Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hay kế hoạch bảo vệ môi trường?

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Về kế hoạch bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 đã không còn quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường.

Về đánh giá tác động môi trường, căn cứ quy định Khoản 1, Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường, đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường bao gồm:

“a) Dự án đầu tư nhóm I quy định tại Khoản 3, Điều 28 của Luật;

b) Dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e, Khoản 4, Điều 28 của Luật”.

Chủ dự án đầu tư dự án nạo vét bảo trì đường thủy cần căn cứ nội dung cụ thể của dự án và đối chiếu với quy định tại Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường, Điều 25 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường để phân nhóm dự án, từ đó xác định dự án có thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường hay không.

Lưu ý 4 yếu tố để xác định: (1) Quy mô sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển mà không gắn với yếu tố nhạy cảm; (2) Quy mô sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển có gắn yếu tố nhạy cảm (ví dụ: Khu dự trữ sinh quyển, vùng đất ngập nước quan trọng,…); (3) Có sử dụng khu vực biển hoặc có hoạt động nhận chìm hay không; (4) Có hoạt động thu hồi khoáng sản hay không.

Về giấy phép môi trường, căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường, dự án nạo vét không thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường.

Về đăng ký môi trường, căn cứ vào lượng chất thải phát sinh trong quá trình nạo vét như nước thải từ tàu nạo vét… để xác định dự án có thuộc đối tượng đăng ký môi trường hay không.

Chinhphu.vn