Kinh nghiệm thực hiện performance review cho nhà quản lý: Mẫu câu hỏi và nhận xét nhân viên
Performance review – đánh giá hiệu suất – là dịp để cả nhân viên và nhà quản lý có được những feedback hai chiều. Tuy nhiên, có một vấn đề là trong những buổi performance review phần lớn nhân viên và quản lý đều không biết mình nên nói gì.
Performance review là một bước quan trọng trong quản lý hiệu suất nhân sự. Những buổi performance review thành công sẽ mang lại thông tin giá trị để nhà quản lý cơ cấu lại chính sách nhân sự, đồng thời xây dựng các kế hoạch đào tạo phát triển, nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao năng suất cho bộ máy.
Nhưng để có một performance review thành công thì đòi hỏi cần một cấu trúc đánh giá, một kế hoạch cụ thể về những gì sẽ được trao đổi, được hỏi. Dưới đây là những mẫu câu nhà quản lý và nhân viên có thể tham khảo để có buổi performance review hiệu quả.
Mục lục bài viết
I. Mục tiêu của Performance Review là gì?
Xác định mục tiêu của buổi performance review là điều đầu tiên quản lý cần làm, bởi mục tiêu sẽ quyết định những gì sẽ được trao đổi giữa bạn và nhân viên của bạn. Thông thường, performance review sẽ gồm hai mục tiêu chính là: Đánh giá và phát triển.
1. Đánh giá
Những buổi performance review với mục tiêu đánh giá thường diễn ra 1 – 2 lần/ năm. Kết quả đánh giá sẽ dùng để quyết định vấn đề lương thưởng, chức vụ của nhân viên. Tuy nhiên để đưa ra quyết định phù hợp thì quản lý cũng cần kết hợp với các yếu tố khác như nhiệm kỳ, chức danh, các yếu tố tác động,… Bởi mục tiêu là đánh giá nên trọng tâm trao đổi sẽ chỉ xoay quanh việc kiểm tra các mục tiêu đã hoàn thành ra sao, hiệu suất nhân viên trong một khoảng thời gian nhất định.
2. Phát triển
Những buổi performance review với mục đích phát triển thường diễn ra 2- 4 lần/năm. Kết quả đánh giá sẽ là giúp quản lý xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nhân sự, đồng thời nhân sự cũng sẽ biết cần làm gì để trở nên tiến bộ hơn. Vì vậy cuộc trao đổi trong các buổi này sẽ tập trung vào thúc đẩy luồng phản hồi mang tính xây dựng.
Tuy nhiên một buổi performance review hoàn toàn có thể hướng tới 2 mục đích này cùng lúc. Đặc biệt là trong các buổi performance review cuối năm, nhà quản lý sẽ muốn thu thập thông tin có thể giúp ích cả nhân viên (phát triển) và công ty (đánh giá).
II. Mẫu câu nhận xét hiệu quả công việc
Khi đưa ra những lời nhận xét trong buổi performance review, có 3 quy tắc nhà quản lý cần lưu ý. Thứ nhất, nhà quản lý chỉ nên chia sẻ cảm xúc và nhận định của bản thân. Không nên quá áp đặt ý kiến của bản thân lên những trường hợp của nhân viên. Thứ hai, không nên gượng ép nhân viên phải học hỏi và tiếp nhận những phạm trù năng lực người khả năng tiếp nhận. Thứ ba, tôn vinh sự khác biệt của mỗi người bởi không phải ai cũng sinh ra để xuất sắc theo một hình ảnh phiến diện.
1. Mẫu câu nhận xét hiệu quả công việc
Đây là những nhận xét được đưa ra đầu tiên trong những buổi Performance Review. Đánh giá hiệu quả công việc được xem như là bước quan trọng trong quá trình quản lý nhân viên để theo dõi mức độ hoàn thành, khả năng phù hợp với công việc. Không những thế, nhận xét hiệu quả công việc còn giúp nhà quản lý có phương pháp cải thiện hiệu suất làm việc, tạo động lực và giúp nhân viên vượt qua khó khăn.
