Kỷ niệm 30 năm UNESCO công nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” (1990-2020)

Kỷ niệm 30 năm UNESCO công nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” (1990-2020)

Thứ Năm, ngày 21/5/2020 – 21:22

Đã xem: 59565

  • A+
  • A-

Tại Hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn” , Tiến sỹ M.Átnut, Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO đã viết: “…Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống, và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này…”. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội trong nước và quốc tế khi nói và viết về Hồ Chí Minh đã dùng những lời trân trọng như vậy.

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản anh hùng ca về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Người đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Người đã sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam và cùng với Đảng, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh, vượt qua bao khó khăn gian khổ, giành thắng lợi cuối cùng. Với ý chí khát vọng cao cả, tầm nhìn chiến lược thiên tài, Người vừa là nhà quân sự, nhà ngoại giao lỗi lạc, vừa là nhà văn hóa lớn với trái tim nhân hậu, bao dung. Đối với mỗi người Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ, cũng là vị cha già dân tộc mà họ hết mực kính trọng và yêu mến – Người đã cho họ từ thân phận nô lệ lên địa vị làm chủ nước nhà, cho họ hiểu rõ giá trị của tự do, độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản tinh thần vô giá: đó là những giá trị lý luận mang tầm thời đại, đồng thời là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Tất cả hòa quyện vào nhau, thống nhất với nhau, tạo nên sức cảm hóa và thuyết phục mạnh mẽ, một phong cách đặc biệt – phong cách Hồ Chí Minh.

Chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do đã tạo ra hy vọng cho các dân tộc bị áp bức bởi chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho các dân tộc. Trong lòng bạn bè quốc tế, cái tên Hồ Chí Minh đã trở nên gần gũi, thân thiết, là biểu tượng của ý chí, khát vọng hòa bình, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ, lớn lao đối với các dân tộc bị áp bức. Không khó để được nghe bài hát “Bài ca Hồ Chí Minh” do nhạc sĩ người Anh Ewan MacColl sáng tác đã được dịch ra bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới: “Hồ Chí Minh mùa xuân, chứa chan muôn niềm tin, Người từ chân lý sinh ra, vì thế giới hòa bình, Người hiến dâng đời mình, Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!…”.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2020); 30 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” (1990-2020), mỗi người Việt Nam đều vô cùng tự hào và biết ơn vị lãnh tụ của mình. Công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam và những đóng góp của Người trong cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội sẽ mãi mãi được ghi nhớ trong tư tưởng của nhân loại tiến bộ.

                                                      Tuyết Nhung, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy