Kinh nghiệm du lịch Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam thú vị – BlogAnChoi
Ngay gần Hà Nội có một địa điểm du lịch lý tưởng giúp bạn có thể hòa mình vào cuộc sống văn hóa của người dân tộc miền núi mà không cần phải đi tới những vùng miền xa xôi nữa, đó chính là Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. Cùng BlogAnChoi xem qua Kinh nghiệm du lịch Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam ngay nhé!
Mặc dù mùa tết đã kết thúc nhưng một mùa lễ hội đặc sắc vẫn còn chờ đợi bạn ở phía trước. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà, vì thế, hãy cùng khám phá Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam để có thêm nhiều trải nghiệm thú vị nhé!
Mục lục bài viết
Thông tin cần thiết về Làng Văn hóa
Vị Trí
Có địa chỉ tại Cổ Đông, Ba Vì, Hà Nội, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam chỉ cách thủ đô đất nước khoảng 40km về phía tây. Bạn có thể xem địa chỉ khu du lịch trên Google maps tại đây.
Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam nằm trong khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Khu du lịch có vị trí xây dựng trên ngọn đồi nhỏ gồm nhiều hồ nước, địa hình nơi đây trở nên vô cùng đa dạng, tạo sự thích thú cho khách tham quan.
Giá vé
Du khách tham quan làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ có giá vé vào cửa như sau:
- Người lớn: 30.000đ/lượt/người.
- Sinh viên: 10.000đ/lượt/người.
- Học sinh: 5000đ/lượt/người.
- Miễn phí trẻ em dưới 6 tuổi.
Giờ mở cửa
- Ngày mở cửa từ thứ ba tới chủ nhật hàng tuần, kể cả ngày nghỉ và lễ tết.
- Giờ mở cửa vào buổi sáng từ 8h đến 11h và buổi chiều từ 13h đến 16h30.
Thời điểm thích hợp đi thăm Làng văn hóa
Để có thể trải nghiệm được không khí sôi động cũng như những lễ hội ở Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc thì cuối tuần là thời gian thích hợp nhất trong tuần dành cho du khách tới tham quan.
Trong một năm, nơi đây thường được chọn làm địa điểm tổ chức các hoạt động kỷ niệm lớn. Để có thể thấy được nét đặc sắc và hấp dẫn nhất của khu du lịch đặc biệt này, bạn nên tổ chức một chuyến đi vào đầu xuân hoặc tháng 4 và tháng 5.
Những ngày đầu năm là thời gian mà Làng tổ chức nhiều hoạt động kỉ niệm cùng các lễ hội dân gian nhằm giới thiệu, quảng bá, giao lưu văn hóa dân tộc vùng cao. Cùng dịp với ngày lễ 30/4-1/5, Làng văn hóa cũng tổ chức rất nhiều lễ hội truyền thống để kỉ niệm ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) và ngày sinh của Bác Hồ (19/5).
Phương tiện đi lại đến Làng văn hóa
Xe máy, ô tô cá nhân
Xuất phát từ Hà Nội, đi dọc 36 km đại lộ Thăng Long cho đến khi gặp biển chỉ dẫn lối vào Làng văn hóa. Theo biển chỉ dẫn, bạn có thể dễ dàng đi vào khu du lịch. Bạn có thể đi theo chỉ dẫn tại đây.
Xe buýt
Khi di chuyển từ Hà Nội tới Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, bạn có thể đến bến xe Mĩ Đình bắt các tuyến xe buýt sau:
- Xe số 75: Yên Nghĩa – Hương Sơn với giá vé 25.000đ/lượt.
- Xe số 71B: Mỹ Đình – Xuân Mai với giá 20.000đ/lượt.
- Xe số 71: Mỹ Đình – Sơn Tây có giá 20.000đ/lượt.
