Kinh tế châu Âu 2017 – Cỗ xe cũ được thay động cơ mới

Trước khi cánh cửa năm 2017 mở ra với cựu lục địa, nhiều nhà kinh tế đã nhìn nhận viễn cảnh không mấy sáng sủa do hệ quả của nước Anh rời Liên minh châu Âu, phong trào dân túy cực hữu lên ngôi sẽ tác động không nhỏ đến trao đổi thương mại giữa các nước trong khối…

Nhưng 1 năm trôi qua nhanh cùng sự tăng trưởng ngoạn mục của nền kinh tế châu Âu khiến vào tháng cuối cùng của năm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hân hoan đưa ra nhận định: thành tích phục hồi kinh tế châu Âu mạnh đến mức nó lan ra khắp thế giới, khiến khu vực này trở thành động cơ thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá: Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) tăng trưởng 2,2% trong năm 2017, nhanh nhất trong một thập niên qua.

Tăng trưởng theo kịch bản “Goldilocks”

Euro – đồng tiền chung của Liên minh châu Âu (EU) đang tiến đến mốc tăng 13% so với đồng USD trong năm nay, sắp trở thành đồng tiền thể hiện tốt nhất năm 2017 trong số 10 đồng tiền thuộc nhóm G10.

Torsten Slok, Trưởng bộ phận kinh tế quốc tế ở Deutsche Bank AG tại New York, cho hay: “Nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng tốt hơn cả vài năm trước. Chúng tôi không nhận thấy yếu tố nào có thể châm ngòi cho một đợt suy thoái mới”. Ông gọi đây là một kịch bản “Goldilocks” (tức tăng trưởng không quá nhanh cũng không quá chậm) đối với các nhà đầu tư thị trường chứng khoán, trong đó sự hồi phục kinh tế đủ mạnh để tạo ra lợi nhuận doanh nghiệp cao hơn, nhưng cũng không quá nhanh để làm lạm phát và lãi suất tăng quá mạnh.

Việc kinh tế châu Âu tăng trưởng ổn định có lý do trực tiếp từ chính sách nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Lợi nhuận doanh nghiệp châu Âu đang cải thiện mạnh, niềm tin tiêu dùng ở mức cao nhất từ năm 2001. Không những giới giao dịch tiền tệ mà các doanh nhân, doanh nghiệp cũng lạc quan.

Chỉ số niềm tin doanh nghiệp trong khu vực đạt mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Ở Pháp, nơi Tổng thống Emmanuel Macron đang thúc đẩy cải cách lao động, niềm tin doanh nghiệp đang lên điểm cao nhất từ năm 2007.

Kinh tế châu Âu tăng trưởng ổn định có lý do trực tiếp từ chính sách nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương Châu Âu.

Những nhà quan sát thận trọng nhất cũng nhận ra rằng, sau nhiều năm tăng trưởng ảm đạm, nền kinh tế châu Âu đang hồi phục và vững đà tăng trưởng. Trong quý II-2017, nền kinh tế châu Âu tăng trưởng 0,6%, và mức tăng trưởng của 19 quốc gia trong khu vực cũng đồng đều hơn so với thời gian trước đây.

Đáng chú ý, Hà Lan ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong 1 thập kỷ. Tính đến tháng 9-2017, mặc dù chính phủ mới vẫn chưa được hình thành sau cuộc tổng tuyển cử của Hà Lan diễn ra vào hồi tháng 3, thời kỳ dài chỉ kể từ sau Thế chiến thứ II, kinh tế Hà Lan vẫn tăng trưởng ổn định khoảng 2%, chủ yếu nhờ lãi đầu tư và tiêu dùng cá nhân.

Trên thực tế, những quan ngại về thương mại sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng thuộc về Tổng thống Donald Trump; người dân Anh bỏ phiếu rời EU (Brexit) hay sự lên ngôi của các đảng cực hữu hầu như không gây được tác động nào tới nền kinh tế Hà Lan. Vua Willem-Alexander của Hà Lan nhấn mạnh: “Sau vài năm khó khăn, chúng ta đã có một nền kinh tế thịnh vượng và khỏe mạnh”.

Hãng tin tài chính Bloomberg bình luận: “Đây là dấu hiệu cho thấy các hệ thống được đưa ra sau cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu năm 2008 đang đưa đất nước này thoát khỏi ảnh hưởng từ những bất ổn quốc tế và chính trị trong nước”.

Chính phủ Đức ngày 11-10-2017 đã nâng mạnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2017 từ mức 1,5% lên 2% do nhu cầu mạnh mẽ của thị trường trong nước và nước ngoài. Giới chuyên gia kinh tế của Chính phủ Đức cho rằng nền kinh tế nước này hiện chỉ có ít “điểm yếu” khi các doanh nghiệp đang tăng công suất, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp kỷ lục và lạm phát ổn định. Trong năm nay, Italy có thể chứng kiến những thành quả tốt nhất kể từ năm 2010.

