LINH SƠN THÁNH MẪU (BÀ ĐEN)
Posted on by Thiên Việt
Mục lục bài viết
5/5 ÂL NGÀY LỄ VÍA
LINH SƠN THÁNH MẪU
Ngày 6 & 7/6/2011 tức vào ngày mùng 5 và mùng 6 tháng 5 năm Âm lịch Tân Mão, được xem là ngày vía Đức Linh Sơn Thánh Mẫu tại núi Tây Ninh (còn được gọi núi Điện Bà Tây Ninh)
“Linh Sơn Thánh Mẫu” tức Bà Đen được thờ trên núi Điện Bà Tây Ninh (thời nhà Nguyễn núi này mang tên núi Một, sau gọi núi Bà Đen hay núi Điện Bà tỉnh Tây Ninh) trong một quần thể có nhiều chùa chiền tính từ chân núi lên đến đỉnh.
Bà được thờ cúng tại một Điện thờ nằm trong thạch động, bên cạnh có chùa “Linh Sơn Tiên Thạch Tự”. Về thời gian có điện thờ Bà Đen tại đây chưa ai rõ, nhưng có những truyền thuyết về Bà sau đây, có thể lý giải được thời gian có cốt tượng Bà vào khoảng thời gian nào.
A/- TRUYỀN THUYẾT BÀ ĐEN
Tương truyền tại Trảng Bàng cách núi Một chừng 40km, có đôi trai gái, nàng tên Lý Thị Thiên Hương giỏi văn thơ và võ nghệ, diện mạo trông duyên dáng nhưng lại có nước da đen sậm. Chàng tên Lê Sĩ Triệt cũng là người văn hay võ giỏi. Cả hai đem lòng thương nhau, khi ấy có con trai viên quan huyện quyết tâm bắt Thiên Hương về làm thiếp, hắn dùng tiền bạc mua chuộc không được liền cho thủ hạ đi bắt cóc nàng.
Nhưng bọn vô lại chưa kịp thực hiện ý đồ đã bị Sĩ Triệt giải nạn cho người yêu. Thiên Hương lại càng yêu mến Lê Sĩ Triệt, nàng thuật lại chuyện cho cha mẹ rõ. Cha mẹ Thiên Hương liền hứa gả nàng cho Sĩ Triệt. Nhưng thời bấy giờ đang giặc giã nên Lê Sĩ Triệt đành giã từ Thiên Hương lên đường tòng quân. Sĩ Triệt được Thiên Hương hứa hẹn : “Một lời đã hứa, thiếp xin giữ trọn lời nguyền”.
Thiên Hương ở lại, nàng bị đám thủ hạ con quan huyện ùa tới vây bắt. Biết cùng đường và giữ trọn trinh tiết với Lê Sĩ Triệt, nàng Lý Thị Thiên Hương lao mình xuống vực sâu tự tử. Gia đình Thiên Hương không hay biết, chỉ lo lắng cầu khẩn cho nàng sớm bình yên trở về.
Ba hôm sau, Hòa thượng trụ trì chùa trên núi Một đang ngồi niệm Phật, bắt gặp một người con gái da đen nhưng duyên dáng báo mộng cho biết :
– Ta là Lý Thị Thiên Hương, năm nay vừa tròn 18 tuổi chẳng may bị bọn quan trấn ức hiếp nên tự tử để tuẫn tiết. Xác ta đã ba ngày nhưng còn nguyên vẹn, Hòa thượng đi xuống chân núi phía Đông sẽ thấy mà chôn dùm. Ta chết nhưng linh hồn sớm siêu thoát, do kiếp trước ta đạt căn tu, nên kiếp này được đắc quả thần thông. Hòa thượng sẽ gặp điều lành.
Vị hòa thượng theo lời báo mộng của Thiên Hương tìm được xác và đem chôn cất nàng tử tế. Các Phật tử khi viếng chùa đều được nghe vị hòa thượng kể lại, họ tới mộ Thiên Hương cầu xin mọi chuyện, đều được như ý. Chuyện từ đó đồn vang, đến tai Thượng quốc công Lê Văn Duyệt đang cai quản trấn Gia Định, ông liền lên núi Một và đến phần mộ của Thiên Hương mà truyền :
– Trinh nữ có hiển linh hãy chứng tỏ cho ta thấy.
Thượng quốc công vừa dứt lời, thì sau lưng ông có người con gái cất tiếng chào :
– Xin chào thượng quan.
Thượng quốc công Lê Văn Duyệt và đám tùy tùng đều sửng sốt. Nhưng ông nghiêm nghị hỏi là ai, người con gái đáp :
– Tôi chính là người mà thượng quan vừa truyền dạy, tên Lý Thị Thiên Hương đây.
