Lịch sử văn hóa tỉnh Bắc Ninh
Vùng đất, con người và truyền thống
I. Địa giới Bắc Ninh qua các thời kỳ lịch sử
Bắc Ninh là một tỉnh đồng bằng thuộc châu thổ Bắc Bộ, tiếp giáp tỉnh Bắc Giang ở phía Bắc và Đông Bắc, với tỉnh Hải Dương và Hưng Yên ở phía Đông Nam và Nam, với thủ đô Hà Nội ở phía Tây và Tây Bắc. Bắc Ninh là vùng đất ngàn năm văn hiến; có gần 700 người đỗ trạng, nghè, cống, có Cổ Loa, Luy Lâu, Long Biên đã là Thủ đô của nước Việt Nam; thời Bắc thuộc có nền kinh tế và văn hóa phát triển, một địa bàn quân sự trọng yếu của đất nước. Suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân địa phương từ đời này đến đời khác đã đổ nhiều xương máu đánh đuổi kẻ thù xâm lược để giữ vững chủ quyền độc lập của Tổ quốc, quê hương; lao động tích cực và sáng tạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội xây dựng cuộc sống ngày càng phồn thịnh và hạnh phúc.
Địa giới tỉnh Bắc Ninh qua các thời kỳ lịch sử như sau:
Thời Hùng Vương- An Dương Vương, đây là đất bộ Vũ Ninh trong nhà nước Văn Lang- Âu Lạc. Dưới thời Lý, địa phương có tên là Lộ Bắc Giang. Đến thời Hồ lại tách ra thành Lộ Bắc Giang và Lộ Lạng Giang.
Sang thời Lê: Sau một thời gian mang tên là Bắc Đạo, đến năm 1469, dưới triều Lê Thánh Tông, đổi thành trấn Kinh Bắc. Trên 4 thế kỷ, trấn Kinh Bắc ổn định số lượng 20 huyện nằm trong 4 phủ.
Dưới triều Nguyễn: Năm 1823, trấn Kinh Bắc đổi thành trấn Bắc Ninh. Năm 1831, trấn Bắc Ninh đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Thời kỳ này, tỉnh Bắc Ninh có 21 huyện, diện tích khoảng 6.000 km2, với số dân chừng 70 vạn người.
Thời thuộc Pháp: Tháng 10 năm 1895, thực dân Pháp chia Bắc Ninh thành 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, lấy sông Cầu làm địa giới. Trong những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp tiếp tục thay đổi địa giới để cuối cùng tỉnh Bắc Ninh còn 10 phủ, huyện là: phủ Từ Sơn, phủ Thuận Thành, phủ Gia Lâm và các huyện Văn Giang, Gia Bình, Lang Tài, Quế Dương, Võ Giàng, Tiên Du và Yên Phong.
Ngày 19 tháng 10 năm 1938, chính quyền thuộc địa Pháp ở nước ta quyết định nâng cấp thị xã Bắc Ninh lên thành phố cấp III.
Thời kỳ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tỉnh Bắc Ninh đặt dưới sự quản lý của ủy ban hành chính Bắc Bộ, rồi ủy ban hành chính Liên khu I, Liên khu Việt Bắc. Để thuận lợi cho việc chỉ đạo, quản lý, Quốc hội, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh địa giới các huyện, xã của tỉnh Bắc Ninh như sau: Tháng 8 năm 1950, huyện Gia Lương ra đời trên cơ sở hợp nhất Gia Bình và Lang Tài; huyện Quế Võ ra đời tháng 10 năm 1962, trên cơ sở hợp nhất Quế Dương và Võ Giàng; huyện Tiên Sơn ra đời tháng 3 năm 1963, sau khi Tiên Du, Từ Sơn đã chuyển một số xã sang Gia Lâm và Đông Anh; chuyển xã Đông Thọ, xã Văn Môn sang Yên Phong, nhận của Yên Phong hai xã Tương Giang và Phú Lâm và từ Quế Võ xã Khắc Niệm, xã Võ Cường. Tháng 4 năm 1961, huyện Gia Lâm cùng một số xã của các huyện Thuận Thành, Tiên Du, Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh được chuyển giao về Hà Nội.
Ngày 27 tháng 10 năm 1962, Quốc hội khóa II ra Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh- Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc, với 14 huyện, 2 thị xã. Ngày 01 tháng 4 năm 1963, đơn vị hành chính mới chính thức đi vào làm việc.
Sau 1/3 thế kỷ hợp nhất, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, ngày 06 tháng 11 năm 1996 đã ra Quyết định phê chuẩn việc tái lập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Ngày 1 tháng 1 năm 1997, tỉnh Bắc Ninh chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Thị xã Bắc Ninh trở thành thị xã tỉnh lỵ. Tỉnh Bắc Ninh có diện tích tự nhiên gần 822,7km2 với 1 thị xã, 5 huyện, có 123 xã, phường, thị trấn; dân số 925.997 người, là tỉnh có mật độ dân số cao (1.163 người/km2).
