Kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới

Thứ Năm 31/01/2019 | 10:46 GMT+7

VHO- Mất khá lâu chúng tôi mới có được cuộc hẹn với Dương Anh Vũ. Chàng trai trẻ này bận suốt với công việc nghiên cứu sinh ở nước ngoài và những chuyến đi thiện nguyện trong vai trò đại sứ của các tổ chức quốc tế. Cuộc trò chuyện khá hiếm hoi trong một buổi chiều cuối năm cũng đủ để chúng tôi cảm nhận được sự năng động, tinh thần cống hiến cho cộng đồng, đặc biệt là niềm đam mê tri thức vô cùng tận của chàng kỷ lục gia thế giới bước vào tuổi 30 này.

Dương Anh Vũ nhớ được nguyên tấm bản đồ thế giới khổ lớn nhất bằng 5 ngôn ngữ

Dương Anh Vũ là người đầu tiên xác lập 4 kỷ lục thế giới về Siêu trí nhớ học thuật (trước đó chỉ có thuật ngữ Kỷ lục Thế giới) và được công nhận là người nhớ được khối lượng dữ liệu khoa học lớn nhất thế giới, từng được ghi nhận với các khả năng ở nhiều lĩnh vực: Toán học, nhớ được hơn 20.000 số Pi sau 3,14; nhớ được 1.022 tác phẩm văn học kinh điển thế giới (tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn – không bao gồm thơ); nhớ được nguyên tấm bản đồ thế giới khổ lớn nhất bằng 5 ngôn ngữ (tiếng Anh, Hoa, Pháp, Tây Ban Nha và tiếng Đức); nhớ được 10.056 mốc sự kiện lịch sử qua 7.000 năm của nhân loại; nhớ được hơn 22.000 mục dữ liệu toàn cầu (GDP, diện tích, dân số, tiền tệ, HDI, FDA…)…

Trước đó, vào tháng 3.2015, Vũ cũng xác lập kỷ lục về khả năng ghi nhớ ở Thái Lan và trở thành người nước ngoài duy nhất đến nay được tôn vinh về trí nhớ bởi Sách Kỷ lục Hoàng gia Thái Lan. “Có người hỏi vì sao em xác lập kỷ lục ở nhiều thể loại như vậy, bởi thông thường người ta chỉ bám theo đúng một thể loại thôi, đó là bởi em muốn khẳng định bộ não con người có thể tiếp nhận kiến thức đa dạng, nó không nhất thiết phải một môn, một chuyên ngành hay một lĩnh vực”, Vũ chia sẻ.

Với những thành tích “siêu khủng” đó, Dương Anh Vũ được Trung ương Đoàn và Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu liên tục trong 2 năm (2016 và 2017); được Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind trao giải thưởng Hall of Fame về Giáo dục vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật; được Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Trung ương tôn vinh “Điển hình tiên tiến toàn quốc vì những đóng góp trong giáo dục và học thuật”…

Từ một học sinh dốt đến kẻ thèm tri thức như một “con nghiện”

Vũ kể: “Suốt từ nhỏ cho đến năm lớp 10, em là học sinh học rất dốt. Mới vào lớp 1 em đã thi lại rồi. Là học sinh bị xếp loại yếu liên tục trong 8 năm liền, trong đó có 1 năm ở lại lớp (lưu ban). Cấp III em phải học bổ túc, vì không có bất cứ trường THPT nào chịu nhận, do điểm thi tốt nghiệp của em quá thấp”.

Vũ chia sẻ tiếp, “nhiều lúc em bế tắc, nhất là giai đoạn em học dốt này, khi đó não em là con số 0, rất trống rỗng. Trong khi năm lớp 10 hệ bổ túc chỉ học có 7 môn thôi, không có môn tiếng Anh, môn Thể dục gì hết, chỉ tập trung học có 7 môn mà kết quả học tập năm lớp 10 của em kém, phải thi lại mặc dù giáo viên dạy rất dễ, thậm chí chỉ cần ngoan hiền, đi học đầy đủ là cho qua… Học xong lớp 10 em mới hốt hoảng, nếu cứ như thế này thì không ổn rồi, em phát hiện rằng do kiến thức nền của em quá rỗng nên em xin vào các lớp học thêm cấp II để học lại. Những học sinh trong các lớp cấp II chọc ghẹo em, bắt đầu từ đó em tự ái và nghĩ, nếu không vượt qua cảnh đó thì suốt đời không thể ngẩng đầu lên, vì thế em cứ kiên trì, kiên trì, khi càng kiên trì thì phát hiện hóa ra mình đâu có dốt. Những kiến thức này nó vẫn vô đầu mình được, tự nhiên em thèm học, thèm tri thức như người đói ăn lâu ngày, như một con nghiện, rồi em lao vào học bất kể ngày đêm…”.

