Kỳ 2: The secret garden – Sơ lược về các bộ phim đã dựng
Giờ thì tới mấy bộ phim dựng lại từ tác phẩm gốc và so sánh chúng với nhau.
…
– Khu vườn bí mật được dựng thành phim lần đầu năm 1919 với Lila Lee (17 tuổi) thủ vai Mary và Paul Willis vào vai Dickon, nhưng bản phim này đến nay đã “tuyệt chủng”.
– Đến năm 1949, hãng MGM làm lại bộ phim với Margaret O’Brien đóng vai Mary. Bộ phim năm 1949 là phim đen trắng và chỉ “được phép” có màu để phát huy hết mức vẻ đẹp của khu vườn.
Thông tin cụ thể xem tại đây
Những cảnh nền về lâu đài hay những căn phòng trong lâu đài chỉ như hình dựng lên trong những vở kịch. Diễn biến phim khá nhanh và thật sự các nhân vật không để lại nhiều ấn tượng. Mary trông lớn hơn so với tuổi của cô, cô còn có dáng một bà chị dịu dàng, biết bảo ban các em hơn là một cô chủ ương ngạnh hay cáu kỉnh ngoại trừ cái miệng như sẵn sàng xổ ra một tràng với bất cứ ai và vào bất cứ lúc nào. Colin thì quá hiền lành và…khoẻ mạnh so với vai diễn của cậu, Dickon khá là mờ nhạt thậm chí khả năng đặc biệt là giao tiếp với thú vật của cậu cũng mất đi sức mạnh. Và khu vườn ở đây là một bộ bàn uống trà với vài khóm, bụi hoa. Nhưng không thể trông chờ điều gì hơn thế từ những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết vào những năm 40 như vậy. Độc giả đã quen hay chính xác hơn là đã có sự tưởng tượng riêng về khu vườn khi đọc truyện rồi.
Nhưng là một câu chuyện thiếu nhi được miêu tả kỹ thì cảnh trí trong Khu vườn bí mật không nhiều và không quá khó để tưởng tượng vì thế dù bộ phim năm 1949 có hạn chế thế nào thì cũng không khiến người xem ngã ngửa với những cảnh tượng đi chệch hướng.
– Vào năm 1993, bộ phim được làm lại lần thứ ba. Đây là bản phim thành công và được nhiều người biết đến nhất do hãng American Zoetrope sản xuất và Agnieszka Holland đạo diễn.
Thông tin cụ thể xem tại đây
Bản phim năm 1993 đương nhiên trội hơn về mặt âm thanh, hình ảnh, cảnh trí và cả dàn diễn viên. Lần này là một lâu đài thật trên một khu đất thật như trong truyện. Mạch truyện không quá nhanh trừ chi tiết Mary tìm thấy chiếc chìa khoá, thậm chí chúng ta còn được ở Ấn Độ một chút. Kate Maberly vào vai Mary là một cô bé bầu bĩnh, dễ thương chứ không gầy guộc, khô khốc như Mary nhưng đổi lại Kate có đôi mắt ương ngạnh, cái miệng mím chặt bướng bỉnh và dáng vẻ đúng với một quý cô 10 tuổi luôn cáu kỉnh. Chuyển biến tính cách của cô cũng nhanh không khác gì việc tìm ra chiếc chìa khoá.
Chỉ một chi tiết khác với truyện (hay truyện không đề cập) là mẹ của Mary và mẹ của Colin là một cặp song sinh. Có thể thấy Mary và Colin trông cũng khá giống nhau. Diễn viên đóng đạt nhất phim theo đánh giá của tôi chính là Colin do Heydon Prowse thủ vai, cậu gầy guộc với đôi mắt thâm quầng, cái miệng sẵn sàng quát nạt và ra lệnh cho kẻ khác, nó cũng run lên mỗi khi cậu muốn đòi thứ gì và đôi mắt thì long lanh mỗi khi nghe Mary kể chuyện cũng như long…sòng sọc mỗi khi tức giận.
Lần đầu Colin gặp Mary trong phòng cậu, cậu còn soi gương xem mình đã thực sự chỉnh tề chưa và với một quý ông 10 tuổi thì đó là điều nên làm. Nhân vật Colin thực sự như từ truyện bước ra chỉ là, cảm nhận của riêng tôi, cậu không quá buồn khi kể về mẹ cũng không khó chịu bực dọc và cô độc khi nói về cha như trong truyện. Dickon do Andrew Knott thủ vai, trong bản phim này cũng khá hơn, có nhiều động vật xuất hiện hơn, nhưng tính cách của cậu ấy vẫn không hề được bộc lộ rõ, cậu ấy cứ hiền từ như một thiên thần vậy, mỉm cười và giúp Mary.
Khu vườn đẹp, nhưng tôi chỉ dừng lại được ở chữ đẹp đó chứ không hơn vì nó là một không gian khá chật hẹp với tất thảy các loại hoa mà truyện nhắc tới hay nói đúng hơn là được sắp xếp như một khu vườn. Nhưng nhờ diễn xuất của Heydon, tôi đã có cảm xúc hơn với nó vì khi Colin thấy khu vườn, đôi mắt thâm quầng của cậu như sáng hơn, long lanh hơn và cậu như phát khóc vì xúc động.
Tôi có cảm giác đạo diễn bản phim năm 1993 có ý gì đó như muốn làm phần II vì phim đã hé lộ nhiều tình tiết cho thấy tình cảm tay ba sẽ “bùng phát” khi họ lớn lên. Trong truyện, Frances chỉ miêu tả Colin tức giận khi thấy Mary thích chơi với Dickon, cậu ghen tỵ vì là một công tử muốn gì được nấy và đơn giản hơn là một đứa trẻ được nuông chiều nhưng lại thiếu sự quan tâm thật sự. Cậu đòi Mary phải ở lại chơi với cậu và thậm chí còn đe doạ sẽ không để Dickon tới lâu đài nữa.
