Lịch sử ngành
NGÀNH VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH QUẢNG NAM:
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 28.8.1945, trong Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc thành lập nước Việt Nam mới và công bố danh sách nội các của Chính phủ bao gồm các Bộ, trong đó có Bộ Thông tin – Tuyên truyền. Năm 1995, theo đề nghị của Bộ Văn hóa – Thông tin, Chính phủ cho phép lấy ngày 28.8 hàng năm làm ngày truyền thống của Ngành. Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Thông tin – Tuyên truyền thuở ban đầu đã nhiều lần thay đổi tên gọi nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng.
Thực tiễn của cách mạng Việt Nam cho thấy, lịch sử ngành Văn hóa – Thông tin đã phôi thai ngay từ khi nước ta còn dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu tuyên truyền, vận động cách mạng. Chính Người và các thế hệ cách mạng tiền bối đã khéo léo vận dụng các loại hình văn hóa, nghệ thuật, báo chí, tuyên truyền cổ động để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin, phổ biến đường lối chủ trương của Đảng, giác ngộ quần chúng tham gia cách mạng, biến văn hóa – tư tưởng trở thành sức mạnh vật chất to lớn để lật nhào chế độ thực dân, phong kiến. Năm 1941, đồng chí Trường Chinh được Đảng giao nhiệm vụ soạn thảo “Đề cương Văn hóa”; sau hai năm nghiên cứu xây dựng, đến năm 1943, Đảng ta công bố “Đề cương Văn hóa Việt Nam”. Đây là một văn kiện có ý nghĩa to lớn và định hướng chiến lược cho việc xây dựng nền văn hóa mới theo hướng dân tộc, khoa học, đại chúng, văn hóa trở thành vũ khí sắc bén, cổ vũ hàng triệu người Việt Nam vượt qua gông xiềng, súng đạn của kẻ thù, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, ngành Văn hóa – Thông tin đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trên khắp các chiến trường, từ vùng tự do, vùng giải phóng đến vùng nông thôn, đô thị tạm chiếm và ngay trong hàng ngũ của địch, các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa – thông tin luôn có mặt. Họ là những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên, đội viên tuyên truyền, nhân viên in ấn…luôn dũng cảm kiên cường, vượt qua mưa bom bão đạn, ngày đêm kề vai sát cánh với nhân dân, lấy công tác tư tưởng văn hóa làm trận địa, lấy lời ca tiếng hát, lấy ngòi bút, cây đàn và trái tim yêu nước, niềm khao khát độc lập, tự do làm vũ khí đánh giặc và sáng tạo những tác phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị, cổ vũ động viên quân và dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, vượt qua sự đánh phá ác liệt của kẻ thù để chiến đấu và chiến thắng. Phong trào“Tiếng hát át tiếng bom”, “Tiếng loa hòa tiếng súng” lan tỏa ở hậu phương và trên khắp các chiến trường, làm khơi dậy niềm tin và ý chí chống giặc ngoại xâm. Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” ở các vùng đô thị miền Nam đã trở thành những hoạt động sôi nổi, tạo nên những dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí mỗi người Việt Nam yêu nước.
Hòa cùng dòng chảy của lịch sử dân tộc, sau khi giành chính quyền (tháng 8 năm 1945), Tỉnh ủy Quảng Nam, về sau là Quảng Nam – Đà Nẵng thành lập cơ quan phụ trách công tác tuyên truyền của Đảng và Mặt trận Việt Minh, theo mô hình chung của cả nước và phù hợp với điều kiện từng địa phương. Tháng 9.1945, Ty Thông tin – Tuyên truyền tỉnh Quảng Nam được thành lập, do đồng chí Phan Thao – Đại biểu Quốc hội Khóa I làm Trưởng Ty. Cuối năm 1946, tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng sáp nhập thành tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Ban Tuyên truyền Quân Dân Chính ra đời trên cơ sở hợp nhất hai Ty Tuyên truyền Quảng Nam và Đà Nẵng, do đồng chí Lưu Thọ làm Trưởng Ban. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tháng 12.1946, Ban Tuyên truyền Quân Dân Chính được đổi tên thành Ban Tuyên truyền kháng chiến. Cuối năm 1945, Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc tỉnh Quảng Nam ra đời; năm 1946 đổi tên là Đoàn Văn hóa Kháng chiến do đồng chí Hồ Thấu phụ trách.
Tháng 12.1947, Ty Thông tin Quảng Nam – Đà Nẵng được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Bổng làm Trưởng Ty, đồng chí Nguyễn Viên làm Phó trưởng Ty. Đến cuối năm 1948, đồng chí Nguyễn Văn Bổng chuyển sang làm công tác văn nghệ, đồng chí Nguyễn Viên được phân công làm Trưởng Ty, các đồng chí Hoàng Mạnh và Trần Hưng Thừa làm Phó trưởng Ty.
