Kinh nghiệm du lịch Mộc Châu tự túc
Mục lục bài viết
Giới thiệu về Mộc Châu
Mộc Châu là huyện miền núi, cao nguyên và biên giới, nằm ở hướng Đông Nam của tỉnh Sơn La, cách Hà Nội 180 km về hướng Tây Bắc, diện tích tự nhiên là 1.081,66 km2, chiếm 7,49% diện tích của tỉnh Sơn La, đứng thứ 8 trong số 12 huyện, thành phố của tỉnh Sơn La. Huyện Mộc Châu có quốc lộ 6, quốc lộ 37 và quốc lộ 43 đi qua, có chung đường biên giới với Việt Nam – Lào dài 40,6 km.
Mộc Châu có cả bốn mùa rõ rệt, với đặc điểm nổi bật là vùng khí hậu cao nguyên ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Nhiệt độ trung bình/năm khoảng 18-20ºC, lượng mưa trung bình/năm khoảng 1.500 – 1.600 mm và độ ẩm không khí trung bình 85%.
Cao nguyên Mộc Châu diện tích rộng lớn với điều kiện khí hậu mát mẻ, có vị trí thuận lợi nên đủ gần để khách đến, đủ xa để khách ở lại; Hệ sinh thái đa dạng, trong đó đặt biệt là vùng thảo nguyên cảnh quan đẹp (đồng cỏ, vườn hoa), khí hậu ôn hòa, với các điểm danh thắng Ngũ Động bản Ôn, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông, khu hồ sinh thái rừng thông bản Áng, đồi chè, vườn đào, vườn mận, trang trại chăn nuôi bò sữa…
‘
Thời gian lý tưởng để đi Mộc Châu
Trước và ngay sau Tết Âm Lịch là mùa của hoa đào và hoa mận .
Khoảng tháng 3 là thời gian hoa ban nở, ngoài ra ngày 26-3 có Lễ hội Hết Chá
Đầu tháng 9 có Tết Độc Lập của người Mông.
Tháng 11 là thời điểm hoa cải nở trắng các quả đồi
Tháng 12 là mùa của dã quỳ, bạn sẽ gặp dã quỳ ngay dọc đường quốc lộ 6.
Khoảng từ tháng 4-8 Mộc Châu không có gì đặc biệt nhưng khí hậu mát mẻ và vẫn còn rất nhiều điểm đến thú vị cho bạn như : Đồi chè Mộc Châu , Thác Dải Yếm …
‘
Hướng dẫn đi tới Mộc Châu
‘
Cách Hà Nội khoảng gần 200km và cách trung tâm Tp Sơn La khoảng hơn 100km, hiện tại các bạn chỉ có thể di chuyển tới Mộc Châu duy nhất bằng phương tiện đường bộ. Có một số tuyến xe đường dài từ các tỉnh đi Sơn La và sẽ đi qua Mộc Châu nhưng có lẽ không tiện bằng việc tới Hà Nội trước rồi sau đó di chuyển đi Mộc Châu. Hầu hết các xe giường nằm đi qua Mộc Châu sẽ khởi hành vào khoảng chiều tối 18h – 20h, xuất phát từ bến xe Mỹ Đình à bến xe Yên Nghĩa. Các bạn có thể sắp xếp chọn giờ tàu, giờ máy bay tới Hà Nội cho hợp lý tùy vào lịch trình bạn muốn.
Phương tiện công cộng
Có khá nhiều nhà xe khách đi từ Hà Nội tới Mộc Châu với nhiều khung giờ như Hải Tuấn, Thành Chung, Khánh Thuận, Sơn La express, Dũng Ngà, Mộc Châu travel …hoặc xe limousine chất lượng cao ít chỗ hơn và thoải mái hơn như Nhật An Limousine (đón tại Big C Thăng Long), Xuân Tráng (đón tại sân bay Nội Bài), Mộc Châu Limousine, Gia Hưng Limousine…
Phương tiện cá nhân
Nếu muốn đến Mộc Châu bằng phương tiện cá nhân các bạn chỉ cần di chuyển dọc theo tuyến đường QL6. Đây là tuyến đường chính khá quan trọng nên lưu lượng giao thông tương đối đông, cung đường về cơ bản dễ đi, không quá khó đối với các bạn đã có kinh nghiệm đi xe đường dài. Sử dụng phương tiện cá nhân, các bạn có thể kết hợp chuyến đi Mộc Châu với các địa điểm du lịch hấp dẫn ở Hòa Bình như Kim Bôi, Thung Nai, Mai Châu….