Thật ra cô gái ấy cũng là Phật tử đi viếng chùa, được Thiên Hương mượn xác chứng tỏ sự linh hiển của mình, Thiên Hương lại nói tiếp :
– Tôi xin báo cho thượng quan biết về tương lai của ngài, dù rằng “thiên cơ bất khả lậu”, sau này thượng quan chết không được vinh, nhưng rồi sau đó được giải oan và được phong Thần vinh hiển mãi mãi.
Thượng quốc công hỏi lại :
– Chuyện tương lai của ta, ta không cần lưu ý đến. Nay ta hỏi, cớ sao mà trinh nữ phải chết ?
Thiên Hương thuật lại câu chuyện gá nghĩa giữa hai gia đình, rồi bị con viên quan huyện ép buộc lấy làm thiếp, nàng không thuận nên bị vây bắt, đến đường cùng phải tuẫn tiết để giữ tròn trinh tiết với Lê Sĩ Triệt. Rồi nàng lại lên tiếng nói tiếp :
– … Ngọc hoàng chứng được sự đoan chính mấy kiếp của tôi, xét về kiếp trước đã tu hành đắc quả, nên ngài cho xuống trần gian cứu dân độ thế. Xác Thiên Hương chỉ là đời thứ hai, trước đây khi chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu vào Nam lạc bước đến nơi đây, tôi đã mách giúp là phải dựa vào quân Xiêm mới làm nên nghiệp lớn. Lúc đó tôi chưa đầu thai về nhà họ Lý.
Nói dứt lời cô gái ngã ra bất tỉnh, hồn Thiên Hương thoát xác, cô gái mới hồi tỉnh lại.
Thượng quốc công Tả quân Lê Văn Duyệt bấy giờ mới tin lời đồn của thiên hạ là đúng, ông dâng sớ tâu trình lên vua Gia Long và xin phong sắc cho Lý Thị Thiên Hương. Vua Gia Long nhớ lại chuyện xưa, liền phong bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu” cai quản nơi núi Một và chủ sự tại chùa Linh Sơn.
Truyền thuyết thứ hai về Linh Sơn Thánh Mẫu :
– Đất Tây Ninh ngày trước cũng như bây giờ, phần đất từ Trảng Bàng – Suối Sâu đến tận miệt tây và tây bắc giáp với biên giới Campuchia, có người Miên sinh sống cùng người Việt rất đông.
Có một gia đình người Việt gốc Miên làm quan tại địa phương, sinh được hai con, gồm một trai một gái. Cô con gái tên Đênh (có sách gọi là Đinh). Lúc nàng đến tuổi dậy thì, có vị sư già từ Bến Cát tìm đến núi Một kiếm đất lập chùa để phụng sự Phật pháp.
Khi đến Tây Ninh, vị sư già đến nhà gia đình nàng Đênh xin tá túc một thời gian để tìm đất. Cả gia đình viên quan đều mộ đạo, nên ai cũng muốn nghe nhà sư thuyết pháp nhất là nàng Đênh. Còn viên quan lập cho vị sư ngôi chùa Ông Tàu (do ông là người Hoa) nằm ở chân núi phía đông gần làng Phước Hội. Một thời gian sau vị sư về lại Bến Cát, để chùa Ông Tàu cho nàng Đênh trông nom.
Như truyện tích nàng Thiên Hương, nàng Đênh cũng bị viên quan trấn ở Trảng Bàng ngấp nghé hỏi cưới, duy có điều là nàng Đênh chưa có bóng dáng một thanh niên nào trong lòng mà lại phát nguyện xuất gia thờ Phật. Mặc dù cha mẹ đã hứa gả cho viên quan ấy, nàng Đênh không thể chiều lòng cha mẹ, nên đã bỏ nhà ra đi tìm nơi tu đạo.
Khi bà Đênh từ giã cõi trần, hồn bà hiển thánh và về báo cho cha mẹ biết là bà tu đã đắc đạo, được thượng giới phái xuống trần cứu nhân độ thế. Bà hiển linh báo cho Nguyễn Ánh khi bôn tẩu trên núi Một trốn quân Tây Sơn, những việc phải làm để giành lại ngôi vua.
Sau này lên ngai vàng, chúa Nguyễn Gia Long nghĩ đến bà Đênh liền sai đúc cốt Bà Đênh bằng đồng đen đem lên núi Một để thờ, phong Bà Đênh làm “Linh Sơn Thánh Mẫu”. Nơi điện thờ Bà gọi là “Linh Sơn Tiên Thạch Động”.
