Kpop vướng tranh cãi về chiếm dụng văn hóa

BẢO LAM (Tổng hợp từ Mediaus, Koreaboo, Korea Joongang Daily)

Ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc (Kpop) đang phát triển mạnh và vươn ra toàn cầu. Tuy nhiên, Kpop cũng đang gặp phải nhiều chỉ trích, tranh cãi vì chiếm dụng văn hóa của các quốc gia.

Kpop đã có chỗ đứng đặc biệt tại châu Á và đang thâm nhập thị trường Mỹ, phương Tây. Không thể phủ nhận, các ban nhạc Hàn Quốc đã sáng tạo nhiều MV có hiệu ứng trên toàn cầu, trở thành bước đệm thành công của nhóm nhạc BTS (ảnh) hay BlackPink… Tuy nhiên, đi kèm thành công đó là những tranh cãi về vấn đề các thần tượng Hàn Quốc chiếm dụng các yếu tố văn hóa nước ngoài.

Ðịnh nghĩa về chiếm dụng văn hóa là việc cá nhân hay tổ chức sử dụng phong tục, tập quán của một dân tộc khác mà không hiểu đúng ý nghĩa. Các MV ca nhạc Kpop thường bị lên án bởi thường bắt chước sai lệch các yếu tố văn hóa nước ngoài. Như trường hợp MV “Money” của BlackPink, trong đó thành viên Lisa có sử dụng kiểu bím tóc hộp, bị xem là hành vi chiếm dụng văn hóa của phụ nữ châu Phi. Chuyên gia văn hóa, giáo sư Lee Gyu Tag, cho rằng: “Các nghệ sĩ có nhu cầu mở rộng thị trường đến toàn cầu nhưng lại không tìm hiểu sâu về văn hóa của các quốc gia khác dẫn đến sự chiếm dụng văn hóa gây tranh cãi. Những người làm MV ca nhạc Kpop bắt chước một nền văn hóa khác mà không thể hiện sự hiểu biết, tôn trọng của họ đối với nền văn hóa đó”. Giáo sư Lee Gyu Tag cũng cho rằng người Hàn Quốc đang quá tập trung vào suy nghĩ của người nước ngoài về họ thay vì cố gắng tìm hiểu văn hóa của các quốc gia mà họ muốn mở rộng, dẫn đến nhiều tranh cãi.

Thực tế, nhiều ca sĩ, nhóm nhạc Hàn Quốc vẫn chưa nhận thức rõ những sai lầm này. Mục đích của họ chỉ là hướng đến thị trường toàn cầu và làm cách nào đó tiếp cận thị trường trong thời gian nhanh nhất. Vì thế màu sắc của các quốc gia sẽ xuất hiện trong các MV nhạc của Kpop để lấy cảm tình từ cộng đồng. Tuy nhiên, đó lại là bước đi sai lầm. Kể cả ban nhạc nổi tiếng và nhận được nhiều yêu thích tại Nhật như BTS cũng từng đối mặt làn sóng chỉ trích tại quốc gia này. Một chương trình ca nhạc tại Nhật Bản của BTS đã bị hủy bỏ do thành viên Jimin đã mặc một chiếc áo có in hình bom nguyên tử. Một trường hợp khác là nhóm Mamamoo từng bị chỉ trích vì mặc phục trang của châu Phi để hóa trang gây cười trong một chương trình. MV “How You Like That” của BlackPink cũng bị lên án gay gắt và buộc phải chỉnh sửa nội dung vì khán giả phát hiện tượng thần Ganesha bị đặt dưới sàn nhà trong cảnh quay của Lisa.

Truyền thông Hàn Quốc cũng chỉ ra vấn đề đằng sau sự phát triển của Kpop hiện tại là chủ nghĩa dân tộc và sự sai lệch trong bản sắc. Sự lan tỏa của BTS hay BlackPink ở Mỹ và toàn cầu vô tình đã tạo nên một làn sóng mang tính biểu tượng và Kpop trở thành công cụ phục vụ nhiều ngành nghề khác tại Hàn Quốc. Vì thế, công chúng nước này khó chấp nhận những lời chỉ trích với Kpop. Tuy nhiên, điều đó cũng không ngăn được sự thật là ngày càng có nhiều tranh luận và chỉ trích về sự chiếm dụng văn hóa của Kpop từ các chuyên gia và truyền thông các quốc gia.

Sự phát triển của Kpop đang rối loạn và vẫn chưa được toàn cầu hóa thực sự, thậm chí còn có phần đuối sức vì phải đối mặt với làn sóng chỉ trích chiếm dụng văn hóa.