Lào Cai: Vùng đất giàu bản sắc văn hoá dân tộc

Trên bản đồ du lịch các tỉnh phía Tây Bắc Tổ quốc, Lào Cai là một điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong và ngoài nước. Lào Cai đẹp trong lòng du khách không chỉ bởi cảnh sắc, thiên nhiên hùng vĩ mà còn bởi truyền thống văn hoá dân tộc giàu bản sắc. Mảnh đất này là nơi hội tụ và sinh sống của 27 dân tộc anh em với những bản sắc văn hoá, phong tục tập quán, lễ hội, ẩm thực, trang phục rất riêng của mỗi dân tộc.

Ðiều kiện tự nhiên

Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới, phía bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía tây giáp tỉnh Lai Châu, phía đông giáp tỉnh Hà Giang, phía nam giáp Yên Bái và Sơn La.

Địa hình Lào Cai khá phong phú gồm nhiều loại hình, có địa hình thung lũng, có địa hình vùng núi thấp, địa hình vùng núi cao và các đỉnh núi rất cao như đỉnh Phanxiphăng – nóc nhà của tổ quốc cao 3.143m… Lào Cai có 107 sông suối chạy qua tỉnh, với 3 hệ thống sông chính là sông Hồng, (có chiều dài chạy qua địa phận Lào Cai là 120km), sông Chảy (có chiều dài chạy qua tỉnh là 124km), sông Nậm Mu (có chiều dài chạy qua tỉnh là 122km).

Khí hậu Lào Cai là khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng miền núi, mùa đông lạnh khô, ít mưa, mùa hè nóng mưa nhiều. Lào Cai cũng có nhiều tiểu vùng khác nhau. Đặc điểm nổi bật của sinh vật Lào Cai là tính đa dạng sinh học. Toàn tỉnh có hơn 2.000 loài thực vật, 442 loại chim, thú, bò sát, ếch nhái. Trong đó có 60 loại động vật chỉ tìm thấy ở Lào Cai, 9 loại thực vật chỉ tìm thấy ở Sa Pa. Lào Cai có kho tàng quỹ gen đặc biệt quý hiếm (chiếm tới gần 50% số loại thực vật đặc biệt quý hiếm ở nước ta).

Lịch sử văn hóa

Lào Cai bắt nguồn từ địa danh khu đô thị cổ “Lão Nhai” có nghĩa là “Phố cổ”. Ngày 12/7/1907, tỉnh Lào Cai được thành lập, tên của đô thị cổ trở thành tên tỉnh Lào Cai. Thời dựng nước, Lào Cai là trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng ở vùng thượng lưu sông Hồng. Nhiều nhà sử học cho rằng, Lào Cai là quê hương của Thục Phán An Dương Vương. Thời phong kiến, Lào Cai là địa bàn của châu Thuỷ Vĩ, châu Văn Bàn và một phần đất Chiêu Tấn, phủ Qui Hoá, tỉnh Hưng Hoá. Ngày 12/7/1907 tỉnh Lào Cai được thành lập gồm có 2 châu Thuỷ Vĩ, Bảo Thắng, các đại lý Mường Khương, Bát Xát, Phong Thổ, Bắc Hà và đặc khu Sa Pa. Năm 1955 huyện Phong Thổ chuyển sang khu tự trị Thái Mèo về sau trực thuộc tỉnh Lai Châu. Ngày 1/1/1976, ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ được sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Ngày 1/10/1991, tỉnh Lào Cai được tái thành lập.

 Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch

 Các dân tộc Lào Cai đã sáng tạo, lưu giữ hàng trăm di tích lịch sử văn hoá. Nổi bật là các di tích về khu trạm khắc đá cổ, với các hình khắc về bản đồ, chữ viết, hình người có niên đại cách ngày nay hàng nghìn năm ở thung lũng Mường Hoa (Sa Pa). Di tích thờ ông Hoàng Bảy một vị tướng có công bảo vệ biên giới thời Hậu Lê được tôn thờ là “Thần vệ Quốc”, di tích Đền Thượng – thờ Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng với niên hiệu Chính Hoà (1680-1705), di tích chiến thắng Phố Ràng… đặc biệt Lào Cai còn có hệ thống các hang động kỳ ảo trở thành các danh thắng tuyệt đẹp, thu hút đông đảo khách du lịch tham quan như động Thuỷ Tiên (Bát Xát), động Tả Phời (Cam Đường), hang Tiên- Trung Đô (Bắc Hà), động Xuân Quang (Bảo Thắng)…