Tuy bà Đênh người không đen như Thiên Hương nhưng lại là người Việt gốc Miên có làn da bánh mật và tên gọi là Bà Đênh, sau dân địa phương gọi trại là Bà Đen, gọi núi Một là núi Bà Đen.
Với hai truyền thuyết trên, chúng ta dựa vào thời gian Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy hiệu Gia Long vào năm 1802 (và mất năm 1819). Ta suy đoán tượng Bà Đen có vào khoảng những năm 1805 – 1815.
Cũng có thêm truyền thuyết về tượng Bà như sau :
– Trên núi Một ai cũng đồn có Phật Bà hiển thánh, nhưng việc lập điện thờ Bà làm nơi cúng bái không ai làm. Sau này có tu sĩ Đạo Trung (vào thế kỷ XVIII), ở trên núi suốt 31 năm khai sơn phá thạch, cho đến một ngày bỗng ông thấy Phật Bà hiện ra trên đỉnh núi, và ít lâu sau tìm được cốt tượng bằng đá có chân dung Phật Bà nơi một dòng suối (gần chùa Hang bây giờ). Ông liền lập động để thờ phụng. Điện Bà có từ đó.
Với những truyền thuyết trên, xét về mặt nghệ thuật điêu khắc, tượng bà mang nhiều ảnh hưởng văn hóa Phù Nam pha trộn nền văn hóa Việt như tượng Bà Chúa Xứ Châu Đốc. Nên xuất xứ của pho tượng Bà có thể được tạc vào thế kỷ XVIII vào thời ông Tổ Đạo Trung, nhưng lúc đó tạc trên đá, khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy hiệu Gia Long vào đầu thế kỷ XIX, mới đúc tượng Bà bằng đồng đen (đồng nguyên chất pha với Acid Nitric cho ra đồng đen, nhưng không phải lấy từ quặng đồng đen thứ thiệt) như bây giờ chúng ta vẫn thấy, và khớp với lịch sử xây dựng chùa và điện trên núi Linh Sơn vào thời gian 1871 – 1880, thời Tổ Thánh Thọ Phước Chí lên Điện Bà xây hang điện đưa cốt tượng vào thờ, trước đó tượng còn để bên chùa Linh Sơn (nay là chùa Ông hay Linh Sơn Tiên Thạch Tự).
Điện thờ Bà Đen ở lưng chừng núi, được vua Tự Đức năm thứ 3 sắc phong lại là Thánh Mẫu nên người dân miền Đông Nam bộ tôn kính gọi Bà bằng Đức Phật Mẫu.
B/- QUẦN THỂ CHÙA TRÊN NÚI BÀ ĐEN
1- Chùa Trung : Khi lên núi Bà Đen, sẽ gặp ngôi chùa Trung nằm ngay dưới chân núi, dân địa phương cho rằng là nơi Bà dừng chân đi tu khi đến đây, sau đó trên núi có chùa mới dựng lên, Bà rời chùa Trung lên trên núi tu.
Chùa Trung trước kia rất khang trang nhưng do chiến tranh nên kiến trúc ấy không còn, nay chùa được dựng lên đơn sơ hơn trước, nhưng cách bày trí trong chùa vẫn theo nét cũ.
Phía ngoài chùa là pho tượng Tiêu Diện Đại Sĩ, bên trong đứng xoay lưng với pho tượng ngoài là tượng ngài Hộ pháp, sau đó là 4 pho Tứ vị sơn thần đặt theo 4 hướng Đông Tây Nam Bắc. Vào chánh điện dàn hàng ngang phía trái là tượng Phật Bà Quan Âm cùng với Cửu Thiên Huyền Nữ, rồi các tượng Thích Ca Mâu Ni, Địa Tạng, Phật Di Đà, Phật Di Lặc. Phía phải là bàn thờ Quan Công.
Gian sau đấu lưng với bàn thờ Phật là ban thờ Linh Sơn Thánh Mẫu tượng tạc thời Bà còn trẻ, da mặt hồng hào đầu đội mũ triều thiên, choàng khăn áo màu đỏ. Hai bên tượng Thánh Mẫu có cô Hồng, cô Cúc đứng hầu. Đối diện ban thờ của Bà là ban thờ Bà Thiên Hậu. Bên gian thờ tổ có pho Đức Diêu Trì Kim Mẫu và ban thờ Đạt Ma Sư Tổ.
Chùa Trung thờ tự như những ngôi chùa miền Bắc thường thờ là Tiền Phật hậu Mẫu.
