng đó có đáp ứng đủ điều kiện làm việc an toàn hay không.

Kết quả kiểm định phải được xác lập bằng văn bản xác thực của tổ chức/đơn vị có chức năng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép thực hiện.

Kiểm định an toàn định kỳ

Sau khi kiểm định lần đầu hết hiệu liệu lực thì các thiết bị, máy móc đang vận hành vẫn cần được đánh giá lại tình trạng an toàn về kỷ luật, những lần kiểm định tiếp theo được gọi là kiểm định định kỳ. Thông thường, thời kỳ gia hạn của kiểm định an toàn định kỳ sẽ ít hơn do có kiểm định lần đầu.

Kiểm định an toàn bất thường

Kiểm định an toàn bất thường là trường hợp kiểm định lần đầu hay kiểm định định kỳ vẫn còn hiệu lực nhưng phải tiến hành kiểm định lại. Hoạt động này diễn ra đột xuất và không theo một chu trình nhất định nào cả.

Kiểm định an toàn bất thường sẽ diễn ra trong các trường hợp sau đây:

  • Khi thiết bị, máy móc được sửa chữa hoặc nâng cấp khiến cho quy trình kỹ thuật hoặc quá trình vận hành có ảnh hưởng tới kỹ thuật an toàn thiết bị.

  • Khi thay đổi vị trí lắp đặt thiết bị, máy móc

  • Khi tạm ngưng hoạt động từ 12 tháng bắt buộc phải kiểm định trước khi đưa vào vận hành lại (Đối với các thiết bị, máy móc chịu áp lực)

  • Khi có đề nghị của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền

  • Khi có yêu cầu của đơn vị sản xuất, thi công: nếu họ thấy sự cần thiết phải kiểm định lại tình trạng kỹ thuật thiết bị, máy móc để đảm bảo an toàn lao động.

Quy định kiểm định an toàn thiết bị

Danh mục các thiết bị, máy móc bắt buộc phải kiểm định an toàn

Căn cứ theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ban hành ngày 15 tháng 05 năm 2016, quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động và Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH về việc ban hành danh mục các loại máy móc, thiết bị, vật tư bắt buộc kiểm định. Qua đó, các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng các loại thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động phải được kiểm định an toàn và dán tem trước khi đưa vào sử dụng.

Dưới đây là danh mục các loại thiết bị, máy móc cần thực hiện kiểm định an toàn được ban hành kèm theo Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH:

1. Kiểm định an toàn thiết bị nâng

  • Thang máy, thang cuốn, băng tải;

  • Cầu trục, cần trục;

  • Thiết bị nâng, xe nâng hàng, xe nâng người;

  • Pa lăng;

  • Kích thủy lực;

  • Vận thăng;

  • Tời điện, tời tay, tời thủ công trọng lượng trên 1000kg;

  • Hệ thống cáp treo;

  • Cầu trượt, công trình vui chơi công cộng…

2. Kiểm định an toàn thiết bị áp lực

  • Nồi hơi, lò hơi, nồi đun nước nóng;

  • Nồi gia nhiệt dầu;

  • Bình chịu áp, chai chịu áp;

  • Bồn chứa khí hóa lỏng(LPG);

  • Bồn chứa hóa chất, nguyên liệu hóa học;

  • Hệ thống đường ống dẫn khí: LPG, hệ thống lạnh, hệ thống y tế;

  • Hệ thống đường ống dẫn nước nóng, hơi nóng;

  • Hệ thống lạnh các loại…

3. Kiểm định an toàn thiết bị đo lường

  • Nhiệt áp kế

  • Nhiệt ẩm kế

  • Đồng hồ đo khí dân dụng

  • Van an toàn

  • Hệ thống chống sét, hệ thống nối đất tiếp địa an toàn…

 Xem chi tiết tại Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH:

Download thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH miễn phí tại đây 

Chi phí kiểm định an toàn

Giá kiểm định thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được thu theo biểu giá của Thông tư 41/2016/TT-BLĐTBXH ngày 11 tháng 11 năm 2016. Dựa trên công suất, tải trọng, thiết kế của thiết bị, sẽ được quy định giá kiểm định tối thiểu khác nhau.

Vi phạm quy định về sử dụng thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt

Trường hợp doanh nghiệp có sử dụng thiết bị, máy móc an toàn mà không tiến hành kiểm định sẽ bị xử phạt theo Điều 23, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP, cụ thể mức phạt như sau:

“Điều 23. Vi phạm quy định về sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động

Phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động như sau:

1. Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không khai báo với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại địa phương trong khoảng thời gian 30 ngày trước hoặc sau khi đưa vào sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

2. Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không lưu giữ đầy đủ hồ sơ kỹ thuật máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

3. Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm các quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trong sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động chưa được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng hoặc hết thời hạn sử dụng.

4. Từ 02 lần đến 03 lần tổng chi phí kiểm định máy, thiết bị, vật tư vi phạm (tính theo mức giá tối thiểu do cơ quan có thẩm quyền quy định) nhưng không thấp hơn 20.000.000 đồng và tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với hành vi không kiểm định trước khi đưa vào sử dụng hoặc không kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

5. Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tiếp tục sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã thực hiện kiểm định nhưng kết quả kiểm định không đạt yêu cầu”.

Quy trình kiểm định an toàn thiết bị, máy móc

Bước 1: Doanh nghiệp tiến hành đăng ký kiểm định với tổ chức kiểm định;

Bước 2: Ký hợp đồng kiểm định an toàn thiết bị;

Bước 3: Tổ chức kiểm định lập kế hoạch kiểm định;

Bước 4: Tiến hành kiểm định thiết bị, bao gồm:

  • Kiểm tra bên ngoài;

  • Kiểm tra bên trong;

  • Kiểm tra kỹ thuật thử nghiệm;

  • Kiểm tra vận hành.

Bước 5: Dán tem kiểm định lên thiết bị đã kiểm tra (nếu đạt yêu cầu);

Bước 6: Cấp kết quả cho khách hàng: Biên bản kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định cho doanh nghiệp.

Như vậy, kiểm định an toàn thiết bị là một hoạt động hết sức quan trọng và bắt buộc đối với hầu hết các tổ chức/doanh nghiệp Việt Nam. Hoạt động này không chỉ đảm bảo an toàn sức khỏe vệ sinh cho người lao động mà còn giúp cho doanh nghiệp bảo vệ tài sản cơ sở vật chất trước sự cố đáng tiếc xảy ra.

Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn hoạt động kiểm định an toàn thiết bị từ đó có kế hoạch quản lý thiết bị tốt và an toàn nhất. Nếu có điều gì thắc mắc hoặc muốn biết thêm về Quy định kiểm định an toàn thiết bị, hãy liên hệ ngay cho chúng tôi qua hotline 0976.389.199, email [email protected] hoặc để lại thông tin liên hệ để được hỗ trợ kịp thời nhất!

Ngày cập nhật: 03-12-2021