Lazang là gì? Một số lưu ý khi thay la-zăng cho xe ô tô
La-zăng là bộ phận quan trọng trên xe ô tô, có vai trò kết nối trục xe và lốp xe, giúp lốp xe lăn bánh ổn định trên đường.
Lazang (hay la-zăng) là vành xe ô tô, có cách gọi khác là mâm xe ô tô. Đây là bộ phận quan trọng, có chức năng kết nối trục xe với lốp xe, giúp lốp xe cố định khi bơm và khi xe di chuyển trên đường. Bộ phận này có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành của xe. Ngoài ra, la-zăng còn là một trong những chi tiết ngoại thất thu hút khách hàng từ cái nhìn đầu tiên.
Về cấu tạo, la-zăng được gắn vào trục bánh xe thông qua các lỗ nhỏ trên vành xe. Thường thì trên la-zăng của các dòng xe cỡ nhỏ có khoảng 4 – 5 lỗ, trong khi các dòng xe lớn hơn sẽ có từ 7 – 10 lỗ để tăng sức chịu tải cho bánh xe.
La-zăng ô tô có nhiều kích thước khác nhau, tương ứng với lốp xe và thiết kế tổng thể của chiếc xe. Kiểu dáng của la-zăng đa dạng về phong cách như cá tính, trẻ trung hiện đại, thể thao,…
Chất liệu tạo nên la-zăng ô tô cũng phong phú, có thể kể đến như thép, hợp kim nhôm, margie, carbon… Chất liệu và kích thước của la-zăng sẽ quyết định đến giá cả, ví dụ như kích thước la-zăng lớn sẽ có giá đắt hơn hay bộ la-zăng làm từ carbon sẽ đắt đỏ hơn so với la-zăng sắt hoặc nhôm.
Mục lục bài viết
Một số loại lazang ô tô phổ biến hiện nay
Hiện nay trên thị trường sử dụng phổ biến 2 loại la-zăng cho ô tô là loại làm từ sắt và hợp kim nhôm. Hãy cùng điểm qua những ưu điểm và hạn chế nổi bật để có thể hiểu được cơ bản về 2 loại la-zăng này.
La-zăng sắt
La-zăng hợp kim nhôm
Kích thước trung bình
12 – 17 inch
14 – 19 inch
Ưu điểm
Giá thành thấp
Chịu tải tốt
Độ bền cao
Trọng lượng nhẹ, rắn chắc
Thiết kế đẹp mắt, hiện đại
Hạn chế
Thiết kế đơn điệu
Trọng lượng lớn
Giá thành cao
Qua bảng so sánh trên, có thể thấy la-zăng sắt được trang bị nhiều cho các dòng xe tải, xe phục vụ cho công trình xây dựng hoặc xe khách nhiều chỗ. Đây là những dòng xe tải trọng lớn và yêu cầu độ bền cao. Trong khi đó, la-zăng hợp kim được các hãng sản xuất ô tô trang bị cho các dòng xe con, thể thao mang nét hiện đại, cá tính.
Nên chọn la-zăng có kích thước như thế nào để hợp với xe ô tô?
Khi thiết kế la-zăng, các nhà sản xuất đã tính toán kích thước của bộ phận này phù hợp với tổng thể của cả chiếc xe. Tùy vào từng loại xe, phân khúc xe mà thiết kế kích thước la-zăng tương thích như sau:
Phân khúc xe
Kích thước la-zăng trung bình phù hợp
Xe hạng A
13 – 15 inch
Xe hạng B
15 – 16 inch
Xe hạng C
16 – 18 inch
Xe hạng D
18 – 19 inch
SUV cỡ nhỏ
17 – 18 inch
SUV cỡ trung, lớn
19 – 20 inch
Xe bán tải
16 – 18 inch
Xe tải
16 – 17 inch
Kích thước trung bình của la-zăng trên một số hạng xe ô tô hiện nay
Một số lưu ý khi thay hoặc độ la-zăng cho xe ô tô
Độ la-zăng nhằm tăng thêm sự cá tính cho xế cưng đang là xu hướng được nhiều người ưa chuộng. Tùy theo chất liệu, kích thước, kết cấu mà chi phí cho việc độ la-zăng cũng rất đa dạng. Tuy nhiên, chủ xe cần lưu ý khi thay thế hoặc độ la-zăng là phải tìm hiểu kỹ để thay đúng loại phù hợp với chiếc xe, tránh tình trạng mất tiền oan. Bên cạnh đó, nếu độ la-zăng, chủ xe còn bị phạt vì đã thay đổi bộ phận trên xe ô tô vượt mức giới hạn cho phép của nhà sản xuất.
Chủ xe cần xác định rõ mục đích thay la-zăng xe ô tô, ví dụ như muốn thay 1 bộ la-zăng tốt hơn cái cũ hay cần độ 1 bộ vành đẹp mắt, mang tính cá nhân hóa? Thực tế, việc xác định được mục đích thay la-zăng sẽ giúp chủ xe sẽ tiết kiệm được thời gian và cả tiền bạc trong việc lựa chọn la-zăng phù hợp với xe. Cùng với đó, việc thay la-zăng mới cần phải thích hợp với bộ lốp của chiếc xe. Khi thiết kế xe, nhà sản xuất đã tính toán rất kỹ sự tương thích giữa la-zăng và lốp xe nên việc thay thế cần phải đảm bảo sự đồng bộ, tránh thay la-zăng có kích thước lớn hơn trong khi lốp xe mỏng. Nếu như vậy, khi di chuyển trên địa hình gồ ghề lầy lội, xe sẽ bị xóc và dễ trầy bánh, lâu dần còn ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ và gầm ô tô. Chính vì vậy, khi tăng kích thước la-zăng, các gara cũng khuyên chủ xe nên đồng thời nâng cấp bộ lốp và tất nhiên, chi phí sẽ tốn kém hơn.