Thiên nhiên Lào Cai cũng tạo nên các thắng cảnh đẹp như khu Hàm Rồng – một “tiểu Thạch Lâm” ở Sa Pa có bãi đá cổ hàng vạn năm với hàng trăm phiến đá muôn hình muôn vẻ. Hoặc đỉnh Phan Xi Păng hùng vĩ – nóc nhà của Tổ quốc là bảo tàng sống về động, thực vật đặc hữu…

Lào Cai với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, với trên 31 loại khoáng sản phân bố ở 130 điểm mỏ. Hiện nay, Lào Cai được đánh giá là tỉnh giàu có về khoáng sản, có trữ lượng apatit, đồng, sắt vào loại lớn của khu vực và thế giới.

Dân tộc, tôn giáo

Lào Cai có 27 dân tộc anh em sinh sống. Lào Cai có số dân tộc chiếm 50% tổng số dân tộc toàn quốc nên đặc điểm nổi bật trong văn hóa các dân tộc Lào Cai là văn hoá đa dân tộc, giàu bản sắc. Ở vùng thấp, người Tày, Thái, Giáy, Nùng, khai khẩn các thung lũng ven sông, ven suối, sáng tạo truyền thống văn hoá lúa nước. Ở rẻo giữa, người Kháng, La Ha, Phù Lá… tạo nên văn hoá nương rẫy với nhiều tri thức bản địa phù hợp với kinh tế đồi rừng. Ở vùng cao, người H’Mông, Hà Nhì, Dao khai khẩn các sườn núi thành ruộng bậc thang bắc lên trời hùng vĩ. Tính đa dạng, phong phú của văn hoá thể hiện cả ở văn hoá vật thể và phi vật thể.

Riêng về trang phục có 34 kiểu loại với sắc màu, chất liệu khác nhau. mới khảo sát sơ bộ Lào Cai có gần 100 điệu múa, có đủ 10 họ với 11 chi khác nhau của các nhạc khí. Đặc biệt, kho tàng lễ hội ở lào Cai rất đặc sắc. Loại hình lễ hội phong phú. Có hội cầu mùa, hội gắn với tín ngưỡng thờ thần mặt trời, thần nước, phồn thực, bảo vệ rừng. Có hội có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử chống ngoại xâm, đề cao bản sắc văn hoá người Việt cổ. Quy mô các lễ hội cũng đa dạng, có hội có quy mô của cộng đồng làng, bản; có hội có quy mô vùng (hội Gầu Tào ở Pha Long Mường Khương, hội Roóng PoỌc người Giáy ở Tả Van, Sa Pa…) nhưng có hội có quy mô toàn tỉnh như hội xuân Đền thờ ông Hoàng Bảy ở Bảo Hà… thời gian lễ hội cũng trải dài cả 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đặc biệt, khác với các tỉnh đồng bằng, mùa hè ở các làng bản vùng cao của Lào Cai cũng là mùa của lễ hội. Đặc điểm này rất thuận lợi cho sự phát triển du lịch văn hoá.

Giao thông

Lào Cai là một tỉnh cửa ngõ biên cương phía Tây Bắc của Tổ quốc có 203km đường biên giới với Trung Quốc, có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế – chính trị – an ninh – quốc phòng. Lào Cai nằm ở vị thế “đầu cầu” nối liền tỉnh Vân Nam và cả vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc với đồng bằng Bắc bộ. Lào Cai có điều kiện thuận lợi về giao thông, có cả đường thuỷ, đường bộ và đường sắt. Trên địa phận tỉnh Lào Cai có 3 tuyến quốc lộ, 6 tuyến tỉnh lộ, đường ôtô đã về đến xã, phường, thị trấn. Đường sông Hồng là tuyến đường huyết mạch thời cổ đại và phong kiến.

Lào Cai hiện có cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia và nhiều cửa khẩu phụ thông thương với Trung Quốc.

Q.Hoa t.h / laocaitourism.vn