‘
Các địa điểm tham quan tại Mộc Châu
‘
Bản Thung Cuông (Thông Cuông)
Thung Cuông (Thông Cuông) là một bản người Mông nằm giữa 2 xã Đông Sang của Mộc Châu và Xuân Nha của Vân Hô (Một huyện mới thành lập được tách ra từ Mộc Châu). Đường dẫn vào Thung Cuông với 2 bên là những thung lũng cải trắng mênh mông được trồng dày đặc. Đây cũng là một trong những điểm chụp ảnh cưới yêu thích của các bạn trẻ.
‘
Rừng thông Bản Áng
Rừng thông Bản Áng là khu vực rừng thuộc xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có khí hậu vô cùng mát mẻ và trong lành. Khung cảnh nơi đây rất hữu tình với hồ Bản Áng trong suốt như một chiếc gương phản chiếu khung cảnh bốn mùa của đất trời.
Bản Áng là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Thái. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt (chè, cải, ngô, lúa), chăn nuôi và thủ công truyền thống (dệt thêu thổ cẩm, đan lát, đệm bông gạo). Tuy nằm giáp thị trấn Mộc Châu nhưng cư dân bản Áng vẫn bảo tồn nguyên vẹn bản sắc văn hóa dân tộc đặc thù như kiến trúc nhà sàn truyền thống, trang phục, những làn điệu dân ca cổ, trò chơi dân gian, những lễ hội đặc trưng …Đến bản Áng, bạn sẽ có dịp trải nghiệm nếp sống hàng ngày cùng dân bản (ở nhà sàn, nằm đệm bông gạo, lên đồi hái chè, xuống suối bắt cá…); khám phá khung cảnh núi rừng Tây Bắc, đặc biệt là cưỡi ngựa dạo chơi rừng thông bản Áng và thưởng thức các món đặc sản địa phương như: rượu cần, cơm lam, pa pỉnh tộp (cá nướng), thịt hun khói, bê chao, “xôi tình yêu, rượu men lá, cá ống tre”, các món từ rau rừng…
‘
Lâm viên Tây Tiến
Lâm viên Tây Tiến hay tên đầy đủ là Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến được xây dựng tại đồi Nà Bó thị trấn Mộc Châu. Thiết kế của Di tích lưu niệm Tây Tiến lấy ý tưởng từ bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng – một chiến sĩ của Trung đoàn Tây Tiến. Đến thăm quan, trải nghiệm Công trình trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến chúng ta sẽ được cảm nhận một cách chân thực về những người lính cùng chung lý tưởng sống “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” nhưng cũng đầy hào hoa và lãng mạn, họ đã đoàn kết, đồng lòng, vượt mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
‘
Thác Dải Yếm
Thác Dải Yếm hay còn có tên gọi khác là thác Nàng hay thác Bản Vặt. Ngọn thác này thuộc địa phận xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Mang đến cho du khách sự thích thú trước quang cảnh hùng vĩ với những dải nước trắng xóa ngày đêm đổ ầm ầm xuống ghềnh đá và tận hưởng làn gió mát lành mang theo hơi nước.
Thác Dải Yếm đẹp nhất vào thời điểm từ tháng 4 – tháng 9 hàng năm bởi đây là mùa có mưa nên lượng nước đổ xuống nhiều. Chiều rộng 70m của thác là một màn nước đổ trắng xóa hùng vĩ nhưng không mất đi sự thơ mộng, hờ hững như một dải yếm của trời và đất.
