Lắp camera trong phòng riêng của con để giám sát?: Xâm phạm quyền tự do cá nhân

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn đặt ra vấn đề: Nếu bản thân cha mẹ đã không tôn trọng con thì sao có thể đòi hỏi con tôn trọng và tin tưởng chúng ta?

Việc làm vô cùng phản tác dụng

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng (nhà quản lý giáo dục, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM), phản đối việc lắp camera trong phòng riêng của con: “Cá nhân tôi thấy đây là việc làm vô cùng phản giáo dục. Vì chỉ có những trường hợp con người bị quản chế như tội phạm thụ án thì mới cần camera theo dõi. Còn đối với các con hoàn toàn thiện lương thì việc theo dõi như vậy chẳng đem lại lợi ích gì. Điều này đặc biệt vi phạm quyền sống, quyền con người của trẻ. Nếu bản thân cha mẹ đã không tôn trọng con thì sao có thể đòi hỏi con tôn trọng và tin tưởng chúng ta?”.

Lắp camera trong phòng riêng của con để giám sát?: Xâm phạm quyền tự do cá nhân - ảnh 1

Tiến sĩ Phượng cho rằng nếu như cha mẹ yêu thương, tin tưởng và ủng hộ thì các con sẽ có trải nghiệm tích cực và trở thành người lạc quan, trân trọng bản thân và mọi người. Còn nếu trẻ luôn bị theo dõi, bị chực chờ để bắt lỗi thì các con sẽ có chiều hướng tiêu cực, thậm chí gây ra những phản ứng ngược như nổi loạn hoặc chống đối. Đặc biệt khi những người rình rập ấy còn là ba mẹ, những người trẻ tiếp xúc đầu tiên, trao hết tất cả sự tin tưởng và luôn cần sự hiện diện để dựa vào và phát triển.

Đồng quan điểm, thạc sĩ tâm lý học Trần Thị Thanh Trà, giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM, bày tỏ: “Khi các con dưới 6 tuổi thì vẫn có thể lắp camera trong phòng để giám sát và bảo vệ con. Tuy nhiên, sau

6 tuổi, các con đã có sự phát triển về mặt thể lý, tâm lý. Đặc biệt, với độ tuổi THPT, các con yêu cầu quyền cá nhân và cái tôi cần được tôn trọng. Nếu bố mẹ có sự giám sát quá mức như việc lắp camera trong không gian riêng, sẽ ảnh hưởng đến sự tin tưởng của con cái với bố mẹ”.

Thạc sĩ Thanh Trà cho rằng điều này sẽ gây ra phản kháng trực tiếp và phản kháng ngầm. Thường các trường hợp phản kháng trực tiếp sẽ ít hơn vì các con chịu ảnh hưởng bởi uy quyền của bố mẹ và vai trò làm con. Nhưng phản kháng ngầm thường là các con có thái độ chống đối trong những hoạt động hằng ngày. Nếu những ấm ức này không được giải tỏa, chia sẻ thì các con sẽ có những hành động bồng bột.

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng cũng nhấn mạnh những hệ lụy: “Nếu chúng ta xâm phạm quyền tự do cá nhân của con trẻ sẽ dẫn đến 2 tình trạng. Đầu tiên là trẻ em sẽ chấp hành nhưng từ đó về sau sẽ không mưu cầu những gì nằm ngoài khuôn khổ và hạn chế sự khám phá ở trẻ. Cứ mãi thành “con ngoan trò giỏi” thì làm sao những đứa trẻ có thể tự giải quyết nhu cầu, tự kiếm công ăn việc làm cũng như xoay xở khi gặp khó khăn. Thứ hai là xảy ra hiện tượng đứt gãy kết nối. Nghĩa là con trẻ sẽ bỏ đi hoặc không còn tâm sự, gắn bó với gia đình. Cực đoan nhất là những trường hợp phải tìm đến cái chết để giải thoát”.

Lắp camera trong phòng riêng của con để giám sát?: Xâm phạm quyền tự do cá nhân - ảnh 2

Tránh để lại hậu quả nặng nề về tâm lý, danh dự và nhân phẩm

Ở góc độ pháp lý, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo khoản 1 điều 38 bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả phạm, nên có thể phân vấn đề lắp camera trong phòng riêng thành 2 trường hợp. Đầu tiên là đối với trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi cha mẹ vẫn được quyền lắp camera nhằm phòng những trường hợp tệ nạn xảy ra. Tuy nhiên, với những khu vực nhạy cảm như phòng tắm, thay đồ, cha mẹ tuyệt đối không được lắp đặt camera. Còn với người trên 18 tuổi, việc lắp camera trong phòng riêng được xem là vi phạm quyền riêng tư, trừ những trường hợp có sự đồng thuận của con cái.

