Kỳ bí di sản văn hóa Đan Mạch

Cổ quái, huyền bí và vô cùng linh thiêng là những từ ngữ mà du khách thường nói khi đề cập đến các di sản văn hóa của Đan Mạch.

Nhắc đến Đan Mạch người ta nhắc ngay đến các câu chuyện cổ tích gắn liền với thời thơ ấu của nhiều thế hệ độc giả và bức tượng Nàng Tiên Cá của thành phố Copenhagen.Tuy nhiên, quốc gia vùng Bắc Âu này còn sở hữu nhiều di sản văn hóa đồ sộ khác, nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu mà không nhiều quốc gia có được.

Kỳ bí di sản văn hóa Đan Mạch 

Và những di sản văn hoá thế giới ở Đan Mạch bao gồm các đồi mộ cổ, những bia đá khắc chữ Rune và nhà thờ vùng Jelling, cũng như nhà thờ chính tòa ở thành phố Roskilde và lâu đài Kronborg. Trải qua bao thử thách của lịch sử, đất nước Đan Mạch đã trở thành một giang san gấm vóc có nền văn hoá cao. Đất nước này là một tổng hợp hài hoà giữa thiên nhiên và con người.

Đầu tiên nhất trong số những di sản văn hóa thế giới của Vương Quốc Đan Mạch mà chúng ta có thể gọi là “ bảo vật” quốc gia là Bia đá Jelling, gồm 2 tấm đá khắc chữ rune nằm ở sân nhà thờ Jelling. Các chữ rune khắc trên các tấm bia này rất quan trọng về mặt lịch sử, bia đá lớn có khắc chữ rune do vua Harald dựng lên ở Jelling từ khoảng năm 965 và được xem là giấy khai sinh đất nước Đan Mạch.

Kỳ bí di sản văn hóa Đan Mạch 

Nó được đặt ở khoảng giữa hai quả đồi ở Jelling và chữ rune khắc trên tấm bia cũng rất đặc biệt, vì được khắc hàng ngang, trong khi trên các tấm bia khác, chữ rune đều khắc theo hàng dọc. Bia đá nhỏ khắc chữ rune do cha của vua Harald là Gorm dựng ở gần bia đá lớn vào khoảng năm 955. Ngày nay, tấm bia đá nhỏ được đặt gần tấm bia đá lớn nhưng không ai biết vị trí ban đầu của nó ở đâu bởi trong thế kỷ XVII, nó được đặt bên cửa nhà thờ Jelling. Trong kỳ họp thứ 18 vào năm 1994, UNESCO đã đưa bia đá Jelling vào danh sách Di sản thế giới cùng với nhà thờ Jelling và 2 nấm mộ cổ đắp cao.

Nằm ở TP Helsingor, lâu đài Kronborg là lâu đài có vị trí rất quan trọng ở Bắc Âu. Lâu đài nằm tại mỏm cực Đông của đảo Zealand, nơi hẹp nhất eo biển Oresund chỉ rộng khoảng 4km.

Trước kia, nó là một pháo đài có tên gọi Krogen với một số nhà và tường bao quanh, được xây dựng trong thập niên 1420 theo lệnh của vua Eric. Đến thập niên 1570, vua Frederick II cho xây dựng lại thành lâu đài và công trình này nổi tiếng khắp châu Âu về kích thước lẫn hình dáng. Trong trận hỏa hoạn vào năm 1629, phần lớn tòa lâu đài bị thiêu hủy, chỉ còn lại ngôi nhà nguyện.

Kỳ bí di sản văn hóa Đan Mạch

Dù sau này vua Christian IV đã khôi phục được hình dáng tráng lệ bên ngoài của nó nhưng các phần bên trong không bao giờ phục hồi được như xưa. Bên cạnh đó, chiến tranh Thụy Điển – Đan Mạch cũng làm cho lâu đài mất đi nhiều bức tượng và tranh quý hiếm, trong đó có bức trướng che phía trên bàn ghế của vua Frederick II. Từ năm 1739 đến giữa thế kỷ XIX, Kronborg được dùng làm nhà tù, sau đó là nơi giam hoàng hậu Caroline Mathilde. Ngày nay, lâu đài Kronborg là điểm du lịch nổi tiếng của Đan Mạch với 200.000 người tới thăm mỗi năm. Lâu đài kronborg được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới ngày 30/11/2000.

Là một vịnh hẹp đầy băng nằm gần TP Ilulissat, đảo Greenland, vịnh băng Ilulissat được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới năm 2004 tại khóa họp thứ 28. Vịnh Ilulissat dài 40km, rộng 7km, chỗ sâu nhất 1200m. Ở đầu vịnh là dải sông băng lục địa Ilulissat Isbrae, mép dải sông băng này luôn luôn có những khối băng lớn vỡ ra. Các núi băng lớn này có đường kính vài trăm mét, cao tới 1000m, chỗ cao nhất trồi trên mặt nước là 150m.

Trên đảo Zealand còn có một công trình kiến trúc khác cũng thu hút rất nhiều du khách đến thăm mỗi năm. Đó là nhà thờ chính tòa Roskilde nằm ở TP Roskilde – tân thủ đô của Đan Mạch dưới thời vua Harald. Nhà thờ được xây dựng trong thế kỷ XII và XIII vừa theo kiến trúc Gothic vừa theo kiến trúc Roman và là nhà thờ được xây dựng bằng gạch đầu tiên ở Bắc Âu. Đây là nơi an táng cho nhiều vua chúa của Đan Mạch từ thế kỷ XV, trong các nhà nguyện được xây nối vào nhà thờ.

Kỳ bí di sản văn hóa Đan Mạch 

Cùng với tu viện Soro, nhà thờ chính tòa Roskilde là nguyên mẫu cho nhiều tu viện, nhà thờ, nhà thờ chính tòa và các tòa nhà công cộng khác được xây dựng bằng gạch đỏ. Nhà thờ chính tòa Roskilde được mở rộng tốn khoảng 3 triệu viên gạch và có chiều cao gấp đôi nhà thờ cũ. Tuy nhiên, trận hỏa hoạn năm 1443 đã làm hư hại phần lớn và nhà thờ được xây dựng lại sau đó 21 năm. Nhà thờ chính tòa Roskilde được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới từ năm 1995.