Lễ trao giải thưởng công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh ” năm 2022: Nhân rộng điển hình trong thực thi văn hóa doanh nghiệp
VHO- Những câu chuyện thành công hay thất bại của nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua đều cho thấy, xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp luôn đóng vai trò căn cốt, nền tảng, là nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp luôn mang nét đặc trưng riêng, được xem là chuẩn mực về đạo đức kinh doanh của mỗi đơn vị.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tặng hoa các diễn giả tham gia Diễn đàn năm 2021
Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” 2022 sẽ diễn ra ngày 3.12 tại Hà Nội, tiếp tục đề cập những câu chuyện về xây dựng và triển khai văn hóa doanh nghiệp, với kinh nghiệm và bài học đến từ những doanh nghiệp điển hình.
Đưa Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh vào cuộc sống
Theo ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng BTC 248, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Dù mới được triển khai một thời gian ngắn nhưng Bộ tiêu chí “Văn hóa kinh doanh Việt Nam” đã nhanh chóng khẳng định sự cần thiết đối với hoạt động kinh doanh nói riêng và sự phát triển toàn diện của từng doanh nghiệp. “24 doanh nghiệp đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng quốc gia xét duyệt Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam lựa chọn sẽ được tôn vinh, trao chứng nhận Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam tại Diễn đàn quốc gia Văn hóa với doanh nghiệp năm 2022, diễn ra ngày 3.12 tới đây tại Hà Nội”, ông Hồ Anh Tuấn cho biết. Hoạt động không chỉ mang tính chất tôn vinh mà còn nhằm phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong quá trình xây dựng, thực thi văn hóa doanh nghiệp, từ đó lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước.
Theo Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, có nhiều cách thức mà các doanh nghiệp đã vận dụng, sáng tạo để triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất. Bộ tiêu chí đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tham gia xây dựng và có sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và báo chí. Sau năm đầu tiên triển khai, Bộ tiêu chí đã có những sửa đổi phù hợp hơn.
Là một doanh nghiệp không ngừng lớn mạnh tại thị trường Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (trụ sở tại TP.HCM) trong hành trình 35 năm qua luôn xác định văn hóa doanh nghiệp là nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững, đồng thời luôn mang nét đặc trưng riêng. Theo đó, văn hóa doanh nghiệp của công ty dựa trên ba trụ cột chính: Chân – Thiện – Mỹ. Doanh nghiệp này cũng xây dựng hệ giá trị cốt lõi với 4 giá trị chính: Tử tế – Tiên phong – Kỷ cương – Kiên cường. Theo báo cáo, Công ty đã xây dựng văn hóa doanh nghiệp toàn diện gồm 7 nhóm giá trị: Ứng xử văn minh, Hành xử chính trực, Thực thi cam kết, Tuân thủ kỷ luật, Tích hợp tinh hoa, Tích cực sáng tạo, Chủ động hợp tác. Những hệ giá trị này được xem là chuẩn mực về đạo đức kinh doanh của tập đoàn; đồng thời là kim chỉ nam của mỗi CBCNV, là những đặc trưng về phẩm chất đạo đức, cốt cách, văn hóa, con người trong doanh nghiệp.
Đáng chú ý, các nhóm tiêu chí trọng tâm trong Bộ tiêu chí “Văn hóa kinh doanh Việt Nam” được doanh nghiệp triển khai quyết liệt. Là một trong 10 doanh nghiệp được công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2021, một trong những mục tiêu chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là có nguồn nhân lực chất lượng, đạt hiệu quả cao. Hiện doanh nghiệp đang tạo nguồn công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Trong suốt hành trình 35 năm xây dựng và phát triển, Hòa Bình đã hoàn thành hơn 500 công trình và đang cùng lúc thi công 122 công trình cho khách hàng, đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn và được đánh giá cao.
