Kinh nghiệm làm nhà “từ thuê thiết kế đến khi dọn vào ở

Ngôi nhà là tài sản lớn trong cuộc đời một con người, tuy nhiên không ít người dở khóc dở cười vì chọn đơn vị thiết kế và nhà thầu xây dựng không uy tín, hoặc chưa có kinh nghiệm nên bỏ qua các bước quan trọng trong thiết kế xây dựng. Dưới đây Milimet Vuông – “thiết kế thi công nhà đẹp tại Đà Nẵng” xin chia sẻ đến các bạn kinh nghiệm thuê đơn vị tư vấn, những điều cần lưu ý, thuê nhà thầu và cách giám sát thi công. Bài viết tuy dài nhưng rất bổ ích và thiết thực.

 

KINH NGHIỆM LÀM NHÀ..(P1)

Anh em bạn bè gặp hỏi, mi làm nhà mà răng thấy cứ phới phới, người ta làm nhà bạc đầu bạc tóc, mặt hốc mày hác còn mi cứ tà tà, chẳng thấy lo lắng chi…

Kinh nghiệm cho mấy anh em sắp làm nhà nì…

– Vẽ thiết kế cho kỹ, chọn đơn vị tư vấn thiết kế chuyên nghiệp mà làm, đừng tiếc mấy chục triệu thiết kế mà sau này vừa làm vừa sửa thiết kế, nhà thầu có cớ tính phát sinh, dễ gây lộn…Yêu cầu đơn vị thiết kế cung cấp hồ sơ đã từng làm cho khách hàng trước đấy để xem quy cách thể hiện, mức độ chi tiết của hồ sơ, nhiều người sợ không đọc được bản vẽ nên không yêu cầu tuy nhiên bạn chỉ cần xem độ dày của hồ sơ, xem danh mục bản vẽ, xem họ thể hiện những gì trong hồ sơ, xem hồ sơ có chi tiết không? về kỹ thuật thì mình sẽ bày ở bên dưới.

 

Nhìn bộ hồ sơ cũng sẽ đánh giá được phần nào sự cẩn thận của đơn vị thiết kế

 

  

 

 

 

Cũng đừng nhận bản vẽ thiết kế khuyến mãi của nhà thầu nhận khoán phần thô vì thực ra nhà thầu khuyến mãi bản vẽ thì tiền thiết kế được tính vào sắt thép, bê tông mà họ đã bớt đi. Chẳng hạn thiết kế độc lập vẽ trụ 30 cm x 20 thì nhà thầu vẽ 20 cm x20 cm, thay vì sắt 10 ly họ vẽ sắt 8 ly, như vậy cuối cùng thì đâu cũng vô đó, trên đời làm gì có chuyện ai tốt đến nỗi cho không ai một cái gì…

