LỊCH SỬ VĂN MINH THẾ GIỚI: Roma cổ đại
LỊCH SỬ VĂN MINH THẾ GIỚI: Roma cổ đại
I. Tổng quan về Roma cổ đại
1. Điều kiện tự nhiên và dân cư
a. Điều kiện tự nhiên
Nơi khởi phát của nền văn minh Roma là bán đảo Italia, một bán đảo dài và hẹp vươn ra Địa Trung Hải, với dãy Alpes về phía Bắc ngăn cách với châu Âu. Bán đảo này trên bản đồ giống như một chiếc ủng, bao bọc ba mặt Đông, Nam và Tây là biển, phía Nam bán đảo là đảo Sicilia, phía Tây là đảo Corsica và đảo Sardinia. Diện tích của bán đảo lớn gấp năm lần lục địa Hi Lạp.
Bán đảo Italia có những điều kiện thuận lợi cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi: những đồng bằng phì nhiêu sông Pô (miền Bắc), đồng bằng Tibrơ (Trung) và các đồng bằng trên đảo Sicilia. Ở đây, nhất là miền Nam, có nhiều đồng cỏ lớn, thuận lợi cho sự phát triển nghề nông và chăn nuôi gia súc.
Lượng khoáng sản phong phú như đồng, chì, sắt,…, thuận lợi cho sự phát triển của thủ công nghiệp.
Giao thông biển rất thuận lợi cho việc buôn bán. Ở bờ biển phía Nam và phía Tây có nhiều cảng thuận lợi cho tàu thuyền ra vào.
Những đặc điểm về tự nhiên ấy tác động mạnh mẽ tới khuynh hướng phát triển kinh tế của Roma: nền kinh tế thủ công nghiệp và thương mại phát triển, đồng thời khác với Hi Lạp, nền kinh tế nông nghiệp của Roma có nhiều điều kiện thuận lợi và đóng vai trò quan trọng.
- Dân cư:
Bán đảo Italia có con người cư sống từ khá sớm. Trước thiên niên kỷ thứ II TCN đã có người Ligua (Ligures) sinh sống ở đây vào cuối thời đá mới, đầu thời đại đồng thau.
Đầu thiên niên kỷ II TCN, các tộc người phía Bắc tràn xuống, vượt qua dãy Alpe và định cư ở một số vùng trên bán đảo. Đến cuối thiên niên kỷ II TCN lại xảy ra một đợt thiên di lớn của người châu Âu từ phía Bắc, tạo thành một cộng đồng dân cư châu Âu sống ở bán đảo Italia, gọi chung là người Italios, người Italios sống ở đồng bằng Latium được gọi là người Latinh.
Khoảng thế kỷ X TCN, người Êtơruxcơ từ Tiểu Á cũng thiên di đến Italia, định cư chủ yếu ở vùng giữa hai sông Ácnơ và Tibrơ
Vào khoảng thế kỷ VIII TCN, những người nói tiếng Hi Lạp cũng thiên di và định cư ở Miền Nam bán đảo và đảo Sicilia.
Muộn hơn nữa, người Xentơ (người Italia quen gọi là người Galia) ở phía Bắc Alpe đến vùng Bắc bán đảo và đồng bằng sông Pô
Nhìn chung vào giữa thiên niên kỷ I TCN đã hình thành nên những cộng đồng cư dân sau đây ở Italia:
– Người Galia ở phía Bắc bán đảo, chủ yêu ở đồng bằng sông Pô
– Người Êtơruxcơ ở giữa vùng sông Ácnơ và Tibrơ
– Miền Trung và Nam là người Italios. Những cư dân Italios ở đồng bằng Latium gọi là người Latinh. Chính họ lập nên thành bang Roma. Họ là nhóm cư dân có vai trò quan trọng nhất với lịch sử Roma.
– Người Hi Lạp sống ở miền Nam và trên đảo Sicilia, họ lập nên một số thành bang Hi Lạp. Ban đầu vùng này được gọi là “Đại Hi Lạp”.