Cuối năm 1949, đồng chí Nguyễn Viên – Tỉnh ủy viên, được phân công làm Thường trực Ban Thi đua ái quốc tỉnh, đồng chí Hoàng Mạnh được điều động vào Sở Thông tin miền Nam Trung bộ, đồng chí Trần Hữu Súy được điều về làm Trưởng Ty Thông tin tỉnh, Phó trưởng Ty là đồng chí Trần Hưng Thừa. Năm 1950, đồng chí Trần Hữu Súy được bổ sung vào Ban Giám đốc Sở Thông tin miền Nam Trung bộ, đồng chí Trần Hưng Thừa được cử làm Trưởng Ty Thông tin tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
Cuối năm 1950, Khu ủy 5 chủ trương tách Đà Nẵng thành thành phố trực thuộc Khu; đồng chí Trần Hưng Thừa tiếp tục làm Trưởng Ty Thông tin tỉnh Quảng Nam, sau bổ sung đồng chí Võ Trọng Xán và Lê Hà Đống làm Phó trưởng Ty. Đầu năm 1952, Ty Thông tin Quảng Nam – Đà Nẵng được thành lập theo chủ trương sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam thành một tỉnh của Khu; các đồng chí Trần Hưng Thừa – Trưởng Ty, Võ Trọng Xán và Lê Hà Đống – Phó trưởng Ty tiếp tục phụ trách công việc. Ty Thông tin sau đó đổi thành Ty Tuyên truyền – Văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng.
Ở cấp huyện, ban đầu lấy tên là Phòng Tuyên truyền, sau đó đổi là Phòng Thông tin – Tuyên truyền, trong phòng có Đội Tuyên truyền Văn nghệ. Cấp xã có Ban Thông tin – Tuyên truyền; nhiều xã ở vùng tự do còn có chòi phát thanh, đội văn nghệ.
Hai nhiệm vụ chủ yếu của Ban Tuyên truyền kháng chiến, và sau là Ty Thông tin là xây dựng tờ báo của tỉnh, lấy tên là Chiến Thắng để động viên tinh thần kháng chiến của quân và dân; thành lập Đội Tuyên truyền xung phong, cùng với các mạng lưới thông tin tuyên truyền ở các thành phố, thị xã, huyện, xã trực tiếp phổ biến chủ trương kháng chiến chống Pháp cho các vùng trong tỉnh. Tờ báo Chiến Thắng số đầu tiên phát hành ngày 22.01.1947, 01 tuần/số. Đội Tuyên truyền xung phong, lực lượng đông đảo nhất của ngành, quy tụ nhiều văn nghệ sĩ như Phan Huỳnh Điểu, Văn Cận, Lê Khâm (Phan Tứ), Lưu Trùng Dương, Tế Hanh, Trinh Đường…
Bộ máy tổ chức của Ty Thông tin dần được củng cố, bao gồm: Văn phòng; Bộ phận nội dung, tuyên truyền (gọi là Ban 2) gồm Tổ biên tập tài liệu tuyên truyền, Tòa soạn Báo Chiến Thắng và Tổ tin; Đội Tuyên truyền xung phong (gọi là Ban 3) phụ trách các hoạt động bề nổi. Thư ký Tòa soạn đầu tiên của Báo Chiến Thắng là đồng chí Nguyễn Văn Bổng, sau lần lượt là các đồng chí Trương Xuân Thâm, Vũ Quang Chí, Nguyễn Đình Ngưng và Lê Hữu Vỵ.
Lúc bấy giờ, ngành Thông tin – Tuyên truyền đã tận dụng tối đa mọi phương tiện sẵn có để vận động nhân dân tham gia ủng hộ “Quỹ Độc lập”, “Tuần lễ Vàng”, “Hũ gạo Cứu quốc”, từ kẻ vẽ pano, áp phích, khẩu hiệu trên mọi bề mặt có thể, đến cách thức tuyên truyền cũng hết sức đơn giản. Nhiều trạm truyền thanh của xã dựng trên những cây cao, có kẻng (bằng tà vẹt đường sắt); ban ngày nghe máy bay địch từ xa, đánh kẻng báo động cho đồng bào chuẩn bị đề phòng, đối phó địch oanh tạc, ban đêm dùng loa quấn bằng mo cau hoặc bằng tole thông báo tin tức cho đồng bào. Chòi đặt trên cây cao nên nghe được máy bay địch từ xa, tiếng kẻng, tiếng loa cũng vang xa. Nhiều buổi tuyên truyền thông qua các hình thức như văn nghệ, diễn kịch, triển lãm tranh, ảnh lưu động được tổ chức tại các vùng tự do, thậm chí vào cả những vùng địch tạm chiếm để phục vụ nhân dân. Nội dung chủ yếu tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Chính phủ về công cuộc kháng chiến kiến quốc, tuyên truyền tin chiến thắng, động viên tinh thần chiến sĩ và nhân dân tham gia bộ đội, thanh niên xung phong, tham gia tải thương, tiếp tế, đi dân công phục vụ chiến trường, sẵn sàng hy sinh vì đất nước, in truyền đơn kêu gọi binh lính Pháp phản chiến, hay vận động nhân dân thực hiện phong trào Xây dựng đời sống mới…
Nội dung hoạt động của Đội Tuyên truyền xung phong ngày càng phong phú, trong đó việc sử dụng văn nghệ (ca nhạc, kịch) là phổ biến, bên cạnh triển lãm tranh ảnh và chiếu phim. Thực hiện chủ trương “Văn hóa hóa kháng chiến”, “kháng chiến hóa văn hóa”, văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp với phong trào toàn dân ca hát, thanh thiếu nhi biểu diễn văn nghệ trong các đêm lửa trại. Trên các nẻo đường kháng chiến, các văn nghệ sĩ vai mang đàn, dừng chân ở đâu là biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân, dạy đàn, dạy hát cho thanh thiếu nhi ở đó. Các đội văn nghệ, tuyên truyền văn nghệ từ tỉnh, huyện đến xã liên tục tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ nhân dân. Nhiều vở kịch được hoan nghênh như Con heo kháng chiến, Chữa bệnh thực dân… Hoạt động sáng tác phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc được đông đảo văn nghệ sĩ ở Quảng Nam – Đà Nẵng hưởng ứng sôi nổi. Nhiều ca khúc, tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, còn sống mãi với thời gian: Đoàn Vệ Quốc quân, Mùa đông binh sĩ (Phan Huỳnh Điểu), Con trâu (Nguyễn Văn Bổng)… Bên cạnh đó, phong trào sáng tác ca dao, hò, vè trong nhân dân cũng khá sôi nổi, chủ yếu xoay quanh chủ đề tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Chính phủ đối với công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Có thể nói, suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa – Thông tin, đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của dân tộc. Từ cái nôi Văn hóa – Thông tin Quảng Nam – Đà Nẵng ngày ấy, nhiều cán bộ văn hóa thông tin và văn nghệ sĩ của ngành tiếp tục phấn đấu trở thành những cán bộ, văn nghệ sĩ nổi tiếng, có nhiều đóng góp trong hoạt động ở hai miền Nam – Bắc ở các thời kỳ sau.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7.1954), hầu như tổ chức bộ máy của ngành Văn hóa – Thông tin trong kháng chiến chống Pháp không còn được duy trì. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, cán bộ và quần chúng đã sử dụng nhiều nội dung, loại hình, phương thức thông tin tuyên truyền để phát huy thắng lợi và chính nghĩa của cách mạng, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Bác Hồ. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân đấu tranh chống lại các âm mưu thủ đoạn “tố cộng, diệt cộng” của địch, bảo vệ Đảng, cán bộ, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ, dân sinh, đồng thời tố cáo tội ác của địch đối với nhân dân. Từ những căn cứ xa xôi như Bến Hiên, Bến Giằng, những tờ báo, bản tin được in litô vẫn được truyền đến tay của những cán bộ, chiến sĩ trong lòng địch, góp phần giữ vững niềm tin vào cách mạng.
Từ năm 1959, sau khi có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), được Tỉnh ủy chỉ đạo, các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ tập trung tuyên truyền giải thích về con đường “Dùng bạo lực cách mạng – cả bạo lực chính trị và bạo lực vũ trang – đánh đổ chế độ Mỹ – Diệm, lập nên chính quyền cách mạng của nhân dân, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Các tổ chức thông tin tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ cách mạng của tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà ra đời và phát triển mạnh. Trong Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy có Tiểu ban Tuyên Văn chuyên lo công tác thông tin tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ. Một số tờ báo của Tỉnh ủy ra đời như Giải phóng, Cờ giải phóng. Tạp chí Văn nghệ giải phóng tỉnh Quảng Đà cũng ra đời trong thời kỳ này.
Tháng 10.1964, Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Nam được thành lập. Lúc này, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có đến 3 Đoàn Văn công giải phóng của Quảng Nam, Quảng Đà và Đoàn Văn công miền núi Quảng Đà. Từ năm 1965, Ban Tuyên huấn Khu V đã cử đạo diễn, biên đạo múa về giúp cho đoàn xây dựng những chương trình tiết mục mới. Đoàn đã tổ chức nhiều đêm biểu diễn sát vùng địch, thu hút khá đông đồng bào trong vùng địch tạm kiểm soát và binh sĩ quân đội Sài Gòn đến xem. Các hoạt động chiếu phim của hai đội chiếu bóng lưu động thuộc Điện ảnh Quảng Đà được thực hiện ở khắp các địa bàn của hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Nơi chiếu phim là những hội trường dựng tạm của các cơ quan trên vùng căn cứ, hay tại những vạt đất đầy hố bom bên các giao thông hào phục vụ chiến sĩ, trên những rừng dương cát trắng, thậm chí ngay sát căn cứ địch.
Ở các huyện và hầu hết các xã vùng đồng bằng thành lập đội công tác tuyên truyền vũ trang, vừa bám đất, bám dân vừa trực tiếp cùng các lực lượng và quần chúng nhân dân diệt ác trừ gian, phá kèm. Từ trong các thành phố, thị xã bị địch chiếm đóng, hay xung quanh các khu dồn, các “ấp chiến lược” đến các vùng nông thôn, vùng căn cứ cách mạng, đâu đâu cũng đều in dấu chân của những chiến sĩ văn hóa, những cán bộ tuyên truyền của Đảng.
Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thông tin tuyên truyền đã kịp thời đưa tin về những chiến thắng của quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam và Khu 5 nói chung, tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà nói riêng, từ chiến thắng Núi Thành “trận đầu đánh Mỹ” lịch sử, đến Đồng Dương – Việt An, các phong trào du kích chiến tranh trên khắp các vùng nông thôn Quảng Nam và quanh các vành đai diệt Mỹ Chu Lai, Hòa Vang; từ chiến thắng Mậu Thân 1968 đến những thắng lợi ở Cấm Dơi – Quế Sơn năm 1972, Nông Sơn – Trung Phước, Thượng Đức trong Hè – Thu 1974 và thắng lợi cuối cùng trong mùa Xuân lịch sử 1975.