Sau khi tỉnh Bắc Ninh được tái lập để thuận lợi cho việc chỉ đạo, Quốc hội, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh địa giới các huyện, xã của tỉnh Bắc Ninh như sau: Tại nghị định số 68/1999/NĐ- CP ngày 9 tháng 8 năm 1999, Chính phủ quyết định chia tách huyện Gia Lương thành hai huyện Lương Tài và Gia Bình; huyện Tiên Sơn thành huyện Từ Sơn và Tiên Du. Tháng 4 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ có Nghị định số 37/2002/NĐ-CP thành lập đơn vị hành chính: phường Suối Hoa, thị xã Bắc Ninh và thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình. Tháng 1 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ có Nghị định số 15/2006/NĐ-CP thành lập thành phố Bắc Ninh. Tháng 9 năm 2008 thị xã Từ Sơn được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của huyện Từ Sơn và thành lập phường Trang Hạ thuộc thị xã Từ Sơn.
Thời gian và thay đổi địa giới hành chính tuy đã làm cho diện mạo của tỉnh Bắc Ninh có những thay đổi, nhưng mảnh đất ngàn năm văn hiến, địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng vẫn trường tồn và phát triển.
II. Chinh phục thiên nhiên, xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội
Vùng đất Bắc Ninh xa xưa gồm các khối đồi gò bên cạnh các ô ruộng trũng, đầm lầy và rừng rậm. Từ thời Lý đến thời Hồ (thế kỷ XI đến thế kỷ XV), rừng Báng (Đình Bảng) vẫn đầy ắp lâm lộc, hoa nghị và gỗ quý, đặc biệt là loại củ mài nhỏ có công hiệu chữa bệnh hơn cả sâm Trung Quốc. Vào thời nhà Hồ, rừng ở đây vẫn khai thác được hàng vạn cây ô mễ (tức gỗ mun) dùng vào việc rào sông, ngăn cửa biển đề phòng giặc Minh xâm lược. Ở Cổ Loa, rừng vẫn bạt ngàn, trong rừng cũng có loại củ mài là thứ đầu vị trong các thứ cống hiến, nó thú vị hơn cả củ mài ở rừng Báng. Ngày nay, dấu tích của rừng còn để lại trong các tên gọi như huyện Đông Ngàn (huyện rừng), Núi Lim (núi của rừng gỗ lim), rừng Sặt (Trang Liệt), rừng Cả (Tam Tảo), rừng Mành (Giới Tế), cùng với rừng (trám, sấu, thông) trải kín núi đồi vùng Đông Sơn, Phật Tích.
Do sự biến cải của thiên nhiên và bằng lao động sáng tạo của biết bao thế hệ nhân dân Bắc Ninh, các thảm thực vật đã được vùi lấp, các ô trũng và các vùng sình lầy đã được tạo dựng thành đồng ruộng, vườn bãi, ao hồ để trồng lúa, trồng ngô, cây ăn quả và nuôi thả tôm, cá. Nạn lụt lội và thiên tai đã từng gây cho con người biết bao thảm họa, đã được chuyển dòng chảy vào các con sông, con ngòi, phục vụ cho cuộc sống của con người. Sông Cầu, bắt nguồn từ Bắc Kạn, chảy qua địa phận Bắc Ninh từ ngã ba Sà (Yên Phong) đến Phả Lại có độ nước sâu từ 2m đến 6m tạo ra một đường thủy rất thuận lợi. Sông Cầu còn bồi đắp phù sa tạo thành hàng trăm héc-ta soi bãi màu mỡ, tạo điều kiện cho nhân dân gieo trồng rau màu và những nương dâu xanh tốt. Sông Đuống vốn là dòng Thiên Đức được đào từ thời Lý để nối sông Hồng với sông Thái Bình. Sông rộng và sâu, nước chảy xiết, lượng phù sa trong nước tới 1,028-1,4kg/m3. Đất ngoại đê sông Đuống bồi tụ hàng năm lên tới hàng nghìn héc-ta thuộc các huyện Tiên Du, Từ Sơn, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ. Đây là loại đất nguyên dạng phù sa sông Hồng, tỷ lệ mùn cao, dinh dưỡng khá, phù hợp với nhiều loại cây trồng cho năng suất cao. Nước sông Đuống đậm đặc phù sa nên hệ thống thủy lợi, thủy nông lấy nước tưới cho lúa, màu rất tốt. Sông Thái Bình, hợp lưu 3 dòng Đức: Thiên Đức (Đuống), Nguyệt Đức (Cầu), Nhật Đức (Thương), bắt đầu từ Phả Lại đến cửa Vạn úc, dài 93km, trong đó có 10km hữu ngạn chảy qua Gia Bình, Lương Tài, lòng sông rộng 300m đến 400m, độ sâu trung bình mùa cạn cũng đến 8-9m, rất thuận lợi cho giao thông đường thủy.
Hệ thống sông nhỏ, sông nội đồng phân bố khá dày đặc. Ngũ Huyện Khê – sông Thiếp, từ Đông Anh đổ xuống, chảy vào sông Cầu tưới tiêu cho một vùng đồng ruộng rộng lớn thuộc các huyện Tiên Du, Từ Sơn, Yên Phong, Quế Võ. Sông Tiêu Tương khởi đầu từ Phù Lưu (Từ Sơn), sông Ngụ (Gia Bình), sông Dâu (Thuận Thành) đều rất hữu ích cho nền nông nghiệp lúa nước.
