[Kỳ 4] Nghề kiếm tiền ngày cận tết: Thu nhập tháng cuối năm vài chục triệu đồng
Mục lục bài viết
Nhờ khéo tay…
Chị Võ Thị Thùy Dung (35 tuổi), giáo viên mỹ thuật Trường tiểu học Bình Hòa, TP.Thuận An (tỉnh Bình Dương), đã tận dụng sự khéo tay của mình để tranh thủ kiếm tiền những ngày cuối năm.
Chị Dung vẽ trên quả dừa, lon nước và bao lì xì, với các gam màu đỏ, vàng, xanh… cùng hình ảnh đặc trưng của ngày tết như: hoa đào, hoa mai, những dòng chữ: bình an, thịnh vượng, như ý… rất bắt mắt. Một trái dừa sau khi vẽ xong được chị Dung bán với giá 220.000 đồng (vẽ 2D) và 250.000 đồng (vẽ 3D), một lon nước với giá 45.000 đồng và 15.000 đồng cho một bao lì xì.
Trong khoảng một tháng cuối năm, cô giáo trẻ này vẽ được hơn 120 trái dừa, 1.000 bao lì xì và khoảng 750 lon nước ngọt. Dù là việc làm thời vụ nhưng đã giúp chị Dung thu về gần 50 triệu đồng (sau khi trừ chi phí).
Cũng tranh thủ kiếm tiền dịp tết, Lê Thiện Nhân (22 tuổi), ở xã Nghĩa Thắng, H.Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông), gắn bó với công việc vẽ vời trên trái dừa, trái bưởi, lon nước suốt 4 năm nay. “Khoảng giữa tháng 12 âm lịch mình vẽ, lên mẫu trước cho khách chọn và bắt đầu từ ngày 15 tết sẽ nhận vẽ theo yêu cầu của khách tới hết 30 tết”, Nhân nói.
Mỗi trái dừa Nhân mất 30 phút để hoàn thiện, do đó chỉ trong 15 ngày cuối năm chàng trai này vẽ được 200 – 300 trái. Một trái dừa được bán với giá từ 100.000 – 300.000 đồng. Công việc vẽ trên trái dừa trong vòng nửa tháng cuối năm đã giúp Nhân thu về khoảng 15 – 20 triệu đồng (sau khi trừ các chi phí).
Đây cũng là công việc thời vụ giúp Cao Bá Minh (28 tuổi), làm công việc buôn bán ở TT.Mỹ An, H.Tháp Mười (Đồng Tháp), kiếm tiền triệu trong một tháng cận tết. Theo Minh, cứ vào tháng 12 âm lịch là bắt đầu đi hái dừa, tự tay tuyển chọn những quả dừa đạt chuẩn để mang về vẽ.
“Mình làm công việc này 2 năm rồi, mỗi năm vẽ được khoảng 300 trái dừa. Vẽ trên trái dừa bên mình có 3 loại: Vẽ 3D có giá từ 300.000 – 350.000 đồng; viết chữ thư pháp có giá 200.000 – 250.000 đồng; cao nhất là dừa dát vàng giá từ 450.000 – 500.000 đồng một cặp”, Minh cho biết.
Nhiều lần từ chối đơn đặt hàng
Vì sản phẩm rất được ưa chuộng, khách hàng “chốt đơn” nhiều, nên năm nào những người làm công việc này cũng bị “cháy hàng”. Nhiều lần phải từ chối bớt đơn đặt hàng của khách, có những khách đặt rồi phải hủy vì năm hết tết đến không làm kịp.
“Thường tôi sẽ nhận đơn đặt hàng trước rồi mới vẽ, năm nào cũng làm tới 30 tết nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu của khách hàng”, chị Dung bộc bạch. Những ngày cuối năm cô giáo này làm việc không biết mệt mỏi, xong việc ở trường là về nhà cặm cụi vẽ. Có những hôm phải thức trắng đêm để vẽ cho kịp. Theo chị Dung, để gắn bó lâu dài được công việc này ngoài đôi tay khéo léo thì cần có sự chỉn chu, tỉ mỉ và kiên nhẫn.
Để cho ra sản phẩm hoàn hảo nhất, chị Dung chăm chút từng chi tiết nhỏ. Theo chị Dung, công việc này không cần đầu tư vốn nhiều, tiền mua vật liệu không bao nhiêu nên tiền lời cũng được nhiều, xứng đáng với công sức mình bỏ ra.
“Vẽ trên trái dừa, lon nước hay bao lì xì không khó, chỉ cần vài nét đơn giản nên khéo tay một chút là được. Quan trọng là phải tập trung và chịu khó”, chị Dung tiết lộ.
Để sản phẩm đẹp nhất, hoàn hảo nhất, người vẽ phải “thả hồn” vào trong từng nét vẽ, đặt cái tâm vào trong từng sản phẩm. Họ tự tay lựa chọn từng quả dừa, từng màu sơn. Ví như dừa phải lựa quả thật già, quả to, vỏ phải đẹp, còn màu sơn thì chọn loại có độ bám cao, lâu phai, như vậy mới chưng được lâu.
Là khách hàng quen thuộc của chị Dung suốt 2 năm nay, với chị Nguyễn Thị Lan (30 tuổi), ở tổ 2, ấp Bình Đáng, xã Bình Hòa, TP.Thuận An (Bình Dương), tết đến là phải có dừa có lon nước của chị Dung thì mới trọn vẹn.
“Vẽ trên trái dưa hấu thì tôi thấy nhiều rồi, nhưng vẽ trên dừa thì trước giờ chưa từng biết tới. Năm ngoái thấy lạ mà cũng đẹp nên mua về chưng, ai tới cũng khen đẹp mà thời gian chưng cũng được lâu nên năm nay tôi tiếp tục đặt hàng. Phải công nhận người vẽ phải rất khéo tay và kỳ công thì mới cho ra được thành phẩm đẹp mắt như vậy, tôi rất thích”, chị Lan chia sẻ.