Dưới đây là những mẫu câu đánh giá:
Khen ngợi:
-
Có thái độ tích cực, chủ động hoàn thành công việc
-
Cải thiện công việc X được …%
-
Làm việc tự chủ, sáng tạo và có sáng kiến riêng để đạt được mục tiêu và vượt qua thử thách
-
Có xu hướng chủ động thu thập thông tin và công cụ cần thiết để hoàn thành công việc đúng hạn
-
Chủ động đặt tiêu chí đánh giá công việc và liên tục cố gắng để đáp ứng các tiêu chí đó
-
Đặt ra những mục tiêu cụ thể, có thể đo lường được
-
Chủ động chia sẻ và giúp đỡ đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ
Phê bình:
-
Có xu hướng đổ lỗi cho người khác, cần chịu trách nhiệm về hành động của mình
-
Thường đưa ra các quyết định không chính xác và thiết lập các mục tiêu vượt quá khả năng hoàn thành
-
Gặp khó khăn trong quá trình giao tiếp và làm việc với đồng nghiệp
-
Ôm quá nhiều việc, từ chối ủy thác công việc cho người khác dẫn đến không thể hoàn thành công việc đúng thời hạn
-
Dễ phân tâm, không có độ tập trung và hay trì hoãn trong công việc
Đọc thêm: Top 10 kỹ năng doanh nghiệp cần phải trang bị cho nhân viên trong tương lai
2. Mẫu câu nhận xét về sự có mặt và đúng giờ
Sự có mặt và đúng giờ là phẩm chất cần có của nhân viên ở mọi vị trí. Nếu nhân viên thường xuyên vắng mặt và thường xuyên đi muộn, tiến độ dự án sẽ bị gián đoạn và gánh nặng công việc sẽ dồn lên vai các đồng nghiệp.
Sự đúng giờ có thể phản ánh thái độ làm việc của người nhân viên
Trong số các tiêu chí đánh giá nhân viên, tiêu chí về sự có mặt và đúng giờ dễ đánh giá nhất. Các nhà quản lý có thể nhận xét vấn đề này trong các buổi Performance Review với những mẫu câu như:
Khen ngợi:
-
Luôn đến đúng giờ
-
Hiệu suất làm việc tốt, luôn tuân thủ lịch trình làm việc của bản thân và của công ty
-
Hiếm khi vắng mặt, luôn tuân thủ chính sách công ty
-
Quản lý lịch trình tốt, hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ được giao trong tuần
-
Tuân thủ chính sách khi sắp xếp thời gian nghỉ
-
Tham dự các cuộc họp đúng giờ và luôn chuẩn bị đầy đủ trước mọi cuộc họp
-
Luôn hoàn thành công việc đúng/ trước deadline
-
Có thái độ tích cực khi tham gia công việc, luôn lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ đồng nghiệp
-
Làm việc tốt dưới áp lực
-
Có thể gắn kết đồng nghiệp, đưa mọi người cùng hợp tác, làm việc với thái độ tích cực, cùng chia sẻ, cùng nỗ lực vì mục tiêu chung
Phê bình:
-
Gần đây X đang tỏ ra không quan tâm và có xu hướng tách bản thân khỏi công việc như thể anh ấy/ cô ấy không còn quan tâm đến công việc nữa.
-
Có thái độ tốt với các đồng nghiệp nhưng vẫn còn một số vấn đề với leader cần được giải quyết càng sớm càng tốt
-
Thái độ không nhất quán thường xuyên ảnh hưởng đến hoạt động của toàn team
-
Tuân thủ lịch trình công ty nhưng thường trở về muộn sau khi kết thúc các hoạt động ngoài công trường, điều này gây ảnh hưởng đến đồng nghiệp và cả tiến độ dự án.
-
Thường xuyên chậm trễ trong công việc, mặc dù đã được cảnh cáo nhiều lầm
3. Mẫu nhận xét về khả năng lãnh đạo, dẫn dắt (Leading and training)
Leading and Training là năng lực quan trọng của mỗi teamleader. Một người leader với khả năng lãnh đạo và dẫn dắt tốt có thể đưa cả nhóm hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả, đúng hạn. Ngược lại, với những leader kém, cả nhóm thường xuyên rơi vào trạng thái trì trệ, tinh thần nhân viên không được củng cố và mọi hoạt động diễn ra với năng suất thấp, kém hiệu quả.