Toàn bộ địa phận Bắc Ninh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ trung bình hàng năm là 23,50C, lượng mưa đạt 1.100mm-1.200mm/năm, có năm lên 1.800mm/năm. Độ ẩm trung bình là 82,5%. Khí hậu Bắc Ninh thuận lợi cho việc sinh trưởng của lúa, màu, cây công nghiệp, cây ăn quả và luân canh tăng vụ.
Bắc Ninh thuộc vùng đồng bằng, được hình thành trên trầm tích sa bồi, với loại đất chủ yếu là phù sa. Đồng đất và khí hậu tạo cho nhân dân trong tỉnh sản xuất ra loại thóc gạo ngon nhất, xứng đáng với lời ngợi ca: Đạm thực diệc giai Kinh Bắc (cơm Kinh Bắc ăn nhạt cũng ngon).
Từ xa xưa, nhân dân Bắc Ninh đã sớm chú ý đến sản xuất vật phẩm tiêu dùng, tiểu thủ công nghiệp. Hệ thống làng nghề xuất hiện sớm như gò đúc đồng (Đề Cầu, Đại Bái, Quảng Bố, Trang Liệt), chuyên làm đồ hàng sắt (Đa Hội, Đông Xuất, Ân Phú, Việt Yên, Thị Cầu, Nga Hoàng), làm đồ gốm (Bát Tràng, Phù Lãng), dệt vải lụa (Nội Duệ, Lũng Giang, Duệ Đông, Tiêu, Hồi Quan, Xuân ổ, Tam Tảo, Tam Sơn, Yên Phụ, Phù Ninh, Thống Thiện, Thượng Mão, Lãng Ngâm, Bà Dương, Tuyên Bá, Lĩnh Mai, Ngọc Trì), nung gạch ngói (Xuân ổ, Vĩnh Kiều, Tấn Bào, Tiêu Sơn, Lũng Giang), chạm đồ gỗ (Hương Mạc, Kim Thiều, Phù Khê), làm đồ sơn mài (Đình Bảng, Nội Trì, Lam Cầu, Phù Dực, Định Cương), làm cày bừa (Đông Xuất), làm giấy dó (Xuân ổ, Phong Khê), làm tranh (Đông Hồ), làm thợ mộc, thợ xẻ (Thiết Úng, Kim Bảng, Phù Khê, Đồng Kỵ, Đại Vi, Đỗ Xá, Tư Thế, Chi Nê…), làm thợ ngõa, thợ nề (Vĩnh Kiều, Tiêu Sơn, Lễ Xuyên, Nội Duệ, Chi Nê, Ngăm Điền, Đặng Xá…).
Hoạt động buôn bán ở Bắc Ninh cũng khá sôi nổi, ở các chợ kẻ bán người mua tấp nập, nhộn nhịp đông vui. Chợ Giầu, huyện Đông Ngàn (nay là TX Từ Sơn) là chợ sầm uất vào loại nhất tỉnh. Chợ Lim, huyện Tiên Du, bán nhiều tơ sống. Chợ Nội Trà, huyện Yên Phong, quán xá đông đúc, hàng hóa nhiều. Do thương mại phát triển nên đã xuất hiện các làng buôn như Phù Lưu, Đình Bảng (Từ Sơn) có tới 70-80% số người trong làng chuyên nghề buôn bán.
Dù làm ruộng, làm nghề thủ công hay buôn bán, từ thượng cổ cho đến ngày nay, nhân dân Bắc Ninh vẫn sống cùng nhau với mô hình cộng đồng làng xóm. Mái đình, giếng nước, cây đa đã gắn bó dân làng với nhau hết sức keo sơn, tràn đầy tình nghĩa.
Ở Bắc Ninh, đình không chỉ là nơi thờ thành hoàng của làng, là nơi tế tự và hội họp mà đình còn là nơi mở hội làng. Gần như hết mùa xuân các làng xã của Bắc Ninh đều vào đám và mở hội. Mỗi hội có những nét riêng, nhưng nhiều người ca ngợi về Hội Lim – hội chùa và hội Quan họ với làn điệu dân ca trữ tình mượt mà độc đáo; hội Đình Bảng ca ngợi 8 đời vua Lý có công mở ra thời kỳ văn minh Đại Việt; hội Dâu, hội chùa. Các hội chùa đã tạo ra không khí tươi vui, lành mạnh trong vùng. Về nghệ thuật, dân ca Quan họ Bắc Ninh với hàng trăm làn điệu trữ tình được nhiều người mê say, ngưỡng mộ.
Theo nhiều ngả khác nhau, Phật giáo đã vào Bắc Ninh từ đầu Công nguyên. Dòng Nam Phương và Quan Bích là cơ sở chủ yếu của đạo Phật ở Việt Nam. Đạo Thiên chúa xuất hiện ở Bắc Ninh vào đầu thế kỷ XVIII. Thôn Tử Nê thuộc xã Phá Lãng (Lương Tài) đón nhận sớm nhất, rồi truyền bá sang các thôn Lai Tê, Nghĩa La, Hương La. Sau đó các nhà truyền giáo tiếp tục dựng đặt thêm cơ sở ở Phượng Mao, Phong Cốc, Xuân Hòa…(Quế Võ), Ngô Khê, Đông Tảo (Yên Phong), Dũng Vi (Tiên Du), Cẩm Giang (Từ Sơn), Ngăm Điền (Gia Bình).
