Kinh nghiệm đi Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

1. Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam ở đâu?

Chỉ cách Hà Nội hơn 40km, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam là một phần thuộc khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Khu bảo tồn là nơi tái hiện đời sống sinh hoạt các tộc người trên khắp nước Việt Nam, được xây dựng trên một ngọn đồi nhỏ với nhiều thung lũng và hồ nước bao quanh. Chính vì thế địa hình nơi đây rất đa dạng, phong phú với nhiều cảnh quan đẹp phù hợp để du khách tới tham quan và du ngoạn, tìm hiểu về đời sống, văn hóa, phong tục của các dân tộc anh em.

Diện tích toàn khu cũng rất rộng rãi, thoáng đãng lên tới 1.500 ha thích hợp tổ chức những hoạt động giải trí tập thể. Nếu gia đình bạn có trẻ nhỏ, đây cũng là điểm đến lí tưởng trong những ngày lễ, hay cuối tuần giúp các bé được học hỏi thêm nhiều bài học thực tiễn thú vị.

2. Đường đi tới Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

 Bạn có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân và xe bus để tới làng văn hóa rất thuận tiện.

– Phương tiện cá nhân:

Từ Hà Nội đi thẳng hướng Đại lộ Thăng Long khoảng 36 km, tới khi nhìn thấy biển chỉ dẫn lối đi Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ở vòng xuyến, đi theo lối ra thứ nhất là tới nơi.

– Xe bus đi làng văn hóa các dân tộc:

Từ bến xe Mỹ Đình bạn có thể bắt các tuyến bus sau:

+ Tuyến 75: BX Yên Nghĩa – BX Hương Sơn, giá vé 25.000 đồng/lượt

+ Tuyến 71B: BX Mỹ Đình – BX Xuân Mai, giá vé 20.000 đồng/lượt 

+ Tuyến 71: BX Mỹ Đình – BX Sơn Tây, giá vé 20.000 đồng/lượt.

 ”

3. Giờ mở cửa và giá vé của Làng văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Giờ mở cửa là các ngày trong tuần từ thứ ba đến chủ nhật, kể cả các ngày lễ, tết (thứ hai hàng tuần không đón khách tham quan)

Thời gian: Sáng từ 8h00-11h00; chiều từ 13h-16h30′

Giá vé vào cổng làng văn hóa các dân tộc Việt Nam 2021 đang được niêm yết như sau:

– Người lớn: 30.000 đ/lượt

– Sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề: 10k/lượt

– Học sinh tại các cơ sở giáo dục phổ thông : 5k/lượt

– Miễn phí trẻ em dưới 6 tuổi hoặc chiều cao dưới 1m2

– Người trên 60 tuổi, người có khuyết tật nặng, người được hướng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa: giảm 50% mức phí

Lưu ý: để mua vé với giá miễn giảm cần mang theo giấy tờ xác nhận có liên quan.

4. Phương tiện di chuyển bên trong Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

– Phương tiện cá nhân: Nếu có phương tiện để chủ động tham quan bạn có thể thưởng thức hết phong cảnh cũng như không khí mới lạ nơi đây. Nếu điều điện sức khỏe cho phép, thậm chí bạn có thể chọn cách đi bộ vừa giúp rèn luyện thể lực lại tạo trải nghiệm đi bộ leo núi rất thú vị; một lưu ý là diện tích chỗ này rất rộng sẽ tốn nhiều thời gian đi lại.

– Dịch vụ xe điện: 

Vé được bán ngay tại cổng, chỗ quầy bán vé, chạy từ 8h00 đến 17h00, có điểm dừng đỗ chi tiết, và bạn có thể lên xuống bất cứ lúc nào mình muốn.

Ngày thường: 30.000 đồng/người lớn, 20.000 đồng/học sinh, sinh viên.

Cuối tuần (T6 – CN): 35.000 đồng/người lớn, 25.000 đồng/học sinh, sinh viên.

Thuê nguyên xe 13 chỗ: 450.000 đồng/giờ.

Để đặt trước các dịch vụ có thể truy cập địa chỉ: http://langvanhoa.com.vn/dich-vu-du-lich.htm

– Dịch vụ thuê xe đạp:

Xe đạp đơn: 30.000 đồng/buổi/xe (50.000 đồng nếu thuê cả ngày)

Xe đạp đôi: 50.000 đồng/buổi/xe (70.000 đồng nếu thuê cả ngày)

Lưu ý nhỏ là khi thuê, bạn sẽ phải đặt cọc 200.000 đồng/xe.

