Làm gì để phát triển du lịch văn hóa Việt Nam?

Nhiều lợi ích về kinh tế – xã hội

Du lịch văn hóa được UNESCO định nghĩa là loại hình du lịch trong đó mục đích cơ bản của du khách là tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm và tiêu dùng các sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể tại điểm đến. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), thời điểm trước dịch Covid-19, du lịch văn hóa đóng góp 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15%/năm.

Một sản phẩm du lịch văn hóa của Hội An được đông đảo du khách yêu thích. Ảnh: dulichchat.com
Một sản phẩm du lịch văn hóa của Hội An được đông đảo du khách yêu thích. Nguồn: dulichchat.com

Việt Nam đã xác định sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ chốt của đất nước và yêu cầu phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và giá trị văn hóa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nhấn mạnh đến quan điểm “phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên…”; đồng thời xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao”…

Phân tích từ thực tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đã trở thành thương hiệu đặc trưng, tạo nên sự khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch của Việt Nam. Nhiều điểm đến có di sản văn hóa thế giới đã trở thành điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam và là “điểm phải đến”, đặc biệt là du khách quốc tế, như: Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Khu di tích Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (Quảng Nam)… Nhiều chương trình du lịch văn hóa được xây dựng và thực hiện thành công, tạo thương hiệu cho du lịch Việt Nam như: Con đường di sản miền Trung, Các cố đô Việt Nam, Con đường xanh Tây Nguyên…

“Phát triển du lịch văn hóa đã góp phần mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ du lịch và thông qua du lịch, nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử đã được quy hoạch, tu bổ, khôi phục bằng nhiều biện pháp khác nhau; nhiều làng nghề truyền thống được chấn hưng và phục hồi; công tác tuyên truyền quảng bá các giá trị cũng như ý thức giữ gìn di sản tới cộng đồng được chú trọng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Kể những câu chuyện gắn với điểm đến

Để phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, bà Lê Thị Thu Trang, Giám đốc Khối Quản lý điểm đến SGO Travel cho rằng, trước hết cần phát triển hệ thống sản phẩm. Bởi nhu cầu của du khách ngày càng cao, đòi hỏi nhiều ở nội dung của chuyến du lịch chứ không đơn thuần là cảnh đẹp ở điểm đến. “Việt Nam có quá nhiều chất liệu văn hóa ở khắp mọi miền như: lịch sử, nghệ thuật, danh nhân, phong tục… không đưa vào làm du lịch là lãng phí tài nguyên. Hướng tới khách inbound là phải làm du lịch văn hóa”.

Sản phẩm du lịch văn hóa bản thân chất liệu là sản phẩm văn hóa như di tích được xếp hạng, danh nhân văn hóa, làn điệu dân ca, lễ hội truyền thống, làng nghề… tất cả đều chứa đựng các câu chuyện. Do đó, việc của những người làm du lịch văn hóa là kể ra những câu chuyện gắn với điểm đến, kết nối nhiều câu chuyện trong hành trình, mang lại/tạo ra trải nghiệm thực tế…

Đồng quan điểm, bà Thân Thị Thu Huyền, Giám đốc điều hành Đảo Ký ức Hội An, Quảng Nam, cho rằng, hiện nay trên thế giới có rất nhiều mô hình nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí khác nhau và cũng rất hấp dẫn, đều dựa trên các câu chuyện, phim ảnh để xây dựng công viên chủ đề hay là chủ đề cho các khu nghỉ dưỡng. “Tại Đảo Ký ức Hội An, chúng tôi muốn kể một câu chuyện khác, theo một hướng đi khác: khai thác du lịch dựa trên các yếu tố văn hóa, lịch sử của vùng đất và lấy nghệ thuật làm yếu tố truyền tải”.

Việt Nam đưa ra mục tiêu đến năm 2030 phát triển đồng bộ các dòng sản phẩm du lịch văn hóa gắn với từng địa phương, vùng du lịch, hoàn thành xây dựng các vùng không gian phát triển du lịch văn hóa và đầu tư cho các khu vực có giá trị văn hóa đặc biệt phát triển thành các khu du lịch quốc gia, định vị được các dòng sản phẩm tạo thương hiệu quốc gia, quốc tế. Sản phẩm du lịch văn hóa Việt Nam được ghi nhận trên thị trường khu vực và quốc tế.

Vì vậy, theo PGS. TS Bùi Thanh Thủy, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cần tập trung thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch văn hóa quốc gia, hình thành các hạt nhân phát triển sản phẩm du lịch. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, tiện nghi phục vụ khách du lịch; đầu tư phát triển sản phẩm quà lưu niệm du lịch, mặt hàng truyền thống địa phương; đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo các giá trị tài nguyên du lịch văn hóa, môi trường du lịch; phát triển các chuỗi sản phẩm mạnh, độc đáo, riêng biệt, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch văn hóa và định vị thương hiệu địa phương, vùng…

Từng nghiên cứu kinh nghiệm phát triển du lịch văn hóa trên thế giới, ông Nguyễn Anh Tuấn đề xuất, quan tâm đặc biệt đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. “Du lịch và văn hóa chỉ có thể phát triển bền vững và cạnh tranh vượt trội khi có được những chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình dẫn dắt phù hợp. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết các bộ, ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng vì mục tiêu phát triển du lịch bền vững”.