Lấy gì làm gốc?

Chỉ số này sẽ đánh giá và xếp hạng chất lượng môi trường tại 63 tỉnh, thành phố qua khả năng ứng xử và ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của doanh nghiệp cũng như sự sẵn sàng đầu tư về môi trường của các địa phương. Ngoài ra, chỉ số này cũng hướng đến mục tiêu cung cấp thông tin về chất lượng môi trường, hỗ trợ các địa phương sàng lọc các dự án và tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư thân thiện tự nhiên hơn.

Từ góc độ này, có thể nói, PGI là một chỉ số khá “đa-zi-năng” khi vừa là thông số để địa phương sàng lọc dự án đầu tư, vừa là công cụ để doanh nghiệp “chọn mặt gửi vàng”. Hiện, chỉ số này được tham vấn, đánh giá để hoàn thiện, dự kiến lồng ghép với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Vậy là các địa phương sẽ có thêm một cuộc chạy đua chỉ số mới để nâng cao thứ hạng. Nhưng cuộc đua ấy liệu có thật sự ý nghĩa?

Nhìn từ thực tế, tính đến nay, PCI đã tổ chức được 17 năm. Những năm đầu tiên, bảng xếp hạng giống như một “cú huých lớn” để tỉnh, thành phố cải thiện chính mình. Nhưng 5 năm trở lại đây, Top 5 của bảng xếp hạng không có nhiều thay đổi, gồm những cái tên quen thuộc như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Tháp, Long An… tranh nhau vị trí. Thứ hạng của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh liên tục trồi sụt, có những năm chỉ đứng vị trí thứ 10 và 14 (năm 2020 và 2021), cho dù vẫn luôn là hai “thỏi nam châm” thu hút FDI dẫn đầu cả nước.

Thật khó để nói rằng sức hấp dẫn và giá trị của PCI qua các năm vẫn nguyên giá trị. Càng khó để nói, các địa phương vẫn mặn mà chạy đua thứ hạng, trong khi đã và đang tự tìm ra ưu thế riêng để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Thậm chí, tiêu chí “tăng trưởng xanh gắn với bền vững” đã trở thành tiêu chí hàng đầu của mọi khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc xây dựng “khu công nghiệp xanh” (khu công nghiệp có mô hình hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn) lại đang “tắc” do rào cản về chính sách, tài chính cũng như doanh nghiệp chưa tìm ra cách biến rác thải công nghiệp thành nguyên liệu tái chế…

Những bài toán khó kể trên vẫn còn đó, thì việc chạy đua trong bảng xếp hạng PGI liệu có thực chất? Xây dựng chỉ số xanh PGI là cần thiết, nhưng quan trọng hơn, qua đó, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp giải quyết những vấn đề tồn đọng. Thí dụ, tăng cường xúc tiến hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế hình thành các gói “tín dụng xanh” áp dụng linh hoạt cho mọi đối tượng doanh nghiệp; tư vấn cách thức để các địa phương trở thành “đơn vị bảo lãnh” các gói tín dụng này. Trong khi đó, các chính quyền địa phương có thể tăng cường chạy đua chuyển đổi số thay vì chạy đua chỉ số…

Muốn tạo nên một nền kinh tế xanh thì cần danh sách các giải pháp để giải quyết vấn đề, thay vì danh sách chỉ số đánh giá vấn đề đó. Và để đánh giá chính xác nhất tác động môi trường, thì nên lấy “mức độ hài lòng của người dân” làm gốc.