Kinh nghiệm du lịch Móng Cái, Quảng Ninh (Cập nhật 02/2023)
Mục lục bài viết
Kinh nghiệm du lịch Móng Cái
Quảng Ninh
Đông Bắc
Kinh nghiệm du lịch Móng Cái
(Cập nhật 02/2023)
Cùng Phượt – Khi nhắc đến Móng Cái, có lẽ đa phần mọi người đều chỉ nghĩ tới một trong hai địa danh, hoặc là cửa khẩu Móng Cái, hoặc là bãi biển Trà Cổ bởi đây là hai địa danh rất nổi tiếng. Trên thực tế, du lịch Móng Cái hiện đang được phát triển với khá nhiều điểm đến hay ho và hấp dẫn khác mà có thể các bạn đã bỏ qua khi tới thành phố vùng biên này. Trong bài viết này, Cùng Phượt sẽ chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm để nếu có điều kiện đến với Móng Cái, các bạn sẽ được ngắm nhìn, được cảm nhận về thiên nhiên, con người, cuộc sống của mảnh đất nơi địa đầu Tổ Quốc.
©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả alexlongmc, Feng Feng, Cuong Hoang, 13.anh, jonnyrouse7, Dung Hoang, diasimon2003, minh duc duong, Vũ Đàm, _trang_89, Minh Đen, vietnamshim, Đặng Ngọc Lâm, Cường Vương, changchang, ngoctu250192, thixn.dwnq, Ngoc Hoan Chu, Hai Thinh, Nguyễn Linh, Hương Trà, Văn Cam Lưu, Minhtt89, Pham Ba Viet, Erav, Đỗ Phong, Vinh Mai Ky, Văn Trung Nguyễn, Nguyễn Đức Văn, hari lee, Tran Hai Yen, Trần Ngọc Mai, cat.trang.7140, brotherminh, Lệ Hằng, sallyyy.ng, tiến cường đinh và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Giới thiệu về Móng Cái
Móng Cái là thành phố ven biên, ven biển (Ảnh – Feng Feng)
Tên gọi Móng Cái bắt nguồn từ tiếng Quảng Đông “mong gâi” (âm đọc được ghi bằng Việt bính). “Mong gâi” là tên do người Trung Quốc đặt cho nơi này, viết bằng chữ Hán là 芒街. Hai chữ Hán này có âm Hán Việt là “Mang Nhai”. “Nhai” 街 có nghĩa là phố, “mang” 芒 là phiên âm của từ “mường” trong tiếng Tày Nùng, “Mang Nhai” 芒街 dịch sát nghĩa từng chữ là “phố mường”, tức con phố nằm trên đất của một mường của người Tày Nùng.
Đầu thế kỷ 19, là tổng Vạn Ninh, tổng Bát Tràng và một phần tổng Hà Môn thuộc châu Vạn Ninh, phủ Hải Đông, trấn An Quảng. Từ năm 1906, Móng Cái là tỉnh lỵ của tỉnh Hải Ninh cũ. Vào cuối thời Pháp thuộc, Móng Cái là thủ phủ của Xứ Nùng tự trị từ năm 1947 đến 1954.
Ngày 2 tháng 8 năm 1954, Móng Cái hoàn toàn được giải phóng. Ngày 1 tháng 2 năm 1955, thị xã Móng Cái được tái lập và trở thành tỉnh lị của tỉnh Hải Ninh. Nhưng từ ngày 30 tháng 10 năm 1963, sau khi tỉnh Hải Ninh hợp nhất với khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh, thị xã Móng Cái trở thành thị trấn Móng Cái, là huyện lỵ của huyện Hải Ninh.
Tháng 2 năm 1979, quân Trung Quốc tấn công ồ ạt qua biên giới, Móng Cái bị thiệt hại nặng.
Móng Cái là một trong những thành phố vùng biên sôi động nhất bởi các hoạt động giao thương diễn ra hàng ngày (Ảnh – Cuong Hoang)
Do nằm gần biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, Móng Cái hiện nay đã phát triển nhanh chóng thành một đô thị cửa khẩu sầm uất với hơn 150 nghìn dân trên diện tích khoảng hơn 500 km². Đây cũng chính là cửa ngõ giao lưu kinh tế giữa Việt Nam – Asean với Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á.
Du lịch Móng Cái vào mùa nào?
Nếu thích tắm biển, các bạn nên chọn du lịch Móng Cái vào dịp hè (Ảnh – 13.anh)
Là một nơi nhộn nhịp quanh năm nên thực ra nếu bạn thích đi du lịch Móng Cái thì có thể đi vào bất cứ thời điểm nào, miễn là thuận lợi nhất với thời gian của bạn. Tuy nhiên, một vài gợi ý dưới đây có thể là lời khuyên để các bạn tham khảo thêm khi lập lịch trình đi Móng Cái
- Móng Cái có bãi biển Trà Cổ, thời gian đẹp nhất để đi biển (ngoài Bắc) vào khoảng từ tháng 5-8 bởi lúc này đang là mùa hè, thời tiết nắng nóng mới có thể tắm biển. Tuy nhiên các bạn cũng lưu ý, đây cũng lại là mùa mưa bão thế nên cần theo dõi kỹ thời tiết trước khi đi nhé.
- Dịp 30-4 hàng năm thường là lễ hội Carnival Hạ Long, các bạn có thể kết hợp đi Móng Cái vào dịp này sau khi ghé qua Hạ Long để tham gia lễ hội.
