Lắng nghe người dân hiến kế: Khai thác giá trị của các di tích lịch sử – văn hóa
TP HCM không chỉ là một thành phố hiện đại, phát triển mà còn là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. Do đó, ngoài những điểm đến nổi bật, TP HCM cần mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị khi được ghé thăm những di tích lịch sử – văn hóa của thành phố.
Ít di tích trong bản đồ du lịch
Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn TP HCM có 185 di tích được xếp hạng, bao gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt và 56 di tích quốc gia (với 24 di tích lịch sử).
Các di tích được xếp hạng đều có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật; thể hiện sự tài hoa, trí sáng tạo, đức tính cần cù, tinh thần anh dũng hy sinh của nhân dân ta; là bằng chứng cho lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn – TP HCM. Vì vậy, đây là tài sản vô giá của quốc gia, là bản sắc văn hóa, nguồn lực của đất nước trong quá trình hội nhập, phát triển và cũng là nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của TP HCM.
Tuy nhiên, hiện nay, rất ít di tích nằm trong bản đồ du lịch của TP HCM. Đây thực sự là điều đáng tiếc, bởi không chỉ làm giá trị lịch sử của di tích dễ bị lãng quên mà còn thiếu những điểm đến mới để du khách muốn quay lại khám phá thành phố. Quan trọng hơn, học sinh không được học tập trực quan về một phần lịch sử – văn hóa nơi mình đang sống.
Cơ sở cất giấu vũ khí của Biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập năm 1968 (nay thuộc quận 3, TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trong đó, đơn cử là di tích lịch sử cấp quốc gia ở phòng 88/5 chung cư số 88 Lê Lợi, quận 1 (trước đây là khách sạn Tân Hòa). Theo tài liệu lịch sử, tại đây vào năm 1928 đã diễn ra hội nghị thành lập Kỳ bộ Nam Kỳ của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Trải qua 94 năm, phòng họp số 5 vẫn tồn tại nhưng rất tiếc hiện trong tình trạng cửa đóng then cài. Cách đó không xa là căn phòng số 1, lầu 2, nhà số 1 Nguyễn Trung Trực – nơi đại hội thành lập An Nam Cộng sản Đảng năm 1929 được tổ chức – cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự.
Ngoài 2 di tích kể trên, TP HCM còn nhiều di tích cấp quốc gia khác như: Cơ sở in ấn của Hội Ủng hộ Vệ quốc đoàn (quận 10); hầm bí mật chứa vũ khí thời kháng chiến chống Mỹ (quận 10), cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ (quận 3), cơ sở cất giấu vũ khí của Biệt động Thành đánh Dinh Độc Lập năm 1968 (quận 3)… Các di tích này, chỗ thì hoạt động, chỗ thường xuyên đóng cửa, du khách muốn tham quan phải đăng ký và liên hệ trước.
Theo Sở Du lịch TP HCM, trong năm 2019, khi chưa xuất hiện dịch Covid-19, tổng lượt khách quốc tế đến thành phố đạt hơn 8,6 triệu, khách du lịch nội địa đạt hơn 32,7 triệu lượt. Tuy nhiên, du khách thường đến một vài điểm quen thuộc như: chợ Bến Thành, Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố…, còn các di tích khác thì ít được biết đến.
Đưa di tích đến với công chúng
Trước thực trạng đó, cơ quan, tổ chức quản lý di tích cần tìm hướng đi mới để thích nghi và đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách và người dân TP HCM, trong đó việc đầu tiên là kiện toàn nhân lực. Đội ngũ nhân sự phải tiếp thu và nắm bắt nhanh xu hướng công nghệ thì mới đưa di tích đến gần hơn với công chúng.
Ở nhiều nơi trên thế giới, du khách sẵn sàng bỏ tiền, thậm chí nhiều tiền, để mua vé tham quan di tích, nhà lưu niệm danh nhân… dù quy mô phần nhiều không lớn lắm. Điều đó cho thấy vai trò của công nghệ trong việc quảng bá di sản của họ. Các trang thông tin của những địa danh này rất sinh động và “thông minh”, cho thấy cái tâm và tầm của các nhà quản lý. Vấn đề số hóa di tích trên thế giới đã có từ lâu. Do đó, TP HCM và nước ta nói chung cần ứng dụng ngay công nghệ tổng hợp thông tin về di tích lịch sử để công chúng tiếp cận một cách dễ dàng nhất; thực hiện phần mềm giới thiệu những di tích kết nối với các tỉnh, thành trên cả nước.
Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về di sản lịch sử – văn hóa, cần có nhiều hoạt động tăng cường như chỉnh trang, phục dựng toàn diện các di tích của thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, có kế hoạch mở cửa định kỳ cho công chúng và du khách vào tham quan. Sở Văn hóa – Thể thao cần tăng cường hiệu quả công tác quản lý, tu bổ; tạo điều kiện cho các bảo tàng trưng bày, nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục trải nghiệm có sức hút khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ; phối hợp với Sở Du lịch, Hội Di sản văn hóa và các doanh nghiệp du lịch thường xuyên tổ chức hội thảo nhằm phát huy giá trị của di tích trong hoạt động du lịch.
Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cần phối hợp với các cơ quan quản lý để định kỳ hướng dẫn học sinh đến tham quan, học tập tại các di tích lịch sử nhằm giáo dục lòng yêu nước, yêu thành phố cho học sinh.
Mời gửi bài dự thi
Cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: [email protected]; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.