Làng bánh chưng Tranh Khúc tất bật vụ Tết, có gia đình truyền đời nhau qua 4 thế hệ
Mục lục bài viết
Cả làng làm bánh chưng, lấy đó là thu nhập chính
Thủ đô với bề dày văn hóa và lịch sử, với 36 phố phường đi vào trong thơ ca, với các địa danh nổi tiếng như Hồ Gươm, Tháp Rùa hay Chùa Một Cột… và cả những làng nghề truyền thống mà có lẽ ai sinh ra lớn lên tại Hà Nội cũng biết đến, thậm chí gây tiếng vang cả ở trong và ngoài nước.
Tấm biển lớn được đặt ngay đầu đường vào làng Tranh Khúc.
Một trong những dịp các làng nghề ở Hà Nội lại trở nên tất bật hơn cả đó chính là khi Tết đến Xuân về. Và đặc biệt trong đó phải kể đến làng nghề bánh chưng Tranh Khúc thuộc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, cách trung tâm thành phố khoảng hơn 20km. Bánh chưng ở Tranh Khúc nổi tiếng với màu sắc đặc trưng, hương vị thơm, hấp dẫn mà bí quyết chỉ có người trong làng mới biết, người ngoài khó mà “học lỏm” được.
Nhà nào nhà nấy đều chuẩn bị sẵn nguyên liệu từ sớm, có gia đình có vườn rộng còn tận dụng trồng luôn lá dong.
Đến làng Tranh Khúc từ khoảng 15 tháng Chạp bạn sẽ bắt gặp hình ảnh nhiều gia đình tất bật gói bánh với không khí sôi nổi, khẩn trương để kịp giao bánh cho khách hàng. Mới chớm bước vào thôi, bạn sẽ ngửi thấy mùi đỗ xanh được đồ lên thơm phức, những vũng nước từ việc lau lá rong từ trong sân nhà chảy ra đường, rồi đến cả không khí vui vẻ tiếng nói cười trong từng gia đình.
Bánh chưng vốn là một món ăn truyền thống của người Việt, trên các mâm cỗ hay ngày Rằm, mùng Một hàng tháng luôn được bày bán trên ban thờ. Chính vì thế, nên gói bánh chưng đã trở thành nghề mưu sinh khấm khá của nhiều gia đình làng Tranh Khúc.
Cô Huê cùng các thành viên trong gia đình đang tất bật gói bánh để trả đơn cho khách.
Cô Huê gắn bó với nghề làm bánh chưng được hơn 20 năm nay. Cô cho biết đây là nghề quanh năm của gia đình, ngày thường thì khoảng 200-300 bánh, nhưng bắt đầu từ gần 15 tháng Chạp đơn bánh gấp 2-3 lần, có ngày lên đến 1000-2000 bánh. Mỗi bánh sẽ tùy theo đơn đặt hàng của khách, dao động từ 50.000-100.000 đồng. Thử làm một phép tính thôi thì thu nhập của mỗi hộ là rất lớn nên chả trách rằng cả làng cùng làm bánh chưng. Thậm chí, có gia đình đơn đặt hàng quá nhiều phải thuê thêm nhân công trong làng để làm cho kịp đơn của khách, con số lên tới 20 người.
Nghề gói bánh chưng được gìn giữ qua bao thế hệ, từ đời này sang đời khác
Khi được hỏi về lịch sử, người dân địa phương đều không biết nghề gói bánh chưng xuất hiện tự bao giờ, trong hoàn cảnh gì mà chỉ biết rằng do ông cha truyền lại. Cứ như vậy từ đời này qua đời khác, nghề làm bánh chưng vẫn được giữ gìn qua bao thế hệ, tạo nên một thương hiệu nổi tiếng, bởi vậy người ta mới có câu “Ngon như bánh chưng làng Tranh Khúc”.
Chị Nguyệt là thế hệ thứ 4 trong nhà làm bánh chưng.
Thế hệ trước truyền nghề cho thế hệ sau. Bằng đôi bàn tay khéo léo, làng nghề ngày càng phát triển. Chị Nguyệt cho biết: “Gia đình mình làm đến nay là thế hệ thứ 4 rổi, từ thời các cụ nên cũng không rõ là được bao nhiêu năm rồi. Cứ như thế bố mẹ truyền cho con cái. Đồng thời cái nghề này cũng đem lại giá trị kinh tế nên duy trì thôi”.
Hầu hết các gia đình trong làng cũng vậy cứ truyền lại nghề cho đời sau. Hiện nay cả làng Tranh Khúc có khoảng 200 hộ thì đến gần 90% số hộ vẫn làm nghề truyền thống, nhiều như vậy nhưng không hề có sự tranh giành. Chị Nguyệt cho biết: “Mỗi nhà đều có một mối lấy sỉ riêng là các nhà hàng, khách sạn…, không nhà nào giống nhà nào nên chả có chuyện tranh chấp mối của nhau. Ngoài phục vụ bánh cho Hà Nội thì còn có các tỉnh lân cận, thậm chí là đi cả nước ngoài”.
Anh Hoàng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tết nào mình cùng hàng xóm cũng gom cùng hàng xóm để lên tận làng Tranh Khúc để mua những chiếc bánh vừa ra lò về cúng gia tiên. Do ở trên Hà Nội không có điều kiện để có thể nổi lửa, gói bánh được. Bánh chưng có màu xanh rất đặc trưng, bánh thơm”.
Không khí gia đình lúc nào cũng vui tươi, mỗi người lại làm một công đoạn khác nhau
Ghé vào một gia đình trong làng Tranh Khúc, tôi được trò chuyện và chứng kiến đầy đủ các công đoạn của gia đình nhà cô Huê làm bánh. Cả gia đình có tất cả 7 người cùng làm: 2 người gói bánh, 2 người nắm đỗ, 1 người vo gạo, đồ đỗ, luộc bánh, 1 người róc lá dong, 1 người buộc lạt. Tuy mỗi người một công việc như vậy nhưng ai cũng biết gói một cái bánh chưng hoàn chỉnh, việc chia nhỏ công việc ra như vậy sẽ tiện và nhanh hơn.
Mỗi người một việc tạo thành một dây chuyền.
Lá dong sẽ được xếp sẵn từ trước, người gói chỉ việc bê xuống và thực hiện các công đoạn gói lần lượt gạo, đỗ, thịt, đỗ, gạo. Và tốc độ gói một cái bánh chưng như vậy chỉ mất khoảng gần 30 giây. Cô Huê cho biết: “Bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu cho vụ Tết từ đầu tháng Chạp. Rồi vụ bắt đầu từ khoảng 20 Tết đến sáng ngày 30, ra Tết thì lại bắt đầu vào khoàng mùng 3 để phục vụ Rằm Tháng Giêng và các lễ hội. Bình thường, một ngày sẽ phải dậy từ sáng sớm và kết thúc lúc tờ mờ tối”.
Dù bận làm như vậy để trả kịp đơn cho khách nhưng không khí gói ở đây rất vui, thi thoảng mọi người hay trêu ghẹo nhau để xua tan đi những mệt mỏi. Cô Huê chia sẻ: “Ngồi nhiều như thế cũng đau lưng lắm nên thi thoảng cũng phải đi lại quanh quanh hoặc trêu nhau cho không khí nó vui, vui thì làm việc nó mới năng suất được”.
Bánh chưng ngon trước hết là nhờ nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng và tỉ mỉ. Loại nếp dùng để gói bánh là nếp cái hoa vàng để vỏ bánh được dẻo và mềm. Đỗ xanh phải là loại hạt nhỏ, ruột vàng được thổi chín và giã nhuyễn. Thịt heo nạc vai và ba chỉ được các gia đình lựa chọn làm nhân vì thế bánh có vị béo ngậy.
Đặc biệt, ở đây mọi người gói bằng tay bo hết chứ không dùng khuôn nhưng cái nào cái nấy thành phẩm đều rất vuông vức. Cô Huê chia sẻ: “Gói bánh chưng cũng dễ lắm, chỉ cần chịu khó học và tập luyện dần rồi sẽ đẹp thôi. Người gói phải chặt tay, đúng quy cách, đúng trọng lượng, luộc đủ giờ”.
Bánh nào bánh nấy đều vuông vức.
Thậm chí, cô Huê còn rủ tôi vào gói bánh chưng cùng để chứng minh cho điều cô nói ở trên. Ngoài làm bánh chưng truyền thống thì ở làng Tranh Khúc còn làm cả bánh chưng chay, bánh chưng ngọt… để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Mỗi cái bánh chưng có giá từ 50.000-70.000-80.000 đến 100.000 đồng tùy theo kích thước mà khách hàng yêu cầu, bánh to thì giá cao.
Bánh chưng chuẩn bị được đem đi luộc.
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, vì vậy trong mâm cỗ cúng của người Việt không thể thiếu bánh chưng xanh. Làng nghề Tranh Khúc là một địa điểm bạn có thể đến tìm mua để dâng cúng bàn thờ Gia Tiên.