Nho giáo và Hán học vào Bắc Ninh từ đầu Công nguyên, để từ đó lan tỏa đi khắp đất nước. Tuy nhiên đến thời nhà Lý, Nho giáo và Hán học mới được phát triển. Suốt chặng đường 825 năm (1075-1901), tham gia thi cử tại nơi cửa khổng, nho sĩ Bắc Ninh đã giành nhiều vị trí hàng đầu cả về số lượng và học vị.
Xứ Kinh Bắc đỗ đại khoa có tới gần 700 người. Có trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh, quê xã Đông Cứu, huyện Gia Bình. Khoa Mậu Thân (1508), nho sĩ Bắc Ninh chiếm giải Tam khôi: trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, người xã Hương Mạc, huyện Đông Ngàn; bảng nhỡn Hứa Tam Tỉnh, người xã Như Nguyệt, huyện Yên Phong; thám hoa Nguyễn Hữu Nghiêm, người xã Phúc Khê, huyện Đông Ngàn. Ở xã Hoài Bão, huyện Tiên Du có Nguyễn Đăng Hạo thi hương, thi hội, thi đình, thi đông các đều đỗ đầu. Đi sứ, nổi tiếng ở nước Tàu, được vua nhà Thanh tặng là khôi nguyên. Em trai là Nguyễn Đăng Minh đỗ cùng bảng và cháu gọi bằng chú là Nguyễn Đăng Đạo đỗ trạng nguyên. Gia đình là một vọng tộc ở huyện Tiên Du- trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo đi sứ, thông minh, tài giỏi kiệt xuất được phong lưỡng quốc trạng nguyên, khi Nguyễn Đăng Đạo mất được vua ban cờ và câu đối:
Tiến sĩ thượng thư thiên hạ hữu
Trạng nguyên tể tướng thế gian vô.
Dịch:
Thiên hạ có tiến sĩ làm chức thượng thư
Thế gian hiếm trạng nguyên lại là tể tướng.
Xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn có bảng nhỡn Ngô Đạm với chức hàn lâm thi thư, dự hội Tao Đàn được phong tước Thái Bảo. Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu là con. Tiến sĩ Ngô Diễn và Ngô Dịch là cháu ông. Cha truyền con nối hiển đạt, là một dòng họ danh vọng ở Đông Ngàn.
Trong cái biển học mênh mông suốt mấy trăm năm đó, làng Kim Đôi nổi bật hơn cả bởi sự đồ sộ về số lượng đại khoa.
Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí viết: “Về những họ nối đời hiển đạt như các họ ở làng Kim Đôi, Vịnh Kiều, Vân Điềm, Vọng Nguyệt đều hơn cả một xứ… Làng Kim Đôi ở huyện Võ Giàng có họ Nguyễn từ Nhân Thiếp trở xuống ba đời thi đỗ 13 người. Đầu thời Lê, năm anh em đồng thời cùng đỗ cả, con cháu nối nhau đỗ cao làm quan to trong triều”.
Đại Nam nhất thống chí ghi đậm nét hơn: “Năm anh em cùng làm quan một triều, đời bấy giờ ví anh em nhà này như Ngũ Quế ở Yên Sơn. Thánh Tông từng bảo thị thần rằng: Kim Đôi gia thế, chu tử mãn triều (gia thế làng Kim Đôi áo đỏ áo tía đầy triều). Như thế là có ý khen ngợi nhiều lắm”.
Châu Cổ Pháp xưa, nay là làng Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là nơi phát tích vương triều Lý, một vương triều có 9 đời vua (1009-1225) với 216 năm trị vì đã xây dựng nên một nền văn minh Đại Việt.
Với tư duy khoa học, nhìn xa trông rộng, vua Lý Thái Tổ thấy thành Hoa Lư không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác, tự tay viết chiếu truyền rằng: “… Trẫm rất đau đớn, không thể không dời. Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”. Bầy tôi đều nói: “Bệ hạ vì thiên hạ lập kế dài lâu, trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có, điều lợi như thế ai dám không theo”. “Vua rất mừng”.
Mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010), vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành là thành Thăng Long. Đổi châu Cổ Pháp gọi là phủ Thiên Đức, thành Hoa Lư gọi là phủ Trường Yên, sông Bắc Giang gọi là sông Thiên Đức. Xuống chiếu phát tiền kho 2 vạn quan, thuê thợ làm chùa ở Thiên Đức, tất cả ở 8 sở, đều dựng bia ghi công.
Thăng Long rồng cuộn hổ ngồi đã tạo dựng ra nền văn minh Đại Việt và trước hết là nền văn minh lúa nước. Vua Lý Thái Tông đích thân đi cày ruộng “Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì để xướng xuất thiên hạ?”. “… nhân dân thiếu ăn thì xuống chiếu khuyến nông”. Lại chiếu rằng: “Trâu là một con vật quan trọng trong việc cày cấy, lợi cho người không ít. Từ nay về sau… không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì trị tội theo pháp luật” và hàng năm đến vụ lúa chín, vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông đều ngự giá kinh lý xem nhân dân gặt hái. Công việc tu bổ đê điều chống hạn lụt cũng được các triều đại hết sức chú trọng. Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa cùng nhiều nghề thủ công mỹ nghệ phát triển mạnh mẽ.
