Kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa – Thông tin (28/8/1945 – 28/8/2022)
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, trong tuyên cáo ngày 28/8/1945, Chính phủ đã thành lập Bộ Thông tin – Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hoá -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 28/8/1945 làm ngày truyền thống để khắc ghi dấu mốc hình thành cơ quan Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa thông tin gắn liền với sự ra đời bộ máy chính quyền cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Từ đó đến nay, ngày 28/8 đã trở thành ngày truyền thống của những người làm công tác văn hoá thông tin.
77 năm qua, sự nghiệp văn hoá thông tin luôn được sự dìu dắt, lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân, trải qua các thời kỳ cách mạng, trong kháng chiến cũng như trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, lúc nào cũng có mặt những chiến sĩ văn hóa dũng cảm, kiên cường dùng ngòi bút, tiếng hát, cây đàn và trái tim nồng nàn yêu nước làm vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng – văn hóa. Nhiều thập kỷ trôi qua, những người làm văn hóa luôn thấm đẫm lời dạy ân tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Ở từng giai đoạn khác nhau, những người làm văn hóa Việt Nam đã hoàn thành một cách trọn vẹn, đẹp đẽ nhất lời dạy của Người: Văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mọi nẻo đường, “mặt trận”.
Ngày nay, thực hiện trọn vẹn hơn nữa lời căn dặn của Người, anh chị em ngành văn hóa luôn cố gắng nỗ lực trong từng giai đoạn. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa qua, sự dấn thân của những “nghệ sĩ – chiến sĩ” được thể hiện qua sự lăn lộn trong thực tiễn, thực hiện tác phẩm và dành những món quà tình nghĩa cho các y bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội trên tuyến đầu… Đó là tình cảm, trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước vận mệnh của đất nước trong những thời kỳ hết sức quan trọng. Chúng ta nhận thấy, tư tưởng của Bác ở mỗi giai đoạn sẽ có hiệu ứng khác nhau để người nghệ sĩ tiếp tục làm tròn sứ mệnh của mình, một cách thầm lặng…
Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng 24/11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định vai trò lớn của văn hóa: “Văn hóa còn là dân tộc còn”. Tổng bí thư lược lại lịch sử để cho thấy quan điểm xuyên suốt của Đảng về văn hóa ngay từ ngày đầu thành lập tới nay chính là văn hóa phải được đặt ngang hàng chính trị, kinh tế, xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Không chỉ quan tâm phát triển văn hóa, Đảng ta đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa quần chúng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tổng bí thư khẳng định đây chính là điểm ưu việt của Đảng ta.
Ngành Văn hóa -Thông tin luôn gắn chặt với lịch sử cách mạng của dân tộc, vai trò, vị trí của ngành ngày càng được khẳng định trong chiến lược phát triển văn hóa và trong đời sống xã hội. Trong sự nghiệp đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành quả đáng tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn đan xen những yếu tố tiêu cực, tác động xấu đến đạo đức, lối sống, ảnh hưởng đến sự lành mạnh của đời sống văn hóa, xã hội. Nhiệm vụ của ngành Văn hóa- Thông tin càng có nhiều khó khăn thử thách hơn. Song, chúng ta quyết tâm tăng cường sự quản lý, năng động và sáng tạo trong việc chọn lọc, tiếp thu những giá trị tinh hoa của văn hóa thế giới để làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc; kiên quyết bài trừ những loại văn hóa phẩm, lối sống kém lành mạnh, đi ngược lại với xu thế văn minh thời đại, nhất là trong trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Để phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Trong những năm qua, ngành Văn hóa- Thông tin huyện Ia H’Drai đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng trong việc tuyên truyền cổ động các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến mọi tầng lớp Nhân dân; đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hoá; khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các hoạt động nghệ thuật; đồng thời, chọn lọc, tiếp thu những giá trị văn hóa tiên tiến,… đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện nhà. Nổi bật trong thời gian qua là việc đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Xây dựng nông thôn mới… Trong thời gian tới, huyện tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số lần thứ I, năm 2022. Đây là dịp để người dân huyện Ia H’Drai, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thêm hiểu, thêm yêu và ra sức bảo tồn những giá trị truyền thống văn hoá dân tộc nói chung, di sản văn hóa cồng chiêng, xoang nói riêng. Hội thi cũng tạo môi trường giao lưu, phát triển văn hóa, giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế du lịch tại địa phương.
Phát huy những kết quả đạt được và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ “xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” trong thời gian tới cán bộ làm công tác văn hóa tiếp tục nỗ lực và quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành cũng như góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.