Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam: Để thực sự là “địa chỉ đỏ”
VHO- Cách trung tâm Hà Nội 40 km về phía Tây, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) có tổng diện tích 1.544 ha, gồm 7 phân khu chức năng như: Khu các làng dân tộc, khu dịch vụ du lịch tổng hợp, khu vui chơi giải trí, khu Công viên mặt nước, bến thuyền, khu Di sản văn hóa thế giới (đang kêu gọi đầu tư)… trong đó Khu các làng dân tộc được coi là “trái tim” của dự án.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tham dự Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2022 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam Ảnh: Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam
Với những lợi thế đó, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam có khá nhiều ưu thế của một khu du lịch – văn hóa. Tuy nhiên, để thu hút thêm nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, cần đẩy mạnh đầu tư, công tác tuyên truyền cũng như hoàn thiện các sản phẩm du lịch đa dạng.
Nhiều thế mạnh
Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban Quản lý Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, ngày 19.9.2010 Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam chính thức khai trương đi vào hoạt động, với phương châm vừa vận hành khai thác cục bộ, vừa xây dựng. Ngay sau khai trương, ngoài việc tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn chú trọng công tác khai thác vận hành Khu các làng dân tộc bằng việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đa dạng phong phú với sự tham gia của đồng bào các dân tộc.
Từ năm 2010 đến nay, có gần 40 sự kiện lớn được tổ chức trong đó 20 lần truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, các sự kiện đã huy động hơn 8.000 lượt đồng bào, trong đó có hơn 40 cộng đồng dân tộc về tham gia các hoạt động và thu hút gần 5 triệu lượt khách tham quan. Đặc biệt, hằng năm có ba sự kiện thường niên được tổ chức đó là: “Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”; “Chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19.4”; Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” từ 18 – 23.11. Đây là các sự kiện có ý nghĩa chính trị – xã hội sâu sắc, góp phần hiện thực hóa chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và chính sách Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, Làng luôn nhận được sự quan tâm động viên và trực tiếp tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội.
Sôi động các hoạt động tại Làng. Ảnh: Trần Huấn
Từ cuối năm 2015, hoạt động tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã có sự chuyển biến sâu sắc, đó là việc tổ chức đưa đồng bào về sinh sống, tính đến nay đã có hàng chục nghìn lượt đồng bào của nhiều dân tộc về tham gia hoạt động thường xuyên tại Làng như: Tày, Dao, Mông, Nùng, Thái, Mường, Khơ Mú, Ơ Đu, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, RagLai, Ê Đê, Khmer… đến từ các tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng… góp phần làm cho không gian Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam thêm sinh động, là nơi văn hóa đa sắc màu giao lưu, hội tụ và tỏa sáng, nơi cộng đồng các dân tộc cùng chung mục tiêu bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cùng nhau quảng bá những giá trị đó đến với du khách trong nước và quốc tế.
Quyền Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung khẳng định: “Hoạt động thường xuyên của các nhóm đồng bào trong những năm qua đã tạo bước chuyển tích cực và sự chuyển mình của hoạt động văn hóa du lịch tại “Ngôi nhà chung”. Việc để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình, hoạt động của đồng bào sinh sống tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã mang lại sức sống, màu sắc và nét riêng cho không gian hoạt động văn hóa, du lịch và được sự đón nhận của du khách. Đồng bào hội tụ về Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã lan tỏa giá trị văn hóa cộng đồng địa phương thông qua hoạt động tại mỗi nếp nhà, không gian văn hóa được tái hiện”.
Tuy nhiên, để đồng bào thực sự yên tâm khi về sống và sinh hoạt tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cần nâng cao hơn nữa mức trợ cấp và đặc biệt thu hút được nhiều hơn nữa du khách để đồng bào có cơ hội giao lưu và tăng thêm thu nhập. Nghệ nhân Y Sinh, dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum), người đã có nhiều năm gắn bó với các hoạt động tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cho rằng, công tác vận động đồng bào về tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là rất khó khăn, bởi họ đã quen nếp sống ở bản buôn, quen với nương rẫy, nay về Thủ đô mức trợ cấp lại thấp khiến nhiều người không muốn đi. “Sau khi nghỉ hưu, tôi về Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tham gia trình diễn nhạc cụ của dân tộc mình như đàn T’rưng, đàn K’long put, giới thiệu cho du khách về văn hóa của dân tộc Xơ Đăng”, bà Y Sinh cho biết.