Ngay cả như bạn bè thiết kế giúp thì họ cũng chỉ giúp được bản vẽ kiến trúc chứ làm sao giúp được phần kết cấu, dự toán v.v… tức là họ chỉ giúp công chứ làm sao giúp của, họ cũng phải thuê người khác chứ một mình họ không thể kham hết được toàn bộ bản vẽ hoàn chỉnh …. Và một điều nữa là bản vẽ khuyến mãi nhiều khi không chi tiết để có cớ tính phát sinh…
.
– Chọn đơn vị thi công cho chuyên nghiệp. Đơn vị thi công chuyên nghiệp giá có cao hơn khoảng 300 ngàn – 500 ngàn/m2 vì họ phải nuôi nhân công, chi phí quản lý, thuế má, thuê văn phòng v.v… Các nhà thầu tư không có khoản chi phí này nên giá rẻ. Tuy nhiên ông bà ta nói “đắt xắt ra miếng”. Nhà thầu chuyên nghiệp có đầy đủ thiết bị, giàn giáo đúng tiêu chuẩn, cốp- pha phim đâu ra đó nên chất lượng và thẩm mỹ đều tốt. Quan trọng là họ có đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật quản lý, giám sát quá trình thi công nên không có chuyện khoán trắng chất lượng vào tay nghề mấy bác thợ hồ. Mấy bác thợ hồ của Việt Nam thì biết rồi, toàn nông dân cầm bay chứ chẳng ai được học hành, đào tạo về nghề xây dựng, chủ yếu là nghề dạy nghề, kinh nghiệm là chủ yếu…. Mấy bác thợ Việt Nam thì đa phần làm cho xong việc, qua loa đại khái nhưng nhờ có kỹ thuật quản lý nên cũng phần nào khắc phục được tình trạng này, hơn nữa nhà thầu chuyên nghiệp họ có chế độ đãi ngộ, thưởng phạt công nhân nên cũng góp phần làm cho các ông thợ làm việc có trách nhiệm hơn các nhà thầu tư chỉ trả lương công nhật…
Giá cho nhà thầu chuyên nghiệp đắt hơn một tý nhưng chủ nhà khỏi lo ăn sáng, ăn chiều cơm bưng nước rót, chiều thợ như chiều cha mẹ… Tiền cho nhà thầu tư tuy thấp nhưng tiền ăn, tiền cho thợ mỗi tuần tính ra xong cái nhà cũng gần nửa trăm triệu chứ không ít. Gộp lại thì đầu cũng vào đấy, đó là chưa kể phải lo ngay ngáy vì tiến độ nhà của mình phụ thuộc vào số lượng các công trình mà nhà thầu nhận. Nhiều nhà thầu tư năng lực yếu, công nhân không có nhưng hám lợi nên có công trình là nhận bừa, lúc đổ móng ứng tiền thì huy động cả chục quân, ứng tiền xong thì phân mỗi nhà vài ba chú túc tắc làm cả năm trời chưa đâu vào đâu…Có khi chủ nhà tức quá cắt hợp động kêu nhà thầu khác làm tiếp phần hoàn thiện…
.
– Khi làm xong nhà nhầu tư thường tính phát sinh vì hợp đồng không chặt chẽ… vì thiết kế không chi tiết nên trong quá trình làm thợ toàn xử ra đủ thứ ly ti, mà mỗi ly ti mà một mớ tiền. Làm nhà xong thường nhà thầu và chủ nhà không nhìn mặt nhau (tui làm và sửa nhà 3 lần đều y như rứa). Nhà thầu chuyên nghiệp thì đâu ra đó, hợp đồng chặt chẽ, tiến độ rõ ràng…Họ cũng không căn ke từng ly từng tý vì những cái đó họ đã tính toán từ trước nên ít khi phát sinh ngoài giá trị hợp đồng….
Muốn biết nhà thầu chuyên nghiệp hay không thì cứ nhìn vào thiết bị, dụng cụ của nhà thầu, nhìn vào các công trình họ đã và đang làm, nhìn vào cách công nhân làm việc trên công trình có đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động hay không, xem tác phong làm việc có nhanh nhẹn chăm chỉ hay tà tà cho đủ ngày công v.v… phải đi tận nơi mà kiểm tra, mà xem xét trước khi lựa chọn …

 

(Hợp đồng phải chi tiết và rõ ràng như thế sẽ không có phát sinh sau thi công)

 

.
– Làm nhà thì tốn đủ thứ tiền, mỗi thứ một tiền nhưng có những cái phải chấp nhận tốn chứ đừng có tiếc. Thà chưa lắp cái điều hòa, chưa sắm cái ti vi, chưa mua cái vòi sen năm bảy triệu chứ đừng cắt xén tiền đầu tư cho phần thô, vì phần thô là bộ xương của ngôi nhà, xương mà yếu thì nhà khó mà vững, nên nhớ chi phí phần thô gồm luôn công cán nhà thầu…


