LẠI CÂU CHUYỆN VỀ ĂN THỊT CHÓ MÈO: NGƯNG HAY KHÔNG NGƯNG?
Đây là một đề tài không mới nhưng chưa bao giờ ngừng thu hút sự quan tâm của xã hội cũng như gây tranh cãi trên nhiều mặt trận. Hôm nay, tôi lại tiếp tục phân tích về câu chuyện này, trên tinh thần đóng góp, khuyến khích tranh luận, phản biện, nhưng không ủng hộ tranh cãi một cách vô lý, thiếu cơ sở.
Mục lục bài viết
Tại sao lại ăn thịt chó mèo? Được và mất?
Các bạn ủng hộ việc ăn thịt chó mèo cho tôi hỏi, các bạn ăn những món ăn này vì lý do gì? Vì ngon? Vì thói quen? Vì sở thích? Chỉ đơn giản như vậy thôi, có đúng không ạ, chủ yếu là vì các bạn thấy nó ngon. Còn nếu nói vì đó là văn hóa của Việt Nam thì như bài “Thứ gì không bỏ được thì lôi văn hóa ra đổ thừa” tôi đã có đề cập và chứng minh rằng ăn thịt chó mèo nói chung và ăn thịt chó nói riêng không phải là văn hóa của người Việt. Nếu mà nói là để no thì thực sự là không cần phải ăn thịt chó mèo mới no, vì thịt chó mèo hiện nay không phải thực phẩm cơ bản phục vụ nhu cầu sống còn của con người. TS Dương Ngọc Dũng (ĐH KHXH&NV TP.HCM) chia sẻ: “Đã có thời kỳ đất nước khó khăn, việc ăn uống bị thiếu đạm trầm trọng trong khi đó trâu, bò lại là vật nuôi dùng để lấy sức kéo nên chó bị giết mổ làm thịt để bổ sung đạm. Từ đó thói quen ăn thịt chó dần hình thành. Kinh tế đất nước bây giờ đã phát triển, chuyện ăn uống cũng đã thoải mái và dư dả, không lo thiếu đạm; chó lại là vật nuôi gần gũi, trung thành nên cần nhận thức lại việc ăn thịt chó.”
Ngoài ra, nếu các bạn nói thịt chó mèo bổ, thì tôi khẳng định là điều này hoàn toàn vô căn cứ. Tới thời điểm hiện tại, theo Thông tư số 09/2016 của Bộ NN&PTNT hiện hành, không có điều khoản nào quy định chó, mèo thuộc đối tượng động vật được kiểm soát giết mổ, kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm. Điều này đồng nghĩa thịt chó được bán ở các khu chợ, nhà hàng, quán ăn sẽ không đảm bảo về nguồn gốc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe. Tới nay tôi vẫn băn khoăn tại sao chưa có quy định nào cho việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra, kiểm dịch cho thịt chó mèo nhưng vẫn có các trại chó được nuôi lấy thịt theo hướng công nghiệp? Một số nguồn thịt được đóng mộc kiểm dịch động vật, vậy những giấy này được cấp dựa trên cơ chế nào? Thời gian qua tôi vẫn đi tìm lời giải cho thắc mắc này của cá nhân. Nếu bạn nào có kiến thức cụ thể về vấn đề này thì xin hãy chia sẻ cho tôi cùng những người chưa biết được rõ nhé. Chúng ta cùng trao đổi, tìm hiểu vì lợi ích sức khỏe của cộng đồng và của chính mình hen.
Bên cạnh đó, tôi cũng được biết, theo Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế (HSI), thịt chó mèo là nguồn gốc lây lan các bệnh truyền nhiễm từ động vật có thể gây nguy hiểm chết người như bệnh dại hoặc nguy cơ mắc bệnh tả. Theo Viện An toàn Thực phẩm Việt Nam (FSI), ăn thịt chó có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là trứng và ấu trùng không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập vào gan, phổi, các phủ tạng khác, thậm chí có thể xâm nhập vào cả não và mắt. Hiện tượng này được gọi là hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng (larva migrans) gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người. Cũng theo FSI, người ăn thịt chó còn có nguy cơ bị lây nhiễm các loại vi khuẩn đường tiêu hóa, nguy hiểm hơn là nhiễm liên cầu lợn gây viêm màng não, sốc nhiễm trùng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Làm cách nào người tiêu thụ thịt chó mèo biết được thứ mà họ đang ăn có sạch sẽ hay có mang mầm bệnh nguy hiểm chết người không?