- Lễ hội đình Trà Cổ diễn ra vào ngày 30/5 và 1/6 (âm lịch), bạn nào quan tâm tới du lịch văn hóa có thể đi xem.
- Khoảng từ tháng 3-6 (âm lịch) là mùa mực ống ở Trà Cổ, nếu muốn trải nghiệm cái thú vui câu mực này thì các bạn nhớ sắp xếp thời gian cho khớp nhé.
Hướng dẫn đi đến Móng Cái
Phương tiện cá nhân
Xe máy
Với xe máy, thời gian di chuyển sẽ lâu hơn do không thể lên cao tốc (Ảnh – jonnyrouse7)
Nếu xuất phát từ Hà Nội, các bạn đi theo đường đi Lạng Sơn rồi rẽ sang QL18 ở Tp Bắc Ninh để đi Phả Lại. Khi đến Hạ Long qua cầu Bãi Cháy rồi tiếp tục đi theo QL18 khoảng gần 200km nữa là đến Móng Cái. Với phương tiện xe máy, thời gian di chuyển sẽ lâu hơn do không tận dụng được các tuyến đường cao tốc.
Ô tô
Đi ô tô từ Hà Nội tới Móng Cái hiện giờ toàn đường cao tốc (Ảnh – cungphuot.info)
Nếu sử dụng ô tô và có lộ trình di chuyển thẳng tới Móng Cái, các bạn chỉ cần đi theo lộ trình các tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Vân Đồn – Móng Cái là sẽ tới được nơi. Từ khi các tuyến đường này hoàn thiện, thời gian lái xe từ Hà Nội chỉ vào khoảng 3,5 tiếng.
Phí cầu đường cho các chặng này lần lượt sẽ là Hà Nội – Hải Phòng 196k, cầu Bạch Đằng 34k, chặng Hạ Long – Vân Đồn 113k và cuối cùng chặng Vân Đồn – Móng Cái là 130k. Tổng toàn bộ phí cầu đường cả đi và về vào khoảng gần 1000k. Nếu muốn giảm chi phí (nhưng sẽ tăng thời gian) các bạn có thể sử dụng tuyến đường QL 18 để di chuyển.
Phương tiện công cộng
Ô tô
Các chuyến xe tới Móng Cái sẽ dừng tại bến xe của thành phố (Ảnh – Dung Hoang)
Với khoảng cách chừng 300 km, trước kia các xe chất lượng cao đi Móng Cái thường xuất phát vào đêm, chạy khoảng 8 tiếng sẽ tới nơi. Tuy nhiên, từ khi các tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Vân Đồn – Móng Cái được hoàn thành và liên thông, thời gian di chuyển tới Móng Cái chỉ còn chừng 4 tiếng nên các xe chạy liên tục suốt ngày. Các bạn có thể lên xe từ bến Mỹ Đình hoặc liên hệ với các xe limousine đưa đón tận nơi.
Xem thêm bài viết: Xe khách giường nằm đi Móng Cái (Cập nhật 2/2023)
Máy bay
Các bạn từ Sài Gòn (hiện tại mới có các chuyến bay từ đây) có thể di chuyển tới Móng Cái bằng máy bay, sân bay gần nhất là sân bay Vân Đồn với khoảng cách tới Móng Cái vào khoảng 90 km. Tất cả các hãng hàng không đều đang khai thác hàng ngày chặng Vân Đồn – Sài Gòn.
Đi lại ở Móng Cái
Taxi
Thành phố không quá rộng nhưng nếu không có phương tiện cá nhân, để di chuyển giữa các điểm các bạn cũng cần sử dụng đến xe. Do không có địa điểm thuê xe máy nên thuận lợi nhất nếu bạn đi theo nhóm là sử dụng taxi.
Một số hãng taxi đang hoạt động ở Móng Cái:
- Taxi Móng Cái: 0203 3883883
- Taxi Mai Linh: 0203 3628628
- Taxi 766: 0203 3766 766
Xe buýt
Mạng lưới xe buýt ở Móng Cái nói riêng và Quảng Ninh nói chung chưa nhiều, số lượng đầu xe ít, tần suất thưa. Nếu từ Trung tâm Móng Cái các bạn có thể sử dụng xe buýt để tới khu vực Trà Cổ trong trường hợp muốn tiết kiệm chi phí.
Lưu trú tại Móng Cái
Là một thành phố sát biên và lại có một trong những cửa khẩu Quốc tế rất lớn với Trung Quốc, Móng Cái không thiếu các cơ sở lưu trú để phục vụ nhu cầu của khách du lịch khi tới đây nên các bạn không hề phải lo lắng gì về vấn đề này. Ngay cả đối với khu vực bãi biển Trà Cổ, có khá nhiều khách sạn và nhà nghỉ bình dân với giá trong khoảng từ 200k-500k một đêm, tùy vào ngày bạn đặt. Nếu đi vào dịp cuối tuần hay các dịp nghỉ lễ các bạn nên đặt sớm để tránh hết phòng.