2. Các thời kỳ lớn của lịch sử La Mã cổ đại
*Thời kỳ “vương chính”
+ Nhiều nhà sử học cho rằng thời kỳ vương chính là giai đoạn mạt kỳ của chế độ thị tộc Roma, dù rằng những sử liệu về giai đoạn này rất hiếm hoi và chủ yếu là truyền thuyết. Theo đó, thành bang Roma ra đời vào năm 753 TCN do hai anh em Romulus xây dựng (tên Roma đặt theo họ của hai vị anh hùng theo truyền thuyết này)
+ Thời kỳ này chưa xuất hiện giai cấp và nhà nước, xã hội được tổ chức theo chế độ dân chủ quân sự, mang nhiều tàn dư của xã hội thị tộc. Theo từng bước, xã hội thị tộc Roma dần giải thể, mở đường cho sự xuất hiện của xã hội có giai cấp và nhà nước.
* Thời kỳ cộng hòa – thế kỷ VI TCN đến thế kỷ I
+ Giữ thế kỷ VI TCN, với cuộc cải cách của Xecviut Tuliut, tổ chức xã hội thị tộc Roma bị xóa bỏ và nhà nước Roma đã ra đời. Người bình dân Pơlép đó đạt được một số quyền lợi bình đẳng với giới quý tộc Patơrixi, nhưng những quyền lợi căn bản khác về chính trị – kinh tế của họ chưa được thỏa mãn và họ tiếp tục đấu tranh.
+ Năm 510 TCN, dân chúng Roma nổi dậy khởi nghĩa, xóa bỏ chế độ vương chính, chế độ cộng hòa được thiết lập. Người bình dân Pơlép tiếp tục đấu tranh, vào cuối thế kỷ III TCN họ đạt được những quyền lợi căn bản của mình, cộng đồng Roma hình thành một khối thống nhất, cơ sở của chế độ cộng hòa.
+ Trong giai đoạn này, Roma dần chinh phục các thành bang trên bán đảo Italia, sau đó mở rộng sự thống trị ra các vùng đất quanh Địa Trung Hải, tạo thành đế quốc Roma rộng lớn, làm chủ khu vực Địa Trung Hải.
* Thời kỳ đế chế – từ thế kỷ I đến thế kỷ V
Chế độ cộng hòa ở Roma cho đến thế kỷ I chỉ còn là danh hiệu, chế độ chuyên chế ra đời, gọi là thời kỳ đế chế, quyền hành tập trung trong tay Nguyên thủ, sau này là Hoàng đế Roma.
+ Giai đoạn cực thịnh của chế độ chiếm nô Roma – thời đại Ôguxtuxơ (thế kỷ I, II): Giai đoạn này, chế độ chiếm nô Roma đạt tới sự phát triển thịnh vượng về mọi mặt của nó, với nền kinh tế phát triển toàn diện, quyền lực chính trị của đế quốc được củng cố.
+ Giai đoạn suy tàn của chế độ chiếm nô Roma (thế kỷ III – IV): Chế độ chiếm nô Roma lâm vào khủng hoảng và suy thoái, kinh tế không còn phồn thịnh như trước, phương thức canh tác và bóc lột trong các đại điền trang thay đổi, chế độ lệ nông xuất hiện.
Đế quốc Roma phân chia thành Tây Bộ và Đông Bộ (395), với thủ đô đế quốc Tây Bộ là Roma, đế quốc Đông bộ là Constantinope (trên eo biển nối biển Ê-giê với biển Đen). Các bộ tộc man tộc sang ở phía Bắc đế quốc Roma xâm nhập, rồi tiến tới tiêu diệt đế quốc Tây Roma, với việc hoàng đế cuối cùng bị truất ngôi năm 476 (Romulus Augustus). Đế quốc Đông Roma phát triển theo một hướng khác (còn gọi là Bizance hay Bidantium). Chế độ chiếm nô Roma hoàn toàn tan rã. Thế giới văn minh Roma được thay thế bằng một xã hội do những người man tộc nắm giữ.