Tại buổi Performance Review, cấp lãnh đạo có thể nhận xét khả năng lãnh đạo của các leader bằng các mẫu câu như:
Khen ngợi:
-
Duy trì sự giao tiếp cởi mở giữa các nhân viên
-
Có tác phong làm việc trung thực, khuyến khích nhân viên chịu trách nhiệm về những hành động họ làm.
-
Người dẫn dắt tuyệt vời, tận tâm với nhân viên mới
-
Mang phẩm chất của lãnh đạo đầy tớ, luôn sẵn sàng giúp đỡ nhân viên trong công việc
-
Luôn lắng nghe và khuyến khích những feedback hai chiều
-
Cân bằng chiến lược tổng thể của tổ chức với các nhiệm vụ hàng ngày của nhóm
-
Phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực của từng thành viên trong nhóm
-
Cung cấp những thông tin và kiến thức giúp các nhân viên hoàn thành nhiệm vụ
-
Hiểu mọi người và có những phương pháp thúc đẩy nhân viên hoàn thành công việc
-
Sẵn sàng lắng nghe nhân viên, năng động trong việc áp dụng những kỹ thuật quản lý mới
-
Tạo không khí thoải mái, tích cực với toàn team trong quá trình làm việc
-
Không quá kiểm soát nhân viên, luôn trao quyền đúng mức để nhân viên chủ động trong công việc
Phê bình:
-
Thường xuyên phóng đại sự nghiêm trọng của vấn đề
-
Coi nhẹ các chính sách của công ty và có xu hướng tự hành động theo ý muốn cá nhân
-
Không giải thích rõ ràng về quy trình, thủ tục và các yêu cầu công việc cho nhân viên dẫn đến việc nhân viên thực hiện nhiệm vụ không có mục đích và thường xuyên rơi vào trạng thái rối loạn
-
Dễ nản lòng với các thành viên mới, không có thái độ tích cực trong việc hướng dẫn và chỉ dạy
-
Hiếm khi công nhận thành tích của các cá nhân trong nhóm
-
Đặt kỳ vọng quá cao cho các thành viên trong nhóm
-
Hiếm khi tham gia vào các cuộc thảo luận và các cuộc họp nhóm
-
Thiếu sự tin tưởng, khó khăn trong việc giao nhiệm vụ khiến thành tích của cả team thường xuyên không đạt hiệu quả
Leader có tâm và có tầm sẽ dễ dàng có được lòng tin của nhân viên
4. Mẫu nhận xét về khả năng giao tiếp
Giao tiếp hiệu quả với quản lý, đồng nghiệp là kỹ năng cần thiết tại mọi vị trí, trong mọi lĩnh vực. Nhân viên trong thời đại kỹ thuật số cần biết cách trao đổi thông tin qua các cuộc gặp trực tiếp hoặc qua điện thoại, email, mạng xã hội. Do đó, những nhận xét trong Performance Review cần bao quát cả khả năng giao tiếp trực tiếp cũng như giao tiếp qua các nền tảng công nghệ.
Dưới đây là các mẫu câu nhận xét về khả năng giao tiếp:
Khen ngợi:
-
Kỹ năng giao tiếp cả bằng lời nói và văn bản đều đạt hiệu quả cao
-
Có thể xây dựng các mối quan hệ thông qua giao tiếp thân thiện, cởi mở
-
Có thể tự do trò chuyện với bất kỳ ai
-
Giao tiếp hiệu quả, làm việc rất tốt với các thành viên trong nhóm
-
Có những câu hỏi thích hợp và sâu sắc, thường xuyên có những phản hồi mang tính xây dựng
-
Có thể giải thích các vấn đề khó hiểu, phức tạp bằng ngôn từ dễ hiểu
-
Có thể tóm tắt và truyền đạt các quyết định quan trọng một cách hiệu quả
-
Nhanh chóng xây dựng các mối quan hệ tích cực với mọi người
-
Thông báo thông tin chính xác và kịp thời, cả bằng văn bản và lời nói
-
Luôn nỗ lực thúc đẩy tinh thần làm việc của đồng nghiệp và tạo ra môi trường làm việc tích cực
Phê bình:
-
Không thành thạo trong việc ghi lại thông tin quan trọng trong các cuộc đối thoại
-
Tạo khoảng cách với đồng nghiệp vì sự cư xử kém
-
Thiếu tự tin và giao tiếp không hiệu quả khi gặp mọi người
-
Kỹ năng truyền đạt không tốt dẫn đến mọi người thường hiểu sai thông điệp
-
Thường xuyên đổ lỗi cho người khác
-
Liên tục nói chuyện riêng trong các cuộc họp
-
Thường không có ý kiến đóng góp trong các cuộc họp
-
Không phản hồi các thông tin liên lạc kịp thời
5. Mẫu nhận xét về khả năng làm việc nhóm
Xây dựng đội nhóm làm việc gắn kết, hiệu quả là nhiệm vụ ưu tiên của mọi nhà lãnh đạo. Hợp tác nơi công sở rất quan trọng bởi chỉ có hợp tác tốt, thái độ nhân viên mới tích cực và năng suất công việc được hiệu quả hơn. Do đó, trong các buổi Performance Review, nhà quản lý cần có những lời nhận xét nhằm thúc đẩy quá trình làm việc nhóm cũng như chấn chỉnh các hành động kìm hãm kết quả chung của cả team.