2- Chùa Ông (Linh Sơn Tiên Thạch Tư) : Hiện nay chùa Ông lấy tên Linh Sơn Tiên Thạch Tự, khi khách hành hương từ dưới núi lên là gặp (nay ngoài đường bộ lên núi, còn có cáp treo và máng trượt).
Chùa nằm về hướng Đông Nam, có kiến trúc bền vững, khang trang. Giữa sân chùa là tượng Phật Bà Quan Âm, phía sau tượng Quan Âm là pho Tiêu Diện Đại Sĩ, đấu lưng là tượng Hộ pháp mặt nhìn vào trong, như là 2 ông Thiện ông Ác kiểm soát khách vào ra.
Vào trong chùa, phía bên phải là 3 pho Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu (theo sách cũ ghi dãy này trước đây là những pho tượng mang hình tượng của Thập điện Diêm Vương). Tường bên trái cũng là dãy tượng mang hình tượng Thập Bát La Hán, nhưng nay chỉ còn 4 pho.
Nơi chánh điện, nhìn hàng ngang có 3 ban thờ. Ban giữa pho tượng lớn là Phật A Di Đà; bên trái là ban thờ Quan Âm Bồ Tát, Phật Chuẩn Đề 18 tay, Địa Tạng; bên phải là ban thờ Phật Chuẩn Đề , Đại Thế Chí, Địa Tạng cỡi sư tử.
Phía sau là gian thờ tổ, thờ Đạt Ma Tổ Sư, Quan Công và bàn thờ hương linh bá tánh. Ngoài ra còn ban thờ Phật Dám với tư cách coi sóc đồ lễ.
Chùa Ông khác với chùa Trung là không thờ Mẫu, tức chùa không thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, Bà Thiên Hậu v.v… Chỉ đơn thuần thờ Phật.
3- Điện Bà : Điện Bà Đen nằm cạnh chùa Ông (ngôi chùa vừa nói, có trước đời Nguyễn Ánh tức cuối thế kỷ XVIII, có tên là Linh Sơn Tự nơi Bà Đen hiển linh), điện Bà có kết cấu 2 phần. Phần trong là một vòm hang đá được tạo bởi một phiến đá rất lớn nhô ra khỏi sườn núi, vòm chỉ cao gần 2 mét có diện tích khoảng 20m2. Phần ngoài xây nối tiếp với hang động, trống 3 phía chỉ có trần nhà, diện tích bằng gian thờ Bà Đen.
Cửa hang được bố trí cửa hai bên, một gian nhỏ thờ ngựa gỏ, một gian thờ Ông Địa. Nhưng khách hành hương nhìn thấy bên hang còn có 2 miếu nhỏ thờ Ông Tà, thờ 1 hòn đá hình trụ cao gần năm tấc, đường kính khoảng một tấc, như một Linga thờ ở Miếu Bà Chúa Xứ, trên phiến đá trùm một tấm vải điều đỏ.
Bên trong điện hai bên thờ Tứ Vị Sơn Thần nay chỉ có bát nhang. Trong cùng là chánh điện, ở giữa là tượng Bà Linh Sơn Thánh Mẫu da mặt toàn thân màu đen, choàng áo thêu kim tuyến. Hai bên trái phải thờ cô cậu : Cậu Tài cậu Quý – Cô Hồng cô Hạnh. Phía trước có 2 pho tượng, một trắng (do khách hành hương cung tiến) được mọi người cho đó là tượng Bà Chúa Xứ Châu Đốc, một đen (các vị giữ điện nói từ động Thanh Long đưa về) là tượng của Linh Sơn Thánh Mẫu.
Phía ngoài là tượng Địa Mẫu tạc đứng khá lớn. Cùng 4 pho Tứ Thiên Vương là các vị Ma Lễ Hồng, Ma Lễ Hải, Ma Lễ Thọ và Ma Lễ Thanh. Ngoài cùng là tượng Phật Bà Quan Âm.
Ở điện thờ Bà Đen ta nhận thấy cách bày trí rất kỳ ảo và không kém phần trang nghiêm. Và cũng là cách thờ Tiền Phật hậu Mẫu như những đền điện thờ Mẫu khác.
4- Chùa Hang (Động Ông Chàm) : Từ điện Bà, khách muốn lên chùa Hang phải đi tiếp 155 bậc thang qua suối Bạc là tới (xưa gọi là động Ông Chàm, vì lúc mới khai phá núi Một, có một người Chàm lên đây lập động tu luyện bùa chú, khi ông chết mới có người lên núi và phát hiện, gọi động này là Long Châu Tự).
Chùa Hang nằm gọn trong một hang đá có diện tích, độ cao và tạo hình như điện Bà Đen ngự.