3. Một vài nét nổi bật của xã hội Roma cổ đại:
– Nhìn chung xã hội Roma cổ đại có nhiều điểm tương đồng so với Hi Lạp cổ đại. Đó là một xã hội có nền kinh tế phát triển theo khuynh hướng hàng hóa – tiền tệ, trong đó hoạt động thủ công nghiệp và thương mại hàng hải có nhiều điều kiện thuận lợi. Về mặt xã hội, xã hội Roma cổ đại cũng là xã hội chiếm hữu nô lệ, với hai giai cấp cơ bản: chủ nô nắm quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và sở hữu nô lệ, bóc lột thành quả lao động của người nô lệ, lực lượng chính nuôi sống xã hội. Về chính trị, trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, nền chính trị Roma có nhiều biến chuyển, song về cơ bản được tổ chức trên cơ sở nền dân chủ chủ nô.
– Tuy nhiên, lịch sử Roma có những điểm khác biệt so với Hi Lạp cổ đại, trong đó cơ cấu kinh tế – chính rị có một số nét riêng nổi bật:
+ Kinh tế: mặc dù kinh tế thủ công nghiệp và thương mại rất phát triển song kinh tế nông nghiệp của Roma lại đóng vai trò qua trọng, mang tính quyết định đến sự phát triển của èn kinh tế – xã hội. Điều này do những đặc điểm của điều kiện tự nhiên quy định: Roma có những đồng bằng màu mỡ trên bán đảo Italia, thuận lợi cho nông nghiệp, nhất là các cây cung cấp nguyên liệu cho thủ công nghiệp; mặt khác, đế quốc Roma không ngừng mở rộng, bao gồm nhều vùng đất trù phú ở châu Âu, Bắc Phi, châu Á thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng mặt khác, kinh tế nông nghiệp với hình thức chủ yếu là đại điền trang Latiphundia lại gắn bó chặt chẽ với thị trường hàng hóa, tiền tệ (không trồng lương thực mà chủ yếu trồng cây công nghiệp), tham gia vào mạng lưới trao đổi, buôn bán nên nó hoàn toàn khác với nền kinh tế tự nhiên, khép kín của phương Đông.
+ Chính trị: Ban đầu nhà nước Roma ra đời dưới hình thức nhà nước thành bang như các thành thị Hi Lạp, nhưng quá trình phát triển của nó hoàn toàn khác, dần trở thành một đế quốc rộng lớn, cai trị nhiều vùng đất khác nhau, có mọt chính quyền trung ương hùng mạnh. Mặt khác, tính dân chủ của nền chính trị Roma suy giảm dần cùng với tiến trình lịch sử của nó: từ nền cộng hòa chuyển sang thể chế đế chế, từ nhà nước dân chủ dần chuyển sang nhà nước quân chủ, mặc dù không hoàn toàn giống như nhà nước quân chủ chuyên chế phương Đông
- Những khác biệt đó của xã hội Roma cổ đại ảnh hưởng sâu sắc tới nền văn minh Roma, khiến cho nó tiếp thu nhiều thành tựu khác nhau, cơ bản là văn minh Hi Lạp những không chỉ có yếu tố Hi Lạp. Mặt khác, sự phát triển muộn màng của nó so với văn minh Hi Lạp vốn đã vo cùng rực rỡ và vĩ đại nên văn minh Roma có nội dung chủ yếu là kế thừa và biến cải, phát triển những thành tựu của vă minh Hi Lạp.
II. Các thành tựu văn hóa
Người Roma chủ yếu kế thừa và bảo tồn những thành tựu của văn minh Hi Lạp, hơn là phát triển những nét mới mẻ. Do vậy hầu hết các thành tựu văn minh của người Roma là sự kế thừa, bảo tồn và có phần cải biến văn minh Hi Lạp. Bản thân văn minh Hi Lạp cũng đã tiếp thu những thành tựu của văn minh phương Đông cổ đại và đưa lên đỉnh cao. Đa phần các học giả Roma chị ảnh hưởng của văn hóa Hi Lạp, hoặc có gốc Hi Lạp, hoặc từng sinh sống và học tập ở Hi Lạp.
Tuy vậy người Roma cũng có những thành tựu tiêu biểu của mình, nhất là về lĩnh vực luật pháp và kỹ thuật. Mặt khác, người Roma đặc biệt có ưu thế về mặt áp dụng vào thực tiễn những thành tựu nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, vì vậy họ đã xây dựng nên những công trình kiến trúc nguy nga tráng lệ, những tác phẩm nghệ thuật phong phú, đa dạng cùng những ứng dụng thực tiễn của khoa học kỹ thuật trong xây dựng và sản xuất.
