Lễ hội Tết Việt 2021: Nhiều điểm nhấn thú vị
Lễ hội được tổ chức từ ngày 27-1 đến 16-2 (tức từ 15 tháng chạp đến hết mùng 5 Tết). Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh Niên TP HCM – đơn vị tổ chức Lễ hội Tết Việt, cho biết dù gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng năm nay Nhà Văn hóa Thanh Niên TP vẫn quyết tâm tổ chức lễ hội, bởi đây là địa điểm quen thuộc của giới trẻ, du khách trong và ngoài nước đến vui chơi, giải trí. “Đến lễ hội, các bạn trẻ và du khách không chỉ để tương tác với không gian của Tết Việt, mà đây còn là điểm hẹn để họ tổ chức những hoạt động vì cộng đồng, chia sẻ trong dịp Tết” – ông Phúc cho biết thêm.
Lễ hội Tết Việt năm nay có sắc màu chính vẫn là tính truyền thống, với phố ông đồ, đường mai, làng nghề… được đầu tư rất kỹ lưỡng. Trong đó, không gian đường mai với 145 gốc mai được chia đều ở các khu vực. Chất liệu hoa mai cũng được thay đổi, bố trí nhằm tạo nên vườn mai thật và vườn mai vô cực.
Đặc biệt, ở cổng chính của lễ hội sẽ có gốc mai đại thụ 100 năm được thiết kế và thực hiện khá công phu. Gốc mai này vừa mang ý nghĩa về giá trị truyền thống của Lễ hội Tết Việt vừa tạo cho mọi người cảm giác linh thiêng vào ngày Tết. Đi sâu vào bên trong sẽ có những cụm mai được trang trí nhiều câu thư pháp chúc Tết. Ở vườn mai vô cực sẽ mô phỏng lại chợ Tết trên sông, có những chiếc thuyền chở đầy hoa và trái cây để khách tham quan cảm nhận được ngày Tết đặc trưng ở Việt Nam.
Không gian Lễ hội Tết Việt 2021 tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Không gian các làng nghề truyền thống cũng là điểm nhấn của lễ hội năm nay. Theo đó, có 3 làng nghề gồm: làng hoa truyền thống ở Gò Vấp, tái hiện các luống hoa đẹp của miền quê; làng mây cùng các sản phẩm thân thiện với môi trường do nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thực hiện; làng nghề làm bánh tráng ở Củ Chi, sẽ là những nghệ nhân đổ bánh tráng và hàng vỉ phơi bánh tạo nên khung cảnh thú vị.
Ông Nguyễn Hồng Phúc cho rằng việc tái hiện làng nghề tại Lễ hội Tết Việt 2021 là cách để quảng bá làng nghề truyền thống hiệu quả nhất đến du khách, đặc biệt là các bạn trẻ. Bên cạnh đó, hình ảnh làng nghề sẽ trở thành những tiểu cảnh thu hút sở thích chụp ảnh của mọi người.
Ngoài đường mai, lễ hội còn có những hoạt động như đờn ca tài tử, cải lương, múa lân sư rồng, võ thuật, biểu diễn nhạc dân tộc, thời trang, ca nhạc, ngày hội gói bánh chưng, bánh tét (nghệ nhân dạy cách gói những loại bánh truyền thống vào ngày Tết), cùng nhiều hoạt động gắn kết yêu thương để chăm lo cho các em thiếu nhi cơ nhỡ vui chơi Tết…
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 vẫn là mục tiêu hàng đầu của ban tổ chức, bởi ước tính lễ hội sẽ thu hút hơn 200.000 lượt khách đến tham quan trong 20 ngày diễn ra. Do đó, để có một cái Tết, du Xuân an toàn cho mọi du khách, ban tổ chức phối hợp với Sở Y tế TP áp dụng những biện pháp phòng chống dịch một cách an toàn và bảo đảm nhất. Khi tham gia lễ hội, mọi người sẽ được đo nhiệt độ, sát khuẩn tay và vận động đeo khẩu trang. Sau mỗi ngày, ban tổ chức sẽ tiến hành sát khuẩn khu vực lễ hội để tiếp tục đón khách vào ngày hôm sau.
Sau nhiều năm tổ chức, Lễ hội Tết Việt tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP HCM là điểm du Xuân quen thuộc của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Đây cũng đã trở thành địa điểm quảng bá văn hóa Việt, bởi những hình ảnh, thước phim được ghi lại từ lễ hội đã theo du khách đi khắp nơi trên thế giới.