Mùa thu, tháng 8 năm Canh Tuất (1070) làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây.
Mùa xuân, tháng Giêng năm Tân Hợi (1071), vua viết bia chữ “Phật” dài 1 trượng 6 thước đặt ở chùa Tiên Du.
Năm Ất Mão (1075), vua Lý Nhân Tông “xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học”. Hán học được mở rộng và phát triển, đào tạo cho đất nước hàng trăm ông trạng, ông nghè, ông cống, một đội ngũ trí thức hiểu rộng tài cao.
Tháng 9 năm Nhâm Ngọ (1042), vua Lý Thái Tông xuống chiếu về việc phú thuế của trăm họ “… lấy quá thì xử theo tội ăn trộm; trăm họ có người tố cáo được tha phú dịch cho cả nhà trong 3 năm; người ở kinh thành mà cáo giác thì thưởng cho bằng hiện vật thu được. Nếu quản giáp, chủ đô và người thu thuế thông đồng nhau thu quá lệ, tuy xảy ra đã lâu, nhưng có người tố cáo thì quản giáp (quản giáp là quan châu giữ việc kinh), chủ đô và người thu thuế cũng phải tội như nhau” “Ban sách hình thư”, “… làm sách hình luật của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu”, “… cho đặt cái hòm đồng ở giữa sân, để ai có nói việc gì thì bỏ thư vào trong ấy”.
Như vậy, chế độ phong kiến tập quyền nhà Lý đã chú trọng xây dựng pháp luật để cai trị, có thiết chế quản lý Nhà nước của vương triều Lý đã đưa xã hội vào kỷ cương khuôn phép, ổn định và phát triển.
Một điều nổi bật của Vương triều Lý là bà Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, một nhà nhiếp chính tài giỏi, sự nghiệp của bà sống mãi với non sông đất nước.
Tục truyền rằng, vua Lý Thánh Tông đi khắp các chùa quán, “xa giá vua đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ đứng nép trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân”.
Bính Ngọ (1066), “Mùa xuân, tháng giêng, ngày 25 giờ Hợi, Ỷ Lan sinh Hoàng tử Càn Đức. Ngày hôm sau, lập làm Hoàng thái tử, đổi niên hiệu, đại xá, phong mẹ thái tử là Ỷ Lan phu nhân làm thần phi”. Vua đi đánh giặc Chiêm Thành, giao cho Ỷ Lan phu nhân quyền nhiếp chính, khi trở về “đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên Phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa hoà hợp, trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi bà là Quan Âm, vua nói: Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao! Bèn quay lại đánh nữa, thắng được”. Ỷ Lan được nhân dân gọi là Quan âm có nghĩa là sự đức độ, lòng nhân ái, bác ái của Ỷ Lan như Phật bà Quan âm bồ tát.
Ngày 25 tháng giêng năm Nhâm Tý (1072), Hoàng thái tử Càn Đức lên ngôi hoàng đế tức Lý Nhân Tông, khi ấy mới 7 tuổi. Mẹ đẻ Lý Nhân Tông là Ỷ Lan Nguyên phi làm Hoàng thái phi. Ỷ Lan trước đây đã giúp chồng nhiếp chính nay lại giúp con, vì Lý Nhân Tông nối nghiệp mới có 7 tuổi đời.
Khi giặc Tống chuẩn bị tiến công Đại Việt, vua biết tin sai Lý Thường Kiệt chủ động đánh thành Ung Châu của quân nhà Tống. Giặc Chiêm Thành ở phía nam cũng bị Lý Thường Kiệt dẹp tan, giữ yên bờ cõi.
Đến tháng 3 năm Bính Thìn (1076), nhà Tống sai tướng Quách Quỳ và Triệu Tiết mang quân xâm lược nước ta. Hoàng thái hậu Ỷ Lan đã giúp vua nhiếp chính sai Lý Đạo Thành quan phụ chính lo việc chính sự trong triều đình. Cử Lý Thường Kiệt thống lĩnh đại quân củng cố chiến tuyến sông Cầu, lũy cao, hào sâu và đóng quân ở Yên Phụ, Đại Lâm (Yên Phong), lập căn cứ thủy quân ở Vạn Xuân (Quế Dương). Quân sĩ nhà Tống đã bị tướng quân Lý Thường Kiệt cùng quân dân Đại Việt đánh cho tan tành, buộc phải giảng hòa rút chạy về nước. Cuộc xâm lược lần thứ hai của quân Tống hoàn toàn bị thất bại.
“Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng đọc to rằng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Dịch:
Sông núi nước Nam, Nam đế ở
Rõ ràng phân định tại sách trời
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm?
Cứ thử làm xem, chuốc bại nhơ”.
Bài thơ trên được Lý Thường Kiệt đọc là bản anh hùng ca bất hủ, được coi là lời tuyên ngôn độc lập của nước Đại Việt.
Bắc Ninh đã sản sinh và cung cấp cho đất nước một đội ngũ trí thức tài đức, hiểu rộng biết nhiều, có nhãn quan tinh tế. Họ là nhà ngoại giao, nhà thơ, nhà quản lý xuất sắc của đất nước.