Làm nhà nếu không muốn cực thân, mất thời gian thì tốt nhất là khoán luôn phần thô cho nhà thầu chuyên nghiệp, hợp đồng chủng loại vật tư, vật liệu kỹ càng, giám sát chặt chẽ và tin cậy nhau là cơ sở để mình không phải ôm sắt, thép, xi măng, cát, sạn, dây điện, ống nước thậm chí là đinh, thép buộc… vào người…
.
Nhà tui tuần tới là xong phần bê tông 350 m2 sàn cùng với tường bao, khối lượng ấy thi công trong vòng hơn hai tháng như vậy là rất OK…
Phần còn lại không chỉ phụ thuộc vào nhà thầu xây dựng mà phụ thuộc vào các nhà thầu phụ khác (thạch cao, sơn vôi, mộc, chống thấm, lan can cầu thang….), cái đó chủ yếu là giá cả, còn chất lượng thì cứ đi tận nơi nhìn tận mắt sẽ biết…, facebook cũng là một kênh hưu hiệu để có thông tin lựa chọn….
.
Chúc các bạn làm nhà nhưng người luôn an nhàn, thư thái!

Ảnh: Nhà thầu chuyên nghiệp là phải có hệ thống giàn giáo, cốp pha và phương thức làm thép như thế này..

         

 

KINH NGHIỆM LÀM NHÀ (P2)