- Chữ viết và văn học
- Chữ viết: trên cơ sở hệ chữ cái Hi Lạp, người Roma cải biến thành hệ thống chữ cái của mình, bao gồm 20 phụ âm và 6 nguyên âm, ngày nay là hệ thống chữ viết phổ biến nhất trên toàn thế giới. Nó trở thành ngôn ngữ của khoa học kỹ thuật, triết học và nghệ thuật châu Âu suốt thời cổ đại Roma và trung đại Tây Âu.
- Văn học: ban đầu người Roma chủ yếu dịch và mô phỏng các tác phẩm của người Hi Lạp. Chẳng hạn các sử thi I-li-át và Ô-đi-xê đã được dịch ra tiếng Latinh. Sau đó, dần dần họ đã sáng tạo ra nền văn học của riêng mình.
Trong thời đại mà Caesar và Octavianus trị vì, các hoạt động văn học nghệ thuật rất được coi trọng và được trợ giúp phát triển. Nền văn học Roma đạt đến đỉnh cao của nó. Trong đó, đại thần Mêxen theo lệnh của Octavianus đã lập ra Thi đàn Mê-xen, tập hợp những nhà thơ lớn nhất, tài trợ cho họ sáng tác. Trong thi đàn Mê-xen, nổi tiếng nhất là Virgile và Horace.
Những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Roma:
+ Xê-da (Caesar): không chỉ là một nhà chính trị tài năng, Xê-da còn là một nhà sử học, nhà văn, điều đó thể hiện qua tác phẩm “Kí sự về cuộc chiến tranh ở xứ Gô-lơ” là một tác phẩm sử học và văn chương nhiều giá trị lớn. Qua đó, người ta biết rất nhiều chi tiết về tình trạng xã hội của cư dân xứ Gô-lơ vốn đang sống trong giai đoạn tan rã của xã hội nguyên thủy, nên nó còn mang giá trị về dân tộc học. Cho đến nay tập kí sự ấy vẫn là một tác phẩm tiêu biểu của nền sử học, văn học Latinh.
+ Xixêrông (Ciceron), cùng thời với Xêda, là một nhà văn, nhà hùng biện tài năng với những bài diễn thuyết và luận văn triết học trau chuốt và hoa mĩ về diễn đạt.
+ Viếcgin (Virgile, 70 – 19 TCN): nhà thơ lớn nhất của Roma cổ đại, tác giả của những tập thơ lớn, ca ngợi xã hội Roma dưới thời Octavianus, đặc biệt là tác phẩm Ênêit (Eneide), phỏng theo sử thi của Hôme. Ngoài ra những tập thơ như “Khuyến nông” hay “Những bài ca của người chăn nuôi” cũng khá nổi tiếng lúc bấy giờ”.
- Sử học:
Nền sử học Roma khá phát triển, với những tên tuổi lớn như Xêda hay Taxituxơ. Đầu thế kỷ III TCN, lịch sử Roma bắt đầu được ghi chép thành văn. Lúc đầu các nhà sử học Roma ghi chép lịch sử bằng tiếng Hi Lạp, từ cuối thế kỷ III TCN, tiếng Latinh đã được dùng phổ biến.
- Polybiuxơ (205 – 125 TCN), người gốc Hi Lạp, tác giả của bộ “Thông sử” gồm 40 quyeent huật lại một cách khái quát lịch sử Hi Lạp, Roma và các nước Đông bộ Địa Trung Hải trong khoảng hơn 100 năm (từ năm 264 đến năm 146 TCN). Ông là người đầu tiên chú ý đến phương pháp sử học, chú ý đến việc biên soạn lịch sử nhiều nước và nhất là nhận thức rõ tác dụng giáo dục của lịch sư với cuộc sống, coi quan điểm sử học là triết học, lấy sự việc thật để dạy người đời.
