Lạng Sơn, vùng văn hóa đặc sắc

Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày cuối tháng Chạp là ông Nông Văn Lưu ở thôn Sơn Hồng (xã Gia Cát, huyện Cao Lộc) lại tất bật cùng đám trai làng luyện tập các thế võ múa sư tử cho thật nhuần nhuyễn, để đi dự lễ hội Tết đầu năm, tranh giải với đội múa của các thôn, bản khác. Ông Lưu kể, chẳng biết từ khi nào nữa, chỉ nhớ khi tóc còn để chỏm, vào ngày lễ, Tết, ông đã được đi theo đoàn múa sư tử của thôn, đi múa từ bản đến phố, có khi đi cả mười ngày mới về nhà. Theo quan niệm của bà con ở đây, múa sư tử, lân, rồng trong dịp Tết đến, Xuân về là tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc, hanh thông,… nên nhiều gia đình ở các bản, làng, khu phố đều mời đội sư tử đến múa để cầu may. Hiện nay, thôn Sơn Hồng có hai đội múa sư tử, mỗi đội có sáu người, và theo lệ cứ ngày mồng một Tết là hai đội chia nhau đến từng nhà trong thôn, bản để chúc phúc mừng năm mới, cầu cho dân bản sức khỏe, mùa màng tươi tốt, an khang, thịnh vượng.

Sau đó thì đến các nhà ở huyện, lên thành phố, rồi tham dự các lễ hội múa sư tử ở Hải Yến, Công Sơn và phiên chợ huyện… Anh Hoàng Văn Ðiền, Ðội trưởng múa sư tử khoe với tôi: Trong thôn còn có đội văn nghệ hát sli, lượn nữa. Ðể giữ gìn lời ca tiếng hát của dân tộc mình, nhiều năm nay, các cụ cao tuổi trong thôn, trong xã thường tổ chức các buổi dạy hát cho các cháu. Ðội văn nghệ thường được mời tham dự các liên hoan cấp huyện, tỉnh, năm ngoái giành được giải nhì hát sli trong Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Ðông Bắc tổ chức tại TP Thái Nguyên.

Có thể nói, xứ Lạng đã chứa đựng trong mình một kho tàng văn hóa dân gian phong phú, từ tục ngữ, ca dao, dân ca Tày, Nùng, đến sli, lượn và đàn tính, kèn Pí lé hấp dẫn. Sli, lượn là tiếng hát tâm tình của đôi lứa vào ngày chợ phiên. Nội dung hát sli, lượn rất phong phú, có bài quy định mà người hát phải thuộc. Trên cơ sở đó, người hát có thể mở rộng ra, ứng tác kịp thời cho phù hợp nội dung chủ đề cuộc hát. Do vậy, người hát không những phải nhớ những làn điệu, lời ca, mà còn phải nhanh trí, giỏi ứng tác, theo từng chủ đề, như về ngợi ca tình yêu lứa đôi, quê hương, đất nước. Nếu sli, lượn là làn điệu dân ca giao duyên chỉ có lời, thì then là hình thức nghệ thuật tổng hợp, vừa có lời, có nhạc, lại có hóa trang, có biểu diễn. Lời của bài then thường cô đọng, súc tích, giàu hình tượng và biểu thị cho tâm hồn mang tính thẩm mỹ sinh động. Có một câu chuyện cảm động vẫn được kể ở xứ Lạng là vào những năm 70 của thế kỷ trước, nghệ sĩ dân gian Linh Văn Noọng bị mù cả hai mắt đã mang cây đàn tính đi khắp bản trên, xóm dưới ở huyện Văn Quan, hát cho mọi người nghe, động viên mọi người đoàn kết, tham gia hợp tác xã. Cảm động trước tấm lòng đó của người nghệ sĩ, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã sáng tác bài thơ Chiếc đàn tính và tiếng hát người nghệ sĩ mù, trong đó có đoạn: Dây vải hay dây tơ? / Tiếng đàn tính lọt vào tai vào ruột / Tiếng vang lên ngọn cây, đỉnh núi cao cao vút / Vượn trố mắt nhìn trượt chân ngã, quên con / Chim trong tổ bay ra ngơ ngác bồn chồn / Ve đậu trên cành hoa im tiếng / Trai gái đi, hát cười vang bỗng dưng… / Có bùa chăng! / Dây tính hỡi si mê / Mười hai vía trong người tôi tỉnh dậy!

Hát then được bà con các dân tộc xứ Lạng rất hâm mộ. Hát then thường được tổ chức trong ngày lễ, mừng nhà mới, hội then (lẩu then), cầu an, chúc thọ người cao tuổi… Then là thể loại văn nghệ dân gian độc đáo, hấp dẫn và trở thành niềm tự hào của người dân xứ Lạng. Hiện nay trên địa bàn Lạng Sơn đã xây dựng hơn 200 đội văn nghệ quần chúng, có mặt ở hầu hết các cơ sở xã, phường, với hàng nghìn hội viên. Ngoài việc tham gia hướng dẫn nội dung chương trình văn nghệ, hằng năm, ngành văn hóa, thể thao và du lịch còn tổ chức hàng trăm hội thi, liên hoan… thu hút hàng vạn người tham gia. Ðã thành thông lệ, hai năm vào dịp ngày Xuân, tỉnh lại tổ chức liên hoan tiếng hát dân tộc ở một địa phương, hai năm một lần tham gia Liên hoan Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Ðông Bắc (gồm 14 dân tộc sinh sống ở  10 tỉnh, thành phố vùng Ðông Bắc), Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc. Ðể bảo tồn vốn dân ca, từ tháng 10-2010, theo nguyện vọng của đông đảo bà con các dân tộc, Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn đã được thành lập. Như lời Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Vi Hồng Nhân,  dù bắt đầu có nhiều khó khăn về vật chất, lúng túng về cách thức tổ chức hoạt động, nhưng bước đầu Hội đã có 135 hội viên tham gia, nhiều xã đã thành lập câu lạc bộ. Nhân các ngày lễ kỷ niệm, các câu lạc bộ đã tham gia biểu diễn được người nghe tán thưởng.

Không chỉ có những làn điệu dân ca, Lạng Sơn còn hấp dẫn du khách trong nước và nước ngoài đến với các mùa lễ hội, nhất là vào mùa Xuân. Theo thống kê của ngành văn hóa, hiện trên địa bàn tỉnh, hằng năm có hơn 350 lễ hội được tổ chức. Lễ hội thường tiến hành vào dịp đầu năm, nổi bật nhất là Hội Lồng Tồng (hội xuống đồng) vào đầu Xuân tại hầu hết các bản, làng của bà con các dân tộc Tày, Nùng. Hội Lồng Tồng là dịp để người dân thể hiện lòng thành, cầu cho mưa thuận gió hòa, hoa màu tươi tốt, đời sống bình yên. Sau các nghi lễ là phần hội, với các hình thức vui chơi như múa võ dân tộc, múa sư tử, kéo co, tung còn, chơi đáo, chơi quay, hát giao duyên,… tạo cho không khí đầu Xuân tưng bưng, nhộn nhịp. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để nam thanh nữ tú gặp gỡ để tỏ tình, trao duyên. Ðến lễ hội, du khách còn được thưởng thức món ăn mang đậm nét ẩm thực riêng của mỗi làng quê xứ Lạng, như lợn quay, vịt quay, phở chua, khẩu sli, bánh coóng phù,… trong hương nồng của men rượu Mẫu Sơn. 

Lạng Sơn là vùng đất cổ, nơi con người cư trú từ lâu đời. Minh chứng cho điều này là các di chỉ của người cổ đại ở hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng có niên đại cách ngày nay khoảng ba vạn năm. Ðây là di chỉ nổi tiếng ở Việt Nam và vùng Ðông – Nam Á, cùng với các di chỉ này là hàng loạt di chỉ thuộc nền văn hóa Bắc Sơn. Lạng Sơn còn nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cùng các đình, đền, chùa, nơi ghi dấu ấn của các bậc tiền nhân đã có công gìn giữ biên cương của Tổ quốc. Hiện tại, Lạng Sơn có hơn 540 di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh, như Khu di tích lịch sử Chi Lăng với 52 điểm di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Tại TP Lạng Sơn có ‘đệ nhất bát cảnh’ (tám cảnh đẹp) như Nhị Thanh, Tam Thanh, Nàng Tô Thị, chùa Tiên, phố chợ Kỳ Lừa… mà bất cứ du khách nào đến Lạng Sơn cũng đều muốn thăm.

Vào thời kỳ mới, Lạng Sơn tiếp tục trở thành một cửa ngõ giao thương biên giới, là nơi kết nối của quốc lộ 1A xuyên Á với các quốc lộ 4A, 4B; đường sắt liên vận quốc tế nối liền Việt Nam với châu Âu. Vùng đất phên giậu phía bắc của Tổ quốc đang ngày càng phát triển, vừa hòa mình vào cuộc sống chung của cả nước, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của mình. Như Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn đã khẳng định: ‘Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương ở Lạng Sơn luôn luôn nhận thức và quan tâm xây dựng văn hóa, lấy đó làm động lực để phát triển kinh tế – xã hội. Tỉnh coi văn hóa là một thế mạnh để phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ, nhờ đó trong thời gian qua, nhiều mô hình xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa đã được nhiều địa phương, doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc’.