Trong dòng văn học thành văn bằng chữ Hán- còn gọi là văn học Hán học, dòng thơ thiền với tên tuổi của Nguyễn Học, Thiền Lão, Lâm Khu, Tô Minh Trí (Yên Phong); Vạn Hạnh, Đàm Cứu Chỉ, Phạm Thường Chiếu, Vương Minh Thiềm, Lý Ngọc Kiều (Từ Sơn), đã đem vào thi ca sự khoáng đạt, những tâm niệm về nhân sinh với những nét đặc sắc Việt Nam.
Đội ngũ văn nhân thi sĩ Bắc Ninh vào thời Lê đã để lại nhiều ấn phẩm có giá trị: Vũ Mộng Nguyên với Vị khê thi tập; Nguyễn Thiên Tích có Tiên Sơn thi tập; Đào Cừ, Đàm Văn Lễ cùng biên soạn Thiên Nam dư học tập; Thái Thuận có Lã Đường thi tập; Đàm Thận Huy có Mạc trai thi tập; Nguyễn Giản Thanh có Thượng Côn châu ngọc tập; Nguyễn Đăng Đạo có Phụng sứ tập; Nguyễn Công Hãng có Trịnh xà thi tập; Nguyễn Gia Thiều có Cung oán ngâm khúc; Đoàn Thị Điểm có Chinh phụ ngâm; Lê Ngọc Hân có Ai tư vãn. Phơi bụng viết kinh là quan thám hoa người Hoài Bão- Nguyễn Đăng Hạo, tài hoa độc đáo lưu danh muôn thủa. Người nhà Thanh (Trung Hoa) bấy giờ kính phục than rằng: “địa linh nhân kiệt đời nào cũng có, nhưng vượt trội hơn cả từ nay về sau chỉ có một Đăng Hạo”.
Mạch văn học ấy dưới thời Nguyễn cũng phát triển với những tên tuổi như Hoàng Văn Hòe, Cao Bá Quát, Nguyễn Cao, Nguyễn Tư Giản. Đến nay Bắc Ninh lại rất đỗi tự hào là quê hương của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Trần Đức Thảo, Hoàng Tích Chu, Nam Xương, Thế Lữ, Nguyễn Ngọc Tuyết, Hoàng Cầm, Hồ Bắc, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Phan Hách và bao tài năng trẻ khác. Những tác phẩm văn học và nghệ thuật cùng với những tên tuổi của các tác giả ấy là niềm tự hào và sẽ sống mãi cùng với quê hương, đất nước.
Người Bắc Ninh thanh lịch, hào hoa, thông minh, sáng tạo. Các thế hệ người Bắc Ninh có tính cộng đồng cao, luôn đoàn kết thủy chung bên nhau, vượt khó đi lên xây dựng quê hương, đấu tranh dũng cảm, kiên cường bảo vệ quê hương, đất nước.
III. Truyền thống yêu nước và cách mạng
Trang sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân Bắc Ninh có từ thời Hùng Vương thứ 6.
Trước họa xâm lăng do giặc Ân gây nên, nhân dân bộ Vũ Ninh đã có chàng trai làng Gióng vụt lớn, đứng lên cưỡi ngựa sắt, nhổ tre đằng ngà đánh đuổi kẻ thù khỏi bờ cõi. Núi Vệ Linh đã chứng kiến lần cuối cùng Phù Đổng Thiên Vương trở về cõi trời sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả vẻ đẹp, hình tượng ấy đã làm tỏa sáng truyền thống chống giặc ngoại xâm của nhân dân Bắc Ninh như lời Cao Bá Quát cảm khái:
“Đánh giặc còn hiềm ba tuổi muộn
Lên mây chín tầng hận chưa cao”.
Cuối thời Hùng Vương, nhà nước Âu Lạc ra đời với Cổ Loa thành kiên cố và nỏ liễu phòng chống giặc ngoại xâm. Tác giả của các công trình quân sự này là Cao Lỗ, quê ở Tiểu Than (Vũ Ninh). Nhờ đó, vào năm 218 trước Công nguyên, quân đội Âu Lạc đã giành được thắng lợi quan trọng. Tướng nhà Tần là Đồ Thư bị giết. Mấy chục vạn quân Tần phải rút lui.
Đến tháng 11 năm 210 trước Công nguyên (TCN), Tần Thủy Hoàng chết ở Sa Khâu, lợi dụng cơ hội ấy Nhâm Ngao và Triệu Đà đem quân vào Âu Lạc nhưng bị đánh bại, bèn tìm cách đánh cắp bí mật quân sự của Cao Lỗ chiếm cao điểm Tiên Du tấn công Cổ Loa.
Năm 179 TCN, Triệu Đà bất ngờ tấn công, chiếm được Cổ Loa. Đất nước Âu Lạc rơi vào tay kẻ thù phương Bắc.
Thâu tóm được Âu Lạc hơn 60 năm thì nhà Triệu bị Tây Hán tiêu diệt. Đến đầu Công nguyên, nhà Đông Hán lên thay, vùng đất Bắc Ninh thuộc quận Giao Chỉ. Dưới sự cai trị của thái thú Tô Định, cuộc sống nhân dân vô cùng khổ cực.