- Xêda (Caesar, 100 – 44 TCN): Nhà chính trị, quân sự lỗi lạc Xêda đồng thời cũng là một nhà sử học lớn. Tác phẩm “Kí sự cuộc chiến tranh với người Gô-lơ” (Commentarii de Bello Gallico) được xem là một tác phẩm sử học, dân tộc học xuất sắc. Tác phẩm kể lại về cuộc chiến đấu trong 9 năm của quân Roma do Xêda cầm đầu, chiến đấu với người xứ Gôlơ (trung tâm là nước Pháp ngày nay). Qua đó, người ta tìm thấy những tư liệu quý giá vê cuộc chiến tranh này, nhất là những mưu chước trong hoạt động quân sự cả Xêda, tình trạng kinh tế – xã hội của người xứ Gôlơ trong giai doạn tan rã của xã hội công xã thị tộc.
- Plutác (Plutarchus, 46 – 125), người Hi Lạp, tác giả của 200 cuốn sách, nổ tiếng nhất là cuốn “Gương danh nhân” (Hay còn được gọi là “Truyện các dan nhân Hi Lạp Roma”)[1], dựng lại tiểu sử của 46 nhân vật danh tiếng của Hi Lạp và Roma theo từng cặp dựa trên sự tương đồng về sự nghiệp và tài năng. Cách viết của ông vừa cân xứng, vừa khách quan. Trong đó, Plu-tác nhiều lần phê phán các sử liệu nhằm mục đích tìm ra sự thật lịch sử. Ông viết: “Như các nhà địa lý thêm chú giải bên lề bản đồ đánh dấu những vùng đất nguy hiểm, tôi cũng cảnh báo rằng những ghi chép về những con người ở quá khứ xa xôi chỉ gồm những câu chuyện tưởng tượng và huyền thoại. Có lẽ quá trình gạn lọc của tư duy có thể chuyển những huyền thoại đó thành lịch sử chân thực.” (Theseus, người phiêu lưu thành Athens)[2] Tác phẩm ấy có giá trị lớn về văn học và sử học, là một nguồn tài liệu cho Shakespeare viết nên những vở bi kịch bất hủ như “Caesar” hay “Anthony và Cleopatra”
- Taxituxơ (Tacitus, 55 – 120): Ông là nhà sử học nổi bật của Roma những thế kỷ sau công nguyên, tác giả của các tác phẩm “Lịch sử”, “Lịch sử xứ Giecmani”, “Lịch sử biên niên”. Trong đó, ông không chỉ ca ngợi mà còn nhiều lần phê phán những điều xấu xa của chế độ chuyên chế Roma.
- Nghệ thuật: kiến trúc và điêu khắc
Người Roma chủ yếu kế thừa những thành tựu về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của Hi Lạp
- Đặc điểm nổi bật của kiến trúc Roma là sự mô phỏng các kiểu kiến trúc Hi Lạp, nhất là kiểu thức Corinth, nhưng dưới dạng những công trình có quy mô rất to lớn và kỳ vĩ. Những đấu trường, nhà hát hay các đền đài của người Roma thường rất to lớn. Nét sáng tạo của người Roma là sự sáng tạo ra mái vòm, theo nguyên gốc của người Etruria, như mái vòm điện Pantheon ở Roma.
- La Mã có niềm tự hào về các công trình kiến trúc của họ, khi mà có sự kết hợp các kiến thức truyền thống của nền văn minh Hi Lạp kinh điển. Tuy nhiên, do sự bành trướng của cộng hòa La Mã, mà các công trình xây dựng của Roma gần như cùng kiểu của Hi Lạp đương thời. Mặc dù vậy, vẫn có sự khác nhau giữa hai trường phái La Mã và Hi Lạp về kiểu cách trong xây dựng, La Mã vay mượn cứng nhắc sự chính xác, đề án phác thảo, tính cân xứng từ Hi Lạp. Ngoài ra từ hai kiểu cột mới là kiến trúc hỗn hợp và kiểu Toscana, một nữa là kiểu mái vòm với phong cách từ Etruscan, Roma đã có khá nhiều cách tân vào cuối thời Cộng hòa La Mã.
- Điểm đặc biệt ở thời gian thế kỷ 1 TCN, La Mã đã bắt đầu biết dùng bê tông, thay thế cho đá cẩm thạch như nguồn vật liệu xây dựng chính và cho phép xây dựng nhiều công trình kiến trúc phức tạp hơn. Đồng thời ở thế kỷ 1 TCN, Vitruvius lần đầu tiên cho ghi chép các kiến thức kiến trúc xây dựng vào sử học. Về sau thế kỷ thứ 1 CN, La Mã cũng bắt đầu cho sản xuất thủy tinh ngay sau khi Syria phát hiện ra chúng. Đồ chạm khảm cũng theo đoàn quân viễn chinh ở Hi Lạp quay về La Mã. Rất nhiều vật dụng của La Mã được sản xuất từ bê tông.