Một số khách sạn tốt ở Thành phố Móng Cái
KHÁCH SẠN
Khách sạn Luxury6 Móng Cái
Địa chỉ: 19 Hùng Vương, P. Trần Phú, Móng Cái, Quảng Ninh
Điện thoại:
02033868686
Xem giá phòng ưu đãi từ:
KHÁCH SẠN
Sala Hotel Móng Cái
Địa chỉ: Số 56 Đại Lộ Hòa Bình, Móng Cái, Quảng Ninh
Điện thoại:
02033776688
Xem giá phòng ưu đãi từ:
KHÁCH SẠN
Sunshine Hotel Móng Cái
Địa chỉ: Khu đô thị Hồng Vận, 56A Tuệ Tĩnh P. Ka Long, Móng Cái, Quảng Ninh
Điện thoại:
0388289999
Xem giá phòng ưu đãi từ:
KHÁCH SẠN
Khách sạn Biển Bắc
Địa chỉ: Đại Lộ Hòa Bình, khu 4, Móng Cái, Quảng Ninh
Điện thoại:
02033886222
Xem giá phòng ưu đãi từ:
KHÁCH SẠN
New Sun Móng Cái
Địa chỉ: 42A Tuệ Tĩnh, P. Ka Long, Móng Cái, Quảng Ninh
Điện thoại:
0911280480
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ tại Móng Cái (Cập nhật 2/2023)
Các địa điểm du lịch ở Móng Cái
Khu du lịch Trà Cổ – Bình Ngọc
Khu du lịch Trà Cổ – Bình Ngọc nằm ở cực Đông Bắc của Tổ Quốc với rất nhiều điểm tham quan độc đáo. Bãi biển Trà Cổ dài 17 km (từ mũi Gót đến mũi Ngọc) là một trong các điểm đến đó.
Mũi Sa Vỹ
Mũi Sa Vĩ, còn gọi là mũi Gót là mũi đất ở cực đông bắc Việt Nam tọa độ 21°29’33” bắc, 108°4’5″ đông thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Phía bắc là cửa sông Bắc Luân đổ ra biển rộng khoảng 5 km nhìn ra hòn Dậu Gót đối diện đất Trung Quốc.
Ở mũi Sa Vĩ có dựng một đài kỷ niệm trích hai câu thơ của Tố Hữu nói lên dải đất duyên hải dọc chiều dài của Việt Nam từ cực bắc đến cực nam:
“Từ Trà Cổ rừng dương”
“Đến Cà Mau rừng đước…”
Nơi đầu sóng ngọc gió, Sa Vĩ hiên ngang như những người lính biển. Trải qua bao thăng trầm, Sa Vĩ vẫn trường tồn cùng dải đất địa đầu Đông Bắc.
Bãi biển Trà Cổ
Nằm cách trung tâm Tp Móng Cái chỉ khoảng hơn 10km, Trà Cổ là bãi biển đầu tiên trên bản đồ đất nước, gần biên giới và cũng là bãi biển dài nhất Việt Nam. Trà Cổ với bờ biển dài lướt tầm mắt, các dải cát chắc sáng mọn và thoải dần theo sóng nước thủy triều. Hiện trên bờ biển Trà Cổ còn có bến đậu của các tàu thuyền, bè mảng của ngư dân tại đây.
Cồn Mang
Cách trung tâm Trà Cổ khoảng 6 km, một trong những nơi đón bình minh rất sớm và là một điểm dừng chân đầy lãng mạn có tên Cồn Mang. Đến đây, ngồi trên những phiến đá, lắng nghe tiếng sóng rì rào cùng tiếng chuông của nhà thờ Trà Cổ đôi khi mang lại một cảm giác yên bình, thanh thản đến kỳ lạ. Đây cũng là địa điểm rất đẹp để các cặp đôi có thể tạo những bộ ảnh đáng nhớ. Bờ biển Cồn Mang cũng rất mịn, các bạn có thể đi xe máy, xe đạp trên bờ biển mà không sợ sụt lún.
Đình Trà Cổ
Đình Trà Cổ thờ 6 vị tiên công người Đồ Sơn (Hải Phòng) và thờ Quận He Nguyễn Hữu Cầu, một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa dưới thời Vua Lê – Chúa Trịnh. Đình được xây dựng dưới thời Hậu Lê (1462). Tuy nằm sát vùng biên với Trung Quốc nhưng đình hoàn toàn mang phong cách kiến trúc Việt Nam, đậm chất văn hóa của dân tộc Việt nên từ lâu đây đã được coi như “Cột mốc văn hóa” nơi địa đầu Tổ Quốc.
Nhà thờ Trà Cổ
Đây là công trình kiến trúc Gotex cổ kính của người Công Giáo làng biển xưa, được xây dựng từ những năm 80. Nhà thờ là nơi để ngư dân theo đạo Thiên Chúa đến làm lễ. Năm 1995 sau một đợt sửa chữa lớn, rất nhiều bức phù điêu đã được khôi phục, trả lại cho nhà thờ dáng vẻ cổ kính xưa. Trong nhà thờ hiện cũng còn lưu giữ một chiếc chuông cổ với tuổi đời hơn 80 năm.
Tháng 3/2017 nhà thờ Trà Cổ đã bị tháo dỡ để xây dựng lại
Làng chài Trà Cổ
Trà Cổ khi xưa vốn do ngư dân Đồ Sơn di cư ra lập nghiệp, đến nay phần lớn người dân phường Trà Cổ vẫn sống bằng nghề đánh bắt hải sản gần bờ. Người dân Trà Cổ vẫn giữ đức tính của người dân làng chài, hiền lành và thân thiện. Làng chài Trà Cổ nằm ôm dọc theo bãi biển, đến đây các bạn có thể tìm hiểu và khám phá nét văn hóa trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Tham gia các hoạt động kéo lưới, câu mực, câu cá… hay bất cứ hoạt động nào mà bạn tò mò muốn tìm hiểu.