Khi đọc những điều đó trong truyện, độc giả chỉ cảm thấy tất thảy đó là thứ đòi hỏi quá quắt của một đứa trẻ giàu có. Nhưng nếu xem phim bạn sẽ thấy một cảnh, khi Mary và Dickon hợp tác phá cửa sổ phòng Colin để mang lại chút ánh sáng, khí trời cho cậu, Mary đã chạy ra ngoài, leo lên ngựa của Dickon và cùng cậu cưỡi ngựa đi. Cái hình ảnh Mary trên ngựa của Dickon không chỉ ám ảnh Colin mà còn cả khán giả nữa. Colin đã thấy, đã kêu khóc gọi Mary như thể chuyện tình người lớn và rồi…ngã vật ra ăn vạ, lại quay về với tính cách của một đứa trẻ như trong truyện.
Không chỉ dừng ở chi tiết này, đến đoạn sau khi bộ ba chơi trong vườn, khi Colin đứng chụp ảnh cho Mary và Dickon đang cùng ngồi trên xích đu, Colin đã nói: “Rồi, hai người nhìn nhau rồi nhìn tớ này”.
Mary và Dickon đã làm như thế, à, chỉ một nửa như thế, nghĩa là đã nhìn nhau…say đắm (không hợp với tuổi của các bé) đến nỗi mà Colin phải hét lên đến mấy lần để “đánh thức” họ khi nhận ra “chuyện đang xảy ra” đó, khuôn mặt Colin biểu lộ rõ sự ghen tức, à, ghen tuông. Ồ phải, và trước đó Colin đã nói với Mary “Tớ sẽ lấy cậu”, Mary nói “Nhưng chúng ta là họ hàng”, Colin bảo “Tớ chẳng quan tâm, tớ muốn chúng ta mãi mãi ở bên nhau”, Mary đã nói “Chúng ta vẫn luôn bên nhau mà” và hôn vào má Colin.
Rồi tôi bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng Susan Webb, người đã viết Till all the seas run dry năm 1998 bị ấn tượng bởi phim hơn là câu truyện gốc của Frances vì khi xem lại phim cảm thấy khá khớp. Để giải thích cho chuyện cha con nhà Colin mà Webb viết, dù họ đã đoàn tụ trong vui mừng nhưng với tính cách của Colin và sự đau khổ mà cậu phải chịu ấy vẫn sẽ để lại vết thương trong lòng cậu và rồi làm giãn ra cái khoảng cách giữa hai cha con.
Có điều đáng tiếc mà cả hai bộ phim không làm được đó là vai trò của Martha và mẹ của chị em Martha, Dickon. Bà chính là một phần diệu kỳ mà khu vườn mang tới cho những đứa trẻ, và cả Martha, nếu không có cô thì Mary chưa chắc đã thay đổi nhanh thế.
Còn nữa, bà quản gia Medlock, trông bộ phim năm 1949 không nói gì nhiều nhưng phim năm 1993 đã miêu tả bà (do Maggie Smith thủ vai, bà này đóng giáo sư McGonagall trong Harry Potter) như một người cực đoan và trung thành quá mức với Lord Craven (cha Colin), tôi thậm chí đã nghĩ bà này có tình cảm gì sâu đậm lắm với ông chủ của mình. Bà quản mọi việc trong nhà rất tốt, luôn giữ rịt Colin trên giường và chăm sóc cũng như đáp ứng mọi yêu cầu của cậu, bà luôn nghĩ mình làm điều tốt nhất cho Colin và nhốt Mary lại khi nghĩ cô có ảnh hưởng xấu tới Colin. Bà đã kinh ngạc hết mức có thể khi Colin hét lên đuổi bà ra khỏi phòng và muốn ở lại riêng với Mary, bà đã khóc như thể cả thế giới sụp đổ dưới chân mình khi Lord Craven trở về, không thấy con trai mình và quát thét giận dữ với bà. Tôi thật sự thích bà Medlock trong truyện hơn nhiều, nhất là cái cảnh Mary và Colin cãi nhau, bà đã nhìn và nói “Chỉ một đứa trẻ mới biết cách dạy bảo một đứa trẻ” (đại khái hình như thế)
Cảnh cuối cùng, cả vùng đất Misselwaite đang vươn vai thức dậy, điểm trên màu tím nhạt của cả vùng đất đó là con ngựa trắng với Dickon cưỡi trên nó, như một thiên thần và như một… nhân vật phụ mà Susan Webb miêu tả trong “Till all the seas run dry” vậy. Vậy mới nói Webb bị phim ám ảnh hơn truyện.
Tôi chưa xem mà cũng chưa có ý định xem phim Back to the secret garden năm 2000. Đọc review và xem trailer, xem ra nó chỉ lặp lại cái cốt truyện The secret garden của Frances và trên bối cảnh mới, mượn địa danh, mượn tuyến nhân vật cũ làm người dẫn truyện.
Xem thông tin cụ thể tại đây
Có thể xem các bản phim trên youtube. Khu vườn bí mật cũng từng được làm thành anime năm 1991.
Và lời khuyên dành cho các độc giả:
Đọc The secret garden và giữ nó cho riêng mình
Xem phim bản năm 1993 rồi tìm đọc Till all the seas run dry của Susan Webb.
kanon
Mục lục bài viết
Share this:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…