Những lời nhận xét có thể là:
Khen ngợi:
-
Tinh thần đồng đội cao, sẵn sàng hợp tác với các thành viên trong nhóm để hoàn thành công việc
-
Rất giỏi trong việc khuyến khích các thành viên khác thực hiện công việc bằng nỗ lực tốt nhất của họ
-
Thường xuyên đánh giá cao những ý tưởng mới từ các thành viên trong nhóm
-
Thường xuyên có đóng góp lớn cho sự thành công của nhóm
-
Thường xuyên chia sẻ kiến thức chuyên môn với đồng nghiệp
-
Khả năng xử lý áp lực tốt
-
Tập trung vào những điều cơ bản để mang lại thành công cho toàn đội
-
Sẵn sàng thay đổi để phù hợp với phong cách làm việc của toàn team
-
Luôn hết lòng vì thành công của cả đội
Đọc thêm: 5 bước cơ bản để nâng cao đạo đức làm việc cho đội nhóm
Phê bình:
-
Không muốn chia sẻ kiến thức chuyên môn với mọi người
-
Không tích cực hợp tác với người khác
-
Chỉ tập trung hoàn thành công việc cá nhân, không quan tâm và giúp đỡ các thành viên trong nhóm
-
Đổ lỗi cho người khác khi có vấn đề hoặc khi kết quả kém
-
Không biết cách hợp tác với các thành viên trong nhóm để đạt được mục tiêu
Teamwork là kỹ năng thiết yếu trong môi trường làm việc hiện đại
6. Mẫu nhận xét về khả năng sáng tạo
Sáng tạo trong công việc không nằm ở những slide powerpoint bắt mắt hay những bài thuyết trình độc đáo. Thay vào đó, nó nằm ở khả năng suy nghĩ và đề xuất những giải pháp vượt trội. Hiện nay, các doanh nghiệp có xu hướng đề cao sự sáng tạo và không ngừng nuôi dưỡng khả năng đó trong nội bộ doanh nghiệp.
Để khuyến khích hoặc phê bình các vấn đề liên quan đến sáng tạo, nhà quản lý có thể sử dụng các mẫu câu dưới đây:
Khen ngợi:
-
Quan điểm sâu sắc, luôn có cái nhìn mới về các vấn đề.
-
Có khả năng giải quyết các vấn đề bằng những ý tưởng và giải pháp sáng tạo.
-
Thường xuyên đóng góp các ý tưởng mới
-
Khuyến khích đồng nghiệp chủ động sáng tạo trong công việc và đề xuất các ý tưởng của bản thân
-
Đóng góp nhiều trong vấn đề cải thiện quy trình làm việc tại doanh nghiệp
-
Giàu trí tưởng tượng và tháo vát trong công việc
-
Liên tục tìm kiếm các ý tưởng mới và không ngừng tìm cách cải thiện.
-
Luôn tiên phong tìm ra các giải pháp giải quyết vấn đề.
