Lạng Sơn thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về di sản văn hóa | Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn

Ngay sau khi Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành và có hiệu lực, trên cơ sở tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh, để cụ thể hóa Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa như: Nghị quyết 13-NQ/TU, ngày 19/4/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa của tỉnh đến năm 2010; Nghị quyết 25-NQ/TU, ngày 31/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết 30/2017/NQ-HĐND, ngày 21/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về mức thu và tỷ lệ phần trăm (%) được trích để lại cho đơn vị tổ chức thu phí thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Quyết định 31/2003/QĐ-UBND, ngày 28/11/2003 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế tạm thời về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Quyết định 63/2017/QĐ-UBND, ngày 20/12/2017 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn… Các văn bản sau ban hành đã được tuyên truyền, phổ biến và quán triệt sâu rộng tới các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh từng bước được hoàn thiện và đi vào cuộc sống. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường cải cách hành chính, cải cách tư pháp, bảo đảm tính khả thi của văn bản khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn; tạo hành lang, cơ sở pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; huy động mọi nguồn lực, tạo sự đồng thuận của Nhân dân và toàn xã hội trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

1

Di tích Ải Chi Lăng (Nguồn ảnh: Báo Lạng Sơn)

Công tác lập, phê duyệt, thực hiện quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thường xuyên được quan tâm chú trọng. Để tạo tiền đề, cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, du lịch của tỉnh và các huyện, thành phố, tỉnh Lạng Sơn đã lập, phê duyệt Đề án “Bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030” (theo Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 22/4/2021 của UBND tỉnh Lạng Sơn). Bên cạnh đó, trong quá trình lập, phê duyệt thực hiện quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cũng được triển khai thực hiện theo đúng quy định hiện hành của pháp luật về di sản văn hóa, xây dựng, đất đai, môi trường và các quy định liên quan khác. Từ công tác quy hoạch đến việc triển khai thực hiện dự án tu bổ di tích, báo cáo kỹ thuật tu bổ di tích đều căn cứ vào quy mô, cấp độ, tính chất, hiện trạng di tích để lập, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Kết quả từ năm 2008 đến năm 2022 đối với công tác quy hoạch tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt 05 Đồ án quy hoạch cho 05 di tích theo thẩm quyền; đã và đang triển khai thực hiện các quy trình thủ tục lập quy hoạch cho 02 khu di tích trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ xem xét; đã lập, trình UBND tỉnh phê duyệt 143 lượt hồ sơ di tích cấp tỉnh và các thiết chế văn hóa liên quan; trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định 76 lượt hồ sơ di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt theo quy định…

Việc phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính được chỉ đạo thực hiện đồng bộ. Căn cứ vào hệ thống văn bản của trung ương, địa phương để triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản theo quy định pháp luật hiện hành; bảo đảm tính khoa học và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích (ban hành kèm theo Quyết định số 63/2017/QĐ-UBND ngày 20/12/2017), phê duyệt và công bố danh mục 335 di tích (Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 10/01/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh). Qua đó, đã phân cấp, phân quyền trực tiếp, nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý đối với chính quyền ở cơ sở theo hướng UBND tỉnh quản lý toàn diện các di tích đã xếp hạng hoặc nằm trong trong danh mục kiểm kê đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tỉnh tham mưu, tổ chức hoạt động quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các huyện thành phố thực hiện hiệu quả công tác quản lý theo phân cấp (Di tích trên địa bàn huyện, thành phố nào giao cho huyện, thành phố đó trực tiếp quản lý); quy định hướng dẫn cụ thể hơn về việc thành lập Ban quản lý, bộ phận thường trực giúp việc ban quản lý di tích các cấp; phân cấp công tác lập hồ sơ khoa học trình xếp hạng di tích các cấp; tham mưu cho tỉnh phân cấp, ủy quyền một số nội dung cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc phê duyệt hồ sơ báo cáo kinh tế – kỹ thuật, tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh; tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đồng thời tách bạch và phân loại rõ đối tượng quản lý theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Hằng năm UBND tỉnh phê duyệt ban hành đề án, kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cải cách thủ tục hành chính tỉnh Lạng Sơn, trong đó xác định từng nội dung cụ thể cần hoàn thành, hướng tới mục tiêu: Nâng cao chất lượng của các quy định về thủ tục hành chính; cắt giảm hoặc đề xuất cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; bảo đảm công khai, minh bạch thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận, giám sát và thực hiện thủ tục hành chính; góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đồng thời để triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án cải cách thủ tục hành chính tỉnh Lạng Sơn; hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện, kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Căn cứ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nội dung đề án và kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, định kỳ giai đoạn, hàng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện để tập trung, lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan tăng cường trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua. Đồng thời đã quyết định thành lập tổ công tác, cử lãnh đạo, công chức Văn phòng làm đầu mối làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính chung của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và mỗi phòng, đơn vị thuộc Sở đều có cán bộ làm đầu mối để phối hợp triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công. Thường xuyên tiến hành rà soát các thủ tục hành chính về các lĩnh vực thuộc ngành văn hoá, thể thao, du lịch, từ đó loại bỏ dần các thủ tục rườm rà, giấy tờ không cần thiết, tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Kết quả, qua quá trình rà soát đã tham mưu trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt cắt giảm thời hạn giải quyết 12/14 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực di sản văn hóa với thời gian là 95 ngày, tỷ lệ cắt giảm đạt 28,1%.