Bên cạnh đó, việc chia sẻ trách nhiệm xã hội cũng là một nội dung được doanh nghiệp đặc biệt chú trọng. Nhiều hoạt động thiện nguyện được tổ chức như Quỹ Hỗ trợ giáo dục Lê Mộng Đào thành lập từ năm 2008, gần 15 năm qua đã đồng hành với hàng ngàn học sinh, sinh viên nghèo vượt khó khắp cả nước; chương trình thường niên “Chắp cánh ước mơ” đã trao tặng hàng trăm tủ sách Chắp cánh ước mơ cho các điểm trường khó khăn ở nhiều vùng, miền; hiến máu nhân đạo “Giọt hồng yêu thương”…
Nhiều kinh nghiệm thiết thực đã được chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia Văn hoá với doanh nghiệp năm 2021
Xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc
Công ty CP Searefico cũng là một trong 10 doanh nghiệp đầu tiên đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh, đáp ứng đủ các tiêu chí trong Bộ tiêu chí “Văn hóa kinh doanh Việt Nam”; được vinh danh trong danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2021. Giải thưởng chính là sự công nhận khách quan và giá trị cho những nỗ lực của Công ty trong chặng đường 26 năm xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc, nơi mà mọi CBCNV đều được truyền cảm hứng làm việc và hưởng những đãi ngộ xứng đáng với năng lực cống hiến, tạo động lực để yên tâm làm việc và gắn kết lâu dài.
Chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng là bí quyết để Searefico đạt được nhiều danh hiệu khác. Doanh nghiệp cũng được ghi nhận trong danh sách Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2022; Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam; Xếp hạng Á quân Top 5 Nhà thầu cơ điện uy tín 2021. Searefico kiên trì với mục tiêu xây dựng và phát triển một môi trường làm việc chuyên nghiệp, dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, tạo cơ hội cho tất cả mọi người đóng góp cho sự thành công của tổ chức.
Sự gánh vác, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng cũng là nội dung cốt lõi trong chuỗi hoạt động mà Công ty triển khai thời gian qua. Đơn vị đã trao tặng 12 phòng sàng lọc điều trị Covid-19 tại các bệnh viện tuyến đầu ở TP.HCM. Quỹ Searefico – Vòng tay yêu thương đã tiếp sức 120 triệu đồng đến chương trình Siêu thị Mini 0 đồng từ nguồn đóng góp tự nguyện của toàn thể CBCNV Công ty và trích từ Quỹ phúc lợi của Công ty trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây tác động to lớn tới đời sống bà con nghèo…
Còn nhiều điển hình luôn chú trọng và xác định vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp là yếu tố căn cốt, cấu thành nền tảng phát triển bền vững. Lễ trao giải thưởng công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh” trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia “Văn hóa với doanh nghiệp” năm 2022 vì vậy luôn mang kỳ vọng: Tôn vinh xứng đáng sẽ tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực tới cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại Diễn đàn quốc gia năm 2021, nhìn nhận văn hóa doanh nghiệp với vai trò như “chân ga” và “chân phanh” trong sự phát triển của doanh nghiệp, chuyên gia Giản Tư Trung phân tích: Với vai trò là “chân ga”, văn hóa sẽ giúp doanh nghiệp có lực để vượt đèo cao; ngược lại, với vai trò là nội lực, chiều sâu, văn hóa sẽ là “chân phanh” giúp doanh nghiệp vững vàng trước mọi thách thức, thậm chí không bị rơi xuống vực sâu. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Việt Nam có khát vọng đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Các chuyên gia văn hóa nói chung, văn hóa doanh nghiệp nói riêng đều nhận định, trong bối cảnh này, văn hóa Việt Nam, trong đó có văn hóa doanh nghiệp cần có sự phát triển tương xứng.
Các tiêu chí, nhóm tiêu chí về Văn hóa kinh doanh Việt Nam
Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam gồm 5 điều kiện bắt buộc: Không buôn lậu, không trốn thuế; Không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; Không nợ lương và BHXH của người lao động; Không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác; Không vi phạm pháp luật.
Các tiêu chí đánh giá mức độ đáp ứng của từng doanh nghiệp đối với Bộ tiêu chí gồm 5 nhóm: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; Thượng tôn pháp luật; Đạo đức kinh doanh; Trách nhiệm xã hội.
Tại Diễn đàn quốc gia thường niên 2022 sẽ diễn ra ngày 3.12, 24 gương mặt doanh nghiệp xuất sắc do Hội đồng quốc gia xét duyệt “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” chọn sẽ được tôn vinh. P.HÀ
MINH NGỌC