Lừa đảo liên quan tiền ảo: Vì sao vẫn diễn ra?
(HNM) – Bất chấp cảnh báo từ cơ quan chức năng, những vụ lừa đảo liên quan đến tiền ảo vẫn tiếp tục diễn ra khiến hàng nghìn người mất tiền, thậm chí lâm cảnh nợ nần… Vì sao lại có tình trạng này?
Siết chặt việc quản lý tiền ảo là rất cần thiết. Ảnh: Ngọc Thạch
Không chỉ dừng lại ở những vụ lừa đảo nhỏ, thời gian gần đây các công ty biến tướng kinh doanh tiền ảo, máy đào tiền ảo quy mô lớn vẫn liên tiếp xảy ra. Điển hình là việc hàng trăm nhà đầu tư máy đào tiền ảo gửi đơn tố cáo Công ty Sky Mining vì Tổng Giám đốc của công ty này bỗng nhiên biến mất. Các nhà đầu tư được ban lãnh đạo Sky Mining chia sẻ về dự án và quảng bá đây là tổ chức chuyên đầu tư mua máy về đào tiền ảo, nhà đầu tư góp vốn với nhiều mức tiền khác nhau, từ 500 USD đến hàng nghìn USD. Mức lợi nhuận nhà đầu tư sẽ hưởng lên tới 300% trong thời gian 12-15 tháng, có ký hợp đồng góp vốn (!). Được biết, có nhà đầu tư đã góp một khoản tiền lớn, lên tới 75.000 USD. Ngoài vụ việc liên quan đến Sky Mining, trước đó, 32.000 nhà đầu tư đã lao đao khi tham gia dự án có tên là Ifan huy động vốn bằng tiền ảo, cùng lời hứa sẽ có lợi nhuận 48-59%. Tổng nguồn vốn góp của 32.000 nhà đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng.
Trước những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước một lần nữa phải khẳng định, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ…
Được biết, Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo trong vài tuần tới. Trong khi đó, các quy định pháp lý hiện hành chưa có định nghĩa cụ thể về tài sản ảo và tiền ảo. Câu chuyện cho phép hay cấm hoạt động tiền ảo chưa có lời kết nên cơ quan chức năng vẫn loay hoay với việc làm thế nào để quản lý tiền ảo.
Theo chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cơ quan nhà nước đang lúng túng trong việc quản lý tiền ảo. Sau 2 năm vẫn chưa hình thành được khung pháp lý, dẫn đến những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến tiền ảo ngày càng gia tăng. Tiền ảo là một loại tiền tệ mã hóa và hệ thống thanh toán kỹ thuật số toàn cầu, thay đổi từng ngày, có thể chúng ta chưa theo kịp với sự thay đổi đó dẫn đến việc quản lý còn khó khăn.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay với việc đưa ra chính sách quản lý tiền ảo cũng là điều dễ hiểu, vì nhiều nước trên thế giới cũng chưa đưa ra quy định rõ ràng cho loại tiền này. Thực tế là pháp luật Việt Nam đã có chế tài đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán, trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, tiền ảo đang được “lách” để sử dụng vào các hoạt động dân sự, kinh doanh khác thay vì dùng làm phương thức thanh toán nên rất khó quản lý, xử lý.
Cùng với việc siết quản lý tiền ảo, cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với việc nhập khẩu và sử dụng máy đào tiền ảo. Ngừng cho phép nhập khẩu máy đào tiền cũng là cách để khuyến cáo nhà đầu tư về những rủi ro có thể gặp nếu góp vốn vào những kênh này. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ giải quyết được phần ngọn bởi đã có hàng nghìn máy đào đang hoạt động tại Việt Nam. Nếu muốn triệt để phải cấm tất cả máy đào tiền ảo hoạt động, song giải pháp này không dễ…
Cơn sốt tiền ảo chưa bao giờ “nóng” đến thế, bởi không ít nhà đầu tư vẫn phớt lờ cảnh báo của các cơ quan chức năng để đầu tư vào tiền ảo với lời hứa về lợi nhuận khủng. Lợi nhuận cao ngất ngưởng trong khi không cần đến sức lao động, những mất mát của nhà đầu tư không phải do cơ quan chức năng chưa có cách quản lý, mà trước hết do chính lòng tham và sự hiểu biết pháp luật chưa đầy đủ của nhà đầu tư.