Đọc thêm: Top 5 cách dễ nhất để khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo cho nhân viên
Phê bình:
-
Cứng nhắc, không chịu mở lòng đón nhận những ý tưởng mới
-
Bảo thủ, luôn đi theo những điều có sẵn
-
Chỉ đổi mới khi được yêu cầu và làm điều đó với trạng thái miễn cưỡng
-
Không có tinh thần sáng tạo và cũng không khuyến khích khả năng sáng tạo của đồng nghiệp
-
Luôn yêu cầu sự giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn, không chủ động tìm kiếm giải pháp cho vấn đề của bản thân
-
Không sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi triển khai các ý tưởng mới
7. Mẫu nhận xét về sự linh hoạt
Linh hoạt là phẩm chất các nhà tuyển dụng tìm kiếm ở các ứng viên tiềm năng. Phẩm chất này giúp các nhân viên có thể dễ dàng thích nghi với những thay đổi đột ngột tại nơi làm việc, phản ứng nhanh chóng và đưa ra quyết định chính xác trong mọi hoàn cảnh.
Thiếu sự linh hoạt, nhân viên sẽ luôn bị động trong công việc
Sự linh hoạt cho phép nhà quản lý và nhân viên sắp xếp công việc phù hợp với lịch trình và cá tính của mỗi cá nhân. Điều này giúp các nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đồng thời cải thiện năng suất và hiệu quả công việc.
Những lời nhận xét về sự linh hoạt có thể kể đến như:
Khen ngợi:
-
Luôn cố gắng để hiểu và tôn trọng đồng nghiệp của mình. Có ý thức tạo môi trường làm việc tích cực
-
Sẵn sàng cải thiện và phát triển các kỹ năng cần có trong công việc. Chủ động tham gia các khóa đào tạo và các sự kiện của công ty
-
Luôn bình tĩnh, không bị căng thẳng trong những tình huống bất ngờ và không phàn nàn khi nơi làm có sự đổi mới.
-
Sẵn sàng đưa ra quyết định mới và cân nhắc cẩn thận trong trường hợp tình hình thay đổi và các biện pháp cũ không còn phát huy tác dụng
-
Luôn nhận thức được những thay đổi của thị trường và có những phản ứng kịp thời
-
Lắng nghe những lời góp ý mang tính xây dựng
-
Có sự chủ động và linh hoạt khi đảm nhận nhiệm vụ mới
Phê bình:
-
Không thể từ chối lời đề nghị từ người khác, có xu hướng ôm quá nhiều việc không cần thiết
-
Có xu hướng làm nhiều nhiệm vụ cùng một lúc để hoàn thành công việc nhanh hơn thay vì tập trung vào các nhiệm vụ ưu tiên
-
Có thể thay đổi quan điểm ngay lập tức và không hề có xu hướng phân tích hay bảo vệ ý kiến của bản thân
-
Không quan tâm đến các nhiệm vụ mới
-
Trở nên căng thẳng khi môi trường hoặc quy trình làm việc có sự thay đổi.
8. Mẫu nhận xét về phong cách quản trị
Phong cách quản trị là dạng hành vi mà người những người đứng đầu như team leader, trưởng phòng ban,… thể hiện các nỗ lực tác động đến hoạt động của cấp dưới. Phong cách quản trị là yếu tố quan trọng trong quá trình quản lý, nó thể hiện tính khoa học, khả năng tổ chức, tài năng, chí hướng và nghệ thuật chỉ huy của người đứng đầu.
Để nhận xét về phong cách quản trị của các leader, những mẫu câu dưới đây có thể được sử dụng:
Khen ngợi:
-
Xuất sắc trong việc quản lý đội của mình hoàn thành công việc với hiệu quả cao
-
Giỏi trong việc đào tạo nhân viên, có khả năng giúp nhân viên phát huy điểm mạnh của chính họ
-
Đặt ra các mục tiêu và yêu cầu rõ ràng cho cấp dưới
-
Luôn quan tâm, giám sát đến hiệu quả làm việc của cấp dưới
-
Thấu hiểu các thành viên trong nhóm và luôn có biện pháp thúc đẩy các thành viên làm việc hiệu quả
Đọc thêm: 15 ý tưởng giúp nhân viên luôn cảm thấy được trân trọng
Phê bình:
-
Không công bằng với các thành viên trong nhóm
-
Không thể giải quyết các xung đột của cấp dưới
-
Không thường xuyên đánh giá hiệu quả làm việc của cấp dưới
-
Luôn phàn nàn và đặt ra những kỳ vọng bất hợp lý
-
Khó khăn trong việc tạo dựng môi trường hợp tác thân thiện giữa các nhân viên
-
Không có ý muốn thay đổi bản thân để hòa hợp với cấp dưới
Sự thành công của dự án phụ thuộc phần lớn vào các nhà quản trị
9. Mẫu nhận xét về khả năng ứng dụng công nghệ
Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, 80-90% công việc đều được thực hiện bằng công nghệ, máy móc. Nếu nhân viên muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh ấy/ cô ấy cần hiểu những vấn đề về kỹ thuật công nghệ liên quan đến công việc.