Máy bay
Với du khách xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng có thể đặt vé tới sân bay Nội Bài tại Hà Nội để di chuyển tiện lợi và nhanh chóng. Sau khi tới Hà Nội, bạn nên bắt xe buýt từ Hà Nội lên Sơn Tây theo tuyến xe đã đề cập ở trên hoặc bạn có thể tự thuê xe hoặc đi xe cá nhân và khởi hành theo tuyến đường đã được hướng dẫn. Đặt vé máy bay từ Đà Nẵng và Sài Gòn ra Hà Nội tại đây.
Phương tiện di chuyển bên trong Làng Văn hóa
Phương tiện cá nhân
Khi đi tham quan bên trong Làng Văn hóa, để có thể thưởng thức hết phong cảnh cũng như không khí mới lạ nơi đây, bạn có thể chọn cách đi bộ. Vừa giúp rèn luyện thể lực vừa tạo trải nghiệm đi bộ leo núi rất thú vị.
Tuy nhiên vì diện tích làng quá rộng, để không tốn nhiều thời gian, khi di chuyển từ khu vực này đến khu vực khác, bạn có thể sử dụng phương tiện cá nhân như xe máy hoặc ô tô.
Dịch vụ xe điện
Hiện tại, Làng Văn hóa đã tổ chức thêm dịch vụ xe điện nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan mang lại sự hiện đại, tiện lợi mà thân thiện với môi trường. Đây thực sự là loại hình dịch vụ không thể bỏ qua khi tới đây.
Dịch vụ này được xây dựng với quy mô lớn gồm 20 chiếc xe điện 10-12 chỗ hoạt động hàng ngày từ 8h đến 17h. Giá vé hợp lí với lịch trình tham quan rõ ràng. Giá mỗi chuyến trung bình từ 20.000đ – 35.000đ/người, miễn phí cho trẻ em.
Dịch vụ homestay
Nhà sàn dân tộc
Với kiến trúc không gian yên tĩnh phù hợp cho giải trí và nghỉ ngơi, nhà sàn sẽ là trải nghiệm thú vị và không thể bỏ lỡ của khách tham quan.
Mỗi nhà sàn chứa được 40 – 80 người, có điện nước đầy đủ, nhà tắm và chăn đệm sạch sẽ. Giá thuê của nhà sàn dao động từ 50.000đ – 100.000đ/người/đêm.
Nhà dịch vụ làng III
Tại Khu làng III, khu nhà dịch vụ được xây dựng hiện đại nhằm phục vụ cho khách tham quan ở lại nghỉ ngơi và tổ chức các hội nghị, hoạt động sinh nhật, vui chơi. Với kiến trúc 2 tầng, khu nhà có thể chứa tới 200 người với nhiều phòng ngủ, nhà vệ sinh khép kín,đầy đủ điều hòa, nóng lạnh và có cả bồn tắm.
Với vị trí khá thuận lợi, phía trước là quần thể tháp Poklongarai của người Chăm, phía sau là khu nước Đồng Mô thơ mộng, tại đây, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu và tạm quên đi những ồn ào nơi thành phố náo nhiệt.
Các hoạt động trải nghiệm và giải trí tại Làng văn hóa
Tham gia các hoạt động ca múa nghệ thuật
Đến với làng Văn hóa, không chỉ ngắm nhìn các công trình kiến trúc và không gian văn hóa các dân tộc miền núi, bạn còn có thể hòa mình vào các hoạt động nghệ thuật múa hát nơi đây.
Trải nghiệm các lễ hội dân tộc, các nghi lễ, phong tục truyền thống sẽ giúp bạn hiểu thêm về cuộc sống của những người dân miền núi.
Trò chơi dân gian
Ngoài việc tham gia, tìm hiểu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đời thường của các dân tộc như Tày, Dao, Mường, Thái,… Du khách còn có thể tự mình trải nghiệm nhiều loại hình dân ca, dân vũ và các trò chơi dân tộc như:
Ném còn
Ném còn là trò chơi truyền thống của người Thái. Trò chơi này được tổ chức quanh năm tại Làng Văn hóa và được chơi nhiều nhất là tại các khu làn của người Thái, người Lào.
