Kinh nghiệm đi chợ nổi Cái Răng [2021]: Lịch trình + Chi phí

Trong văn hóa miền sông nước có một nét đặc sắc nổi bật đầy thú vị tự bao đời – văn hóa chợ nổi. Do đặc trưng của một vùng miền sinh hoạt đều dựa vào những con nước lên xuống để di chuyển, lưu thông và trao đổi hàng hóa, chợ nổi có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của người miền Tây Nam Bộ. Trong hành trình khám phá văn hóa miền sông nước, chợ Nổi Cái Răng là một điểm tham quan nổi bật không thể bỏ qua.

Chợ nổi Cái Răng – nét đặc sắc của miền sông nước

Du lịch chợ nổi Cái Răng

Chợ nổi Cái Răng nằm ở đâu?

Chợ nổi Cái Răng nằm trên địa phận quận Cái Răng, TP. Cần Thơ, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 166km về hướng Tây Nam, cách trung tâm thành phố Cần hơn 6km và mất khoảng 30 phút di chuyển từ Bến Ninh Kiều. Đây là một ngôi chợ nổi đặc trưng và nổi tiếng nhất nhì vùng sông nước miền Tây. Là điểm đến thường xuyên không thể bỏ qua của các tour du lịch miền Tây nhiều ngày và cũng là điểm đến hấp dẫn với rất nhiều du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu về văn hóa miền sông nước.

Nguồn gốc tên gọi

Chợ nổi Cái RăngChợ nổi Cái Răng

Tên gọi chợ nổi Cái Răng có xuất phát từ 2 nguồn gốc. Giả thuyết thứ nhất là tên gọi này bắt nguồn từ truyền thuyết có con cá sấu hung dữ bị giết chết, các phần cơ thể của nó bị xả ra, trôi dạt khắp nơi. Phần đầu thì gọi là Đầu Sấu, phần Răng thì gọi là Cái Răng.

Nguồn gốc thứ 2 thì cho rằng do ngày xưa, người Khmer bản địa ở khu vực chợ này thường bán một món gọi là cà ràng (là chiếc bếp lò có 3 ông táo). Người Việt sau khi đến đây sinh sống thì hay gọi trại đi, lâu dần gọi nơi đây là Cái Răng.

Chợ nổi Cái Răng bán gì?

hủ tiếu chợ nổi cái răngThưởng thức ẩm thực chợ nổi Cái Răng

Chợ nổi Cái Răng có nguồn gốc là chợ bán sỉ với rất nhiều ghe thuyền lớn bán các mặt hàng nông sản trên sông. Chợ mang nét đặc trưng chung của các ngôi chợ nổi ở miền Tây là nằm ngay ngã 3 sông (sông Hậu và nhánh sông Cái Răng), một vị trí nước không sâu không cạn để thuyền bè có thể dễ dàng neo đậu, di chuyển. Vị trí của chợ cũng nằm gần một ngôi chợ trên bờ và gần vựa trái cây lớn.

Trái cây ở chợ nổiTrái cây ở chợ nổi

Trước kia, chợ bán chủ yếu là các mặt hàng nông sản. Mỗi ghe sẽ chuyên bày bán một loại mặt hàng. Trong một giai đoạn của quá khứ, chợ đã trở thành nơi thu mua lúa gạo lớn nhất ở miền Tây của người Hoa Kiều. Tuy nhiên hiện nay chợ đã bán thêm ẩm thực, các món đồ gia dụng và những thứ thiết yếu cho cuộc sống trên sông. Khác với những chợ khác thì vào dịp Tết chợ thường ít hoạt động.

Món hủ tiếu ở chợ nổiMón hủ tiếu ở chợ nổi

Tại chợ nổi Cái Răng không chỉ có những chiếc thuyền ở Cần Thơ mà còn là của người từ những nơi khác đến mua hàng về. Đôi câu thơ của nhà thơ Huỳnh Kim đã mô tả hết những đặc điểm sinh hoạt của chợ nổi.

“Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng

Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn

Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng

Anh thương hồ Vàm Xáng Xà No”.

Đi chợ nổi Cái Răng như thế nào?

Từ thành phố Hồ Chí Minh đi chợ Nổi Cái Răng (Cần Thơ), bạn có thể đi bằng xe khách, xe ô tô du lịch tự lái, đi xe máy.

Nếu đi ô tô, bạn đi theo cao tốc Trung Lương. Cách đi như sau, từ TP. Hồ Chí Minh, bạn đi theo CT01 Cao Tốc Trung Lương > DT878> QL1A (đi qua Thị Xã Cai Lậy tỉnh Tiền Giang, đi qua Vĩnh Long) > QL91 > Cầu Cần Thơ > vào địa phận quận Ninh Kiều (bến Ninh Kiều). Tại đây bạn có thể tìm phòng khách sạn để nghỉ ngơi, sáng hôm sau ra bến tàu mua vé đi chợ nổi.

Nếu đi xe máy:

Bạn đi theo QL1A cũ (qua thành phố Mỹ Tho), đến cầu Mỹ Thuận> rẽ trái theo hướng Vĩnh Long để về Cần Thơ.

