Lỗ hổng khiến tiền dễ chuyển ‘chui’ ra nước ngoài
Từ vụ chuyển 30.000 tỷ đồng trái phép ra nước ngoài, theo tìm hiểu, hiện có khá nhiều phương thức chuyển tiền chui, dễ qua mặt cơ quan quản lý.
Từ vụ chuyển 30.000 tỷ đồng trái phép ra nước ngoài, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có khá nhiều phương thức chuyển tiền chui, dễ qua mặt cơ quan quản lý.
Trong khi việc chuyển tiền ra nước ngoài hợp pháp phải thực hiện tại các tổ chức tín dụng, tổ chức chuyển tiền quốc tế chính thống, giới hạn số tiền chuyển, chịu phí… thì dịch vụ chuyển tiền “chui” thông qua các ứng dụng, sàn giao dịch tiền ảo… không có bất cứ giới hạn nào, khiến nhiều người sử dụng phương thức bất hợp pháp này.
Chuyển “chui” nhanh hơn hợp pháp
Ứng dụng WeChat và Alipay (các ứng dụng thanh toán trực tuyến của Trung Quốc) lâu nay được rất nhiều người giao dịch, chuyển tiền. Một tiểu thương kinh doanh quần áo tại Saigon Square (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TPHCM) cho hay, những lần nhập hàng số lượng lớn từ Trung Quốc về, chị đều chuyển tiền cho đối tác bằng WeChat. Ứng dụng này dễ dàng tải về điện thoại, xác thực tài khoản bằng thẻ Visa/Master Card hoặc tài khoản ngân hàng Trung Quốc (có thể mở dễ dàng tại Việt Nam) là có thể giao dịch, thanh toán tiền hàng hóa với đối tác tại Trung Quốc.
Hiện có nhiều kênh chuyển tiền “chui” thông qua các điểm đổi ngoại tệ, cửa hàng giao nhận hàng quốc tế…
Ứng dụng có thể chuyển trực tiếp vào ví WeChat của người nhận, hạn chế là chỉ chuyển được 10.000 nhân dân tệ/lần (khoảng 36 triệu đồng). Còn nếu chuyển tiền từ WeChat vào tài khoản của người nhận, có thể chuyển không giới hạn số tiền, song phải chịu mức phí là 0,1%. Ngoài ra, nếu không có thẻ Visa/Master Card, tài khoản ngân hàng Trung Quốc thì có thể nhờ dịch vụ chuyển tiền, nạp tiền WeChat.
Một cửa hàng trong hẻm 39 Sư Vạn Hạnh (Q.10) báo với chúng tôi mức phí chuyển khá thấp, chỉ 50 tệ (170.000 đồng). Trong khi đó, các dịch vụ quốc tế chính thống phí khá cao. Chẳng hạn, tại Western Union, nếu chuyển từ 1.000 USD trở xuống có phí là 20 USD (460.000 đồng), từ 1.000-2.000 USD có phí là 25 USD (575.000 đồng), trên 10.000 USD có phí là 100 USD (2,3 triệu đồng)…
Tại các ngân hàng, mức phí chuyển tiền dao động từ 0,2-0,25%, trường hợp người gửi chịu toàn bộ phí thì từ 20-30 USD, bị giới hạn mức chuyển tiền tùy theo nhu cầu học tập, chữa bệnh hay cho, tặng người thân.
Một hình thức khác là thông qua các dịch vụ “chui” từ các tiệm vàng, các điểm đổi ngoại tệ hoặc các cửa hàng chuyên giao nhận hàng quốc tế. So với các điểm dịch vụ chuyển tiền chính thống, có thể chuyển tiền đi tất cả các nước thì các điểm dịch vụ “chui” chỉ nhận chuyển tiền một nước hoặc nhiều lắm là hai nước.
Chủ tiệm vàng khá lớn trên đường Phan Văn Hớn (Q.12) cho biết, tiệm nhận chuyển tiền sang Nhật với mức phí là 1% trên tổng số tiền gửi, không giới hạn số tiền. Còn một điểm dịch vụ tại hẻm 141 đường Lạc Long Quân (Q.11) thì nhận chuyển tiền sang Mỹ với phí là 1,3% trên tổng số tiền gửi.
Ngoài ra, các sàn giao dịch tiền ảo cũng đang trở thành một phương thức chuyển tiền chui ra nước ngoài. Một đầu nậu chuyển tiền ra nước ngoài cho biết, bất kỳ sàn tiền ảo nào như Bitcoin, Ethereum, Litecoin… đều có thể chuyển tiền, trong đó qua sàn Bitcoin nhiều nhất. Theo đó, có thể bỏ tiền mua Bitcoin, lưu vào địa chỉ ví BTC (ví Bitcoin) rồi gửi Bitcoin cho người nhận, với điều kiện người nhận cũng tạo ví BTC. Người nhận có thể sử dụng số Bitcoin đã nhận để bán lấy tiền mặt qua một sàn giao dịch của nước đó…
Cuộc chiến mới về quản lý tiền tệ
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận, nếu chuyển tiền ra nước ngoài thông qua tài khoản ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, khám chữa bệnh thì ngân hàng kiểm soát được. Còn nếu chuyển tiền bằng nhiều hình thức khác, không qua ngân hàng thì ngân hàng rất khó quản lý.
Song, theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, thậm chí có một số phương thức thông qua ngân hàng mà các đối tượng tìm cách lách luật thì các ngân hàng cũng khó xác minh. Chẳng hạn, các đối tượng thành lập công ty hẳn hoi, giả vờ liên lạc trao đổi mua bán qua thư điện tử rồi chứng minh với ngân hàng mình có đơn hàng, cần chuyển một số tiền ra nước ngoài để thanh toán hàng hóa thì ngân hàng cũng khó xác minh tính chính xác để từ chối giao dịch.
Trong năm 2019, tại tỉnh Quảng Ninh xảy ra vụ việc một đối tượng đã bán 177 bộ hồ sơ xuất nhập khẩu cho những người làm nghề đổi tiền ở tỉnh Lạng Sơn. Trên hồ sơ này thể hiện rõ có nhập khẩu hàng hóa nước ngoài, có tờ khai hải quan, hóa đơn thương mại, hợp đồng mua bán cả bên mua ở Việt Nam và bên bán ở Trung Quốc. Những người làm nghề đổi tiền đã dùng hồ sơ này để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài thông qua ngân hàng. Tổng số tiền các đối tượng đã chuyển trót lọt lên đến gần 30.000 tỷ đồng. “Những vấn đề này đặt ra thách thức không nhỏ về biện pháp, công cụ quản lý, sự quyết liệt của các nhà quản lý”, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói.
Với các khoản tiền nhỏ, sở dĩ người dân vẫn chọn kênh chuyển tiền “chui” là do thủ tục đơn giản, nhanh gọn, chênh lệch tỷ giá không nhiều. Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Doãn Hữu Tuệ, để người dân sử dụng kênh chuyển tiền chính thức thì các tổ chức chuyển tiền quốc tế và ngân hàng cần bắt tay nhau giảm phí chuyển tiền, thủ tục đơn giản hơn.
Với các kênh chuyển tiền qua sàn giao dịch tiền ảo, do Việt Nam chưa công nhận nên vẫn chưa có hành lang pháp lý để quản lý. Song dù có công nhận loại tiền này thì việc quản lý khá phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc và liên kết của nhiều bộ, ngành.
(Theo Báo Phụ Nữ)