Trò này nhìn có vẻ dễ nhưng lại không có mấy ai thắng được. Người chơi sẽ cầm sợi dây vải đã buộc quả còn quay nhiều vòng rồi tung lên ném qua vòng tròn ở trên cây nêu cao 15m đã được dựng ở giữa bãi sân rộng. Ai ném được qua vòng tròn sẽ xem là người thắng cuộc và sẽ nhận được nhiều may mắn.
Nhảy sạp
Nhảy sạp là trò chơi mang đậm màu sắc Tây Bắc. Đến với khu làng của người Tây Bắc, bạn sẽ được trải nghiệm loại hoạt động thú vị này. Cùng hòa mình vào điệu múa sạp cùng những cô gái Tây Bắc không hề khó như bạn thấy, chỉ cần nhảy đều qua những thanh tre theo nhịp đập là bạn đã có một điệu múa hoàn hảo.
Đánh đu
Đánh đu không phải là trò chơi của riêng dân tộc nào, nó là trò chơi dân gian mỗi độ xuân về của người Việt có từ thế kỉ 12, như hiện nay gần như đã bị quên lãng. Để có thể trải nghiệm trò chơi truyền thống này, bạn có thể lên Làng Văn hóa vào mỗi dịp xuân về để thử một lần nhé!
Với 5 – 6 cây tre đựơc dựng làm trụ, 2 cây dùng làm cán đu, có thể lên 1 người hoặc 2 người, chỉ cần nhún mạnh thì đu càng lên cao từ bên này sang bên nọ, tạo cảm giác kích thích khá mạnh.
Đi cầu kiều
Đi cầu kiều cũng là một trò chơi dân gian rất được khách du lịch yêu thích. Trò chơi đòi hỏi sự khéo léo và giữ cân bằng để có thể đi qua được cây cầu chỉ được dựng bởi một cây tre với diện tích bề mặt khá nhỏ. Trò chơi được tổ chức quanh năm tại làng Văn hóa nhằm phục vụ khách du lịch.
Văn hóa ẩm thực dân tộc
Tại đây du khách cũng có thể trải nghiệm hoạt động làm ra các loại ẩm thực dân tộc phong phú cũng như thưởng thức các món ăn dân tộc như: Làm bánh dày, bánh lọc tại khu làng dân tộc Tày, làm bánh Rợm cùng dân tộc Dao, mèm mén, xôi màu, thit nướng của dân tộc Mông, bánh uôi, cơm lam của dân tộc Mường.
Và còn rất nhiều loại ẩm thực đặc sắc khác của nhiều dân tộc vùng cao đang chờ đón du khách đến thưởng thức như bánh trưng, thịt nướng, bánh tình yêu,…
Một số lưu ý khác
Tại đây, cũng có rất nhiều mặt hằng để bạn lựa chọn mua về làm quà kỉ niệm cho gia đình, bạn bè ở nhà như trang sức dân tộc, chè, sữa chua Mộc Châu, thịt trâu gác bếp, mật ong, xôi ngũ sắc và các loại hoa quả rừng khác.
Để có một chuyến đi tiết kiệm mà đầy kỉ niệm bạn nên đi theo đoàn với bạn bè, mang theo đồ ăn để có được bữa ăn dã ngoại thú vị.
Khi bạn di chuyển bằng xe máy trên đường quốc lộ đến làng Văn hóa, bạn nên chú ý lái xe cẩn thận để tránh gây tai nạn. Nhớ mặc áo ấm khi đi vào đầu xuân hoặc khi trời mưa rét. Tới khu các làng dân tộc bạn cần tỏ thái độ tôn trọng người dân tộc sinh hoạt và làm việc tại đây, không nên có thái độ tò mò xúc phạm và ảnh hưởng tới họ.
Bạn có thể đọc thêm:
Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam là khu du lịch hấp dẫn mà bạn không thể bỏ qua. Hãy dành thời gian ghé qua nơi đây sau khi đã nắm được kinh nghiệm du lịch mà BlogAnChoi đã cung cấp nhé! Và hãy theo dõi BlogAnChoi để có được những thông tin bổ ích khác.