Các thủ tục hành chính của ngành được niêm yết công khai tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh. Hiện nay, trong tổng số 14 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực di sản văn hóa có 10 thủ tục hành chính giải quyết theo cơ chế một cửa và 04 thủ tục hành chính giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông. Trong giai đoạn 2018-2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp nhận tổng số 50 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực di sản văn hóa, sau khi tiếp nhận đã tiến hành thẩm định, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan tiếp tục, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ; 100% hồ sơ hợp lệ đã được giải quyết đúng hạn theo quy định. Bên cạnh các hoạt động trên, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng luôn được quan tâm, thực hiện, đảm bảo theo đúng tiến độ thời gian, thẩm quyền theo quy định.

Việc Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong công tác quản lý các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được đẩy mạnh. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, cùng với việc thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong công tác quản lý các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm, đẩy mạnh. Hiện nay, ngoài việc xây dựng các sản phẩm, tua, tuyến, điểm đến du lịch, tỉnh Lạng Sơn đã, đang đầu tư 9.535 triệu đồng để triển khai thực hiện dự án “Xây dựng phần mềm quản lý di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn”; “Xây dựng và phát triển Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022 – 2026”; dán mã QR code tên đường phố, điểm di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn… Qua đó bước đầu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, kinh tế – xã hội trong thời kỳ hội nhập, phát triển một cách bền vững.

  Sự phối kết hợp giữa các ngành trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được tăng cường. Xác định công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là sự nghiệp chung của toàn xã hội, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường đẩy mạnh xây dựng ký kết các chương trình phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các tổ chức xã hội nghề nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương xây dựng và triển khai nhiều chương trình, hoạt động phối hợp như: Phối hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh trong việc “Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa – thông tin ở miền núi vùng dân tộc thiểu số”; phối hợp với Công an tỉnh về tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thư viện trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; phối hợp với Ban dân tộc tỉnh triển khai thực hiện Chương trình phối hợp đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vùng đồng vào dân tộc thiểu số – miền núi, thực hiện các chính sách dân tộc trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch và triển khai Dự án 06 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2021 – 2030”; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo xây dựng, ký kết chương trình công tác “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong hệ thống Bảo tàng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”; phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, giáo viên mẫu mực”; xây dựng, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương phù hợp với từng cấp học; phối hợp với Hội người cao tuổi trong việc tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, phát huy vai trò của người cao tuổi trong giáo dục, giữ gìn và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; phối hợp với Hội bảo tồn dân ca trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca tại các lễ hội, sự kiện văn hóa – du lịch của tỉnh, liên hoan, hội thi dân ca các cấp… Qua các hoạt động trên đã góp phần huy động, tổng hợp phát huy vai trò, sức mạnh tổng hợp của xã hội, đặc biệt là các nghệ nhân, chủ thể văn hóa, người có uy tín trong cộng đồng; tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của cấp, các ngành trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Việc hợp tác quốc tế trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được tăng cường. Các hoạt động ngoại giao với các địa phương ở các nước trong và ngoài khu vực như: Nga, Pháp, Hàn Quốc… Đặc biệt là với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc tiếp tục được quan tâm thông qua cơ chế Uỷ ban công tác liên hợp giữa 04 địa phương của Việt Nam (Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh) với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc bằng nhiều hình thức, phong phú ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Nội dung giao lưu, hợp tác chủ yếu là: giao lưu, nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử truyền thống của cộng đồng các dân tộc, khai quật khảo cổ; giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động du lịch; công tác quản lý, đào tạo, biểu diễn nghệ thuật, thể dục, thể thao nhân dịp hai bên tổ chức sự kiện lớn về văn hóa – chính trị, hoạt động kỷ niệm quan hệ ngoại giao hai nước… Qua đó đã để lại ấn tượng sâu sắc, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của Nhân dân các dân tộc vùng biên giới, xây dựng hình ảnh du lịch vùng biên từng bước đi vào chiều sâu, góp phần vun đắp cho tình hữu nghị hai nước Việt Nam – Trung Quốc và Việt Nam với các nước trong khu vực.

Ngoài các hoạt động trên, tỉnh Lạng Sơn đã và đang triển khai xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn, xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là công viên địa chất toàn cầu nhằm góp phần phát triển bền vững của tỉnh: phối hợp với Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, các chuyên gia tư vấn của UNESCO tiến hành khảo sát, đánh giá các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa phục vụ xây dựng Công viên địa chất Lạng Sơn, tư vấn đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng các điểm tham quan Công viên địa chất, xây dựng hồ sơ Công viên địa chất Lạng Sơn đệ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Liên kết, hợp tác, thiết lập quan hệ đối tác nhằm tuyên truyền quảng bá, chia sẻ kinh nghiệp quản lý, phát triển, xây dựng hồ sơ Công viên địa chất với công viên địa chất các nước; tham gia hội nghị, hội thảo, diễn đàn thường niên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Châu Á – Thái Bình Dương, Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Việt Nam…

Để thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật về di sản văn hóa, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp trong việc thực hiện Luật di sản văn hóa và đầu tư, hỗ trợ công tác bảo tồn di sản văn hóa. Đẩy mạnh việc phân cấp quản lý di sản văn hóa; huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Kết hợp giữa đầu tư, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh với khai thác phát triển du lịch bền vững. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về thực hiện Luật di sản văn hóa và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa bảo đảm mục tiêu gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa; xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm, làm huỷ hoại các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Vương Hòa