Lễ cúng cho các âm hồn tại Huế vào ngày thất thủ Kinh đô
Sau biến cố xảy ra vào ngày 23 tháng 5 âm lịch (năm Ất Dậu 1885), Kinh đô Huế thất thủ, hàng ngàn người dân và quân lính tại Huế bị thực dân Pháp tàn sát. Vì vậy hàng năm cứ đến ngày này, người dân Huế lại làm lễ cúng để tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ hàng ngàn chiến sĩ, nhân dân đã hy sinh trong biến cố này.
Đây được coi là lễ cúng cô hồn lớn nhất cả nước, có quy mô lớn, từ các miếu thờ, đình làng, chùa cho đến từng nhà dân đều làm lễ vào ngày Kinh đô Huế thất thủ. Các địa điểm cúng chủ yếu ở Huế là bên bờ Bắc thành phố Huế như Miếu Âm Hồn (phường Thuận Lộc), Đàn Âm Hồn (phường Tây Lộc), lăng mộ tập thể tọa lạc tại số 49 đường Nguyễn Khoa Chiêm, nghĩa trang 12 vòng mộ tập thể tại công mộ Trà Am nối dài thành phố Huế. Lễ cúng được các vị cao tuổi, chức sắc đứng ra đảm nhiệm.
Một câu văn tế tại lễ cúng ở Miếu Âm Hồn năm nay kể rõ sự đau thương: “Lô nhô trẻ dìu già, ông dắt cháu, chân còn đi đầu gục lìa vai/ Lao nhỏ con khóc mẹ, vợ kêu chồng, tiếng chưa ngớt xương đã chất đống”.
Vật lễ trong lễ cúng thường là xôi, thịt, cơm, các loại bánh trái, vàng mã, muối, gạo được cho là để cấp cho các linh hồn không nơi nương tựa. Trong buổi lễ, thường thì tất cả đều mặc quần áo chỉnh tề, nghiêm trang, phụ nữ thường mặc áo dài lam để tỏ lòng thành kính.
Lễ cúng âm hồn tại Huế đã kế tục đến nay đã được 130 năm (1885-2015), thể hiện rõ đạo lý uống nước nhớ nguồn, lễ cúng vẫn giữ được nét giá trị bản sắc dân tộc.
Vào 18 giờ cùng ngày sẽ diễn ra lễ phóng sanh đăng trên sông Hương. Lễ cúng âm hồn sẽ được người dân Huế tiến hành rải rác từ nay cho đến hết ngày 30 tháng 5 âm lịch.
Lễ cúng tại Miếu Âm Hồn (phường Thuận Lộc, TP Huế)
Lễ cúng đã được duy trì đúng 130 năm nhưng vẫn mang đủ nét giá trị văn hóa dân tộc
Rất nhiều nhà dân tại TP Huế từ trưa 23 tháng 5 đã lập bàn thờ để cúng cầu siêu cho các vong linh.
Phạm Công – Đại Dương