Xe khách:

Từ TP. Hồ Chí Minh đi Cần Thơ có nhiều xe khách, xe khởi hành theo nhiều khung giờ khác nhau. Bạn có thể đặt các xe như xe Thành Bưởi,Lộc Phát Limousine, Liên Hưng, Văn Lang và một số hãng xe khác.

Ngoài các cách trên, bạn thậm chí có thể đăng ký một tour du lịch miền Tây 2 ngày hoặc 3 ngày để tham quan. Các tour này đều có ghé thăm chợ Nổi Cái Răng, điểm nhấn của vùng sông nước miền Tây.

Mua vé đi chợ nổi Cái Răng tại bến Ninh Kiều

Bến tàu Ninh KiềuBến tàu Ninh Kiều

Nếu bạn đi du lịch tự túc thì có thể đến mua vé ngay tại bến tàu bến Ninh Kiều – điểm xuất phát của các tàu đi chợ nổi Cái Răng. Tại đây nếu bạn đi theo đoàn khoảng 10 – 15 người thì nên thuê hẳn luôn một thuyền. Giá từ 500.000đ – 800.000đ (tùy vào bạn trả giá được đến đâu).

Nếu đi du lịch một mình thì bạn cũng có thể tìm đoàn khác xin đi ghép hoặc đi ghép với những người cũng đi một mình như mình. Giá sẽ khoảng 30.000đ/ người (tùy số lượng người trên thuyền).

Đi thuyền trên chợ nổi Cái RăngĐi thuyền trên chợ nổi Cái Răng

Đi chợ nổi Cái Răng nên đi khi nào?

Chợ nổi Cái Răng bắt đầu hoạt động từ 5h30 – 9h sáng. Do đó bạn nên sắp xếp thời gian để đi chợ nổi trong khoảng thời gian này. Nếu như bạn muốn theo dõi những hoạt động của chợ nổi ngay từ lúc bắt đầu thì nên dậy sớm đi chợ từ 5h sáng.

Nếu bạn muốn quan sát chợ vào khoảng thời gian tấp nập đông đúc nhất thì nên đi lúc khoảng 5h30 (tàu xuất bến), đến nơi tầm khoảng 6h sáng.

Một thông tin thêm: Xưa kia chợ nổi hoạt động từ 2-3 h sáng. Sở dĩ như vậy vì đặc trưng của chợ là chợ bỏ sỉ. Đây là thời điểm các thương hồ đi lấy hàng về bán ở những nơi khác nên thường phải đi sớm. Lúc này chợ nổi Cái Răng đóng vai trò như một chợ đầu mối, chợ bán sỉ.

Về sau, các hoạt động du lịch tại đây diễn ra nhiều hơn nên chợ bắt đầu sinh hoạt với khung giờ từ 5h0 – 9h để phục vụ một phần lớn các hoạt động du lịch.

Chợ Nổi Cái Răng có gì hay?

Chợ nổi Cái RăngChợ nổi Cái Răng

Khởi hành đi chợ nổi Cái Răng từ 7h sáng, chúng tôi háo hức nhìn trên sông để tìm cho ra những cây bẹo, con thuyền chở đầy sản vật từ xa.

Đến chợ nổi Cái Răng, bạn sẽ thấy vô số tàu thuyền cũng nhưng cây bẹo treo lủng lẳng những hoa củ quả của chính miền đất này. Đây cũng là nơi để bạn thưởng thức đặc sản hủ tiếu lắc và Cà phê kho, lắng nghe đờn ca tài tử trên sông, thưởng thức nhiều loại trái cây mát ngọt tại chỗ…

Độc đáo “cây bẹo” trên thuyền ở chợ nổi Cái Răng

Có một “biểu tượng” độc đáo dễ dàng nhận thấy trên chợ nổi Cái Răng đó chính là cây bẹo (cây sào) ở đầu mỗi mũi thuyền. Trên đầu mỗi cây bẹo thường treo một món nông sản là món sản vật mà thuyền bán.

Cây bẹo là một biểu tượng chung mà hầu như chợ nổi miền Tây nào cũng sử dụng. Nhìn lên cây bẹo treo gì thì thương hồ sẽ biết ngay thuyền đó bạn gì, để trao đổi hàng hóa rất nhanh chóng.

Các sản vật trái cây mát ngọt

Thuyền bán trái cây ở chợ nổi Cái RăngThuyền bán trái cây ở chợ nổi Cái Răng

Ngoài những trải nghiệm trên, tại chợ nổi Cái Răng, bạn cũng sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều món trái cây ngọt lành như xoài, dâu, dứa (thơm), dưa hấu, cam, chuối, bưởi, dừa, măng cụt, mãng cầu… Mùa nào thức nấy, cho thấy các sản vật phong phú của miền Tây, từ các vựa trái cây nặng trĩu quả gần đó.

Một ghe bán khómMột ghe bán khóm

Nhắc đến hình ảnh này thì ta mới nhận ra rằng, tất cả các chợ nổi trên sông ở xứ bưng biền này đều có vị trí nằm gần các vựa trái cây, để từ đó là nơi trung chuyển nguồn nông sản này đến một nơi khác.