Những ngày tháng 3 lịch sử năm 1975, toàn bộ các hoạt động văn hóa – thông tin tập trung tuyên truyền phát huy chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng toàn bộ Tây Nguyên, giải phóng Phước Lâm – Tiên Phước và giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, tuyên truyền cổ vũ quân dân tỉnh nhà đem hết sức người, sức của phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30.4.1975.
Trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, trên mảnh đất Quảng Nam trung dũng kiên cường, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt ấy, nhiều cán bộ tuyên truyền vừa là nhà văn, nhà báo vừa là chiến sĩ, tay cầm bút, cầm súng vừa chiến đấu, vừa sáng tác. Những thử thách khốc liệt của chiến tranh đã góp phần đào luyện nên một thế hệ các văn nghệ sĩ có phẩm chất tốt đẹp, biết yêu thương và căm thù, biết hy sinh và sáng tạo. Trong điều kiện hết sức thiếu thốn, ngặt nghèo, báo chí và tài liệu tuyên truyền vẫn được in ấn trong các nhà in ở vùng căn cứ và phát hành đến các vùng du kích, vùng địch tạm chiếm để biểu dương những đơn vị và cá nhân anh hùng, đồng thời vạch trần âm mưu thủ đoạn xảo quyệt của quân thù, động viên quân dân hăng hái lên đường giết giặc. Sau những trận càn hay dưới tầm đạn pháo, các đội tuyên truyền vẫn diễn kịch để phục vụ chiến sĩ và nhân dân. Và trên khắp các nẻo đường kháng chiến ấy, nhiều anh chị em diễn viên Đoàn Văn công giải phóng Quảng Nam, Đoàn Tuồng Quảng Nam, Nhà in Giải Phóng, Điện ảnh Quảng Đà đã hy sinh ngay trong đêm biểu diễn, buổi chiếu phim hay lúc in ấn tài liệu. Trong đó, Đoàn Văn công Quảng Đà đã có đến 11 cán bộ, diễn viên hy sinh ngay khi tập tiết mục chuẩn bị biểu diễn phục vụ Tết Mậu Thân 1968. Theo thống kê chưa đầy đủ, có gần 80 cán bộ ngành Văn hóa – Thông tin Quảng Nam – Đà Nẵng đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương.
Sau ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, Ty Thông tin – Văn hóa tỉnh Quảng Nam được thành lập, do đồng chí Lê Phước Toàn – Tỉnh ủy viên làm Trưởng Ty. Đến tháng 11 năm 1975, hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà được hợp nhất. Ty Thông tin – Văn hóa Quảng Nam và Ty Thông tin – Văn hóa Quảng Đà sáp nhập thành Ty Thông tin – Văn hóa Quảng Nam – Đà Nẵng. Năm 1980, Ty Thông tin – Văn hóa đổi thành Sở Văn hóa – Thông tin, do đồng chí Phạm Việt Dũng làm Giám đốc; Phó Giám đốc gồm các đồng chí Đoàn Xoa, Hồ Hải Học và Hoàng Hoa. Các Phòng Thông tin – Văn hóa cấp huyện, Ban Thông tin – Văn hóa cấp xã cũng đổi tên, gọi là Phòng (Ban) Văn hóa – Thông tin.
Từ năm 1982 đến năm 1988, đồng chí Nguyễn Đình An, Tỉnh ủy viên, về làm Giám đốc Sở thay đồng chí Phạm Việt Dũng; các đồng chí Hồ Hải Học, Nguyễn Văn Khái và Hoàng Hoa làm Phó Giám đốc. Từ năm 1989, đồng chí Hồ Hân làm Giám đốc Sở; các đồng chí Hồ Hải Học, Phạm Văn Lư và Nguyễn Thanh Vân làm Phó Giám đốc. Năm 1992, hợp nhất Sở Văn hóa – Thông tin và Sở Thể dục – Thể thao thành Sở Văn hóa – Thông tin và Thể thao Quảng Nam – Đà Nẵng, do đồng chí Hồ Hải Học làm Giám đốc; các đồng chí Phạm Văn Lư, Nguyễn Thanh Vân và Hoàng Hương Việt làm Phó Giám đốc. Năm 1994, Sở Văn hóa – Thông tin và Thể thao tách thành hai là Sở Văn hóa – Thông tin và Sở Thể dục – Thể thao.
Năm 1997, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương: tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Quảng Nam được thành lập do đồng chí Nguyễn Đức Tuấn làm Giám đốc. Năm 1998, Sở Văn hóa – Thể thao tách thành hai là Sở Văn hóa – Thông tin và Sở Thể dục – Thể thao. Sở Văn hóa – Thông tin do đồng chí Nguyễn Đức Tuấn làm Giám đốc, đồng chí Đinh Hài và đồng chí Trần Văn Phi làm Phó Giám đốc và từ năm 2002 bổ sung đồng chí Nguyễn Hoàng Bích; Sở Thể dục – Thể thao do đồng chí Nguyễn Văn Quy làm Giám đốc, đến năm 2003 đồng chí Trần Thế Thái làm Giám đốc và đến năm 2006 đồng chí Nguyễn Hữu Sáng làm Giám đốc Sở Thể dục – Thể thao; các đồng chí Dương Thị Chiến và Nguyễn Lê Phong làm Phó Giám đốc, sau bổ sung đồng chí Nguyễn Thành Tự và Thiều Hòa.