Như phần 1 đã nêu, nên chọn tư vấn thiết kế và nhà thầu chuyên nghiệp để giao công trình. Tuy nhiên, nhà thầu chuyên nghiệp thì giá cả thường cao hơn các nhà thầu tư. Nói như vậy không có nghĩa là họ hô giá nào mình chấp nhận giá đó mà phải có sự lựa chọn, thương thảo. Để việc thương thảo giá có cở sở, khi thuê thiết kế, nhà chủ nhà nên yêu cầu bên tư vấn thiết kế lập bảng dự toán chi tiết. Khi xong bản vẽ nên photo ra ba bốn bản và đưa cho các nhà thầu khác nhau chào giá. Thông thường khi trao đổi, người ta thường hỏi nhà thầu nhận bao nhiêu tiền /m2 sàn. Thực ra cách tính này chỉ mang tính ước lượng, vì mỗi địa phương có một cách tính khác nhau, mỗi nhà thầu cũng có một cách tính riêng chẳng hạn khi đổ móng băng người ta cộng thêm 30- 50% giá trị m2 sàn, xây tầng tum cũng vậy… Một số nơi người ta tính theo “giọt nước”, nghĩa là nước đổ đến đâu tính đến đó, do vậy tường rào cổng ngõ thường được đưa vào phần phát sinh… Nếu nhà thầu đàng hoàng thì người ta sẽ báo ngay từ đầu, còn không đến lúc quyết toán người ta mới yêu cầu phát sinh gây cho chủ nhà tâm lý ức chế bởi cảm giác bị bắt chẹt.
.
Để tránh tình trạng này, chủ nhà nên căn cứ vào bản vẽ mà “hợp đồng trọn gói không điều chỉnh giá” với nhà thầu. Hạn chế tối đa việc điều chỉnh thiết kế, trường hợp điều chỉnh thiết kế nên tham khảo ý kiến của kiến trúc sư để họ tư vấn việc tăng, giảm khối lượng, từ đó chủ nhà có cơ sở để thương lượng với nhà thầu…
Khi đưa ba bốn bản vẽ cho các nhà thầu chào giá, chủ nhà sẽ có được một mức giá hợp lý để thương thảo với nhà thầu. Và lưu ý, giá cả chỉ là một phần trong việc chọn nhà thầu, năng lực, kinh nghiệm và uy tín của nhà thầu mới là điều quan trọng.
Khi viết “Kinh nghiệm làm nhà” (P1), tôi nhận được nhiều tin nhắn than vãn về việc các nhà thầu nhận công trình nhưng mới đổ xong phần móng, trụ đã “bỏ của chạy lấy người”. Vì không có năng lực nên không đáp ứng đúng yêu cầu kỹ thuật, móng thì rổ chằng chịt, trụ thì xô lệch không đúng vị trí, đưa chủ nhà vào cái thế để lại không được mà đập bỏ cũng không xong, nhà phố đập bỏ phần móng là ảnh hưởng đến nhà bên cạnh… Hơn nửa đời tích góp được chút tiền làm nhà mà gặp những nhà thầu như vậy thật không gì xui xẻo bằng. Khắc phục những lỗi đó phải tốn cả một đống tiền và phải kéo dài thời gian, tính ra “một đồng sợ tốn, bốn đồng không đủ” là vậy…
.
Sau khi chọn được nhà thầu cần phải làm hợp đồng chặt chẽ, thông thường các nhà thầu soạn sẵn hợp đồng, chủ nhà chỉ đọc qua rồi ký. Nhà thầu uy tín thì hợp đồng chặt chẽ kỹ càng, nhà thầu đểu thì hợp đồng qua loa đại khái… mục đích càng qua loa thì càng lỏng lẻo không ràng buộc được gì, phần thiệt sẽ luôn thuộc về chủ nhà. Mục đích của hợp đồng là ràng buộc trách nhiệm khi có các vấn đề tranh chấp phát sinh, do vậy càng rõ ràng, càng chặt chẽ phân rõ trách nhiệm và quyền lợi mỗi bên thì khi có tranh chấp, ra tòa rất dễ xử lý. Chủ nhà nên lên mạng lấy mẫu hợp đồng theo luật xây dựng để tìm hiểu và bổ sung những vấn đề cần ràng buộc trách nhiệm nhà thầu. Nguyên tắc của hợp đồng là thương lượng và tự nguyện nên khi hai bên thống nhất ký kết đểu tự giác thực hiện, nếu có thay đổi sẽ thương thảo lại, nếu không thống nhất thì ra tòa… Các nhà thầu chuyên nghiệp luôn giữ gìn hình ảnh, uy tín nên rất ít khi họ vi phạm hợp đồng gây bức xúc cho chủ nhà đến mức phải ra tòa…