Năm 2016, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam chính thức thu phí tham quan, đây là bước ngoặt trong sự phát triển, là động lực thúc đẩy ngày càng hoàn thiện hơn cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa hoạt động từng bước đưa Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam hướng tới sự chuyên nghiệp và hiệu quả. Trong những năm gần đây, đã có một số đơn vị đầu tư các dịch vụ tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam và các nguồn từ xã hội hóa như dịch vụ xe điện, khu ẩm thực, hướng dẫn tour cho du khách, tạo sự chuyển biến trong việc tăng cường các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhiều tập đoàn lớn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến các khu chức năng kêu gọi đầu tư tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, công tác quảng bá xúc tiến du lịch ngày càng đẩy mạnh và có nhiều khởi sắc.
Hoạt động của đồng bào sinh sống tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với du khách Ảnh: H. NGUYÊN
Cần cơ chế phù hợp
Tuy nhiên, để Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam thu hút được du khách, nhất là hướng tới mục tiêu trung tâm hoạt động du lịch văn hóa thì cần tới những khu vực dịch vụ hấp dẫn hơn nữa. Nhiều doanh nghiệp khi về tìm hiểu nhằm mở ra cơ hội hợp tác cho rằng, việc mà Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cần đáp ứng ngay là tăng cường và nâng cao chất lượng dịch vụ, làm phong phú thêm các hoạt động trải nghiệm, bổ sung những dịch vụ còn thiếu như nhà hàng, lưu trú.
Bên cạnh đó, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam hoạt động theo giờ hành chính. Điều kiện đồng bào của các dân tộc đang sinh sống vừa thiếu không gian để canh tác, lại thiếu nguyên vật liệu phục vụ đón khách du lịch… Để dịch vụ du lịch của các khu chức năng được quy hoạch, đầu tư và vận hành một cách bài bản, đồng nhất, không manh mún có lẽ cần một nhà đầu tư xứng tầm. Còn nếu không, có thể xây dựng các quy hoạch tổng thể và chi tiết, sau đó để các doanh nghiệp đấu thầu. Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể đầu tư vào được thì mô hình của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam phải được thay đổi.
Theo Khoản 10 Điều 2 Quyết định số 39/2014/QĐ-TTg (quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam) cho phép Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam “Được hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, xây dựng và quản lý, khai thác; được thuê tư vấn nước ngoài thực hiện dịch vụ tư vấn xúc tiến đầu tư, tư vấn chiến lược về đầu tư, xây dựng và phát triển Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, hiện nay một số thẩm quyền của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam được quy định tại QĐ 39 đang bất cập với những quy định của một số luật hiện hành như cấp giấy chứng nhận đầu tư. Luật Đầu tư năm 2015 và Nghị định 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, phê duyệt quy hoạch 1/2000 và 1/500… căn cứ theo các quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Thực hiện quan điểm đầu tư phát triển Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam thành mô hình khu kinh tế -văn hóa đặc thù, tăng cường xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư, xây dựng và phát triển Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam theo Quyết định số 540/QĐ-TTg, những năm qua Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư. Có rất nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế đã đến nghiên cứu, khảo sát để lập dự án đầu tư vào các khu chức năng của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của dự án chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đặt mục tiêu lợi nhuận, đồng thời một số chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam không còn phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, khiến cho công tác xúc tiến đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ và Bộ VHTTDL đã yêu cầu Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cần xác định mô hình quản lý và tổ chức hoạt động để nâng cao hiệu quả của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Có thể thấy quan điểm chỉ đạo là rất rõ ràng, tuy nhiên để thực hiện được thì không phải là một sớm một chiều. Với Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để đề xuất được một mô hình quản lý và tổ chức phù hợp. Điều quan trọng nhất là cần có một cơ chế đặc thù cho Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, nâng cao tính khả thi, phù hợp với xu thế chung trong xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các khu chức năng của dự án Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, đảm bảo hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đầu tư phát triển Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, xứng đáng trở thành Trung tâm văn hóa, du lịch tầm cỡ quốc gia.
Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đang xây dựng Tờ trình để Bộ VHTTDL báo cáo Chính phủ về việc xin cơ chế, chính sách đặc thù đối với Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam để hoàn thành nhiệm vụ đầu tư công và xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào các khu chức năng được xác định kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
(Ông TRỊNH NGỌC CHUNG, Quyền Trưởng ban quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam)
HOÀNG NGUYÊN