Kiến nghị nhiều giải pháp phát triển văn hóa

Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực. Đây cũng là một trong những điểm nghẽn lớn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. “Việc lựa chọn chủ đề và cách thức tổ chức Hội thảo cho thấy cách tiếp cận đúng đắn, khoa học và hiệu quả của Quốc hội trong tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước” – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh điều này tại Hội thảo Văn hóa 2022.

Tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” của Quốc hội một lần nữa được thể hiện rõ nét trong tổ chức Hội thảo Văn hóa lần này. Xác định rõ tầm quan trọng của thể chế, chính sách và nguồn lực đối với phát triển văn hóa, hội thảo đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rất sát sao, cụ thể. Và để chuẩn bị cho hội thảo, trong gần một năm qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tạp chí Cộng sản, tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan có liên quan tổ chức tham vấn các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, tổ chức có liên quan để nghiên cứu, khảo sát để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa.

Với ý nghĩa quan trọng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, nên hội thảo đã nhận được sự tham gia đóng góp tích cực của các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan tới lĩnh vực văn hóa. Sự đóng góp cộng hưởng đó đã giúp chúng ta hình dung rõ hơn bức tranh văn hóa khá toàn diện với những gam màu khác nhau. Đó là nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kế thừa, phát huy. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa nói chung và các lĩnh vực cụ thể của văn hóa nói riêng từng bước được hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Chủ trương của Đảng trên các lĩnh vực quan trọng của văn hóa đã được thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy văn hóa phát triển…

Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, các đại biểu cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Đó là vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Môi trường văn hóa bị “ô nhiễm” và có những diễn biến phức tạp. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Một số cơ chế, chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống xã hội. Công tác tổ chức thi hành pháp luật, chính sách về văn hóa vẫn là khâu yếu. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao…

Đánh giá những mặt đã làm được để kế thừa, phát huy. Nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế để từ đó đưa ra những giải pháp để tháo gỡ vướng mắc. Với sự tâm huyết, trách nhiệm, hàng loạt các giải pháp đã được các đại biểu hiến kế nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa trong thời gian tới. Theo đó, cần đẩy nhanh quá trình thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa. Xây dựng chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ văn hóa phù hợp, có trình độ chuyên môn cao, năng lực, phẩm chất bảo đảm ở tất cả các cấp. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho các hoạt động văn hóa. Tăng cường đầu tư cho văn hóa và đổi mới cơ chế đầu tư, tăng cường thu hút các nguồn vốn từ các ngành, lĩnh vực khác nhau cho phát triển văn hóa. Thời gian tới, Quốc hội cần sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa…

Những kiến nghị chính sách tại hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển văn hóa. Từ đó, giúp các cơ quan, tổ chức hữu quan sớm nghiên cứu để xây dựng, ban hành các quyết sách để phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.