5. Giá thuê nhà sàn để lưu trú ở Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

Khi đi tham quan làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, thuê nhà sàn áp dụng cho khách nào đi theo đoàn đông, một khu nhà sàn có thể ở được 40 – 80 người, có phòng tắm, quạt, chăn gối đầy đủ, giá tính theo đầu người:

Người lớn: 100.000đ/người/đêm

Người già trên 60 tuổi, sinh viên: 70.000đ/ người/đêm

Học sinh (từ 06 – 18 tuổi): 50.000đ/ người/đêm

6. Chơi gì ở Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam?

Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam chia thành nhiều khu khác nhau, gồm các khu làng dân tộc, khu trung tâm văn hóa và vui chơi, giải trí, khu di sản văn hóa thế giới, khu công viên, khu cây xanh…. Dưới đây, là gợi ý về các điểm đến bạn có thể tham khảo:

Khu các làng dân tộc

Đây sẽ là điểm đến đầu tiên mà bạn nên tới ở làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Với diện tích 198,61ha, khu này được chia thành 4 cụm làng tương ứng với từng vùng miền. Được xây dựng theo thành quần thể tái hiện cấu trúc của làng bản dân tộc nước ta, với kiến trúc dân gian nhằm giới thiệu, bảo tồn cũng như phát triển.

Ở khu dân tộc, bạn sẽ được tham gia nhiều lễ hội văn hóa truyền thống được tái hiện, là dịp để du khách tận hưởng không khí sôi động và mang đậm bản sắc dân tộc, vùng miền như:

Chợ phiên Tây Bắc

Lễ hội cầu mưa của dân tộc Cor (Quảng Nam)

Lễ hội trỉa lúa của dân tộc B’râu (Kon Tum)

Lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang)

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)…

Khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí

Nằm ở khu vực trung tâm, kết nối cổng chính và các khu chức năng. Đây là trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa dân tộc.

Khu di sản thế giới

Đây là quần thể tái hiện lại những công trình kiến trúc nổi tiếng của thế giới như: Vạn lí trường thành, tháp Efffen, Kim tự tháp…

Khu công viên và bến thuyền

Khu vực này gắn với mặt nước hồ Đồng Mô và cổng B của làng văn hóa.

Một góc ở khu vui chơi tại làng văn hóa

Khu dịch vụ tổng hợp

Đây là khu phức hợp các dịch vụ du lịch tổng hợp, thể thao có quy mô lớn để khai thác không gian cảnh quan tự nhiên một cách hiệu quả.

Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô

Với không gian cảnh quan được sử dụng khai thác phát triển những hoạt động sinh thái phù hợp, đảm bảo môi trường cũng như phát triển du lịch bền vững.

7. Một số tip khi đi Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam

– Bạn có thể mang theo đồ ăn từ nhà đi, chú ý giữ gìn vệ sinh công cộng là được. Có nhiều khoảng trống, bãi cỏ, bóng cây, mang theo chút bạt ngồi nhâm nhi là ổn.

– Nếu muốn ăn uống tại đây, thì có khu ẩm thực ven hồ nằm trong khuôn viên làng, hoặc cơm trưa tại nhà hàng Dân Tộc, nằm ngay gần với Chùa Khmer với Tháp Chăm. Thực đơn chủ yếu là những món ăn của người dân tộc như: cá suối, lợn bản, gà nướng mật ong, trứng kiến, ong rừng, dê, ngỗng, cá…, ngoài ra còn có cả buffet nữa.

Nếu muốn mua quà kỷ niệm thì bạn hãy ghé đến khu làng dân tộc Tày, Thái hoặc một số quầy khác, bạn sẽ thấy họ bày bán nhưng sản phẩm thủ công như túi, ví, móc chìa khóa…., ngoài ra còn có một số món đặc sản làm quà: chè, mật ong, măng, miễn, sữa chua, lạp sườn nữa đấy…

– Nơi chụp ảnh “sống ảo”: Hầu hết mọi người tới đều muốn check-in chùa Khmer và tháp Chăm, 2 nơi này ngay cạnh nhau nên chỉ cần gửi xe 1 lần và vào chụp ảnh thỏa thích.

– Để chụp được nhiều ảnh đẹp, bạn nên đi sớm, vừa tránh nắng lại tránh được đông người.

Hi vọng một số chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có một chuyến đi chơi tới Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam với nhiều trải nghiệm thật thú vị và trọn vẹn!