Trong hợp đồng có phần tạm ứng, thanh toán. Đa số các nhà thầu đều ghi tạm ứng theo giá trị khối lượng thi công, chẳng hạn 30% – 40% giá trị hợp đồng, việc ghi như vậy tưởng là cụ thể nhưng khi tính ra sẽ có số lẻ rất khó nhớ, tốt nhất là quy ra con số cụ thể (đợt 1 ứng 200 triệu, đợt 2 ứng 300 triệu) như vậy chủ nhà dễ nắm, dễ nhớ con số tổng. Tùy theo mức độ tin cậy giữa chủ nhà và nhà thầu mà đưa ra con số tiền cụ thể cho mỗi đợt ứng, khi quyết toán hợp đồng chủ nhà cũng nên giữ lại 5 đến 10% giá trị hợp đồng để làm bảo đảm bảo hành, hết thời hạn bảo hành (thường là 6-12 tháng) sẽ trả hết số tiền đó cho nhà thầu
.
Khi thi công, giai đoạn phần thô chủ nhà nên thuê tư vấn giám sát để giám sát việc cung ứng vật tư và kỹ thuật. Trong xây dựng, có những về đề thuộc về chuyên môn chủ nhà dù có kinh nghiệm cũng không thể bằng tư vấn giám sát chuyên nghiệp, đặc biệt là về kết cấu, sắt thép… Phải có chuyên môn mới nhận biết được sai sót trong thi công, không có chuyên môn thì nhìn cũng không biết đúng hay sai, thợ Việt Nam hay cãi nên khi mình ý kiến, họ thường tìm cách lấp liếm chứ ít khi chịu nghe, chỉ giám sát nói thì họ mới “tâm phục, khẩu phục”
Phần thô là phần quan trọng nhất quyết định sự bền vững của ngôi nhà, do vậy cần có sự giám sát chặt chẽ của kỹ thuật (của nhà thầu) và giám sát (của chủ nhà)… qua gia đoạn thô, đi vào hoàn thiện chủ nhà có thể tự giám sát vì bằng mắt có thể đánh giá được đẹp xấu….
.
Phần thô là phần quan trọng nhưng chủ nhà ít vất vả vì đã giao cho giám sát nên không cần bám công trình thường xuyên. Vào giai đoạn hoàn thiện, chủ nhà phải có mặt thường xuyên hơn vì lúc đó giám sát cũng đã giãn ra, việc đẹp xấu chủ yếu do chủ nhà đánh giá bằng cảm quan, mắt thường. Chủ nhà kỹ càng thì thợ kỹ theo, còn chủ nhà qua loa đại khái thì thợ cũng theo đó mà qua loa. Bám công trình, chỗ nào không ưng ý thì yêu cầu thợ làm lại, đỡ phải đập bỏ, khắc phục vừa tốn công, vật tư của nhà thầu và cả chủ nhà…. Các nhà thầu chuyên chuyên thường có đội thợ hoàn thiện riêng, họ làm tỉ mỉ, cẩn trọng nên chủ nhà khá yên tâm.
.
Giá cả phần hoàn thiện là do chủ nhà quyết định, chẳng hạn lát gỗ giá khác, lát đá giá khác, cũng là gỗ nhưng có loại 350 ngàn, có loại 550 ngàn, có loại trên 1 triệu đồng/m2, sơn cũng vậy, có loại 500 ngàn/thùng, có loại trên 2 triệu/ thùng v.v… vì vậy chủ nhà tùy theo túi tiền mà lựa chọn. Đây là giai đoạn chủ nhà phải hết sức kìm chế, nếu nghe theo tư vấn bán hàng sẽ rất dễ bị cháy túi vì phát sinh. Cũng lưu ý khi mua sắm vật tư thiết bị hoàn thiện, nhiều cửa hàng tư vấn cho chủ nhà không phải vì chất lượng, mẫu mã mà vì chiết khấu cao, họ tư vấn chủ nhà mua những loại mà họ thu được lãi nhiều, do vậy cần hết sức tỉnh táo…