Bãi biển Đá Đen
Còn có tên là bãi biển Ngọc Sơn, Đá Đen là một bãi cát trắng dài, phẳng mịn nằm nép mình dưới chân núi Ngọc và bên rừng phi lao xanh ngắt bốn mùa. Phía cuối bãi biển là sự hội tụ tự nhiên của những phiến đá có màu đen như những ngón tay của núi Ngọc cố vươn ra ôm trọn lấy bãi biển trong xanh cho riêng mình.
Cửa khẩu Móng Cái
Cửa khẩu quốc tế Móng Cái là cửa khẩu quốc tế tại vùng đất phường Hòa Lạc, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và thông thương sang cửa khẩu Đông Hưng ở thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Cầu Bắc Luân là điểm nối giữa hai thành phố, và là địa điểm được chính phủ hai nước chọn đặt cột mốc đầu tiên để phân định ranh giới quốc gia.
Cửa khẩu Móng Cái cũng là một điểm tham quan yêu thích của du khách khi tới đây. Chỉ cần đăng ký với bên biên phòng là các bạn có thể vào khu vực cửa khẩu để chụp ảnh cùng mốc 1369 cũng như vạch biên giới nằm trên cầu Hữu Nghị Bắc Luân
Thành phố Đông Hưng
Nếu thích các bạn có thể làm thủ tục xuất cảnh để sang tham quan bên Tp Đông Hưng của Trung Quốc. Bên Đông Hưng có dịch vụ xe điện chạy vòng quanh tham quan thành phố với giá từ 10-30 RMB.
Thủ tục xuất cảnh khá đơn giản và mất khoảng 1 tiếng, các bạn cần chuẩn bị sẵn 2 ảnh 4x6cm, CMND hoặc giấy khai sinh (với trẻ em dưới 15 tuổi) để làm sổ thông hành. Nhanh gọn nhất bạn có thể làm qua các công ty du lịch với giá khoảng 200-300k.
Chợ Móng Cái
Chợ Móng Cái gồm có ba khu được chia thành khu chợ trung tâm, chợ Móng Cái 2 và chợ Móng Cái 3. Ở khu chợ Móng Cái – Trà Cổ chỉ họp từ buổi sáng đến tầm trưa là tan chợ. Các mặt hàng tại chợ khá là phong phú và đa dạng với các mặt hàng được nhập từ Trung Quốc bao gồm quần áo, giày dép, chăn màn, đồ điện tử, đồ chơi trẻ em, bánh kẹo, các loại hoa quả…Ngoài ra, du khách có thể mua các mặt hàng khác của Việt Nam như các loại hải sản tươi sống hoặc đông lạnh, các loại nông sản như chè, cà phê, hồ tiêu…
Cầu Ka Long
Cây cầu đá và con sông được bắt nguồn từ Trung Quốc đều có tên Ka Long. Con sông vốn có tên cổ là Gia Long (vua nhà Nguyễn) nhằm khẳng định chủ quyền đất Việt bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy dọc theo biên giới Việt Trung rồi chia làm hai nhánh đổ ra biển. Cầu Ka Long do một nữ kiến trúc sư người Pháp thiết kế, được xây dựng và hình thành năm 1964, cây cầu vắt qua hai bờ sông Ka Long (nhánh sông chảy xuyên qua Tp Móng Cái) và được hoàn thành từ các phiến đá tự nhiên, không dùng xi măng.
Phố đi bộ Móng Cái
Được đi vào hoạt động từ cuối tháng 5-2015, phố đi bộ Trần Phú là tuyến phố đi bộ đầu tiên trên địa bàn TP Móng Cái, cũng là tuyến phố đi bộ đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Cứ vào mỗi buổi tối từ thứ 4 đến Chủ nhật hàng tuần, con phố đi bộ Trần Phú lại tấp nập, đông vui, nhộn nhịp hơn bởi sự có mặt rất đông của người dân và du khách.
Phố Trần Phú hay còn gọi là “phố thương mại” vì bình thường khu phố này tập trung khá đông các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh nhỏ lẻ, cũng như các khu chợ quanh khu vực Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Trước đây tuyến phố Trần Phú chủ yếu hoạt động mua bán vào ban ngày. Kể từ khi trở thành phố đi bộ, phố Trần Phú hoạt động sôi động hơn.
Di tích tâm linh
Đền Xã Tắc
Đền Xã Tắc trước kia thờ thần Xã Tắc nên được gọi là Đền Xã Tắc Đại vương, một trong những di tích lịch sử lâu đời nhất ở Móng VCVDái. Ngày nay đền phối thờ Phật, Mẫu, Trần Triều. Đền nằm bên ngã ba sông Ka Long. Với vị trí trọng yếu trên mảnh đất biên giới địa đẩu Tổ Quốc, ý nghĩa của ngôi đền vượt ra khỏi phạm vi thờ thần của một làng mà trở thành nơi thờ thần của non sông.
Chùa Nam Thọ
Chùa Nam Thọ hay còn gọi là Vạn Linh Khánh Tự thuộc khu Nam Thọ, phường Trà Cổ. Chùa là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo được xây dựng từ năm 1775 đời Cảnh Hưng nhà Hậu Lê. Hiện nay chùa còn lưu giữ cả một hệ thống tượng phật quý giá được chạm trổ hết sức tinh vi và tỉ mỉ, thể hiện qua các thời kỳ khác nhau đều mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Việt.