Đáng sợ hơn, rất nhiều chó mèo bị đánh bả rồi đưa ngay đến cơ sở giết mổ, làm sao bạn biết chắc miếng thịt chó hay thịt mèo mà bạn đang đưa vào miệng không có thấm chút chất độc nào từ con vật đáng thương vừa mới bị bẫy thuốc kia? Không biết các bạn có từng đọc về vụ việc hai anh em thợ mộc ở Quảng Ninh tử vong sau bữa nhậu với thịt chó hay chưa? Cụ thể, ông Nguyễn Văn Chuyển (sinh năm 1957) và em trai ruột là ông Nguyễn Văn Trường (sinh năm 1963) trú tại thôn 11, 12 xã Hiệp Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh có cùng một số người khác tham gia một bữa nhậu thịt chó. Buổi chiều cùng ngày, ông Chuyển thấy bụng đau quằn quại kèm các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt nên được người nhà đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển nhưng không qua khỏi. Khoảng một tiếng sau, ông Trường cũng có những biểu hiện tương tự, được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện địa phương rồi chuyển lên Bệnh Viện Bạch Mai (Hà Nội) nhưng người đàn ông sinh năm 1963 cũng đã tử vong trên đường đi. Phía cơ quan điều tra và các bác sĩ bước đầu xác định, hai anh em ông Chuyển có dấu hiệu bị ngộ độc thức ăn. Ông Trần Viết Tiệp, Giám đốc bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển (TP. Uông Bí) cho biết, qua xét nghiệm thấy hai bệnh nhân có dấu hiệu suy gan cấp, hoại tử cơ tim.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng chia sẻ trên báo Gia đình Việt Nam cho biết: “Việc người dùng ăn phải thịt chó bị đánh bả hay chó mắc bệnh dại là hết sức nguy hiểm, làm tăng nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm bởi những người đánh bả chó thường sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc chuột… trộn vào thức ăn để dụ chó.” Nhiều bác sĩ còn khẳng định, họ từng gặp những trường hợp người không bị chó dại cắn mà vẫn lên cơn dại và tử vong vì những người này ăn tiết canh và thịt chó từ những con chó đã mang bệnh trước đó.
Tuy nhiên, trong vụ việc xảy ra ở Quảng Ninh, những người khác cùng ăn lại không gặp phải các triệu chứng như ở hai anh em ông Chuyển. Điều đó có nghĩa là việc ngộ độc thịt chó sẽ xảy ra tùy từng người, nói một cách dân dã là “hên xui”, “trời kêu ai nấy dạ”. Và nó cũng có nghĩa là, không phải bạn từng ăn thịt chó và vẫn khỏe mạnh thì có nghĩa bạn sẽ không bao giờ ngộ độc hay nhiễm bệnh từ nguồn thực phẩm này. Chưa bệnh không có nghĩa là sẽ không bao giờ bệnh.
Mặt khác, một điều rõ ràng mà chúng ta không cần bàn cãi, đó là, việc tiêu thụ thịt chó mèo không ít thì nhiều đang góp phần tiếp tay cho nạn trộm chó mèo ngày càng manh động ở Việt Nam. Chúng vận hành theo đúng quy luật, còn cầu thì ắt sẽ có cung, cầu cao thì cung càng ngày càng man rợ hơn. Lẽ nào việc bỏ tiền ra mua một món đồ ăn cắp lại có thể được xem là văn hóa của người Việt?
Thế giới mỗi ngày đều đang thay đổi và xã hội nào cũng cần thay đổi, học tập để trở nên tốt đẹp hơn
Trước đây tôi đã có bài viết “Tiếp nhận văn minh nước ngoài trong phúc lợi động vật có gì là xấu?” , trong đó có nêu rõ các luận điểm về việc học tập các nước tiên tiến để trở nên tốt đẹp hơn. Tôi đã lấy dẫn chứng cụ thể trường hợp anh thanh niên Nguyễn Tất Thành năm xưa đến với nước Pháp để học hỏi, tìm đường giải phóng đất nước, độc lập dân tộc hay trường hợp Nhật Bản học tập các nước Âu Mỹ để cải thiện, phát triển đất nước trở thành cường quốc. Điều đó nói lên được rằng, cái gì hay thì chúng ta nên học hỏi, chứ không phải lúc nào cũng khăng khăng bài trừ văn minh Âu Mỹ. Gần mực đừng để mình đen, nhưng gần đèn thì nên rạng là như vậy các bạn ạ.