“Đối với con khi còn nhỏ, cha mẹ có quyền giám sát những không gian chung với mục đích bảo vệ trẻ. Còn khi trẻ ở độ tuổi vị thành niên thì người giám hộ không được đặt camera trong những không gian riêng tư, cá nhân. Nhất là khi con đã 18 tuổi vì điều này sẽ ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm trẻ nên dù là cha mẹ hay người giám hộ thì vẫn sẽ vi phạm pháp luật, trừ những trường hợp được sự đồng thuận”, luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Theo luật sư Tuấn, căn cứ điều 32 bộ luật Dân sự 2015, người có hành vi tự ý chụp ảnh, quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của đối phương nếu xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người đó thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, nếu cá nhân bị lộ hình ảnh, thông tin ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, hoặc thiệt hại khác thì có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường.

Cụ thể, người vi phạm phải bồi thường khoản tiền được tính theo thiệt hại gây ra theo khoản 1 điều 592 bộ luật Dân sự năm 2015, bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do pháp luật quy định. Đồng thời, người bồi thường cần phải đền bù một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Vị luật sư này cũng đặc biệt lưu ý: “Nếu hình ảnh nhạy cảm của các con từ camera bị hack và lan truyền trên mạng xã hội sẽ để lại những hậu quả nặng nề về mặt tâm lý, danh dự, nhân phẩm. Vì thế theo tôi tốt nhất là không nên lắp camera trong phòng con”.

Cần đặt niềm tin vào con

Đưa ra những giải pháp để tiếp cận con thay vì lắp camera trong phòng riêng, thạc sĩ Thanh Trà chia sẻ: “Nếu có nhu cầu giám sát, cha mẹ có thể thay đổi vị trí lắp camera ở những không gian chung của gia đình như phòng khách, phòng bếp… Thay vì giám sát, cha mẹ cần thay đổi phương pháp tiếp cận con”.

Theo thạc sĩ Thanh Trà, cha mẹ cần dạy con những kỹ năng sống. Vì khi có kỹ năng, các con sẽ biết ứng phó, xử lý những vấn đề trong cuộc sống. Đồng thời, các con sẽ có khả năng giao tiếp tốt với người ngoài và trong gia đình. Khi giao tiếp tốt với gia đình, cha mẹ sẽ tiếp cận và giúp đỡ con giải quyết những trở ngại trong cuộc sống.

“Cha mẹ cần đặt niềm tin vào con. Một khi các con nhìn thấy bố mẹ tin tưởng sẽ tăng sự tự tin và thay đổi để hoàn thiện bản thân. Bên cạnh đó, cha mẹ cần tác động để thay đổi về mặt nhận thức. Muốn làm được điều này, bố mẹ phải song hành, chia sẻ cùng con để con hiểu những vấn đề xã hội và cần đặt mục tiêu trong cuộc sống. Khi có được mục tiêu, các con sẽ hình thành nhận thức, thái độ, hành vi và cuối cùng là ý thức”, thạc sĩ tâm lý Thanh Trà gửi gắm.

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng thì cho rằng mặc dù ở độ tuổi thanh thiếu niên, các con sẽ thích trao đổi với bạn bè hơn, nhưng cha mẹ cần tạo cho các con cảm giác tin tưởng để con chia sẻ những vấn đề quan trọng và cùng con giải quyết chúng chứ không nên theo dõi bằng camera. Vậy nên, cha mẹ cần đồng hành phù hợp với lứa tuổi và trong chừng mực có thể, luôn lắng nghe các con bằng tất cả sự tôn trọng và cởi mở.

Vị tiến sĩ này đồng thời khẳng định: “Cha mẹ nên tập trung vào việc giáo dục con thay vì theo dõi và lắp camera trong phòng con. Để làm được điều này, bên cạnh việc giao tiếp hiệu quả bằng sự yêu thương, tôn trọng, cha mẹ cần cập nhật những phương pháp giáo dục thích hợp theo độ tuổi, phù hợp với nền giáo dục hiện đại…”.