Ký ức ngọt ngào về nồi bánh chưng Tết trong trái tim người xa xứ
Với bất cứ người Việt dù sinh sống hay làm ăn ở nơi đâu, vào mỗi dịp Tết đều muốn trở về, để được sum họp đoàn tụ gia đình và quây quần bên nồi bánh chưng. Và tục gói bánh chưng đến nay vẫn được coi là một trong những nét văn hóa khơi gợi phong vị ngày Tết đậm đà nhất. Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ – Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” tất cả như hòa quyện vào nhau để cùng mang đến một cái Tết thấm đượm nét văn hóa Việt ở khắp mọi nơi.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ- Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh. Đó là hương vị ngày Tết truyền thống của người Việt. – Ảnh Dulich.vn
Có từ thời Hùng Vương, trải bao biến động lịch sử, tục gói bánh chưng ngày Tết vẫn được gìn giữ đến ngày nay. Trong tâm thức của người Việt, chiếc bánh chưng không đơn thuần là món ăn truyền thống mà đã trở thành nét văn hóa vô cùng độc đáo mang nhiều ý nghĩa về vũ trụ và nhân sinh quan, thể hiện sự sum họp gia đình, biết ơn trời đất, tổ tiên. Vì thế, trong mâm cỗ cúng gia tiên ngày lễ, Tết của bất kỳ gia đình người Việt dù ở bất cứ đâu đều có cặp bánh chưng xanh.
Cô Hoài Thu, việt kiều Thái Lan chia sẻ, mỗi khi nhìn thấy nồi bánh chưng là đã thấy không khí Tết tràn về: “Trong mâm cỗ cúng tất niên của kiều bào Thái Lan luôn đầy đủ các món như gà, nem,rán, xôi đậu, cá rán, giò hoa quả. Và một món ăn không bao giờ thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của kiều bào Thái Lan là bánh chưng. Ngày xưa, để có bánh chưng cúng tổ tiên thì ngày 25, 26 là nhà nào cũng phải tấp nập soạn sửa mọi thứ để đến 27 Tết là gói bánh chưng rồi.”
Ở miền Nam gọi bánh chưng là bánh Tét. Có nhiều địa phương ngoài Bắc ngoài bánh chưng vuông ngày Tết họ còn gói thêm chiếc bánh hình dài, gọi là bánh tày.
– Ảnh Dulich.vn
Theo truyền thống xưa, thường sau ngày Táo quân chầu trời (23 tháng Chạp) là gia đình Việt nào cũng tíu tít chuẩn bị cho nồi bánh chưng, nào là chọn gạo nếp, đỗ xanh ngâm trước, rồi chọn mua lá dong, chẻ lạt, chuẩn bị củi lửa và chiếc nồi thật to. Ở các làng quê Bắc bộ còn có tục “đụng lợn”- tức là chung nhau mổ một con lợn rồi chọn phần thịt ngon nhất gói bánh chưng…
Bởi thế, với những người bao năm bôn ba nơi xa xứ, ký ức về nồi bánh chưng ngày Tết luôn là nỗi nhớ tuổi thơ ngọt ngào nhất. Ngày nay, khi cuộc sống đủ đầy muốn ăn bánh chưng lúc nào cũng có, mua bao nhiêu cũng được, việc gói bánh ở mỗi gia đình ngày càng ít đi, thì bánh chưng xanh vẫn luôn thân thuộc và thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người Việt.tỏa khói nghi ngút hương thơm ngào ngạt của lá dong, của gạo đỗ.
Chị Kim Hà, việt kiều Séc kể, ngày xưa nhà chị “Ăn tết rất to” vì gói được nhiều bánh chưng nhất phố Hàng Gà, Hà Nội: “Chị không bao giờ quên được xoong bánh chưng và bản thân chị phải đãi hai, ba chậu đỗ, rồi rửa hàng trăm cái lá dong. Chị nhớ, năm nào nhà chị cũng gói đến mấy chục cái bánh, rải hết cả ra nhà, ra sân gói suốt đêm xong rồi thức suốt đêm để luộc bánh chưng.Cái chậu nhỏ bên trên nồi bánh để nước lá mùi thơm, cho mọi người lấy rửa mặt. Đó là những hình ảnh về Tết mà tôi không bao giờ quên được.