Năm 2003, Sở Du lịch được thành lập trên cơ sở tách ra từ Sở Thương mại và Du lịch, đồng chí Đinh Hài được điều động làm Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam.
Năm 2004, đồng chí Thái Viết Tường thay đồng chí Nguyễn Đức Tuấn làm Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Quảng Nam.
Sau ngày giải phóng, giữa bộn bề công việc của thời kỳ hậu chiến, trong khi đội ngũ cán bộ vừa thiếu, lại chưa qua đào tạo chuyên môn. Với sự bổ sung kịp thời nguồn cán bộ từ Ban Tuyên huấn Khu V, từ các tỉnh Thanh Hóa và Hải Phòng kết nghĩa, cùng sự trở về từ miền Bắc của những người con quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng, toàn ngành đã tập trung thực hiện nhiệm vụ xóa bỏ tàn dư văn hóa nô dịch của chế độ cũ và từng bước xây dựng nền văn hóa mới.
Cùng với tập trung xóa bỏ tàn dư văn hóa nô dịch của chế độ cũ, ngành Văn hóa – Thông tin tích cực đưa văn hóa cách mạng đến với người dân thông qua nhiều hình thức hoạt động. Một lực lượng hùng hậu, bao gồm các đội văn nghệ quần chúng, đội thông tin lưu động có mặt ở hầu khắp các làng thôn, các đội sản xuất để đem tiếng nói của Đảng đến với các tầng lớp nhân dân. Hàng năm, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đã biểu diễn vài trăm buổi. Các đội chiếu bóng đã phục vụ tận các xã, thôn. Hệ thống thư viện, tủ sách công cộng, thư viện ở các trường học từng bước khích lệ việc đọc sách báo trong nhân dân, nhất là lực lượng trí thức, công chức, học sinh, sinh viên… Đối với họ sách đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu. Cuộc vận động thực hiện Nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa đã có tác dụng tốt; việc tổ chức cưới, việc tang đã giữ được nét đặc trưng văn hóa dân tộc, đúng pháp luật và tiết kiệm. Ngành đã tích cực tham gia tổ chức các ngày lễ kỷ niệm lớn trong nước, trong tỉnh, tổ chức các lễ hội văn hóa thu hút đông đảo nhân dân vào các đợt sinh hoạt chính trị và văn hóa.
Công tác bảo tồn di sản văn hóa và xây dựng các thiết chế văn hóa được quan tâm. Các di tích Văn hóa Champa được khai quật, phát hiện thêm được nhiều hiện vật quý, giúp các nhà nghiên cứu khoa học có thêm tư liệu, chứng cứ để nhận định, đánh giá, minh chứng về mảnh đất Quảng Nam giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Các thiết chế văn trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng, trong đó nhiều công trình như bảo tàng, nhà truyền thống, nhà văn hóa cấp huyện, cấp xã được xây dựng, tiêu biểu là công trình Tượng đài Chiến thắng Núi Thành.
Do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân, nhất là những mặt trái của cơ chế thị trường những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, phong trào văn hóa văn nghệ, thông tin tuyên truyền của ngành đang trên đà phát triển trong những năm 1980 có phần chựng lại. Hàng trăm đội thông tin lưu động bị tê liệt; văn nghệ quần chúng thoi thóp; nhiều đoàn nghệ thuật bị giải thể; nhiều đội chiếu phim không hoạt động… Trước tình hình đó, Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) ra đời đã thổi luồng sinh khí mới cho các hoạt động văn hóa – thông tin.
Sau ngày tái lập tỉnh, dưới ánh sáng Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và các Nghị quyết 17, 18, 19 và 20 Đại hội Đảng bộ tỉnh, hoạt động văn hóa thông tin tỉnh nhà đã có những bước khởi sắc và phát triển đáng ghi nhận. Đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Nam ngày càng phát triển ở hầu hết các chuyên ngành văn học, báo chí, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh với những tác phẩm phản ảnh chân thực và sinh động diện mạo cuộc sống hôm nay, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh. Chúng ta tự hào trên quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng đã có nhiều nghệ sĩ tuồng, dân ca được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú. Trong đó, nhà soạn tuồng Tống Phước Phổ, nhà văn Phan Tứ, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhiều văn nghệ sĩ đã từng sống và chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà đã được tặng giải thưởng Nhà nước với những tác phẩm được sáng tác lấy cảm hứng từ mảnh đất “trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” qua gần 20 năm triển khai thực hiện đã thực sự trở thành một phong trào cách mạng rộng lớn của toàn dân. Danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, bản, khu phố văn hóa, xã phường, thị trấn, tộc họ văn hóa trở thành mục tiêu phấn đấu của người dân, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, bảo vệ môi trường, giữ gìn,phát huy thuần phong mỹ tục và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa đã thu được những thành quả đáng khích lệ, góp phần làm phong phú thêm kho hiện vật bảo tàng quý giá của Quảng Nam. Công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa được chú trọng. Đặc biệt, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới; Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã trở thành những địa chỉ tham quan du lịch nổi tiếng, được bạn bè trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Việc sưu tầm, nghiên cứu những giá trị đặc trưng văn hóa của đất và người Quảng Nam được xem là một trong những trọng tâm công tác của ngành. Nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học cấp tỉnh và cấp quốc gia đã được tổ chức tại Quảng Nam nhằm thu thập tư liệu, khẳng định những giá trị văn hóa lịch sử của đất và người xứ Quảng đã làm sáng tỏ bề dày văn hóa, bản lĩnh và tính cách người Quảng Nam qua các thời kỳ lịch sử. Có thể kể đến các hội thảo “Một trăm năm phát hiện Mỹ Sơn”, “530 năm danh xưng Quảng Nam”, “Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng”; “Vai trò lịch sử Dinh trấn Thanh Chiêm”; về danh nhân lịch sử văn hóa, các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể và lễ hội truyền thống… Những công trình, sản phẩm khoa học trên là bước tiến quan trọng về mặt tư liệu trong việc tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa Quảng Nam. Nhiều tài liệu, sách, ấn phẩm về văn hóa Quảng Nam được xuất bản. Nhiều huyện, thành phố đã chủ động trong việc vận động sáng tác, nghiên cứu về văn hóa địa phương, xuất bản được nhiều đầu sách có giá trị khẳng định những đóng góp của mảnh đất và con người xứ Quảng đối với nền văn hóa dân tộc.
Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mới, Quốc hội đã có chủ trương tổ chức lại bộ máy Chính phủ theo hướng tinh gọn với các Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Bộ Văn hóa – Thông tin sáp nhập với một số Bộ, ngành ở Trung ương để thành lập Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam đã hợp nhất Sở Du lịch, Sở Thể dục thể thao với Sở Văn hóa – Thông tin và Bộ phận Gia đình của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng chí Đinh Hài, Tỉnh ủy viên, làm Giám đốc Sở; các đồng chí Phó Giám đốc Sở gồm Nguyễn Hoàng Bích, Nguyễn Văn Hàm, Nguyễn Thành Tự, Hồ Xuân Tịnh, Võ Thị Ngọc Hà, Hồ Tấn Cường. Sở có: 8 phòng chuyên môn và 13 đơn vị trực thuộc.
Sau gần 8 năm hợp nhất thành Sở quản lý đa ngành, mặc dù trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực nhưng với tinh thần năng động, sáng tạo, đội ngũ cán bộ toàn ngành đã đoàn kết nhất trí, gắn kết được các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, không ngừng nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu về kinh tế – xã hội của tỉnh. Trước hết, với vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, ngành đã tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các Nghị quyết, chủ trương, chính sách tác động trực tiếp đến sự phát triển của ngành: Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch; các quy định hỗ trợ sáng tạo của văn nghệ sĩ và bồi dưỡng những tài năng trên lĩnh vực văn hóa, thể thao; Chiến lược lồng ghép văn hóa và du lịch; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích Mỹ Sơn, phố cổ Hội An và Khu di tích cách mạng Trung Trung bộ – Nước Oa theo một chiến lược dài hạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025…. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa được quan tâm, toàn tỉnh hiện có 300 di tích cấp tỉnh, 60 di tích quốc gia, Khu di tích Mỹ Sơn và Khu phố cổ Hội An vừa là di tích quốc gia đặc biệt, vừa là Di sản văn hóa thế giới. Đến nay, tỉnh Quảng Nam có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận.
Ngành đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức thành công các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và của tỉnh: Kỷ niệm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam; 45 và 50 năm chiến thắng Núi Thành; 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công; 15 năm tái lập tỉnh; kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam và 85 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam gắn với khánh thành Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng….và phục vụ nhiều sự kiện chính trị lớn của tỉnh và các huyện, thành phố. Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trong các cơ quan, đoàn thể, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang và các địa phương đã có bước phát triển về số lượng và chất lượng nghệ thuật. Một số chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp có quy mô lớn đã được tổ chức tại một số địa phương trong tỉnh góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Các đội thông tin lưu động, Đoàn Ca kịch, Đội chiếu bóng, đội triển lãm lưu động đã nỗ lực mang lời ca tiếng hát và các sản phẩm văn hóa lồng ghép vào việc tuyên truyền các chủ tương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Lần đầu tiên thí điểm chương trình Sân khấu học đường với việc đưa dân ca vào các trường trung học cơ sở trong tỉnh đạt những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ngành Văn hóa tổ chức tập huấn đàn, hát dân ca và xây dựng các Câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng ở 50 xã điểm xây dựng nông thôn mới, làm khơi dậy và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống trong cộng đồng dân cư.
Các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đã có những bước tiến phát triển thông qua các phong trào văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các thiết chế văn hóa đã được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, sự đóng góp của nhân dân tạo điều kiện cho các hoạt động của ngành. Nhiều sự kiện văn hóa lớn với các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao trong nước và quốc tế được tổ chức như: Tuần Văn hóa – Du lịch Quảng Nam hướng đến 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Festival Di sản Quảng Nam, Liên hoan – Hội thi Hợp xướng quốc tế, Giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản…. Các hoạt động bảo tồn di sản được đầu tư bằng ngân sách nhà nước và xã hội hóa nhằm trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao đã từng bước phát triển. Một số bộ môn thể thao tiếp tục đạt được thành tích tốt tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục – thể thao bước đầu tạo được sự chuyển biến. Một số công trình thể thao cấp tỉnh như: sân vận động, nhà thi đấu được xây dựng, nâng cấp, đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả.
Hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa được đẩy mạnh. Các đoàn nghệ thuật của tỉnh đã tham gia biểu diễn tại nhiều nước: Trung Quốc, Italia, Hồng Kông, Thái Lan, Lào… Nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nước ngoài đã đến thăm, giao lưu và biểu diễn nghệ thuật tại Quảng Nam như: Pháp, Đan Mạch, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Campuchia… Hợp tác với Nhật Bản, Italia, Ấn Độ trong trùng tu di tích Mỹ Sơn, Hội An thông qua các hiệp định chính phủ và phi chính phủ. Hợp tác với các tổ chức UNESCO, ILO trong việc xây dựng chiến lược và nâng cao năng lực bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch như Dự án phát triển du lịch vào các huyện vùng sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam; gắn phát triển du lịch với xóa đói giảm nghèo, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở miền núi: làng Bhơhôồng, làng dệt Zơra. Đến cuối năm 2014, tổng lượt khách tham quan và lưu trú đạt gần 3,7 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt xấp xỉ 1,7 triệu lượt, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 5.170 tỷ đồng. Thành phố Hội An trở thành một trong những trọng điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, theo đánh giá của nhiều tổ chức du lịch quốc tế có uy tín.
Công tác cải cách hành chính được triển khai thực hiện có hiệu quả. Chủ động rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành theo hướng tinh gọn. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức gắn với thực hiện cải cách hành chính công. Tổ chức áp dụng quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 tại Văn phòng Sở. Triển khai thực hiện Văn phòng điện tử (Q-Office) trong toàn ngành từ tỉnh đến huyện, thành phố. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chỉ đạo, quản lý, điều hành nhằm đăng tải, cập nhật trên mạng, phục vụ việc tra cứu và thực hiện nhiệm vụ của toàn Sở. Hiện nay, ngoài cổng thông tin điện tử của ngành, còn quản trị 4 website của Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, Trung tâm Quản lý Di tích và Danh thắng, Thư viện tỉnh và Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch. Trường Năng khiếu Nghiệp vụ Thể dục Thể thao, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch được thành lập, từng bước đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, du lịch và thể thao, phục vụ tốt hơn sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.
Với những thành tích đạt được, toàn ngành vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều Cờ Thi đua, Bằng khen của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh Quảng Nam… Đây là chính là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đã về những đóng góp của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà nói riêng.
Những kết quả đạt được trên đây bắt nguồn từ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh. Đó là sự nỗ lực của cán bộ công chức, viên chức và người lao động toàn ngành từ tỉnh đến cơ sở. Có những gương điển hình cho sự sáng tạo, cống hiến, sự lao động âm thầm, sự chịu khó trước những gian khổ để tạo ra những kết quả đáng trân trọng trong phong trào thi đua yêu nước của toàn ngành. Tuy nhiên, toàn ngành cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm đáp ứng những yêu cầu của nhiệm vụ mới, với mục tiêu xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp, phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, đi đôi với gìn giữ bản sắc văn hóa xứ Quảng. Bên cạnh những thành tựu đã đạt vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, khuyết điểm, thách thức, nhiều trăn trở mà qua các lần tổng kết, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã đúc kết. Do vậy, mỗi cán bộ công chức, viên chức và người lao động cần phải tâm huyết, nỗ lực trong công việc để phát huy hơn nữa truyền thống của ngành, xứng đáng với phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng, Huân chương Lao động hạng Nhất.
Trong những năm đến, toàn ngành tập trung vào việc cụ thể hóa bằng kế hoạch thực hiện các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa – văn nghệ, tạo điều kiện cho người dân được hưởng thụ văn hóa, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khuyến khích nhân dân tham gia sáng tạo văn hóa thông qua hoạt động của các trung tâm văn hóa – thể thao xã. Chú trọng công tác bảo tồn – bảo tàng, sưu tầm và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, lồng ghép văn hóa và du lịch nhằm phát huy các tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao cho mọi người, tạo điều kiện tốt nhất trong việc bồi dưỡng tài năng thể dục thể thao, đặc biệt là tài năng trẻ. Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Mục lục bài viết
Văn Hùng(Văn phòng Sở – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, TÊN GỌI CỦA NGÀNH QUA CÁC THỜI KỲ
I. Giai đoạn 1945 – 1954
1. Thời kỳ Ty Thông tin – Tuyên truyền Quảng Nam (1945 – 1946)
Trưởng Ty: Phan Thao
2.Thời kỳ Ban Tuyên truyền Quân Dân Chính và Ban Tuyên truyền kháng chiến Quảng Nam – Đà Nẵng (1946 – 1947)
– Trưởng Ban: Lưu Thọ
– Phó trưởng Ban: Phan Thao, Đoàn Bá Từ
– Các ủy viên: Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Viên, Trần Hữu Súy, Lê Bá Thuyên
3. Thời kỳ Ty Thông tin Tuyên truyền Quảng Nam – Đà Nẵng (1948 – 1950):
– Giai đoạn 1947 – 1948:
+ Trưởng Ty: Nguyễn Văn Bổng
+ Phó trưởng Ty: Nguyễn Viên
– Giai đoạn 1948 – 1949:
+ Trưởng Ty: Nguyễn Viên
+ Phó trưởng Ty: Hoàng Mạnh, Trần Hưng Thừa
– Giai đoạn 1949 – 1950:
+ Trưởng Ty: Trần Hữu Súy
+ Phó trưởng Ty: Trần Hưng Thừa
4. Thời kỳ Ty Thông tin – Tuyên truyền Quảng Nam (1950 – 1952)
– Trưởng Ty: Trần Hưng Thừa
– Phó trưởng Ty: Võ Trọng Xán
5. Thời kỳ Ty Thông tin – Tuyên truyền Quảng Nam – Đà Nẵng (1952 – 1954):
– Trưởng Ty: Trần Hưng Thừa
– Phó trưởng Ty: Võ Trọng Xán, Lê Hà Đống
II. Giai đoạn 1954 – 1975
Các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, in ấn, xuất bản đều nằm trong Tiểu ban Tuyên truyền – Văn nghệ (Tiểu ban Tuyên Văn) trực thuộc Ban Tuyên huấn Quảng Nam – Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Đà.