Vũ cho biết, thời học cấp III em phải đạp xe đi học rất xa, lên đến 42 km mỗi ngày. Lúc này thấy bố mẹ vui vì em chăm học nên em càng có động lực hơn. Sau khi vượt qua cú sốc bị mấy học sinh cấp II chế giễu thì Vũ lại bị cú sốc khác là không có quy chế cho học sinh hệ bổ túc thi học sinh giỏi, những nỗ lực của em không được thử sức, ghi nhận… Từ đó Vũ rơi vào cuộc sống trầm cảm, tự kỷ: “Nếu lúc đó không nhờ các thầy cô khuyên giải, tạo động lực thì em đã không dậy nổi. Đổi lại kỳ thi tốt nghiệp năm đó em đạt điểm cao ngất ngưởng và thi đậu vào Trường Đại học Quốc gia TP.HCM trong năm đầu tiên, coi như em đã “phục thù” được rồi”. Tốt nghiệp đại học, Dương Anh Vũ nhận học bổng du học thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp, làm trợ giảng liên tục trong 4 năm, đi qua 6 nước, cứ mỗi nước Vũ ở đó 6 tháng đến 1 năm. Quốc gia cuối cùng Vũ làm việc đó là Thái Lan trước khi về nước, đây cũng là nơi Vũ tỏa sáng, được cả thế giới biết tới sau khi xác lập kỷ lục về khả năng ghi nhớ và trở thành người nước ngoài duy nhất đến nay được tôn vinh về trí nhớ bởi Sách Kỷ lục Hoàng gia Thái Lan.

Dương Anh Vũ với bữa cơm gia đình cùng bố mẹ

Rèn luyện trí nhớ từ năm thứ hai đại học

Dương Anh Vũ thừa nhận mình là người có tính tình kỳ quặc, nhất là sau các cú sốc về chuyện học hành. “Khi vào đại học, em sống khép kín, không cởi mở với ai, không ra bên ngoài như các sinh viên khác, không chơi với các bạn mà thường một mình vào thư viện đọc suốt, em nạp tất cả tri thức một cách ngấu nghiến. Đây là khoảng thời gian em dành tất cả thời gian cho việc học ngoại ngữ, đặc biệt là em bắt đầu rèn luyện trí nhớ từ năm thứ hai đại học”, Vũ chia sẻ.

“Chị cứ nghĩ, em học xong đại học với tấm bằng tốt nghiệp giỏi, và cũng như những gia đình khác, bố mẹ muốn em đi làm ngay. Em thì không muốn điều đó, nên em thường nhận những cuộc gọi cằn nhằn từ phía người lớn, thế là em quyết định bỏ số điện thoại, không nhận cuộc gọi, đi một lèo 4-5 năm, không liên lạc với bất cứ ai. Em cắt đứt mọi quan hệ với xung quanh để chuyên tâm học hành và nghiên cứu. Em làm điều này hơi lập dị một chút, có lẽ thuộc về tính cách con người em chứ không phải đó là phương pháp học tập”, kỷ lục gia Dương Anh Vũ cho hay.

Chia sẻ bí quyết rèn luyện trí nhớ để thành công như hôm nay, Vũ nói: “Nhiệm vụ của một người đi học là tiếp nhận kiến thức, đưa nó vào đầu và lưu lại ở đó. Thói quen suy nghĩ này sẽ tạo hệ thống lập trình trong não mình. Do vậy phương pháp đầu tiên để tiếp cận tri thức không phải là phương pháp ghi nhớ mà là tạo thói quen. Ta cần rèn luyện thói quen đúng đắn thì bộ não sẽ tiếp cận tri thức đúng đắn. Ví dụ em tạo ra thói quen mỗi ngày dành 3 tiếng đồng hồ để đọc sách, khi mà ngày nào bận quá không đọc được thì cảm thấy rất khó chịu, bứt rứt. Cho nên theo quan điểm của em, người lớn hay là nền giáo dục – đầu tiên phải rèn luyện được cho đứa trẻ những thói quen tốt trước khi bắt nó học những thứ quá cao siêu”.