Ngay cả bản thân các nước Âu Mỹ cũng đâu phải từ đầu họ đã tiến bộ, đã văn minh, họ cũng phải trải qua biết bao nhiêu thay đổi trong lập pháp và quy định, họ cũng phải đấu tranh để trở mình ngày càng tốt đẹp hơn và họ vẫn đang như vậy mỗi ngày. Ngay cả ở một đất nước được xem là văn minh, tự do như Hoa Kỳ, hơn 200 năm trước, họ cũng không có được những quyền con người, quyền tự do như chúng ta thấy ở hiện tại. Vào mùa hè năm 1787 các đại biểu từ 13 bang mới của Hoa Kỳ mà trước đó còn là thuộc địa của Anh quốc đã tập hợp tại Philadelphia để soạn thảo Hiến pháp cho một quốc gia mới thống nhất, đó là Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ. Mặc dù đã được soạn thảo công phu, nhưng trong bản Dự thảo Hiến pháp Hoa Kỳ chỉ mới đề ra đường hướng cho cơ chế hoạt động của chính quyền Nhà nước Liên bang mà chưa có những quy định cụ thể nào về các quyền công dân. Vì vậy, trên khắp nước Mỹ đã nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt xung quanh vấn đề này. Khi cuộc tranh luận lên đến đỉnh điểm, Thomas Jefferson, tác giả của bản dự thảo “Tuyên ngôn độc lập”, người sau này trở thành Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ (nhiệm kỳ 1801 – 1809) đã viết một bức thư cho James Madison, một trong số các tác giả chính của Dự thảo Hiến pháp Hoa Kỳ. Nội dung bức thư đề cập tới một dự luật về các quyền của con người. Ông viết: “Một dự luật về quyền con người là điều mà những người dân có quyền đòi hỏi bất cứ chính phủ nào trên thế giới, nói chung hay nói riêng, và là điều mà không một chính phủ nào nên từ chối hoặc ngần ngại.” Quan điểm này của Thomas Jefferson nhận được sự ủng hộ của nhiều người và một thỏa hiệp sau đó đã được chấp nhận. Theo đó, các cơ quan lập pháp của các bang đồng ý thông qua Dự thảo Hiến pháp với thỏa thuận rằng, trong cuộc họp đầu tiên của cơ quan lập pháp liên bang theo quy định của Hiến pháp mới, các điều khoản sửa đổi đảm bảo các quyền tự do cá nhân sẽ được thông qua. Kết quả là, tại Hội nghị Lập hiến ngày 17 tháng 9 năm 1787, Dự thảo Hiến pháp Hoa Kỳ đã được chính thức thông qua và có hiệu lực từ ngày 21 tháng 6 năm 1788. Đến năm 1791, 10 Điều sửa đổi hay còn gọi là 10 tu chính án đầu tiên với tên gọi là “Luật về các quyền” (The Bill of Rights), sau này quen gọi là “Tuyên ngôn nhân quyền”, đã được thông qua. Từ đây “Luật về các quyền” trở thành một phần không thể tách rời của Hiến pháp Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ.
Sau Tuyên ngôn nhân quyền rất lâu, Quyền bình đẳng giới mới được thông qua tại Hoa Kỳ. Và đó cũng là một quá trình đấu tranh, thay đổi kéo dài vì một xã hội tốt đẹp hơn, văn minh, phát triển hơn. Ngày 22 tháng 3 năm 1972, Tu chính về Quyền bình đẳng (Equal Rights Amendment) được Thượng viện Mỹ thông qua và được gửi tới các tiểu bang để phê chuẩn. Được đề xuất lần đầu tiên bởi Đảng Phụ nữ Quốc gia năm 1923, Tu chính về Quyền bình đẳng mong muốn mang lại sự bình đẳng pháp lý về giới tính và cấm phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính. Hơn bốn thập niên sau, sự hồi sinh của chủ nghĩa nữ quyền trong cuối những năm 1960 đã mang Tu chính về Quyền bình đẳng tới Quốc hội. Dưới sự lãnh đạo của luật sư Bella Abzug, dân biểu thành phố New York, và các nhà nữ quyền Betty Friedan và Gloria Steinem, Tu chính về Quyền bình đẳng đã giành được hai phần ba số phiếu bầu cần thiết từ Hạ viện Mỹ vào tháng 10 năm 1971. Tháng 3 năm 1972, Tu chính về Quyền bình đẳng được Thượng viện chấp thuận và được gửi tới các tiểu bang. Hawaii là bang đầu tiên phê chuẩn những gì lẽ ra sẽ trở thành Tu chính án thứ 27, theo sau là 30 bang khác chỉ trong 1 năm. Tuy nhiên, đến giữa những năm 1970, một phong trào phản đối nữ quyền đã làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Tu chính về Quyền bình đẳng. Họ đã phải tiếp tục đấu tranh, thuyết phục cả xã hội để có được sự thay đổi chính đáng này và mãi đến cuối thế kỷ 20, chính phủ liên bang và tất cả các bang mới thông qua luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp của phụ nữ.