 

KINH NGHIỆM LÀM NHÀ (Phần cuối)
.
Làm nhà là một thời gian dài vất vả. Tuy nhiên cách lựa chọn hình thức hợp đồng thi công sẽ quyết định vất vả nhiều hay ít. Người tiết kiệm thường chọn cách thuê nhân công của nhà thầu tư rồi tự mua vật tư, nguyên liệu. Các làm này tiết kiệm được năm bảy chục triệu nhưng phải lo cơm bưng nước rót cho thầy, cho thợ, rồi còn bị eo xèo đủ bề, nhiều khi đội nề đội điện nước không ưa nhau nên tìm cách chơi xấu và chủ nhà là người gánh đủ. Đa phần các đội thầu nhân công thì kỹ thuật chủ yếu dựa vào thợ cả chứ không có kỹ thuật viên nên kinh nghiệm và đạo đức của thợ cả rất quan trọng, quyết định sự bền vững, thuận tiện của ngôi nhà.
.
Muốn khỏe và không phải lo lắng nhiều thì chọn cách chìa khóa trao tay. Chìa khóa trao thay sẽ do nhà thầu lo hết từ khâu đầu đến khau cuối, kể cả việc mua sắm vật tư linh kiện ngôi nhà. Bao giờ làm xong, nhà thàu giao chìa khóa chủ nhà mở cửa vào ở. Khỏe re ! Tuy nhiên muốn chìa khóa trao tay như ý, chủ nhà cần hợp đồng chặt chẽ về chủng loại vật tư thiết bị, càng chi tiết càng tốt vì ngôi nhà có hàng trăm loại vật tư, thiết bị, nhiều người kỹ đến mức yêu cầu ốc vít ngoài trời, trong phòng vệ sinh phải bằng inox chứ không cho làm bằng sắt thường vì sợ gỉ. Với chìa khóa trao tay, nhiều nhà thầu khi chào giá thì đưa giá vật tư, thiết bị hoàn thiện giá thấp để được chọn thầu, khi lắp đặt thì báo giá cao, phần chệnh lệch chủ nhà phải bù vô. Thực ra, cách làm này không gây thiệt hại vật chất cho chủ nhà vì chủng loại nào đều có giá của nó, họ không nâng khống để bớt xén gì song nó làm cho chủ nhà rất dễ bị đội vốn do phải bù tiền vào phần chênh lệch.
.
Cách làm phổ biến là khoán vật tư, nhân công phần thô và nhân công hoàn thiện. Cách làm này thì chủ nhà có thể chủ động được phần cứng (phần thô), còn phần mềm (phần hoàn tiện) thì tùy theo khả năng tài chính của mình mà trang bị.
.
Lưu ý, trong quá trình thi công phần thô, cần chú trọng khâu chống thấm. Thấm là vấn đề nhức đầu trong quá trình sinh sống trong ngôi nhà, vì vậy chống thấm ngay từ đầu tuy tốn kém nhưng sẽ ít hơn sau khi hoàn thiện ở được vài ba năm rồi mới phát hiện ra thấm mới khắc phục, chống thấm… Tốt nhất là thuê công ty chống thấm chuyên nghiệp đảm nhận, còn nếu mua vật tư về tự thực hiện thì phải có giám sát kỹ chàng khâu vệ sinh bê- tông, phải làm vê sinh thật kỹ bề mặt mới tiến hành chống thấm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, dù vật liệu tốt đến mấy mà thi công ẩu thì việc chống thấm cũng không hiệu quả…
Ngoài ra phần điện nước cũng phải rất chú trọng, vì nó liên quan chặt chẽ đến cuộc sống của chúng ta hàng ngày, nếu không chặt chẽ trong khâu thì công, sau này phát sinh sự cố, việc xử lý sẽ rất mệt mỏi và bực bội, tôi có một người quen làm nhà xong ở được mấy tháng thì rao bán, sau này hỏi ra mới biết cậu ấy bán nhà là vì không chịu được cảnh nước rỉ, cầu tắc …
.
Về phần nước, chỉ xin chia sẻ một ý nhỏ là hiện nay, người ta thường đặt một bồn âm dưới đất và một bồn trên cao, trường hợp nước yếu không lên cao được sẽ dùng máy bơm hút lên. Tuy nhiên, tôi không đặt bồn âm dưới đất mà đăt ở sàn tầng 1, ở Đà Nẵng tầng 1 thì nước tự lên vô tư, khi nước yếu không thể tự lên bồn trên cao thì mới dùng máy bơm hút lên, cách này tiết kiệm điện do không phải chạy máy bơm thường xuyên, hơn nữa đặt bồn ở tầng 1 thì ngay cả khi cúp nước và cúp điện (mỗi khi bị bão lớn thì điều này là chắc chắn) thì vẫn có nước từ bồn này tự chảy xuống để … xài, nếu làm bồn âm dưới đất, khi cúp điện, bồn cao hết nước thì chỉ còn cách dùng ca múc lên rất chi là bất tiện và việc vệ sinh bồn cũng là nan giải…
.