- Một trong những giá trị kiến trúc của người La Mã cổ đại thể hiện qua các cầu vòm bằng đá. Nhờ những chiếc cầu này mà hệ thống giao thông nối liền các vùng của đế chế La Mã trở nên thuận lợi.
- Công trình kiến trúc La Mã nổi tiếng hay được nhắc đến là đền Parthenon, đấu trường Côlidê và Khải hoàn môn. Kiến trúc sư La Mã nổi tiếng thời đó là Vitruvius.
- Điêu khắc La Mã có cùng phong cách với điêu khắc Hi Lạp. Những bức tượng còn lại ở thành Roma và những phù điêu trên Khải hoàn môn là hiện vật tiêu biểu cho điêu khắc La Mã.
- Nghệ thuật tượng của Roma cũng không có gì độc đáo, bởi nghệ thuật tượng và điêu khắc nói chung của người Hi Lạp đã đật đến sự hoàn mĩ. Về hội họa, người Roma cũng có những thành tựu nhất định song hiện nay phần lớn khó tìm thấy được chúng mà chỉ còn một số tác phẩm.
- Khoa học tự nhiên và kỹ thuật
Nhìn chung các thành tựu khoa học tự nhiên của người Roma là sự kế thừa và phát triển của nền khoa học thời Hi Lạp. Họ cũng có một số thành tựu quan trọng.
- Khoa học:
+ Học giả Pơlin (Pline, 23 – 79 TCN), tác giả của bộ sách “Vạn vật”, được xem như một bộ bách khoa toàn thư, tổng hợp những tri thức khoa học thời cổ đại. Bộ sách bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau: đụa lý, sinh học, nông học, y dược học, kiến trúc và hội họa…Ông bị chết ngạt năm 79 TCn khi đi khảo sát núi lửa Vêduvơ, Nam Italia khi nó đang hoạt động.
+ Nhà bác học Ptôlêmê: ông là nhà địa lí, thiên văn học và toán học, sinh trưởng ở thành phố Alexandria – Ai Cập vào thế kỷ II. Ông đã tổng kết những thành tựu khoa học cuat Ai Cập, Babilon và Hi Lạp, viết nên bộ sách “hệ thống vũ trụ”, đề ra thuyết “Địa tâm”. Tuy kết luận mặt trời quay quanh quả đất là sai lầm nhưng thành tựu mà bộ sách có vẫn rất lớn: khẳng định quả đất hình cầu, có ảnh hưởng tới các nhà phát kiến địa lí thế kỷ XV – XVI. Ông cũng vẽ được bản đồ thế giới chính xác nhất lúc bấy giờ, với đất đai thuộc 3 châu: Á, Âu, Phi mà Địa trung Hải là trung tâm.
- Kỹ thuật: Điểm nổi bật của nền khoa học kỹ thuật Roma là tính ứng dụng thực tế rất cao, với việc áp dụng nó vào xây dựng các công trình kiến trúc như đền đài, nhà cửa, hệ thống dẫn nước.
Hệ thống dẫn nước của Roma là một trong những thành tựu đáng tự hào của họ. Cho đến ngày nay, một số cầu dẫn nước của họ còn tồn tại, thậm chí còn hoạt động.
- Tôn giáo
- Tôn giáo Roma giai đoạn đầu: Ban đầu, tôn giáo của Roma cũng có nhiều nét tương tự như Hi Lạp, đó là tôn giáo đa thần. Người Roma tiếp nhận hệ thống thần linh của người Hi Lạp những có sự cải biến về tên gọi
Thần Dớt : thần Giupite (Jupiter)
Thần Đêmêtê : thần Xê-rét (Xérès)
Thần Pôsêiđông : thần Néptuyn (Neptun)
Thần Hêra : Giu-nông (Junon)
Thần Aphrôđit : thần Vênuxơ (Venus)
Thần Ares : thần Macxơ (Mars)
Trong thần thoại Roma, những vị thần được tôn sùng nhất là thần Macxơ, thần chiến tranh và thần Vexta (Vesta), thần chủ trì điều họa, phúc trong gia đình
- Sự ra đời và truyền bá của đạo Kitô:
Đạo Kitô ra đời vào khoảng thế kỷ I TCN, không phải ở Roma mà thuộc một tỉnh thuộc địa ở phương Đông của đế quốc. Đó là vùng Bét-lê-em thuộc Palestine – Trung Đông.