Trong tháng 10-2017, tổ chức S&P bất ngờ nâng xếp hạng tín nhiệm của Italy lần đầu tiên trong ba thập niên. Tháng 11, S&P tiếp tục nâng xếp hạng tín nhiệm của Bồ Đào Nha. Bỏ lại đằng sau ký ức đáng buồn của gói cứu trợ 78 tỷ Euro vào năm 2011, Bồ Đào Nha sắp đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Đối với chính phủ của Thủ tướng Antonio Costa, thành công kinh tế đã đến với quốc gia này sau khi bỏ được chính sách thắt lưng buộc bụng bị áp đặt bởi EU và IMF trong giai đoạn 2011- 2014. Vấn đề lương và tiền trợ cấp khu vực quốc doanh đã được hồi phục như giai đoạn trước khủng hoảng, nhưng chính phủ nước này nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với bất đồng trong tương lai với EU, khi Brussels đang tìm cách để giảm nợ của Bồ Đào Nha.

Điểm sáng Tây Ban Nha và Hy Lạp

Các quốc gia vùng Nam Âu cũng đi lên mạnh mẽ kể từ khủng hoảng nợ quốc gia năm 2012, cuộc khủng hoảng kéo theo nhiều gói cứu trợ tài chính quốc tế, và cuối cùng là một gói kích thích tiền tệ lớn chưa từng có từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Đà tăng trưởng, phục hồi kinh tế thậm chí còn ấn tượng hơn bên ngoài Eurozone. Ba nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Âu tăng trưởng tốt hơn Đức trong vài năm qua. Ba Lan, Romania và Cộng hòa Séc đang trải qua thời kỳ tăng trưởng cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp và tình trạng lạm phát có thể kiểm soát…

Điểm sáng nhất là Hy Lạp, chỉ 2 năm sau ngày gần như bị đẩy ra khỏi khối đồng tiền chung Eurozone và phải cắn răng thực thi chính sách thắt lưng buộc bụng để nhận gói cứu trợ theo từng đợt, Hy Lạp giờ đây đã trở lại thị trường trái phiếu và được các tổ chức như Fitch, Moodys tăng hạng trong bảng tín nhiệm. Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ cho rằng, nợ chính phủ Hy Lạp là một trong các khoản đầu tư dài hạn trong năm 2018.

Tây Ban Nha – nền kinh tế lớn thứ tư của EU – từ tháng 7-2017 đã quay trở lại với tốc độ tăng trưởng trước thời kỳ khủng hoảng. Trong bảng xếp hạng cạnh tranh năm 2012-2013, Tây Ban Nha đứng thứ 10 trên thế giới về chất lượng cơ sở vật chất hạ tầng và thứ 5 trên toàn EU. Hệ thống tàu cao tốc tại đây được phát triển rộng khắp và chỉ đứng sau Trung Quốc về quy mô.

Thậm chí, giới truyền thông Đức khi đó còn dự đoán Tây Ban Nha nhiều khả năng sẽ vượt Đức vào năm 2011 nếu đà tăng trưởng tiếp tục được giữ vững. Tuy nhiên, nền kinh tế Tây Ban Nha khi đó phát triển không đều do tăng trưởng phần lớn phụ thuộc vào thị trường bất động sản bong bóng với lãi suất thấp, dòng vốn đầu tý nước ngoài mạnh cùng lượng lao động nhập cư cao.

Dù tăng trưởng nóng nhưng tỷ lệ lạm phát của Tây Ban Nha khi đó cũng cao kèm thị trường chợ đen tràn lan gây tổn hại đến nền kinh tế. Đặc biệt, hệ thống giáo dục của Tây Ban Nha được đánh giá là kém nhất trong số các nước phát triển của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Các sản phẩm của Tây Ban Nha được ưa chuộng trên thế giới.

Một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản Tây Ban Nha nóng quá mức là hàng triệu người nhập cư Mỹ Latinh, Đông Âu và Bắc Mỹ đổ về đây làm tăng nhu cầu nhà ở. Đến khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008 diễn ra, thị trường bong bóng bất động sản đổ sập. Giá nhà đất tại đây đã giảm mạnh 31% ngay sau mức đỉnh năm 2008, kéo theo hàng loạt hệ lụy trong nền kinh tế.

Tây Ban Nha khi đó đã phải nhờ đến khoản cứu trợ 100 tỷ Euro của EU nhằm cứu vãn hệ thống tài chính. Thời đỉnh điểm, tỷ lệ thất nghiệp của nước này cao tới 26% và đến nay tỷ lệ thất nghiệp đang giảm nhanh, dù ở mức vẫn còn cao là 17%.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, Chính phủ Tây Ban Nha cuối cùng đã kéo nền kinh tế ra khỏi vũng lầy từ năm 2013-2014 với chính sách tập trung cải thiện thâm hụt thương mại. Sau 30 năm thâm hụt thương mại, lần đầu tiên Tây Ban Nha có thặng dư vào năm 2013 và tiếp tục kéo dài sau đó.