‘
Hang Ma Suối Bàng
Lý do có cái tên này là hệ thống 80 hang động tự nhiên tại suối Bàng đều chứa những chiếc quan tài gỗ của người Xá, mỗi hàng sẽ có khoảng 1 – 35 quan tài. Theo các nhà nghiên cứu, những mảnh xương và đầu lâu trong hang có niên đại từ 300 – 500 năm, quan tài gỗ được làm bằng thân cây đục rỗng nằm cheo leo trên vách đá và thềm hang động.
Chuyện do cha ông kể lại rằng thuở xưa bộ tộc người Thái và người Xá tranh chấp nhau mảnh đất nơi đây và đã ước định rằng nếu bộ tộc nào bắn tên dính được vào núi đá sẽ được thần Núi chấp thuận cho ở lại. Các bộ tộc đã đứng tại núi Cắm Tên hiện tại thuộc xã Mường Sang rồi bắn tên về hướng Suối Bàng. Người Xá bắn tên vào vách núi thì tên nảy ra, còn người Thái do bôi mật ong vào đầu mũi tên nên khi bắn vào vách núi đã dính lại dẫn đến việc Người Thái được ở lại còn người Xá phải ra đi. Do không còn được ở lại mảnh đất này nữa nên người của bộ tộc Xá sau khi chết cũng không thể chôn trên đất nên họ đã đẽo rỗng các thân gỗ rỗng để làm quan tài trong hang động.
Để đến được Hang Ma Suối Bàng bạn phải băng qua con con đường mòn nhiều rễ cây và lá mục để tìm thấy được những hang động hình vòm ếch chứa các cỗ quan tài cổ. Cung đường từ Mộc Châu đến Suối Bàng rất đẹp với những đồi chè xã Tô Múa bát ngát, vượt qua các ngọn dốc cheo leo.
Động Sơn Mộc Hương (Hang Dơi)
Một điểm đến đáng nhớ khác tại Mộc Châu chính là Hang Dơi hay còn được gọi là Động Sơn Mộc Hương. Hang Dơi có diện tích gần 7000m2 nằm ở hướng Đông Bắc của thị trấn Mộc Châu. Nơi đây có nhiều thạch nhũ được mài mòn bởi nước với nhiều hình dáng kì lạ, con đường ngoằn ngoèo, uyển chuyển thu hút hàng nghìn du khách thập phương đến tham quan. Đường đi đến Hang Dơi cũng rất đơn giản. Nếu khởi hành từ Hà Nội bạn chỉ cần đến thị xã Sơn La bằng con đường Quốc Lộ 6 đến trung tâm thị trấn Mộc Châu ở dãy núi phía bên tay phải. Bạn sẽ leo 240 bậc để đến khu vực hang.
‘
Ngũ Động Bản Ôn
Đây là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất Mộc Châu với quần thể hang động đẹp kỳ vỹ. Hệ thống 5 hang động của Ngũ Động Bản Ôn ứng với 5 cung của thuyết ngũ hành là Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ đều có các nhũ đá hình dáng tuyệt đẹp được mài mòn qua hàng nghìn năm vô cùng ấn tượng. Ngũ Động Bản Ôn thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan bởi vẻ đẹp hoang sơ của hệ thống gồm 5 hang động ẩn sâu dưới ngọn núi được thiên nhiên khắc họa một cách kỳ lạ.
Để đến được Ngũ Động Bản Ôn, bạn có thể di chuyển bằng nhiều hình thức khác nhau như ô tô, xe máy hoặc phượt bằng xe máy đều được. Chỉ cần đến ngã ba Mộc Châu, rẽ phải vào khu nông trường, tiếp tục di chuyển thêm 7km sẽ thấy được bảng chỉ dẫn vào Ngũ Động Bản Ôn.