Chùa Xuân Lan
Chùa Xuân Lan tọa lạc trên một mô đất cao, phía trước chùa là một hồ nước hình bán nguyệt và con sông Ka Long uốn lượn trước cửa chùa rồi chạy thẳng ra Mũi Ngọc. Theo các cụ già trong làng thì chùa được xây dựng trên trán con rồng và mắt rồng là ao trước cửa chùa, đây là mảnh đất cao ráo, thoáng đãng. Chùa Xuân Lan chủ yếu được xây dựng bằng các cấu kiện đá xanh. Các bậc lên chùa bằng đá xanh, các cột, xà ngang bằng đá. Và đặc biệt chùa vẫn còn lưu giữ một pho tượng đá. Chất liệu đá làm nên những cấu kiện này là những phiến đá có kích cỡ lớn, được đem từ núi Tổ Chim về (núi Tổ Chim là một đảo đá lớn nằm ở phía ngoài phường Trà Cổ, giáp biên giới Việt Trung). Ngoài nghệ thuật kiến trúc đá, chùa Xuân Lan còn lưu giữ được những mảng chạm khắc gỗ có giá trị. Đặc biệt là các mảng chạm khắc ở vì kèo, đầu dư, đầu bảy, bức cốn… được các nghệ nhân thời trước chạm trổ kênh bong với những hình long, ly, quy, phượng và các hoa văn khác với những đường nét tinh vi, sắc sảo và mềm mại, mang vẻ đẹp thâm nghiêm cả về tạo hình và tâm linh.
Đảo Vĩnh Thực
Đảo Vĩnh Thực nằm ở phía nam Tp Móng Cái. Nơi này còn khá hoang sơ và chưa có các dịch vụ du lịch hiện đại, chính điều này đã làm nên sự hấp dẫn kỳ lạ đối với hòn đảo này. Vĩnh Thực với những làng chài thanh mình, những người dân miền biển hiền lành và thật thà, những bãi tắm sóng vỗ êm đềm trên những bờ cát mịn sạch tinh mang lại sự quyến rũ đến mê hồn. Từ cảng Bình Ngọc ra đảo Vĩnh Thực, Vĩnh Trung mất khoảng 10 phút, di chuyển bằng cano với giá vé vào khoảng 120k. Thời gian cano chạy từ 6h30-10h30 và 12h30-16h30
Hải đăng Vĩnh Thực
Hải đăng Vĩnh Thực nằm ở phía Đông Bắc đảo, đây là ngọn đèn hải đăng quốc tế ở vị trí đầu tiên trên biên giới biển của Việt Nam, được xây dựng vào năm 1962 với tháp đèn hình trụ, được thắp sáng bằng năng lượng mặt trời. Từ trên ngọn hải đăng này, phóng tầm mắt nhìn về phía đất liền thấy mũi Sa Vĩ chính là điểm bắt đầu hình chữ S Việt Nam
Bãi biển Đầu Đông
Thuộc địa bàn xã Vĩnh Trung, từ trung tâm đảo Vĩnh Thực ra bãi biển khoảng 3km. Bãi biển yên tĩnh và vẫn còn khá hoang sơ với bờ cát trắng mịn, nước biển trong xanh, bao quanh bởi rừng phi lao xanh ngút tầm mắt.
Làng Bích Họa Bến Hèn
Bến Hèn là cái tên không biết có tự bao giờ người dân TP Móng Cái đặt cho một chiếc bến neo, đậu tàu thuyền tại thôn 1, xã Vĩnh Trung. Cư dân nơi đây chủ yếu là người di cư từ một số tỉnh ở đồng bằng sông Hồng và nhiều địa phương khu vực nội địa của Quảng Ninh ra lập nghiệp từ mấy đời nay. Cách đây vài năm, ý tưởng về một làng bích họa để thu hút khách du lịch đã hình thành trong kế hoạch của lãnh đạo xã Vĩnh Thực, Vĩnh Trung và người dân nơi Bến Hèn, Đầu Đông. Ý tưởng ấy đã dần được hiện thực hóa với các bức bích họa trên tường nhà, tường rào… thể hiện cuộc sống sinh hoạt, làm ăn thường nhật của cư dân bản địa.
Cano ra đảo Vĩnh Thực
- Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Vĩnh Thực 0203 3508612
- Công ty Vạn Gia – Vĩnh Thực 0203 3508575
- Khánh Hài 0203 2472572
Khách sạn nhà nghỉ trên Đảo Vĩnh Thực
- Việt Hưng 0984 588 811
- Bắc Ngoan 0984 908 738
- Hòa Đảo 0834 287 126
Dịch vụ ăn uống trên đảo Vĩnh Thực
- Trường Điều 0373 025 300
- Xuân Mến 037 623 8886
- Hoàng Thơm 0984 871 688
Vùng cao Móng Cái
Móng Cái đã được ưu ái một vùng biển đảo tuyệt đẹp nhưng cùng với đó miền đất này còn có một vùng núi non trùng điệp với rừng xanh ngút ngàn, những bản làng người dân tộc thiểu số, những hồ nước giữa xanh thẳm của núi rừng
Bắc Sơn, Hải Sơn
Hai xã vùng cao của Tp Móng Cái, đến đây các bạn có thể tham quan khám phá các nét văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc nơi đây. Cũng giống như một số xã vùng cao ở nơi khác, đến đây các bạn có cơ hội thưởng thực các món ăn ngon chế biến từ gà đồi, ngan đen, lợn cắp nách…Các điểm ăn uống ở xã Bắc Sơn tập trung ở thôn Lục Phủ, các điểm ăn uống ở Hải Sơn tập trung ở thôn Pò Hèn.
