Kinh doanh bãi giữ xe (đỗ xe) là gì? Điều kiện, thủ tục kinh doanh bãi đỗ xe?

Thưa luật sư, gia đình tôi có một mảnh đất gần khu dân cư. Hiện gia đình tôi không sử dụng nên muốn kinh doanh bãi đỗ xe cho những người trong khu. Vậy, gia đình tôi cần làm những thủ tục gì ạ? Mong luật sư giải đáp.

1. Kinh doanh bãi giữ xe (đỗ xe) là gì?

Bãi giữ xe là là một khu vực rộng lớn, trống trải được quy hoạch, xây dựng để dành cho việc đậu các loại xe. Thông thường, thuật ngữ này nói đến một khu vực chuyên dụng đã được giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình kiên cố hoặc bán kiên cố. Trong hầu hết các quốc gia nơi mà xe ô tô là phương tiện chủ yếu và quan trọng của giao thông vận tải thì bãi đỗ xe là một cơ cấu của tất cả các thành phố và khu vực ngoại ô, trung tâm mua sắm, sân vận động thể thao và các địa điểm tương tự thường có rất nhiều bãi đỗ xe ở khu vực rộng lớn.

Kinh doanh bãi giữ xe là việc người có nhu cầu để xe tại khu vực giữ xe và trả phí để được cung cấp chỗ giữ xe tại vị trí mà được phép kinh doanh bãi giữ xe

Theo quy định của Luật Đầu tư 2020, kinh doanh bãi đỗ xe không được liệt kê là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng việc vận hành và quản lý yêu cầu phải đảm bảo về an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy (các loại giấy phép con).

Bên cạnh đó, theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT, nếu cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh với quy mô lớn, kết hợp với các dịch vụ khác như: cho thuê xe, bảo trì, bảo dưỡng xe…thì cần phải đăng ký kinh doanh.

Trường hợp này, đơn vị kinh doanh có thể tuỳ thuộc vào quy mô của bãi đỗ xe, từ đó quyết định thành lập hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp.

2. Điều kiện, thủ tục kinh doanh bãi đỗ xe

Theo khoản 1 Điều 55 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT, cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh bãi đỗ xe phải đáp ứng các điều kiện bao gồm:

– Đảm bảo an ninh, trật tự; đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường;

– Đường ra, vào bãi đỗ xe phải được bố trí đảm bảo an toàn và không gây ùn tắc giao thông.

Như vậy, để kinh doanh bãi đỗ xe, cơ sở quản lý cần phải xin giấy phép an ninh trật tự và giấy phép phòng cháy chữa cháy.

Theo khoản 2 Điều Thông tư 12/2020/TT-BGTVT, trong quá trình kinh doanh, đơn vị quản lý, kinh doanh bãi đỗ xe phải tuân thủ các điều kiện sau:

– Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy, nổ tại bãi đỗ xe;

– Niêm yết công khai nội quy, giá các dịch vụ tại bãi đỗ xe, tên và số điện thoại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để chủ xe phản ánh, khiếu nại khi cần thiết;

– Bồi thường thiệt hại cho người gửi xe nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng phương tiện nhận gửi;

– Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Kinh doanh các loại dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này;

– Thu tiền trông giữ phương tiện;

– Không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bãi đỗ xe để đón, trả khách hoặc xếp dỡ hàng hóa, đóng gói, sang tải và bảo quản hàng hóa;

– Có quyền từ chối phục vụ đối với chủ phương tiện không chấp hành nội quy bãi đỗ xe.

Đối với quy trình đăng ký được cấp phép kinh doanh dịch vụ bãi đỗ xe, theo khoản 5 Điều 55 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT, Sở Giao thông vận tải sẽ tham mưu cho UBND cấp tỉnh tổ chức và quản lý hoạt động. Do đó, quy trình cấp phép và quản lý của mỗi địa phương là khác nhau và được quy định trong các văn bản nội bộ của từng địa phương.

Tóm lại, việc kinh doanh bãi đỗ xe không cần phải đăng ký kinh doanh. Trước khi thành lập bãi đỗ xe, cá nhân, tổ chức phải thông báo với Sở Giao thông vận tải nơi kinh doanh địa điểm đỗ xe.

3. Thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh bãi giữ xe

Việc đăng ký giấy phép kinh doanh bãi giữ xe tùy thuộc vào quy mô của việc trông giữ xe. Nếu giữ xe dưới hình thức tự phát nhận trông, giữ xe trong sân nhà mình nên nếu đây chỉ là hoạt động kinh doanh nhỏ, lẻ, có thu nhập thấp thì không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh nhưng nếu ở quy mô lớn hơn thì có thể đăng ký hoạt động nhưng nghiêm cấm cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại tại các khu vực, tuyến đường, địa điểm sau đây: Khu vực các trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng,…

Thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh bãi giữ xe được thực hiện như sau:

Bước 1: Lựa chọn hình thức kinh doanh bãi giữ xe phù hợp và soạn thảo hồ sơ, cụ thể như sau:

1. Đối với đăng ký hộ kinh doanh cá thể

– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;

– Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

– Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

– Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

2. Đối với đăng ký hợp tác xã

– Giấy đề nghị đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

– Điều lệ;

– Phương án sản xuất, kinh doanh;

– Danh sách thành viên, hợp tác xã thành viên; danh sách hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;

– Nghị quyết hội nghị thành lập.

3. Đối với đăng ký doanh nghiệp tư nhân

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

4. Đối với đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty.

– Danh sách thành viên.

– Bản sao các giấy tờ sau đây:

Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

5. Đối với đăng ký công ty cổ phần

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty.

– Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.

– Bản sao các giấy tờ sau đây:

Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

6. Đối với đăng ký công ty hợp danh

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty.

– Danh sách thành viên.

– Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên.

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể:

– Đối với các loại hình doanh nghiệp như công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân thì nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính

– Đối với hộ kinh doanh cá thể thì nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện

– Đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì nộp hồ sơ tại Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính.

Bước 3: Nhận kết quả là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bãi giữ xe với mã ngành 5229: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải.

Bước 4: Đăng ký kinh doanh bãi đỗ xe với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tùy thuộc vào quy định cụ thể về tổ chức, quản lý, công bố hoạt động của bãi đỗ xe trên địa bàn tỉnh.

4. Giấy chứng nhận an ninh trật tự được hiểu là gì?

Trước khi đi trả lời câu hỏi giấy chứng nhận an ninh trật tự thời hạn bao lâu thì cần phải nắm được khái niệm, bản chất của giấy phép này. Giấy phép an ninh, trật tự được hiểu là văn bản do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp cho các cơ sở kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện nhằm xác nhận các cơ sở kinh doanh đó đủ điều kiện về an ninh trật tự khi hoạt động. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành, nghề kinh doanh đều phải xin Giấy phép an ninh trật tự mà chỉ các ngành, nghề quy định tại Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP mới phải xin.

Như vậy Giấy phép an ninh trật tự không phải bắt buộc đối với tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nước ta. Chỉ những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật yêu cầu thì mới phải thực hiện thủ tục xin loại giấy phép này.

5. Khái niệm PCCC, giấy phép phòng cháy chữa cháy là gì?

Đối với trường hợp ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chủ kinh doanh bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện đó mới có thể tiến hành kinh doanh. Giấy phòng cháy chữa cháy là một điều kiện mà pháp luật bắt buộc phải có đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đặc biệt.

Phòng cháy chữa cháy là một tập hợp các giải pháp mang tính kỹ thuật. Có liên quan tới việc loại trừ; hạn chế tới mức tối thiểu các nguy cơ cháy nổ; hỏa hoạn; đồng thời nhanh chóng dập tắt khi đám cháy xảy ra; ngăn chặn cháy lan và xử lý thiệt hại về người và tài sản.

Giấy phép phòng cháy chữa cháy (tiếng anh: fire protection) là tài liệu pháp lý chứng minh đối tượng được cấp đã đủ điều kiện PCCC theo quy định của pháp luật. Đây là giấy phép con phổ biến được quy định về giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy; là một trong những điều kiện bắt buộc khi chủ đầu tư, chủ phương tiện thực hiện các thủ tục hành chính; liên quan đến hoạt động xin phép xây dựng, xin phép chế tạo hoặc hoán cải một số phương tiện.