‘
Đồi chè Mộc Châu
Đồi chè trái tim Mộc Châu là một thắng cảnh biểu tượng cho tình yêu và sức sống tràn đầy. Người dân nơi đây đã vô cùng khéo léo khi tạo hình cho khu đồi chè tạo nên sự ấn tượng khó quên với du khách đến từ khắp nơi. Đường đi đến đồi chè trái tim cũng rất đơn giản, bạn xuất phát từ thị trấn Mộc Châu đi theo con đường Tô Hiệu dẫn đến đường Lê Thanh Nghị, qua khỏi chợ km số 70 rồi rẽ trái vào đường tỉnh 104, tiếp tục đi qua UBND thị trấn nông trường Mộc Châu thêm 4km, cuối cùng, bạn rẽ phải thêm tầm 1km nữa là đến (cùng đường đi với Ngũ Động Bản Ôn).
”
Thung lũng mận Nà Ka
Có thể nói Nà Ka là một trong những thung lũng mận đẹp nhất của Mộc Châu, bởi vậy mà có người đã từng ví nơi đây vào mùa xuân đẹp như một xứ sở thần tiên. Mùa xuân, đứng trên đỉnh đèo, du khách thỏa thích phóng tầm mắt xuống thung lũng là một màu trắng kiêu sa, xinh đẹp của những bông hoa mận trải dài hết thung lũng rộng lớn, trên vách đá cheo leo, hay trên những quả đồi nhỏ ở đâu ta cũng thấy màu trắng tinh khôi của hoa mận….
‘
Đỉnh núi Pha Luông
Với độ cao hơn 2000m, Pha Luông hay còn gọi là Bờ Lung (tiếng Thái có nghĩa là núi lớn) được coi là nóc nhà của Mộc Châu nằm ở phía đông của huyện thuộc xã Tân Xuân, Chiêng Xuân thuộc khu vực biên giới Việt Lào. Trên đỉnh có một khu đất bằng phẳng, rộng gần 10 ha rất phù hợp cho các hoạt động cắm trại hoặc vui chơi tập thể, tuy nhiên do tình hình an ninh không đảm bảo (do đây là khu vực các đối tượng vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam)nên hiện nay các hoạt động cắm trại ngủ qua đêm chưa được phép. Các bạn muốn trekking đỉnh Pha Luông cần xin phép đồn biên phòng và phải có người bản địa dẫn đường để tránh lạc, chuyến đi của bạn cũng chỉ được phép đi trong ngày mà không được kéo dài hơn tới ngày hôm sau .Pha Luông cũng chính là địa danh nổi tiếng trong đường hành quân của đoàn quân Tây Tiến năm xưa.
‘
Bản Phiêng Cành
Phiêng Cành là một bản nhỏ của người Mông (xã Tân Lập) rất đẹp, giản dị và ngập tràn màu sắc mỗi mùa hoa về. Cùng nằm trên cung đường đi Đồi chè Trái Tim, thung lũng mận Nà Kha nên khá tiện nếu các bạn dấn thêm một chút nữa để vào Phiêng Cành.
‘
Bản Pa Phách
Pa Phách dưới là bản của người Thái. Pa Phách trên gồm có 3 bản : Pa Phách 1,2 và 3 của người Mông . Trước kia bản Pa Phách 1 thuộc xã Vân Hồ, mới nhập vào xã Đông Sang từ năm 2002.
Đường lên Pa Phách khá hiểm ,vượt qua liên tiếp những con dốc dựng đứng toát mồ hôi ,khi lên đến đỉnh nhìn xuống thấy một thung lũng ngợp trời màu xanh của mận , đào… vài mái nhà người Mông ẩn hiện giữa rừng cây . Ngó sang bên này thấy Cao nguyên Mộc Châu trải rộng tít tắp cũng đầy ắp màu xanh của cỏ non,ngô non,vài đàn bò sữa nhẩn nha gặm cỏ …
‘
Cửa khẩu Lóng Sập
Là một cửa khẩu phụ, cửa khẩu Lóng Sập thuộc địa bàn xã Lóng Sập, Mộc Châu, Sơn La nối với nước bạn Lào thông qua cửa khẩu Pa Hang thuộc tỉnh Hủa Phăn của Lào. Đây cũng là nơi có mốc biên giới số 255 (Mốc Việt Lào). Nếu muốn sang tham quan chợ Lào, các bạn cũng cần phải qua trạm khai báo và làm thủ tục nhé.