Đài tưởng niệm Pò Hèn
Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn, xã Hải Sơn, Thành phố Móng Cái – Nơi ghi dấu sự hi sinh của các liệt sĩ, đồng loạt quên sinh giữ vững biên cương tổ quốc vào ngày 17/2/1979 khi Trung Quốc đưa quân xâm lược nước ta, địa danh Pò Hèn được biết đến như một bản hùng ca của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới.
Ngũ hồ
Gồm các hồ Tràng Vinh, Quất Đông, Đoan Tĩnh, Kim Tinh, Phình Hồ nằm ở khu vực miền núi phía Tây Bắc của Móng Cái. Các hồ nước trong xanh bao bọc hàng trăm ốc đảo, ven hồ là những cánh rừng thông và rừng nguyên sinh với hệ động thực vật đa dạng. Chính sự kết hợp giữa địa hình, nguồn nước, sinh vật và cả khí hậu mát mẻ trong lành đã tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp nơi đây. Xung quanh hệ thống hồ này có nhiều thảm có xanh, thích hợp cho các hoạt động cắm trại, picnic.
Các cột mốc biên giới Việt Trung
Mốc 1378
Đây là cột mốc rất đặc biệt, nó là cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới Việt Trung với hơn 3000 mốc khác nhau. Cột mốc nằm trên đoạn cuối của sông Ka Long trước khi đổ ra biển. Để đến cột mốc này các bạn cần sự cho phép của bên biên phòng và hỗ trợ của người dân địa phương bởi cần phải sử dụng thuyền để ra tới nơi.
Các mốc khác
Trên địa bàn thành phố Móng Cái, các cột mốc của tuyến biên giới Việt Trung bắt đầu từ mốc 1346 tại xã Hải Sơn và kết thúc tại cột mốc 1378 trên điểm cuối của sông Ka Long. Các bạn thích khám phá mốc có thể lấy toạ độ rồi di chuyển theo dọc tuyến đường tuần tra biên giới là có thể tiếp cận được.
Các đặc sản của Móng Cái
Móng Cái không có món ăn nào quá đặc trưng cho ẩm thực Móng Cái vì bị pha tạp nhiều nơi. Nét ẩm thực Móng Cái là sự giao thoa giữa ẩm thực vùng Đông Bắc Việt Nam và phong cách Trung Hoa nổi tiếng.
Hải sản Móng Cái
Là một thành phố biển, đương nhiên hải sản là một trong những đặc sản ở Móng Cái mà bất cứ khách du lịch nào đến cũng mong muốn ăn thử. Các bạn có thể tìm một số nhà hàng nổi tiếng trong tp Móng Cái hoặc tốt nhất là hãy đến bãi biển Trà Cổ để thưởng thức các món hải sản này
Ghẹ Trà Cổ
Ghẹ được đánh bắt từ tự nhiên, kích cỡ không đều như ghẹ nuôi nhưng ăn sẽ rất ngon. Ghẹ Trà Cổ có tới 4 loại: Đốm, xanh, lửa và ba chấm rất nổi tiếng ngon, ngọt, giàu chất dinh dưỡng nhờ môi trường nước biển có độ mặn cao. ghẹ xanh được dân sành ăn đánh giá là loại ghẹ thơm ngon và bổ dưỡng nhất tại đây
Sam biển
Từ sam biển, người ta có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon khác nhau như: gỏi sam, tiết canh sam, chân sam xào chua ngọt, trứng sam chiên giòn, trứng sam xào lá nốt, sam xào xả ớt, sam hấp, sam bao bột rán, sụn sam nướng, sam xào miến… Các món ăn từ thịt sam biển rất thơm ngon, du khách đến Móng Cái đừng bỏ qua món này nhé.
Cù Kỳ
Cù kỳ thuộc họ cua là đặc sản nổi tiếng Móng Cái mà bất kỳ du khách nào cũng muốn thử một lần. Ngoài bún, bạn có thể lựa chọn bánh đa hoặc miến cù kỳ tùy theo sở thích.
Sá Sùng
Sá sùng thuộc ngành giun đốt, là loài hải sản có giá trị kinh tế rất cao nhưng quá trình đánh bắt và kỹ thuật chế biến khá phức tạp. Sá sùng là một trong những loại hải sản quý hiếm từ xưa. Chúng được khai thác để làm cống vật cho vua, quan và chỉ có những người giàu có mới đủ điều kiện sử dụng.