Khi đã biết hiểu rõ về khả năng ứng dụng công nghệ của nhân viên, nhà quản lý có thể nhận xét họ bằng nhiều cách như:
Khen ngợi:
-
Hiểu tường tận vấn đề và luôn tiên phong áp dụng công nghệ vào quá trình thực hiện công việc
-
Có kiến thức tốt về công nghệ và có thế áp dụng công nghệ hiệu quả
-
Hiểu rõ các khái niệm kỹ thuật khó và giải thích cho người khác một cách dễ hiểu
-
Luôn tìm kiếm, áp dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả công việc của bản thân
-
Giải quyết các rắc rối liên quan đến kỹ thuật một cách dễ dàng
-
Luôn được mọi người tìm đến khi họ có nhu cầu giúp đỡ về kỹ thuật
Phê bình:
-
Nên tham gia nhiều khóa training để nâng cao kiến thức kỹ thuật
-
Khó khăn trong việc học về công nghệ mới
-
Cần cải thiện sự hiểu biết về kỹ thuật trong công việc
-
Cần tập trung nhiều hơn vào việc tìm hiểu các xu hướng và sự thay đổi về công nghệ
-
Nên tìm hiểu những ứng dụng kỹ thuật cần thiết cho vị trí công việc của bản thân
Đọc thêm: 5 phương pháp tận dụng công nghệ để gắn kết nhân viên
III. Mẫu câu hỏi
Những câu hỏi trong buổi performance review sẽ là cơ sở để quản lý đánh giá nhân viên. Chúng giúp quản lý khai thác được những cơ hội và tiềm năng của nhân viên – đồng thời giải quyết được những vấn đề nhân viên đó đang gặp phải, giúp nhân viên trưởng thành, phát triển và thăng hoa trong vai trò của họ.
Chúng tôi đã chia nhỏ câu hỏi performance review thành các khía cạnh sau đây.
1. Mẫu câu hỏi về hiệu suất
Câu hỏi hiệu suất là trọng tâm chính của cuộc trao đổi. Sau khi nhận được câu trả lời từ những câu hỏi này, quản lý sẽ hiểu tại sao hiệu suất của nhân viên tốt/không tốt. Từ đó, quản lý có thể đối chiếu với các mục tiêu đã đề ra xem đã phù hợp hay chưa và có biện pháp điều chỉnh.
Mặt khác, quản lý sẽ thấy được khả năng quản trị mục tiêu của từng cá nhân như thế nào: Cách họ phản ứng với thất bại, cách họ nỗ lực để đạt mục tiêu, làm sao để nhân viên có động lực hoàn thành mục tiêu,… Đồng thời, quản lý cũng sẽ nhận thấy những lỗ hổng trong phương thức quản lý của bản thân để cải thiện.
Mẫu câu hỏi về hiệu suất:
-
Cho tới thời điểm hiện tại, bạn đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu và công việc đã đề ra như thế nào?
-
Bạn đo lường kết quả đạt được so với với các tiêu chí đặt ra như thế nào, bằng cách nào?
-
Đâu là nhiệm vụ bạn thấy tự hào nhất? Vì sao?
-
Đâu là nhiệm vụ bạn cảm thấy bản thân có thể làm tốt hơn lần sau? Vì sao? Những nguyên nhân khiến bạn gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm đó?
-
Trong quá trình làm việc, có khó khăn hay thách thức nào ảnh hưởng tới việc hoàn thành mục tiêu của bạn hay không?
-
Bạn có cần thêm nguồn lực hay hỗ trợ nào để hoàn thành tốt nhất các mục tiêu không?
-
Với vị trí và công việc hiện tại, bạn nghĩ bản thân cần phải có những kỹ năng, kiến thức nào?