Ký ức về nồi bánh chưng Tết thật ấm áp trong trái tim của người Việt, đặc biệt là những người con sống nơi xa xứ. – Ảnh HL
Ký ức về nồi bánh chưng Tết với chị Thúy Ái, việt kiều Thụy Điển quê gốc An Giang lại vô cùng hài hước, dễ thương: “Ở miền Nam, Tết thì chơi hoa mai và gói bánh Tét. Tôi nhớ là năm nào nhà cũng luộc nồi bánh to. Mẹ và bà ngoại là người gói chính, nhưng có vẻ không được khéo lắm nên có năm thì chín quá, có năm thì bị sượng ăn không được. Nhưng năm nào cũng thấy bà ngoại và mẹ tôi gói. Đó là kỷ niệm tuyệt vời về mẹ và bà tôi với nồi bánh tét ngày Tết”.
Anh Ngô Tiến Điệp, quê gốc Bắc Giang đang sinh sống ở Nga nhớ lại, ngày gói bánh chưng Tết luôn là ngày bận rộn và vui vẻ nhất, khi cả gia đình ngồi tập trung quây quần quanh cái mẹt rộng giữa sân gạch. Tay mẹ thoăn thoắt đong gạo nếp đổ vào lá những chiếc lá dong rồi xếp đỗ, thịt từng lớp, gói thành hình vuông và hình tròn dài mà không cần khuôn hộp gì cả: “Nhớ ngày xưa khi mẹ rửa lá bánh, họ hàng chung nhau mổ con lợn rồi lấy thịt gói bánh,mình cứ đòi mẹ làm cho 2 cái bánh chưng con con treo 2 đầu như khẩu súng, đeo thích lắm. Đó là kỷ niệm đến giờ vẫn nhớ. Giờ cho trẻ con về quê Tết,các bác làm cho cái bánh chưng nhỏ nhưng các cháu không thể sung sướng như mình được. Nhà tôi đông anh chị em năm nào cũng tề tựu về quê ăn Tết, vui lắm. Vợ tôi và các cháu rất thích được về gói bánh”.
Anh Ngô Tiến Điệp, việt kiều Nga, quê gốc Bắc Giang trở về dự Xuân Quê hương. – Ảnh Hà Linh
Sống xa quê hương gần 30 năm nhưng với anh Phạm Văn Hiếu, việt kiều Đức, trong mâm cỗ dịp đặc biệt của của gia đình luôn có bánh chưng xanh. Còn vào Tết Nguyên đán, vợ chồng anh đều tạm gác mọi công việc ở Đức để trở về ăn Tết ở quê nhà Nam Định: “Ngày xưa lớn, bé ai cũng mong đến Tết và gói bánh thì rất vui rồi. Giờ đây, năm nào anh cũng về Việt Nam tập trung anh em gói dăm chục cái vào một nồi thật to. 27 làm lợn rồi 28 gói bánh. Nếu không về ăn Tết được thì nhà cũng gửi lá dong sang Đức, bên đó giờ cái gì cũng sẵn. Mấy gia đình cũng tụ nhau gói bánh và ăn với nhau bữa tất niên. Cũng vui nhưng không khí Tết không bằng ở nhà được.
Anh Phạm Văn Hiếu và gia đình thường thu xếp về ăn Tết tại quê nhà ngay từ lễ cúng ông Táo để được cùng gói bánh chưng với đại gia đình ở Nam Định.
Thật vậy, trong ký ức của những người từng trải qua thời kỳ “tem phiếu”, dường như ai cũng đều háo hức mong chờ Tết. Bởi,với trẻ em, Tết nhất định mẹ cho đi chợ Tết, được may cái áo mới, được đốt pháo, được lì xì và Tết sẽ được ăn bao nhiêu món ngon trong đó có bánh chưng – món mà ngày thường chẳng mấy khi có.
Với những người xa quê, hình ảnh nồi bánh chưng Tết luôn khắc sâu trong tâm tưởng, để mỗi khi Tết đến Xuân về lại háo hức mong chờ được sum họp gia đình ở quê hương Việt Nam – Ảnh Kỷ Nguyên
Ngày nay, khi cuộc sống đủ đầy muốn ăn bánh chưng lúc nào cũng có, mua bao nhiêu cũng được, việc gói bánh ở mỗi gia đình ngày càng ít đi, thì bánh chưng xanh vẫn luôn thân thuộc và thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người Việt.
Nhiều người sống xa quê mong muốn rằng dù cuộc sống bận rộn như nào thì tập tục nấu bánh chưng vẫn cần được gìn giữ, để chiếc bánh chưng sẽ làm rộn ràng hơn không khí ngày Tết cho tất cả mọi người, nhất là giới trẻ..