Trước cửa hang cũng gồm hai lối vào ra, trấn cửa là Tiêu Diện Đại Sĩ, phía trong là Hộ pháp quay mặt vào trong chánh điện. Ở giữa chánh điện có pho tượng Phật Di Đà, ở bốn góc chùa có các tượng Phật : Quan Âm, Thích Ca sơ sinh, Thế Chí Bồ Tát và Phật Chuẩn Đề.
Phía trong cùng, dãy ban thờ hàng ngang từ ngoài nhìn vào, phía góc trái thờ Địa Tạng cỡi sư tử, kế bên có tượng Linh Sơn Thánh Mẫu màu đen, hai bên tượng Bà có 2 tượng nhỏ cô cậu đứng hầu. Kế đó là tượng Bà Chúa Xứ. Góc bên phải là ban thờ tượng Ngọc Hoàng. Phía ngoài hang là một sân có 2 pho tượng Phật Bà Quan Âm cao khoảng 2 mét. Ngoài ra kế bên chùa Hang là một ngôi chùa 2 tầng kiến trúc như những ngôi chùa miền Bắc với 4 góc cong vút, được dựng trên nền Long Châu Tự cũ.
Qua các chùa trên núi Bà Đen, các nhà nghiên cứu về văn hóa tâm linh, có nhận xét về quần thể trên như sau :
– Các chùa trừ Linh Sơn Tiên Thạch Tự, các chùa khác trên núi bày trí theo cách thờ “Tiền Phật hậu Mẫu”. Do các chùa đều tập chung việc thờ Linh Sơn Thánh Mẫu là Mẫu Tiên Thiên (Miếu Bà Châu Đốc là Mẫu Địa Tiên). Là loại hình thờ Mẫu trong dân gian ở nước ta.
– Ngoài ra trong quần thể chùa núi Bà Đen có thờ thần Linga (Ông Tà), Quan Công, Bà Thiên Hậu cho thấy ở đây có sự hòa đồng sắc tộc gồm Khmer, Champa, Hoa, Việt trong tín ngưỡng dân gian của tục thờ Thần.
C/- LỄ HỘI VÍA BÀ
Hàng năm tỉnh Tây Ninh đều tổ chức Lễ hội Vía Bà (còn gọi Hội Xuân Núi Bà) từ mùng 10 tết đến hết rằm tháng giêng âm lịch. Nhưng ngày vía chính hằng năm vào ngày 5 và 6 tháng 5 âm lịch.
Việc tổ chức ngoài việc thu hút khách thập phương đến Tây Ninh tham quan cảnh trí trên núi Điện Bà, còn là lễ hội thuần túy về tín ngưỡng.
Khác với lễ vía Bà Chúa Xứ, lễ vía Bà Đen rất đơn giản. Dù được tổ chức nhiều ngày, nhưng chỉ tập trung vào giữa đêm mùng 5 sang rạng sáng mùng 6. Đó là lễ tắm Bà.
Trước khi diễn lễ mộc dục, trong hang điện thờ cấm cung không cho người không phận sự được vào, chỉ có các ni cô tiến hành lễ tắm tượng và thay khăn áo cho Bà là được hiện diện.
Nước tắm là nước dừa có bông thơm, trong cung mùi trầm hương tỏa ngát. Trước khi lau cốt tượng, các ni cô giăng mùng che kín mới bắt đầu lau chùi bụi bậm trên cốt tượng rồi thay khăn áo cho Bà, khăn áo mũ mão và nước hoa xịt lên tượng Bà đều do các thiện nam tín nữ dâng lên để được Bà ban lộc. Lễ tắm xong, thau nước lau cốt tượng được mọi người xin để uống hoặc xoa bóp nhằm chữa bệnh.
Trong lễ mộc dục các khách hành hương bày mâm lễ ở ngoài sân điện đủ các loại đồ cúng, nhưng tựu trung là hoa quả nhang đèn, nhưng dừa và trầu cau dâng Bà là đa số.
Lễ tắm Bà dứt là lúc mọi người bắt đầu được vào Điện viếng Bà, tiếng cầu xin vang dội hòa cùng tiếng xin xăm xin keo không dứt. Ngoài sân trước chùa Linh Sơn có sân khấu hát tuồng phục vụ bá tánh thập phương. Tạo cho ngày vía Bà thêm phần hào hứng đến với khách hành hương.
Nguyễn Việt
(trích trong cuốn “Phong tục thờ cúng” của tác giả, đã xuất bản)
Share this:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…
Có liên quan
Filed under: Phong Tục, Tín ngưỡng | Tagged: Tâm linh, Tín ngưỡng |