“Lòng tin ở đạo Cơ đốc là do sự kết hợp giữa thần học của người phương Đông, đặc biệt là của người Do Thái với triết học của người Hi Lạp, đặc biệt là của phái Xtôixit mà sinh ra”[3].
Đạo Kito kế thừa kinh Cựu Ước của đạo Do Thái và sáng tạo bản kinh Tân Ước. « Ước » : lời hứa của Chúa Trời về vùng đất tươi đẹp mà Chúa ban cho « dân được chọn » (người Do Thái có lòng tin như vậy).
Ban đầu Kito giáo là tôn giáo của nô lệ và dân nghèo, mong muốn sự bình đẳng trong một xã hội bất bìnhđảng như xã hội chiếm nô Roma. Dần dần tôn giáo đó trở thành tôn giáo của giai cấp thống trị Roma. Hoàng đế Constantine đã cải theo đạo Kito và biến nó thành tôn giáo của đế quốc Roma vào thế kỷ IV. Kito giáo từ đó trở thành tôn giáo phổ biến ở châu Âu, có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, đời sống chính trị và cả kinh tế.
- Luật pháp:
Luật pháp hay luật học là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của văn minh Roma và đặt nền tảng cho luật pháp phương Tây về sau cũng như cho cả thế giới.
- Bộ luật XII bảng:
+ Công bố năm 450 TCN, đầu thời Cộng hòa. Năm 452 TCN, chính quyền Roma cử ra một Ủy ban dự thảo pháp luật với quyền hạn rộng rãi, tham khảo những kỹ thuật làm luật trong luật Solon. Sau hai năm, ủy ban công bố bộ luật của Roma, khắc trên 12 bảng đồng và được đặt tại những nơi công cộng.
+ Nội dung của bộ luật: khá tiến bộ, chống lại sự xét xử độc đoán của giới quý tộc, bảo vệ quyền lợi và danh dự cho mọi công dân, đề ra những nguyên tắc về tố tụng, xét xử, thừa kế tài sản…Tuy nhiên, thực chất của bộ luật là nhằm bảo vệ thiết chế chính trị cộng hòa và quyền lợi của giai cấp quý tộc Roma. Trong quá trình đấu tranh đòi quyền lợi bình đẳng của tầng lớp bình dân Pơlep, một số điều được sửa đổi, bổ sung vào đạo luật: bình dân có quyền kết hôn với quý tộc (445 TCN), bình dân có thể làm tư lện quân đoàn (444 TCN), trong hai quan chấp chính thì phải có 1 người thuộc tầng lớp bình dân, khong ai được chiếm quá 125 ha đất công (367 TCN), xóa bỏ chế độ nô lệ vì nợ với công dân Roma. Pháp lệnh năm 287 TCN quy định rằng mọi quyết nghị của Đại hội bình dân có giá trị như pháp luật đối với công dân Roma. Như vậy, quyền lợi chính trị, kinh tế cơ bản của người bình dân được đáp ứng.
[1] Ở Việt Nam đã có một bản dịch, song không đầy đủ mà tập hợp các phần về 15 nhân vật người Hi Lạp, dưới nhan đề “Những anh hùng Hi Lạp cổ đại”.
[2] Plutarch, Những anh hùng Hy Lạp cổ đại, người dịch: Nguyễn Cảnh Bình, Nguyễn Hoa Cương, Cao Việt Dũng, Tạ Quang Đông (tái bản lần thứ nhất, có sửa chữa), NXB Thế giới, 2005, tr.19
[3] Ph.Ăngghen,Phơ bách và sự cáo chung của nền triết học cổ điển Đức, dẫn theo Chiêm Tế, Lịch sử thế giới cổ đại, tập 2, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2000, tr.229