Ngao vạng
Ngao vạng là loài có vỏ gần giống hình tam giác màu vàng nâu hoặc trắng trơn bóng dày và nặng tay, đường sinh trưởng mịn, rõ ràng. Không giống như ngao trắng nuôi được, ngao vạng chỉ có ở biển tự nhiên nên không phải lúc nào cũng sẵn, mùa có nhiều ngao vạng nhất và cũng là mùa sinh sản của chúng là mùa hè. Với ngao vạng chúng ta có thể chế biến thành nhiều món ngon như nấu cháo, nấu canh, hấp sả, hấp mỡ hành hoặc xào chua ngọt
Ốc hương
Ốc hương được xem là một trong những đặc sản hạng nhất của biển. Ốc quyến rũ người ăn bởi thịt ốc giòn, ngọt, lúc nào cũng tươi ngon và luôn có hương thơm rất tự nhiên. Loại ốc này thường được chế biến đa dạng như: ốc hương rang muối ớt, ốc hương nướng, ốc hương xào me… Mỗi món sẽ mang lại cho thực khách một cảm giác rất thú vị. Đây là những món ăn được khá nhiều người yêu thích.
Bề bề
Gần giống con tôm nhưng bề bề nhiều chân hơn. Trước kia ít người chú ý đến loại bề bề này nhưng nhờ khách du lịch mà nó đã trở thành món hải sản ngon của Việt Nam được ưa chuộng với giá đắt đỏ. Bề bề còn có tên là tôm tít, tôm mũ ni, con vỗ. Loại tôm này dai, chắc thịt và rất ngọt, nướng, hấp, rang muối, rang me đều hấp dẫn.
Bánh đúc lai
Bánh đúc không phải là món ăn lạ lẫm, dân dã và phổ biến khắp các vùng quê, lên cả thành thị trở thành món ăn vặt hấp dẫn bất cứ ai. Khắp trong Nam ngoài Bắc có tới hàng chục loại bánh đúc với nhiều cách chế biến khác nhau, tùy khẩu vị. Ở nhiều thôn quê miền Bắc, phổ biến có bánh đúc lạc. Bánh nấu xong khá cứng, có thể cầm được, nhân lạc bùi, ăn nguội chấm với tương, thơm và dẻo. Ở Hải Phòng, sau đó là Hà Nội có món bánh đúc tàu, bánh mềm hơn, ăn cùng tôm khô, hành phi, đu đủ xào. Món này thu hút nhiều người bởi khá lạ miệng, ngon mà rẻ.
Thế nhưng ở Móng Cái lại có riêng một loại bánh đúc kiểu tàu nhưng kết hợp với cách làm của người địa phương được gọi là bánh đúc lai. Cũng bột gạo xay mịn nhưng được khuấy nước mềm hơn để khi chín có thể xắn được. Bánh đổ ra một cái mâm lớn có thành, luôn để trên lò than để bánh lúc nào cũng nóng khi khách tới ăn. Bánh đúc kiểu này phải ăn nóng, nên các quán bánh thường chỉ phục vụ khách ăn tại chỗ.
Các món nướng
Một trong những món ăn đêm nổi tiếng mà rất nhiều du khách khi đến thành phố Móng Cái đều nhắc đến đó là các món nướng. Đồ nướng ở Móng Cái đa dạng về chủng loại như: nướng bò, nướng hải sản, nướng cù kỳ, thịt nướng… Nhưng điều hấp dẫn hơn các món nướng ở nơi khác, đó chính là nướng chấm. Nướng chấm đồ nướng ở đây được chế biến đặc biệt theo công thức của từng quán.
Lịch trình du lịch Móng Cái
Mua sắm và tắm biển là hai hoạt động chính của thành phố du lịch vùng biên Móng Cái, Quảng Ninh. Nếu không qua Cửa khẩu Bắc Luân sang Trung Quốc thì một ngày trọn vẹn ở thành phố này cũng đủ để lữ khách miệt mài khám phá.
7h: Thưởng thức cù kỳ
Thưởng thức một tô bún cù kỳ lạ miệng buổi sáng trên đường Trần Quốc Toản sẽ giúp bạn nạp năng lượng trước khi lên đường. Cù kỳ thuộc họ cua là đặc sản nổi tiếng Móng Cái mà bất kỳ du khách nào cũng muốn thử một lần. Ngoài bún, bạn có thể lựa chọn bánh đa hoặc miến cù kỳ tùy theo sở thích.
8h: Mua sắm ở chợ trung tâm Móng Cái
Chợ ở Móng Cái luôn thu hút đông khách du lịch đến tham quan, mua sắm bởi hàng hóa phong phú và đa dạng. Ở đây có 3 chợ chính và một chợ đêm, trong đó chợ trung tâm Móng Cái nằm trên đường Trần Phú là chợ lớn và tập trung nhiều du khách nhất. Chợ Trung tâm thường sôi động từ 4h đến 5 h và kết thúc vào 13 h, khi các chủ quầy kinh doanh người Trung Quốc quay về bên kia biên giới. Khách du lịch đến đây thường ưa chuộng các mặt hàng quần áo may sẵn, máy móc thiết bị và đồ gia dụng.
10h: Khám phá chợ Móng Cái 2 và 3
Chợ Móng Cái 2 và 3 nằm ở phường Hoà Lạc, cách cửa khẩu Bắc Luân 1 km. Hai chợ này cũng bán các mặt hàng như ở chợ trung tâm, nhưng chợ Móng Cái 3 hay chợ Vinh Cơ còn nổi tiếng với đồ điện tử. Ngoài việc chú ý mặc cả, chất lượng sản phẩm cũng là vấn đề bạn phải quan tâm.