Năm 2015, tăng trưởng của Tây Ban Nha đạt 3,2%, thuộc hàng cao nhất EU. Trong năm tài khóa 2014-2015, nền kinh tế Tây Ban Nha đã phục hồi lại được 85% GDP so với thời kỳ trước cuộc khủng hoảng 2008. Các nhà phân tích và giới truyền thông đều nhận định Tây Ban Nha là hiện tượng hồi phục tiêu biểu cho chính sách tái cơ cấu nền kinh tế ở châu Âu.

Năm 2017, nền kinh tế Tây Ban Nha hướng đến năm thứ 3 liên tiếp có tốc độ tăng trưởng vượt 3%. IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng năm nay của Tây Ban Nha từ 2,6% lên 3,1%. Bình quân mỗi năm Tây Ban Nha tạo thêm được 500.000 việc làm và theo chuyên gia kinh tế Luis de Guindos, GDP của quốc gia này đã vượt qua mức đỉnh của thời kỳ trước khủng hoảng 2008.

“Chơi” nhiều nhưng không giảm năng suất

Người châu Âu nổi tiếng với việc luôn tự thưởng cho mình những kỳ nghỉ dài trong suốt mùa hè. Ở Na Uy, thuật ngữ “fellesferie” dùng để chỉ những kỳ nghỉ tập thể kéo dài tới 2-3 tuần của người lao động diễn ra vào tháng 7 hằng năm. Thời gian này các doanh nghiệp sẽ đóng cửa hàng hoặc chỉ hoạt động theo giờ mùa hè. Tại Hà Lan, người lao động trong ngành xây dựng thường có kỳ nghỉ gọi là “bouwvak” kéo dài trong nhiều tuần.

Còn ở Pháp, từ 2 năm trước, một đạo luật được ban hành yêu cầu những người làm bánh tại đây phải xen kẽ thời gian nghỉ hè của họ để làm sao vẫn đảm bảo có đủ bánh cung ứng cho các hiệu bánh mở cửa phục vụ trong suốt kỳ nghỉ. Đây là những mô hình đáng khao khát đối với đa phần người dân Mỹ – quốc gia duy nhất trong nhóm OECD không ban hành quy định về những kỳ nghỉ có trả lương dành cho người lao động. Trên thực tế, tư tưởng nghỉ dưỡng của người châu Âu lại giúp thúc đẩy năng suất lao động hiệu quả.

Ban chỉ đạo thời gian làm việc EU đảm bảo rằng, người lao động ở khu vực này được hưởng ít nhất 20 ngày nghỉ có trả lương mỗi năm. Một vài quốc gia châu Âu có quy định về thời gian nghỉ phép có trả lương như Anh, Pháp, Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Luxembourg và Thụy Điển. Tất cả các nước này thường yêu cầu có từ 25 hoặc hơn số ngày nghỉ có trả lương hằng năm.

Dữ liệu cho thấy thời gian nghỉ càng nhiều không hề khiến kéo giảm năng suất lao động. 9 trong 10 nước có năng suất lao động tốt nhất trong nhóm OECD năm 2015 nằm ở châu Âu (chỉ số tính theo GDP mỗi giờ làm việc). Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian nghỉ ngơi ngoài giờ làm việc có thể giúp người ta sáng tạo hơn.

Dù vậy, kinh tế châu Âu vẫn vướng nhiều trở ngại. Hầu hết các nước Eurozone vấp phải vấn đề “công ăn việc làm dồi dào, nhưng lương thấp”. Giới phân tích thuộc Ngân hàng HSBC cho biết, lương bổng cần phải tiếp tục tăng để giữ nhu cầu tiêu dùng đi lên. Ngược lại, các nước Đông Âu lại đối mặt vấn đề tăng trưởng lương bổng quá nhanh vì đợt thúc đẩy tài chính của chính phủ.

Hiện tốc độ tăng lương đang vượt quá tăng trưởng năng suất, trở nên quá nóng với nền kinh tế. Lúc này, những mối lo ngại lớn nhất xuất phát từ chính trị: sự thiếu chắc chắn, việc các đảng cánh hữu và chủ nghĩa dân túy nổi dậy đang khiến giới đầu tư e ngại và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Những gì đang diễn ra với nền kinh tế châu Âu có thể coi là bước ngoặt ngoạn mục của một khu vực từng bị tàn phá nặng nề bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ khu vực, thất nghiệp tăng cao và giảm phát kéo dài đe dọa sự tồn tại của đồng tiền chung.

Dù giờ đây kinh tế châu Âu chưa hoàn toàn lấy lại được những gì đã mất trong nhiều năm đen tối và năng suất lao động tại châu Âu vẫn còn thấp, nhưng sự chuyển hướng của nền kinh tế ít nhất giúp người ta có thể hy vọng vào một cỗ xe cũ đã được thay dàn động cơ mới.