III. Giai đoạn 1975 – 1997
Tháng 3/1975, Ty Thông tin – Văn hóa tỉnh Quảng Nam và Ty Thông tin – Văn hóa tỉnh Quảng Đà thành lập. Đến tháng 11 năm 1975, hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà được hợp nhất. Ty Thông tin – Văn hóa Quảng Nam và Ty Thông tin – Văn hóa Quảng Đà sáp nhập thành Ty Thông tin – Văn hóa Quảng Nam – Đà Nẵng, do đồng chí Lê Phước Toàn, Tỉnh ủy viên, làm Trưởng Ty. Năm 1980, Ty Thông tin – Văn hóa đổi thành Sở Văn hóa – Thông tin, do đồng chí Phạm Việt Dũng làm Giám đốc; Phó Giám đốc gồm các đồng chí Đoàn Xoa, Hồ Hải Học và Hoàng Hoa.
Từ năm 1982 đến năm 1988, đồng chí Nguyễn Đình An, Tỉnh ủy viên, về làm Giám đốc Sở thay đồng chí Phạm Việt Dũng; các đồng chí Hồ Hải Học, Nguyễn Văn Khái và Hoàng Hoa làm Phó Giám đốc.
Từ năm 1989, đồng chí Hồ Hân làm Giám đốc Sở; các đồng chí Hồ Hải Học, Phạm Văn Lư và Nguyễn Thanh Vân làm Phó Giám đốc.
Năm 1992, hợp nhất Sở Văn hóa – Thông tin và Sở Thể dục – Thể thao thành Sở Văn hóa – Thông tin và Thể thao Quảng Nam – Đà Nẵng, do đồng chí Hồ Hải Học làm Giám đốc; các đồng chí Phạm Văn Lư, Nguyễn Thanh Vân và Hoàng Hương Việt làm Phó Giám đốc. Năm 1994, Sở Văn hóa – Thông tin và Thể thao tách thành hai là Sở Văn hóa – Thông tin và Sở Thể dục – Thể thao.
IV. Giai đoạn từ 1997 đến 2008
Năm 1997, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương: tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Quảng Nam được thành lập, sau đó hợp nhất với Sở Thể dục – Thể thao thành Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Quảng Nam, do đồng chí Nguyễn Đức Tuấn làm Giám đốc; Phó Giám đốc gồm các đồng chí Đinh Hài và Nguyễn Lê Phong.
Năm 1998, Sở Văn hóa – Thể thao tách thành hai là Sở Văn hóa – Thông tin và Sở Thể dục – Thể thao. Sở Văn hóa – Thông tin do đồng chí Nguyễn Đức Tuấn làm Giám đốc, đồng chí Đinh Hài và đồng chí Trần Văn Phi làm Phó Giám đốc, từ năm 2002 bổ sung đồng chí Nguyễn Hoàng Bích; Sở Thể dục – Thể thao do đồng chí Nguyễn Văn Quy làm Giám đốc, đến năm 2003 đồng chí Trần Thế Thái làm Giám đốc và đến năm 2006 đồng chí Nguyễn Hữu Sáng làm Giám đốc Sở; các đồng chí Dương Thị Chiến và Nguyễn Lê Phong làm Phó Giám đốc, sau bổ sung đồng chí Nguyễn Thành Tự và Thiều Hòa.
Năm 2003, Sở Du lịch được thành lập trên cơ sở tách ra từ Sở Thương mại và Du lịch, đồng chí Đinh Hài được điều động làm Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam.
Năm 2004, đồng chí Thái Viết Tường thay đồng chí Nguyễn Đức Tuấn làm Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Quảng Nam.
V. Giai đoạn từ 2008 đến nay
Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam đã hợp nhất Sở Du lịch, Sở Thể dục thể thao với Sở Văn hóa – Thông tin và Bộ phận Gia đình của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng chí Đinh Hài, Tỉnh ủy viên, làm Giám đốc Sở; các đồng chí Phó Giám đốc Sở: Nguyễn Hoàng Bích, Nguyễn Văn Hàm, Nguyễn Thành Tự, Hồ Xuân Tịnh, Võ Thị Ngọc Hà, Hồ Tấn Cường
Văn Hùng (Văn phòng Sở – sưu tầm và biên soạn)