Làm việc với người Việt

Chào các bạn,

Là người nước ngoài, tìm hiểu văn hóa bản địa để hòa nhập là chuyện đương nhiên. Nhưng người Việt chúng ta cũng có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa Việt, nhất là những người có nhiều trải nghiệm ở nước ngoài, va chạm với nhiều nền văn hóa khác nhau.

Một du học sinh hoặc một Việt kiều, sống ở nước ngoài nhiều năm, sẽ đứng trước một bài toán khó: sống ở nước ngoài đã quen (hơn nữa là thích) cách làm việc của họ rồi, làm thế nào để quen được với cách làm việc của người Việt mình đây. Đây cũng là một câu hỏi của chính bản thân mình.

Làm việc với người Mỹ chẳng hạn, sẽ cực kì dễ chịu khi mà mình biết một số nguyên tắc của họ: đúng giờ, tôn trọng tính cá nhân, tôn trọng công việc nhóm, hướng tới kết quả (result-oriented), suy nghĩ tích cực (không mấy khi phàn nàn mà luôn nhìn thấy cái tốt, tích cực trong mọi vấn đề), hài hước (nhưng không nói chuyện bậy). Người Mỹ thẳng thắn, không bao giờ để bụng chuyện gì, nói xong là thôi. Thậm chí đồng nghiệp cùng công ty hoặc nhóm làm việc có thể cãi nhau như hai kẻ thù không đội trời chung, ấy thế mà xong việc ngày mai lại “Hi, how are you” và rủ nhau đi uống cà phê như thường.

Nếu ai đã quen và tôn trọng cách làm việc này rồi, khi quay trở lại làm việc với một người Việt Nam sẽ cảm thấy rất khó khăn. Khác hoàn toàn với cách ứng xử “expressive” của người Mỹ, người Việt thường tránh đưa ra quan điểm một cách công khai và cũng hay cả nghĩ. Trong khi người Mỹ nói “Tôi không ăn món này. Món này không hợp với tôi” là hoàn toàn theo nghĩa đen, nhưng người Việt lại hiểu là “Ồ, ông này nói vậy chắc giận mình rồi” hay là “Thôi chết rồi, ổng chê mình nấu ăn dở đây mà”. Nếu một người Việt cũng nói câu nói đó thì tùy văn cảnh chúng ta có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Việc hiểu trúng ý người nói phụ thuộc rất nhiều vào sự nhạy bén của người nghe.

Mình có nhiều lần gửi email kêu gọi đóng góp ý kiến trong nhóm mà chờ mãi không thấy ai trả lời, mặc dù đó là một công việc chung quan trọng. Làm nhiều lần mình phát hiện ra là người Việt mình không thích đưa ý kiến công khai, nên đôi khi việc hỏi ý kiến một cách publicly thường ít nhận được hưởng ứng. Trong khi nếu gọi điện hỏi và nhờ sự giúp đỡ của từng cá nhân thì người Việt lại rất sẵn sàng, mặc dù hơi tốn công sức một chút :). Người Việt giờ giấc “cao su”, cho nên nếu muốn hẹn 7 giờ đúng thì cũng không có gì ngại khi nói 7 giờ kém 15 thậm chí 6 giờ rưỡi :). Nhưng người Việt cũng có rất nhiều điểm hay, nhất là tính thương người, nhiệt tình và dễ gần. Người Việt mình thích chia sẻ và quan tâm tới mọi người. Người Việt mình luôn coi những người hàng xóm, đồng nghiệp là những bạn thân thiết và sẵn sàng giúp đỡ nhau mọi lúc.

Văn hóa Việt hay Mỹ thì cũng đều có cái hay để học và cái dở gây khó chịu. Thật không dễ để có thể dung hòa cả hai phong cách sống và làm việc khác nhau. Tuy vậy, mình nhận thấy rằng không nhất thiết phải từ bỏ những điều hay mà mình đã học được từ nền văn hóa khác, nhưng cũng không nên áp dụng chúng một cách cứng nhắc.

Về cơ bản, người Việt thích được quan tâm, không muốn thể hiện quan điểm công khai, ít sáng tạo nhưng chịu khó. Người Việt có tinh thần dân tộc cao nên các ý tưởng mang tinh thần dân tộc sẽ rất được hưởng ứng. Văn hóa “cảm ơn” của người Mỹ nếu áp dụng thường xuyên sẽ bị cho là quá khách sáo, nhưng quen rồi thì mọi người cũng hiểu ra cái tâm của người nói là họ thấy muốn cảm ơn thực sự. Ngoài ra cách giao tiếp rõ ràng thẳng thắn nhưng lịch sự của người Mỹ cũng tỏ ra khá hiệu quả, dễ tạo được môi trường làm việc tích cực.

Và như  các thảo luận của chúng ta trên Đọt Chuối Non lâu nay, một điều rõ ràng là văn hóa nào đi nữa thì tôn trọng, yêu thương, và độ lượng sẽ là chìa khóa giúp chúng ta có được những người bạn và những đồng nghiệp chân thành.

Chúc các bạn một ngày vui :).

Hoàng Khánh Hòa

Share this:

  • Thêm

Thích bài này:

Thích

Đang tải…