12h: Ăn trưa
Sau khi vào chợ mua sắm hàng hoá, bạn có thể quay ra ăn trưa tại các nhà hàng quanh thành phố. Phần lớn các món ăn đều mang đậm nét Trung Hoa, trong đó vịt quay Bắc Kinh được nhiều du khách yêu thích nhất. Ngoài ra, bạn cũng không nên bỏ lỡ món đậu phụ cay tê và thịt khâu nhục nổi tiếng nơi đây.
13h: Khám phá các di tích ở Trà Cổ
Trà Cổ cách trung tâm thành phố Móng Cái 7 km. Trước khi xuống biển bạn nên dạo một vòng các di tích ở đây. Trước tiên là chùa Vạn Linh Khánh nổi tiếng vùng Đông Bắc với trên 50 pho tượng cổ quý giá. Trong khi đó đình Trà Cổ lại là công trình kiến trúc cổ quy mô và đồ sộ bậc nhất Quảng Ninh. Mặc dù được xây dựng tại vùng biên giới giáp với Trung Quốc nhưng đình lại gây ấn tượng bởi hoàn toàn mang dấu ấn của nền văn hoá Việt.
15h: Tắm biển
Trà Cổ được mệnh danh là “bãi biển trữ tình nhất Việt Nam” với đường bờ biển kéo dài hơn 17 km. Do nằm cách xa thành phố và khu công nghiệp nên khí hậu ở đây rất mát mẻ và không gian yên tĩnh. Bạn có thể thoải mái vui đùa cùng những con sóng trong làn nước biển trong xanh, hay dạo chơi trên nền cát trắng mịn phẳng lỳ.
17h: Mũi Sa Vĩ
Khi nắng chiều nhạt dần là lúc bạn đón ánh hoàng hôn tuyệt diệu trên mũi Sa Vĩ điểm khởi đầu của chữ S Việt Nam. Từ đây có thể nhìn sang được nước bạn Trung Quốc để thoả mãn sự tò mò, đừng quên lưu giữ hình ảnh của mình nơi địa đầu Tổ Quốc.
19h: Ăn hải sản
Ở Trà Cổ có hệ thống nhà hàng dọc bờ biển nên không khó để tìm một nơi ăn tối ưng ý. Bạn có thể thưởng thức nhiều món hải sản tươi ngon hấp dẫn ở đây như cá trình, ốc hương, bề bề, tôm, ghẹ. So với hải sản ở Hạ Long thì Trà Cổ giá rẻ hơn nhiều.
20h: Trở lại chợ đêm
Chợ đêm Móng Cái họp từ 18h đến 22h với các mặt hàng chủ yếu là đồ tạp hoá, lưu niệm, may mặc sẵn, đồ gia dụng và đặc biệt có thêm khu hàng ăn đêm với các món ăn mang phong vị Trung Quốc. Chợ đêm khá đông và giá cũng được đẩy cao lên nhiều lần. Nếu không mua gì thì dạo một vòng chợ để cảm nhận nhịp sống sôi động về đêm cũng vô cùng thú vị.
22h: Ngắm thành phố về đêm
Bạn có thể nhìn ngắm thành phố vùng biên lung linh trong ánh đèn vàng từ trên cầu Ka Long, biểu tượng lịch sử của thành phố Móng Cái và tình hữu nghị Việt Trung. Cầu Ka Long còn là cây cầu duy nhất ở Việt Nam được xây hoàn toàn bằng đá.
23h: Nghỉ ngơi
Thành phố Móng Cái không quá rộng nhưng hệ thống nhà nghỉ và khách sạn khá phong phú theo tiêu chuẩn từ một đến năm sao. Bạn có thể tìm phòng nghỉ qua đêm ở Móng Cái trên đường Trần Phú, đại lộ Hòa Bình, Tuệ Tĩnh, Hùng Vương, Nguyễn Du, Hòa Lạc.
Tìm trên Google:
- kinh nghiệm du lịch Móng Cái 2023
- du lịch Móng Cái tháng 2
- tháng 2 Móng Cái có gì đẹp
- review Móng Cái
- hướng dẫn đi Móng Cái tự túc
- ăn gì ở Móng Cái
- phượt Móng Cái bằng xe máy
- Móng Cái ở đâu
- đường đi tới Móng Cái
- chơi gì ở Móng Cái
- đi Móng Cái mùa nào đẹp
- địa điểm chụp ảnh đẹp Móng Cái
- homestay giá rẻ Móng Cái
4/5 – (12 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Quảng Ninh
QUẢNG NINH
Quảng Ninh là tỉnh ven biển, được ví như một Việt Nam thu nhỏ, vì có cả biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi, biên giới. Đây là tỉnh khai thác than đá chính của Việt Nam và có vịnh Hạ Long là di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Quảng Ninh là một trọng điểm kinh tế, một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía bắc đồng thời là một trong bốn trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Quảng Ninh có nhiều khu kinh tế. Trung tâm thương mại Móng Cái là đầu mối giao thương giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc và các nước trong khu vực. Năm 2016, Quảng Ninh là tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 2 ở Việt Nam.
Bạn có biết: Vua Trần Nhân Tông (1279-1293) chọn Yên Tử, Quảng Ninh là nơi xuất gia tu hành và lập nên dòng Thiền trúc Lâm ở Việt Nam.
- Diện tích: 6.102,3 km²
- Dân số: 1.224.600 người
- Vùng: Đông Bắc
- Phân chia hành chính: 4 thành phố, 2 thị xã, 8 huyện
- Mã điện thoại: 0203
- Biển số xe: 14