Vũ nói rằng, dù là kỷ lục gia trí nhớ nhưng đối với em không phải cái gì em cũng nhớ, chúng ta chỉ nhớ được những gì chúng ta “thích”, còn những thứ chúng ta không quan tâm, chắc chắn sẽ không bao giờ nhét được vào đầu. Nó cũng giống như việc ta đá một quả bóng vào bức tường vậy, nó sẽ dội ngược lại.

“Chẳng hạn em không nhớ số điện thoại của bất cứ ai trong danh bạ, đơn giản bởi do em thấy không cần thiết vì điện thoại đã lưu lại rồi. Nhưng vào mỗi cuối năm, khi Tổng cục Thống kê công bố các báo cáo, số liệu về kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục… em lại nhớ hết. Em nhớ từng năm để có thể liên kết các số liệu với nhau nhằm phân tích, đánh giá và đưa ra dự báo. Nhiều người cho rằng tư duy là cái gì đó rất cao siêu nhưng thực ra đó là sự liên kết những mảng trí nhớ đã có được trong não lại với nhau. Cho nên nếu không lưu trữ được kiến thức thì con người sẽ không có cơ sở dữ liệu để phục vụ cho tư duy.

Nhiều người cũng cho rằng giờ đây internet có tất cả, chỉ cần vào google là cho ra số liệu, nhưng nhiều người đang sai lầm, ngay cả khi chúng ta không tính đến tin giả trên google đi chăng nữa, thì dữ liệu đó vẫn có sự sai số, ngoài ra trong một lúc chúng ta chỉ tiếp cận được vài dữ liệu thôi chứ không thể tiếp cận tất cả. Nhưng em phát hiện ra rằng, khi em ghi nhớ rồi thì những dữ liệu đó nó tự liên kết với nhau mà không cần phải suy nghĩ nhiều”, Vũ phân tích.

Truyền cảm hứng cho học sinh

Hiện tại Dương Anh Vũ đang có nhiều dự định ngay sau Tết Nguyên đán 2019, đó là thực hiện tour thuyết giảng “truyền cảm hứng cuộc sống” và “trí nhớ học thuật” tại 40 trường cấp II, III và đại học ở khu vực phía Bắc. Đây là chương trình thuyết giảng được tiến hành đi kèm với việc trao sách mở thư viện và khuyến đọc của Tủ sách Nhân ái Việt Nam và một số doanh nghiệp tại Việt Nam. “Nửa đầu năm 2019 em sẽ cho xuất bản cuốn sách đầu tay, tác phẩm này sẽ tập trung vào việc tái hiện lại quá trình, cách thức và phương pháp từ một học sinh yếu kém lột xác trở thành một kỷ lục gia thế giới về siêu trí nhớ học thuật. Tuy sách chưa xuất bản nhưng đã nhận được đơn đặt hàng hơn 6.000 quyển từ các cá nhân và doanh nghiệp, dùng làm quà tặng”, Vũ chia sẻ.

Hiện nay Dương Anh Vũ đang tập trung cho chương trình nghiên cứu sinh chuyên ngành Giáo dục và hỗ trợ cho Viện Quy hoạch Giáo dục Quốc tế của UNESCO (IIEP) về các dự án giáo dục tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời tiếp tục nhận lời hỗ trợ phân tích địa chính trị và dữ liệu toàn cầu cho một số cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam.

Được biết, Dương Anh Vũ hiện là Đại sứ Trí tuệ của Chương trình Talent Generation 2018 – Dự án giáo dục lớn nhất của UNESCO – CEP (Đại sứ Trí tuệ năm 2017 là Tiến sĩ Vũ Duy Thức). Vũ đồng thời là trợ lý nghiên cứu của IIEP – UNESCO, thành viên điều hành của Chương trình Tủ sách Nhân ái Việt Nam. Đây là dự án tặng sách mở thư viện và khuyến đọc dành cho các trường học trên khắp cả nước.

THUỲ TRANG