2. Mẫu câu hỏi về làm việc nhóm
Làm việc nhóm giúp chia nhỏ nhiệm vụ khó khăn thành các nhiệm vụ đơn giản, sau đó các thành viên sẽ cùng nhau làm việc để hiện nhiệm vụ nhanh hơn hiệu quả hơn. Làm việc nhóm cũng thúc đẩy cá nhân phát triển kỹ năng chuyên biệt, để người giỏi nhất trong từng nhiệm vụ có thể thực hiện nó tốt hơn và nhanh hơn.
Ngày nay, khối lượng công việc nhóm ngày càng nhiều khiến đây trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu suất. Khi đánh giá kỹ năng làm việc nhóm, bạn cũng đồng thời đánh giá những kỹ năng khác của nhân viên như: giao tiếp, tranh luận, thuyết phục, sáng tạo, phối hợp, hỗ trợ,…
Mẫu câu hỏi về làm việc nhóm:
-
Bạn đánh giá bản thân trong các công việc nhóm như thế nào? Điểm nào bạn làm tốt và điểm nào chưa tốt?
-
Bạn có thấy thoải mái khi đưa ra phản hồi cho các thành viên khác trong nhóm không?
-
Các thành viên trong nhóm có cảm nghĩ như thế nào khi làm việc với bạn?
-
Một thành tựu mà bạn đạt được nhờ làm việc nhóm?
-
Làm việc nhóm giúp bạn phát huy năng lực của mình như thế nào?
Đọc thêm: 3 cách thúc đẩy cộng tác giữa các phòng ban trong doanh nghiệp tới Wework
3. Mẫu câu hỏi về mối quan hệ giữa quản lý và nhân viên
Giữa nhân viên và lãnh đạo luôn có một khoảng cách nhất định. Khoảng cách là điều cần thiết cho việc điều hành và thực thi quyền lực. Nhưng khi khoảng cách không được kiểm soát thì sẽ có xu hướng lớn hơn, khiến cho mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên trở nên gò bó, bóp nghẹt các tương tác 2 chiều và văn hóa học tập trong tổ chức.
Việc hỏi nhân viên về mối quan hệ với quản lý trong các buổi performance review là một cách để tìm ra hướng cải thiện.
Mẫu câu hỏi về mối quan hệ giữa quản lý và nhân viên:
-
Bạn có cảm thấy thoải mái khi đưa ra phản hồi với tôi không?
-
Tôi cần phản hồi của bạn để trở thành một lãnh đạo tốt hơn, để giúp bạn và công ty đạt được mục tiêu. Làm cách nào để đảm bảo rằng bạn cảm thấy thoải mái khi phản hồi cho tôi? Tôi có thể làm gì để giảm bớt căng thẳng không?
-
Nếu được bạn muốn thay đổi gì để cải thiện mối quan hệ giữa chúng ta?
-
Tôi có thể hỗ trợ bạn như thế nào trong công việc của bạn? (ví dụ như kiểm tra thường xuyên hơn, hỗ trợ bạn xác định các kế hoạch trong tương lai và trong sự nghiệp,…)
-
Tôi có thể hỗ trợ con đường phát triển của bạn tại công ty theo những cách nào?
-
Bạn muốn học hỏi những kỹ năng mới nào và tôi có thể giúp bạn như thế nào?
4. Mẫu câu hỏi về điểm mạnh
Việc hỏi về điểm mạnh giúp lãnh đạo khai phá thêm tiềm năng của nhân viên, thứ có thể góp phần cho sự phát triển của công ty. Mặt khác, nhận thức được nhân viên đang đánh giá bản thân như thế nào cũng giúp lãnh đạo xây dựng các chương trình đào tạo phát triển nguồn lực tốt hơn.
Mẫu câu hỏi về điểm mạnh của nhân viên:
-
Những điểm mạnh của bạn là gì?
-
Tại sao điểm mạnh của bạn lại quan trọng đối với vị trí công việc bạn đang đảm nhận?
-
Làm thế nào bạn có thể phát huy tốt nhất điểm mạnh trong vị trí công việc của mình?
-
Khi tự đánh giá bản thân, điểm mạnh của bạn đã giúp bạn trong công việc như thế nào?