Không cam chịu kiếp sống nô lệ, mùa xuân năm 40, cuộc khởi nghĩa Mê Linh do Trưng Trắc, Trưng Nhị lãnh đạo bùng nổ, nhân dân địa phương đã vùng đứng dậy hưởng ứng với những tên tuổi như Nguyệt Thai, Nguyệt Độ, ả Lã- Rộng Nhị, ả Tắc- ả Dị, Diệu Tiên- Pháp Hải, Doãn Công- Đào Nương và hàng chục danh tướng khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc khởi nghĩa Mê Linh đã giành thắng lợi. Luy Lâu, Long Biên và 63 thành trì khác được giải phóng. Bản anh hùng ca bất diệt của một thời vô cùng oanh liệt, những tấm gương anh dũng vô song của phụ nữ Bắc Ninh ngàn năm còn ngời sáng.
“Dẹp giặc Tô Định tham tàn, quyết lấy quần thoa thay kiếm kích. Phù triều Trưng Vương hiển hách, khéo đem khăn yếm giữ non sông”.
Liền trong mấy thế kỷ, nhân dân địa phương phải sống dưới ách thống trị của nhà Ngô, nhà Tần, nhà Tề, nhà Đường. Năm 542, Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, đã nhận được sự hưởng ứng kịp thời của Tuy Ông (Lập ái, Gia Bình); Nguyễn Thi, Nguyễn Quảng, Nguyễn Vân (Đông Côi, Thuận Thành); Trương Hống, Trương Hát (Vân Mẫu, Quế Dương) cùng nhiều hào trưởng khác như Tinh Thiều, Triệu Túc, Phạm Tu, Lý Phục Man… Sau khi chiếm được lỵ sở Giao châu, ông lên ngôi lấy hiệu là Lý Nam Đế, lập nước Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên.
Năm 545, quân nhà Lương từ Trung Quốc kéo sang, chiếm lại được Long Biên. Cuối năm 548, Lý Nam Đế mất, Triệu Quang Phục là con Triệu Túc lên thay rút về đầm Dạ Trạch hoạt động suốt ba năm trời. Lợi dụng tướng nhà Lương là Trần Bá Tiên đem quân về Trung Quốc cướp ngôi, Triệu Quang Phục đã tổ chức phản công, giết chết Dương Sàn, giành lại Long Biên rồi lại lên ngôi lấy tên là Triệu Việt Vương.
Hơn 20 năm sau, Lý Phật Tử đoạt quyền. Trương Hống, Trương Hát và nhiều tướng lĩnh khác không theo đã tự vẫn. Năm 602, Lý Phật Tử tức hậu Lý Nam Đế hèn yếu, đẩy nước ta vào vòng Bắc thuộc như những thế kỷ trước.
Năm 980, đất nước vừa giành được quyền độc lập, nhà Tống lại lăm le thôn tính. Nhận biết vị trí quan trọng của vùng Thiên Đức, Lê Đại Hành đã đích thân chỉ đạo việc xây thành Bình Lỗ trên sông Cầu kéo từ Yên Phong đến Võ Giàng.
Tuy quân Tống bị chặn trước sông Cầu, nhưng một vài cánh quân của chúng đã đến được Hoa Bộ (Hoa Lâm), hợp quân ở Đa La (Đa Hội, Đa Vạn) vào tháng 4 năm 981. Tướng giặc Hầu Nhân Bảo bị giết ở Bình Lỗ. Hai cánh quân của Tôn Toàn Hưng, Lưu Trường bị đánh bật khỏi Hoa Bộ, chết quá nửa, thây chất đầy đồng, phải theo đường sông chạy ra biển. Các tướng Quách Quang Biện, Triệu Phụng Huân bị bắt sống.
Lê Đại Hành tiếp tục xuôi sông Cầu, sông Thái Bình đuổi giặc. Chàng Dì, một thủ lĩnh quê Dị Sử (Lương Tài) đã đem toàn bộ lực lượng của mình tham gia truy kích, bất ngờ tập kích vào trại quân của địch, giành nhiều thắng lợi lớn được triều đình cử làm thống lĩnh các đạo quân binh.
Năm 1073, dưới triều Lý Nhân Tông, một lực lượng thủy quân lớn của địch từ phía Chiêm Thành đã vượt biển vào sông Thái Bình để tiến sâu vào nội địa Đại Việt. Chúng đã bị quân và dân Đại Việt đánh lui.
Cuối năm 1075, với chủ trương đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc (Tiêu phát chế nhân), Lý Thường Kiệt đem hơn 10 vạn quân thủy bộ bất ngờ tập kích vào các căn cứ quân sự, hậu cần của quân Tống mà trung tâm của nó là thành Ung Châu.
Mùa xuân năm 1076, tại chiến tuyến sông Cầu, Lý Thường Kiệt cùng quân dân Đại Việt đã đập tan cuộc xâm lược lần thứ hai của quân nhà Tống.