Trông người lại nghĩ đến ta, xã hội Việt Nam cũng đã và đang phát triển văn minh hơn, tiến bộ hơn mỗi ngày. Chúng ta có thể thấy, ngày hôm nay, mỗi người dân đất Việt đều có cơm no áo mặc, bình đẳng giới đã ngày càng được công nhận. Vậy thì điều gì lại cản trở chúng ta trở nên văn minh hơn, điều gì cản trở chúng ta bài trừ nạn trộm chó cắp mèo, bài trừ thực phẩm mang độc tố, chứa mầm bệnh đối với con người? Không điều gì cả, ngoài cái tôi của chính chúng ta. Chúng ta khăng khăng giữ lấy một món ăn vô bổ chỉ vì nó quen thuộc, nó ngon!
Nói đến các nước Âu Mỹ thì nghe xa xôi quá nhỉ, vậy thì bây giờ tôi xin nói đến người hàng xóm ngay bên cạnh chúng ta: Trung Quốc. Tôi biết rằng nhiều bạn đọc đến đây sẽ bĩu môi xem thường “Trung Quốc thì có cái gì hay để học?” Ừa đúng rồi, đất nước Trung Quốc mà các bạn đang cho rằng không hay ấy, họ còn đi trước chúng ta một bước trong vấn đề cấm ăn thịt chó.
Tháng 05/2020, chỉ ba tuần trước lễ hội thịt chó Yulin khét tiếng của Trung Quốc, nơi hàng nghìn con chó bị giết để tiêu thụ, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã chính thức tuyên bố rằng chó là bạn đồng hành chứ không phải là “gia súc” để làm thức ăn. Thông báo chính thức được đưa ra khi Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc công bố Danh mục mới nhất về nguồn gen của gia súc và gia cầm, sau đó là một bản trình bày dài và cụ thể về lý do tại sao chó không được đưa vào danh sách gia súc đó. Tiến sĩ Peter Li, chuyên gia chính sách Trung Quốc của nhóm bảo vệ động vật HSI, tổ chức vận động khắp châu Á nhằm chấm dứt buôn bán thịt chó và mèo, hoan nghênh thông tin này, cho biết: “Bây giờ chính phủ Trung Quốc đã chính thức công nhận chó là bạn đồng hành chứ không phải gia súc, chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để đẩy nhanh việc chấm dứt buôn bán thịt chó và mèo. Thông báo này mang đến cho các thành phố trên khắp Trung Quốc cơ hội hoàn hảo để hành động theo lời của chính phủ bằng cách bảo vệ chó và mèo khỏi những kẻ trộm buôn bán thịt và các lò mổ.”
Quyền tự do lựa chọn ăn gì của mỗi người
Đúng vậy, lựa chọn ăn gì là quyền của các bạn. Trước khi có bất kỳ quy định nào về việc cấm ăn thịt chó mèo, bạn vẫn có quyền ăn thứ bạn muốn. Điều tôi muốn nói ở đây là xin bạn hãy cân nhắc về lựa chọn của chính mình. Lựa chọn đó có tốt cho bạn hay không và có nhất thiết phải làm như vậy hay không? Chúng tôi muốn đối thoại, không muốn gây tranh cãi, chúng tôi không muốn chỉ là “chúng tôi” mà hãy là “chúng ta”. Chúng ta có quyền ăn thịt chó mèo, và đồng thời cũng có quyền từ bỏ chuyện đó. Có thể việc ngừng ăn thịt chó mèo chỉ là một động thái nhỏ của mỗi người, nó không thể thay đổi thế giới ngay được nhưng nó góp phần thay đổi thế giới. Hãy để những sinh vật nhỏ bé ấy và cả con cháu chúng ta sau này cảm thấy đây là một thế giới xinh đẹp, đáng sống.