5. Mẫu câu hỏi về cơ hội phát triển
Cũng như câu hỏi về điểm mạnh, những câu hỏi về cơ hội phát triển giúp lãnh đạo có thông tin để xây dựng các chương trình đào tạo và phát triển hợp lý cho nhân viên. Mặt khác, sâu thẳm trong mỗi nhân viên luôn có những kỳ vọng riêng về phát triển sự nghiệp, phát triển bản thân; nếu lãnh đạo không lắng nghe, không hiểu, không đáp ứng thì nhân viên có thể rời khỏi tổ chức để tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.
Mẫu câu hỏi về cơ hội phát triển của nhân viên:
-
Những mục tiêu quan trọng của bạn trong công việc là gì?
-
Bạn nghĩ bạn cần phải làm gì để thực hiện những mục tiêu đó?
-
Bạn muốn trau dồi thêm vào những kỹ năng nào?
IV. Mẹo cho nhà quản lý trong buổi Performance Review
Các buổi đánh giá hiệu suất không đơn thuần chỉ xoay quanh việc hỏi và đáp. Bên cạnh những câu nhận xét, câu hỏi, nhà quản lý cần vận dụng một số kỹ năng nhất định để buổi đánh giá diễn ra hiệu quả. Sau đây là một mẹo cho nhà quản lý:
Tận dụng cơ hội coaching nhân viên: Buổi đánh giá có thể trở thành buổi chất vấn nếu chỉ thuần hỏi và đáp. Để khiến chúng bớt nặng nề, lãnh đạo có thể vận dụng khả năng coaching của mình. Khi đã xác định được vấn đề, hãy đưa ra lời khuyên và giải pháp hữu ích; hãy nói về tương lai nhân viên đó nên làm gì để khiến mọi thứ được cải thiện, thay vì chì chiết những lỗi lầm trong quá khứ.
Khuyến khích nhân viên đưa ra phản hồi: Những phản hồi từ dưới lên (từ nhân viên đến lãnh đạo) cũng có giá trị không kém những phản hồi từ trên xuống (từ lãnh đạo đến nhân viên). Hãy đảm bảo nhân viên có không gian đưa ra phản hồi trong buổi đánh giá. Ngoài ra lãnh đạo cũng cần tự hỏi rằng liệu bạn có đang tiếp thu phản hồi không, bạn có đang tạo niềm tin và an toàn cho nhân viên để cảm thấy thoải mái đưa ra phản hồi cho bạn không, bạn nuôi dưỡng cảm giác thoải như thế nào để tạo ra văn hóa phản hồi cho nhân viên của bạn?
Hãy cụ thể, rõ ràng và súc tích: Không khí căng thẳng của đa phần các buổi đánh giá có thể gây cho nhân viên tâm lý lo âu. Để tránh nhân hiểu sai, suy diễn và tiêu cực hóa thông điệp, chỉ có một cách là nhà quản lý cụ thể, rõ ràng, truyền đạt chúng súc tích nhất có thể.
Tạm kết
Những buổi Performance Review là rất cần thiết để nâng cao khả năng làm việc của nhân viên và kịp thời ngăn chặn những sai lầm không đáng có. Đây là cơ hội để nhà quản lý và nhân viên cùng trao đổi về quá trình làm việc, đưa ra feedback và cùng nhận xét về những ưu, nhược điểm của cả hai bên.
Trên đây là những mẫu câu nhận xét được dùng phổ biến, hy vọng điều này sẽ giúp nhà quản lý và nhân viên có những buổi performance review thật hiệu quả.
Bạn muốn xây dựng đội ngũ nhân viên năng động, nhiệt huyết và có trách nhiệm cao? Bạn muốn có một biểu mẫu chi tiết đánh giá nhân viên được biên soạn kỹ lưỡng? Hãy đăng ký và sở hữu ngay “FORM 12 BIỂU MẪU ĐÁNH GIÁ NHÂN VIÊN” độc quyền từ Base.vn NGAY TẠI ĐÂY!
Form biểu mẫu gồm:
> Biểu mẫu đánh giá theo nhóm
> Biểu mẫu đánh giá hiệu suất thường niên
> Biểu mẫu kế hoạch phát triển nghề nghiệp
> Biểu mẫu đánh giá nhân viên giữa năm
> Biểu mẫu tự đánh giá của nhân viên
> Biểu mẫu đánh giá đồng nghiệp ngang hàng
Và nhiều biểu mẫu hữu ích khác phục vụ thiết thực cho công việc hàng ngày của những người làm tuyển dụng-nhân sự và quản lý doanh nghiệp.