‘
Chợ Lào
Chợ Lào ở cửa khẩu Lóng Sập cách chốt biên phòng chừng 30 phút đi bộ. Ngày nghỉ cũng như ngày thường nơi đây đều tấp nập người qua lại. Từ Việt Nam, du khách chỉ cần làm một vài thủ tục đơn giản là có thể bước qua đất bạn, ghé thăm và mua sắm. Người bán tại khu chợ này đa số là người Lào với trang phục truyền thống đặc trưng. Suốt dọc đường chính xuyên qua chợ là những gian hàng bán đồ nướng nằm xen kẽ. Mùi thơm từ những xiên chân gà và cá khiến ai ấy đều muốn ăn thử một lần cho biết vị của ẩm thực Lào.
‘
Thác Chiềng Khoa
Thác Chiềng Khoa hay còn gọi là Thác Mây là tên gọi gắn liền với truyền thuyết của lễ hội Hoa ban Xên Bản – Xên Mường. Thác nước đẹp như một dải mây trắng vờn quanh thung sâu, tung bọt trắng xoá tạo nên những làn sương nhẹ thấm mát cả một vùng.
Thác Chiềng Khoa thuộc xã Chiềng Khoa, nơi đây vốn thuộc huyện Mộc Châu cách trung tâm huyện khoảng gần 30km theo hướng đi phà Vạn Yên trên QL43. Từ khi chia tách huyện, Chiềng Khoa thuộc huyện Vân Hồ.
‘
Phương tiện đi lại ở Mộc Châu
Đi bằng taxi
Nếu bạn không thuê được xe máy hoặc muốn tiết kiệm sức hơn thì có thể đi bằng taxi. Tuy nhiên thuê taxi thì chỉ đi được vài chỗ thôi, giá cả lại đắt đỏ, bạn nên cân nhắc về phương tiện này.
Các hãng taxi ở Mộc Châu
- Taxi Mai Linh (Sơn La): 02126.29.29.29
- Taxi 87: 02123.87.87.87 Sơn La taxi: 02123.567.567
- Taxi Ngôi Sao Việt: 02123.766.766 Taxi Thảo Nguyên: 02123.86.86.86
- Taxi Sao Xanh: 02126.26.26.26
Đi bằng xe máy
Mình thấy đi bằng xe cá nhân là tiện lợi nhất, nếu đi đoàn đông người mà có xe du lịch đi lại càng tốt hơn nữa, cứ thích đi đâu thì đi.
Ở đây có rất nhiều chỗ thuê xe máy, tất nhiên sẽ không nhiều bằng ở Hà Nội nhưng cũng không tồi. Dưới đây là một số các nhà xe, địa chỉ, số điện thoại để liên hệ thuê xe:
- MỘC CHÂU MOTO: Tiểu khi 5, thị trấn Mộc Châu (ngay gần ngã ba bệnh viện) – SĐT: 037 443 6369
- anh Chiện Anh Thanh: Thị trấn Mộc Châu, Sơn La – SĐT: 083 918 2448
- Chị Duyên: Tiểu khu 9, Thị trấn Mộc Châu – SĐT: 0336 828 666
- Chị Nhung: Thị trấn Mộc Châu, Sơn la – SĐT: 0212.3866.690
- Thuê xe máy Mộc Châu: Thị trấn Mộc Châu, Sơn La – SĐT: 038 3259666 hoặc 033.2653052
Hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ ở Mộc Châu cũng có dịch vụ cho thuê xe máy với giá rẻ, chỉ từ 100 nghìn/1 ngày. Các nhà nghỉ 302, Thế Anh, Phương Vy cũng có dịch vụ thuê cho khách đặt phòng, rất tiện lợi.
Các bạn nên kiểm tra kỹ phương tiện, chuẩn bị đầy đủ xăng dầu, dụng cụ cần thiết để đảm bảo an toàn cho chuyến đi nhé.