Kiến nghị kiểm tra thế chấp ô tô trước khi cấp đăng ký xe
Thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận được ý kiến phản ánh của một số ngân hàng hội viên liên quan đến việc quản lý tài sản bảo đảm là xe ô tô chưa được cấp Giấy đăng ký xe và xe ô tô đã được cấp Giấy đăng ký xe.
Theo đó, đối với xe ô tô chưa được cấp Giấy đăng ký xe, để tài trợ vốn cho khách hàng là các nhà phân phối hoặc đại lý bán xe ô tô, các ngân hàng được nhận tài sản bảo đảm là các lô xe ô tô chưa được cấp đăng ký.
Hiện nay, do chưa có quy định về cơ chế phối hợp quản lý các phương tiện giao thông cơ giới đã thế chấp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an đối với các xe chưa có đăng ký và thực hiện thủ tục cấp đăng ký lần đầu, nên các ngân hàng khi muốn tài trợ vốn cho các nhà phân phối hoặc đại lý bán xe thì phải tự tìm phương án để quản lý tài sản bảo đảm.
Các ngân hàng sẽ quản lý bản gốc các giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ đăng ký xe như bản gốc Tờ khai nguồn gốc xe ô tô nhập khẩu đối với xe nhập khẩu; Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, theo đó khách hàng sẽ chỉ có thể làm thủ tục xin cấp đăng ký sau khi đã được ngân hàng hoàn trả bản gốc các giấy tờ nêu trên.
Các ngân hàng cũng có thể thực hiện đăng ký thế chấp xe ô tô chưa có đăng ký tại Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm theo số khung, số máy của xe khi ngân hàng nhận được hồ sơ xe có đầy đủ thông tin.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư 58/2020/TT-BCA, cơ quan đăng ký thực hiện đăng ký phương tiện giao thông sử dụng cơ sở dữ liệu điện tử của các Bộ, ngành được kết nối. Các giấy tờ là căn cứ để cấp đăng ký, biển số xe theo quy định (giấy tờ nguồn gốc xe) được thay thế bằng dữ liệu điện tử.
Vừa qua, Tổng cục Hải quan cũng đã có Công văn số 14650/BTC-TCHQ ngày 30/11/2020 về việc khai và chia sẻ dữ liệu nguồn gốc phương tiện giao thông nhập khẩu. Theo đó, cơ quan Hải quan sẽ không xác nhận trên Tờ khai nguồn gốc xe ô tô nhập khẩu như trước.
Như vậy, việc đăng ký xe sẽ được thực hiện mà không cần đến bản chính các giấy tờ ngân hàng giữ làm hồ sơ tài sản bảo đảm. Bên thế chấp không cần phải giải chấp và nhận lại hồ sơ tài sản bảo đảm trước khi thực hiện việc bán, chuyển giao tài sản cho bên thứ ba.
Điều này khiến cho ngân hàng đang phải đối mặt với nguy cơ không thể quản lý được tài sản bảo đảm là xe ô tô chưa có đăng ký do các biện pháp quản lý hồ sơ gốc như trước đây đang bị vô hiệu hóa. Trong khi đó, việc đăng ký thế chấp xe ô tô tại Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm không bảo vệ được quyền của ngân hàng nếu không có sự phối hợp từ phía Cơ quan đăng ký xe.
Vấn đề này đang là vướng mắc chung của các ngân hàng nhận thế chấp xe ô tô chưa được cấp đăng ký dẫn đến khách hàng có cơ hội gian lận, trục lợi từ ngân hàng, từ người mua xe thông qua việc bán và làm thủ tục cấp đăng ký xe lần đầu mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Đối với xe ô tô đã được cấp Giấy đăng ký xe, theo quy định tại Điều 22 Thông tư 08/2018/TT-BTP đã được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 06/2020/TT-BTP hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản: Trường hợp có yêu cầu gửi thông báo thế chấp tài sản là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản gửi bản sao văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm kèm theo Phụ lục thông tin tài sản thế chấp là phương tiện giao thông đến cơ quan đăng ký quyền sở hữu tài sản (Cơ quan Cảnh sát giao thông). Sau khi nhận được văn bản thông báo kết quả tiếp nhận do Cơ quan Cảnh sát giao thông gửi đến, Trung tâm Đăng ký gửi văn bản thông báo kết quả tiếp nhận, giải quyết thông tin về tài sản bảo đảm đó cho người yêu cầu đăng ký.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, chưa có sự phối hợp tốt giữa Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Bộ Tư pháp và Cơ quan đăng ký quyền sở hữu tài sản của Bộ Công an. Do đó, thông tin thế chấp xe không được Cơ quan Cảnh sát giao thông lưu giữ đầy đủ kịp thời. Ngân hàng đang nhận thế chấp cũng không có đầy đủ tài liệu về việc tài sản đã áp dụng biện pháp “ngăn chặn” tại Cơ quan Cảnh sát giao thông. Việc này tạo cơ hội cho bên thế chấp cố tình vi phạm, trục lợi, ảnh hưởng đến việc thu giữ, quản lý tài sản bảo đảm mà ngân hàng đang nhận thế chấp hợp pháp.
Từ thực trạng đó, Hiệp hội Ngân hàng nhận định hiện trạng này có thể gây ra nguy cơ tranh chấp rất cao giữa các ngân hàng với người mua xe và/hoặc doanh nghiệp bán xe. Để hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn cho các ngân hàng nhận thế chấp là xe ô tô chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe và đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông) có văn bản chỉ đạo hướng dẫn các Cơ quan đăng ký xe trước khi cấp mới đăng ký xe; hoặc cấp lại đăng ký xe cần kiểm tra tình trạng thế chấp đối với xe ô tô trên hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm của Cục đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp.
Trường hợp xe ô tô được ghi nhận là đang thế chấp, Cơ quan đăng ký xe sẽ chỉ cấp đăng ký, biển số nếu có văn bản giải chấp hoặc văn bản chấp thuận của ngân hàng đang nhận bảo đảm.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đề nghị Bộ Công an sớm sửa đổi Thông tư số 58/2020/TT-BCA theo hướng bổ sung quy định về việc kiểm tra tình trạng thế chấp với xe ô tô trong trường hợp cấp mới đăng ký xe.