Trái cây chợ nổiTrái cây chợ nổi

Chợ ẩm thực trên sông

Thưởng thức hủ tiếu ở chợ nổiThưởng thức hủ tiếu ở chợ nổi

Đến chợ Nổi Cái Răng, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức các món ăn trên sông, rất thú vị. Về các món ăn sáng thì có hủ tiếu lắc, cà phê kho, các loại phở, chè, nước ngọt… đôi khi bạn còn thấy có cả quán nhậu trên sông.

Khi có thuyền du khách đến, các thuyền nhỏ sẽ len lỏi và dừng lại bên thuyền lớn. Một cô chủ quán sẽ lấy sợi dây thừng móc vào thuyền lớn để neo giữ thuyền nhỏ (của mình) và bắt đầu rao hàng. Chỉ 1 phút 30 giây, du khách đã có một tô hủ tiếu, 1 ly chè mát hay một mớ trái cây tươi ngon  gọt sẵn để thưởng thức.

Đặc sản hủ tiếu lắc và Cà phê kho

Đến chợ nổi Cái Răng, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức đặc sản hủ tiếu và cà phê kho. Đây là 2 món đặc sản độc đáo sinh ra từ đặc trưng văn hóa sông nước.Nói về sự ra đời của “Hủ tiếu lắc” thì đó là vì mỗi khi ghe thuyền bán hủ tiếu dừng lại, khách mua một tô hủ tiếu ăn ngay ở đấy. Không có bàn ghế như ở trên bờ, món hủ tiếu này ngồi trên thuyền chao đảo, lắc qua lắc lại, người ta gọi là hủ tiếu lắc.

Hủ tiếu và cà phêHủ tiếu và cà phê

Với món đặc sản hủ tiếu lắc, ngày xưa người ta dùng tô sành và đợi khách ăn xong thì nhận tô lại. Ngày nay để tiết kiệm thời gian, người ta làm tô nhựa để mang đi.
Còn về món “Cà phê kho” độc đáo thì sự ra đời của nó cũng rất thú vị. Chuyện là khi bán cà phê ở dưới sông, khúc nào gió cũng nhiều, cà phê chế ra rất mau nguội, do đó người ta sẽ có 1 cái bếp (giống 1 cái siêu sắc nước) và đun củi với lửa liu riu đẻ giữ nóng cà phê. “Cà phê kho” cũng là một món quen thuộc của cộng đồng người Hoa nếu bạn từng lang thang các quán này ở Sài Gòn.

Đờn ca tài tử trên sông

Điểm đặc biệt của chợ nổi Cái Răng là gần đây, vào cuối tuần (thứ 7, chủ nhật) sẽ có một thuyền đờn ca tài tử đi dọc trên sông để biểu diễn phục vụ bà con cũng như du khách. Đây là đoàn của sở văn hóa thể thao và du lịch Cần Thơ. Nếu đoàn nào có mong muốn thuê để phục vụ riêng thì cũng có thể liên hệ.

Đờn ca tài tử là một món ăn tinh thần truyền thống không thể thiếu của người dân Tây Nam Bộ từ xa xưa.

Cảnh sinh hoạt thú vị đặc trưng miền sông nước

Thuyền ghe tấp nập ở chợ nổi Cái RăngThuyền ghe tấp nập ở chợ nổi Cái RăngKhung cảnh bên bờ sôngKhung cảnh bên bờ sông

Không chỉ xem được khung cảnh sinh hoạt của một ngôi chợ nổi như thế nào, du khách đến chợ nổi Cái Răng sẽ có dịp đi thuyền dọc dòng sông Hậu tầm 6km. Trên đường đi, bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên thú vị của vùng đất này. Những tiếng ghe xuồng nổ máy, tiếng nước vỗ mạn thuyền, những cơn gió mát rượi phả vào da tóc… sẽ cho bạn cảm nhận một sự thanh thản, nhẹ nhàng đang hiện diện.

Thỉnh thoảng, bạn sẽ nhìn thấy một vài đám lục bình dập dềnh từ xa kéo tới trên con nước phù sa đục ngầu. Những ngôi nhà nổi bám vào nhau trên sông, rồi đến cả trạm xăng dầu, xưởng gỗ cũng nằm trên những ngôi nhà nổi  hai bên bờ sóng nước… Người dân dù sống ở mảnh đất nào, họ cũng học được cách thích nghi và biến mảnh đất nhọc nhằn thành nơi sinh tồn thuận lợi.

Du khách chụp hình ở chợ nổi Cái Răng

Hiện nay, những người dân buôn bán trên chợ nổi đang có xu hướng di chuyển lên bờ sống, đây là một cách cải thiện đời sống sinh hoạt của bà con. Tuy vậy cũng chính xu hướng này sẽ làm nền văn hóa chợ nổi dần dần đi vào mai một. Trước thực trạng đó, ngành du lịch Cần Thơ đã có những biện pháp hỗ trợ cho những hộ gia đình đang buôn bán trên sông có điều kiện thuận lợi để con cái học hành hay nhiều điều kiện thuận lợi khác.