Theo kinh nghiệm của tôi thì mua vật tư hoàn thiện là phần mệt nhất vì không phải tự mình quyết định được mà phải tham vấn cả kiến trúc sư, cả vợ, chồng, con cái nữa… Nhiều khi kiến trúc sư bảo nền phòng bếp lát gạch màu trắng sữa nhưng vợ lại chê, cho rằng màu vàng chanh mới đẹp thì rõ ràng phải nghe theo lời vợ vì vợ là chủ phòng bếp, bả mà không thích thì cả nhà ăn cơm hộp… Phòng tắm, phòng ngủ cũng vậy, “chín người mười ý” nên làm sao dung hòa được ý thích từng người với điều kiện tài chính và tính thẩm mỹ của ngôi nhà là cả một sự suy nghĩ, tính toán, thuyết phục… Việc lát nền và ốp nhà vệ sinh nếu chọn gạch cùng loại sẽ tiết kiệm được rất nhiều vì trong quá trình cắt gạch, nếu không dùng được chỗ này sẽ dùng cho chỗ kia, nếu mỗi phòng một loại gạch thì cắt gạch ra là bỏ vì không dùng được cho phòng khác, tính ra cũng mất mấy chục m2 chứ không ít.
.
Mua vật tư, mỗi cửa hàng có một giá khác nhau nên chủ nhà cần tìm hiểm năm bảy cửa hàng rồi từ đó đưa ra sự lựa chọn, ngoài giá cả ra cần quan tâm đến các điều kiện hậu mãi như đổi, trả, bảo hành và sự tích cực, thân thiện của nhân viên. Cửa hàng có nhân viên mặt như đâm lê, nói năng như cóc cắn thì dù giá rẻ cũng đừng nên mua vì khi cần gọi hàng sẽ rất lâu, làm xong dư ra năm ba thùng gạch cũng không trả được thì giá rẻ cũng chẳng bù lại được…
.
Thường vào dịp cuối năm, các công ty, các nhãn hàng lớn đều có khuyến mãi, giảm giá, có khi giá giảm đến 20- 25%. Nếu có ý định làm nhà thì nên mua trước và gởi ở cửa hàng khi nào dùng thì báo họ chở đến lắp đặt. Tôi làm nhà tháng 7 này mới xong nhưng mua bồn cầu, chậu rửa đã từ trước tết ta nên tiết kiệm được gần cả chục triệu đồng nhờ khuyến mãi. Ở Đà Nẵng và các thành phố Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ, Hải Phòng mỗi năm vào trước mùa xây dựng, thường là tháng 4 tháng 5 đều có Hội chợ triển lãm vật liệu xây dựng quốc tế Vietbuil. Hội chợ giới thiệu rẩt nhiều loại vật liệu mới, trưng bày giới thiệu nhiều sản phẩm phục vụ xây dựng. Hội chợ bán toàn hàng xịn, hàng chính hãng nên mua rất yên tâm, không lo trúng hàng nhái, hàng đểu, đặc biệt là các công ty lớn, các hãng lớn đều có chương trình giảm giá trong thời gian diễn ra Hội chợ, ai cần mua sắm cho phần nội thất thì nên đến đây để săn hàng, nhiều mặt hàng giảm đến 25%… Toàn bộ thiết bị nội thất, sen vòi tôi đều mua trong hội chợ này, tính ra cũng lợi được bộn tiền mà lại yên tâm là hàng xịn.
.
Về phần sơn, tốt nhất là thuê nhân công và chủ nhà mua vật tư. Hiện nay thì trường có rất nhiều nhãn hàng sơn, bột bả, vì vậy ngoài nghe nhà thầu tư vấn, chủ nhà nên tìm hiểu những nhà đã xây trước để có cái nhìn chủ động. Việc chọn màu sơn cũng nên có sự thống nhất trong gia đình vì nó còn phụ thuộc vào yếu tố phong thủy của màu sắc đối với mệnh kim, mộc, thủy, hỏa, thổ của các thành viên trong nhà. Theo các chuyên gia, hiện nay các hãng sơn lớn đều có các loại sơn phù hợp với thu nhập của các gia đình, tùy theo hiểu biết và tài chính mà có sự lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên có một nguyên tắc, cùng một thể tích, sơn càng nhẹ càng tốt và sơn ngoài trời thì có thể lăn trong nhà nhưng sơn trong nhà thì không nên đem ra ngoài trời vì độ bền không cao. Bột bả cũng vậy, nếu nhà nào có điều kiện thì mua bột bả ngoài trời trét luôn trong nhà càng tốt….
.
Khoảng tháng nữa là nhà tôi hoàn thành, tiến độ có chậm tý nhưng đó là lỗi của chủ nhà chứ không phải do nhà thầu nên đến giờ này xem như ổn. Bao giờ vào ở mới đánh giá được sự hài lòng, còn giờ nói ra là còn sớm nhưng với sự chuyên nghiệp của nhà thầu, sự khó tính, kỹ càng của chủ nhà và giám sát chắc chắc mọi chuyện sẽ tốt thôi, tôi tin là như vậy ….
.
Kinh nghiệm làm nhà của chỉ có thế, chúc mọi người có một ngôi nhà như ý…

Cảm ơn chủ đầu tư: NGUYỄN KHÁNH HIỀN đã chia sẻ kinh nghiệm