Cuối thế kỷ XIII, dưới triều Trần, Bắc Ninh lại trở thành hướng chính của cuộc xâm lược do quân Nguyên tiến hành vào năm 1285 và 1288. Với khí thế của Hội nghị Bình Than, nhân dân địa phương đã hăng hái tham gia xây dựng phòng tuyến từ Phả Lại đến Châu Cầu, Lãm Sơn, Nghi Vệ, Phật Tích. Hơn 1.000 chiến thuyền được điều đến đóng giữ ở Bình Than, Vạn Tải và Vũ Dương. Lý Nương tập hợp được nhiều dân binh ở xã Xuân ổ. Châu Nương quê ở Đình Bảng cùng chồng là Trần Thái Bảo đã lập được nhiều chiến công ở Châu Hoan và gìn giữ kho tàng tại Thăng Long.
Cuối năm 1327, nửa triệu quân Nguyên lại tràn vào Đại Việt. Nhân dân Đại Than, Bình Than, Châu Cầu, Thất Gian, Phù Than, Tiểu Than, Văn Than, Cao Trụ, Bà Dương đã tham gia lấp cửa Đại Than góp phần vào chiến thắng kẻ thù lần thứ ba, giữ vững nền độc lập của đất nước Đại Việt.
Nhà Trần lâm vào tình cảnh vui chơi hưởng lạc, trễ nải việc nước, nhân cơ hội ấy, cha con Hồ Quý Ly cướp ngôi. Trước tình hình ấy, đầu năm 1407, nhà Minh phát động cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt, từ đó nhân dân nước ta sống trong cảnh đô hộ của nhà Minh.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh đã thu hút nhiều trai tráng Bắc Ninh vào hàng ngũ nghĩa quân. Ngô Đễ người Khánh Lâm (Rừng Mành) “có nhiều chiến công, được Lê Lợi phong công thần thống lãnh đại tướng quân”. Nguyễn Nghi người Dương Sơn, nhờ lập được nhiều chiến công, được phong hùng uy tướng quân. Thành Điêu Diêu (Gia Lâm) của quân Minh bị hạ vào tháng 2 và tháng 3 năm 1427, quân Minh do Đường Bảo Trinh chỉ huy đóng tại thành Thị Cầu buộc phải đầu hàng, đều có sự tham gia của nghĩa quân và nhân dân địa phương Bắc Ninh.
Chiến thắng Điêu Diêu, Thị Cầu góp phần quan trọng trong sự nghiệp đánh đổ ách thống trị của nhà Minh tồn tại 20 năm (1407-1427) ở nước ta.
Năm 1873, thực dân Pháp gây ra sự biến Quý Dậu, xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Cao, Hoàng Văn Hòe các đội nghĩa dũng của địa phương đã sát cánh cùng quân đội của triều đình do Phạm Thận Duật, Trương Quang Đảng chỉ huy, tiêu diệt chốt đóng quân của địch ở Gia Lâm (ngày 04 tháng 12 năm 1873) giải phóng Siêu Loại (ngày 21 tháng 12 năm 1873) bắt sống hàng trăm tên.
Chưa chiếm được Bắc kỳ, đầu năm 1882 thực dân Pháp lại tiến hành xâm lược lần thứ hai, Nguyễn Cao một lần nữa lại phối hợp với các đội nghĩa dũng bao vây địch ở Đồn Thủy, đột nhập Hàng Đậu, tấn công Cửa Đông. Nhân dân hai huyện Tiên Du, Đông Ngàn đã khẩn trương xây dựng một chiến lũy từ làng Đình Bảng đến sông Đuống, đề phòng giặc Pháp đánh chiếm thành Bắc Ninh.
Mùa xuân năm 1884, thành Bắc Ninh bị thất thủ. Nhân dân địa phương sát cánh cùng đội quân Tam tỉnh nghĩa đoàn do Nguyễn Cao, Dương Khải, Ngô Quang Huy và Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo đánh giặc. Khi Nguyễn Cao hy sinh và phong trào Tam tỉnh nghĩa đoàn tan rã, họ lại có mặt trong đội ngũ của Đội Văn gây cho địch nhiều thiệt hại trên địa bàn các huyện Lang Tài, Gia Bình, Siêu Loại, Tiên Du.
Đầu thế kỷ XX phong trào Trung châu ứng nghĩa đạo có cơ sở ở Từ Sơn, Văn Lâm, Thuận Thành với 300 cây súng sẵn sàng hỗ trợ cùng nghĩa quân Yên Thế đánh chiếm Hà Nội. Cử nhân Nguyễn Văn Đảng, người Nội Duệ (Tiên Du), đã tổ chức tại nhà mình với sự có mặt của các chí sĩ Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền để hợp nhất hai nhóm ám xã và Minh xã. Sau đó xây dựng phân hiệu Đông Kinh Nghĩa Thục ở Phù Ninh (Tiên Du). Nhiều nhân sĩ khác như Ngô Gia Du (Tam Sơn); Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Văn Duyên (Phù Khê) đã tham gia phong trào rất tích cực. Đặc biệt là tú tài Hoàng Tích Phụng, quê ở Phù Lưu (Từ Sơn), tuy đang làm tri huyện nhưng vẫn hòa nhập vào các cuộc vận động công khai và là một thành viên trong ban Hán học của nhà trường.
Truyền thống yêu nước chống giặc phương Bắc, chống thực dân Pháp xâm lược của các thế hệ nhân dân Bắc Ninh đã hun đúc và tạo tiền đề cho công cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc, đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta- Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tức Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và rèn luyện.