Luật Di sản văn hóa sửa đổi: Cần bổ sung nhiều khái niệm mới
Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm sửa đổi, bổ sung, đến nay Luật đã bộc lộ những lỗ hổng, chưa đi kịp với xu thế phát triển của thời đại. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Luật Di sản văn hóa sửa đổi.
Nhận diện và bảo vệ di sản
Thực tế, Luật Di sản văn hóa ra đời đã góp phần bảo vệ và gìn giữ được rất nhiều di sản. Hiện nay, chúng ta đã xếp hạng trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.591 di tích quốc gia và 123 di tích quốc gia đặc biệt, có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa, khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận/ghi danh, bao gồm: 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 14 di sản văn hóa phi vật thể; 7 di sản tư liệu (3 di sản tư liệu thế giới, 4 di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương). Hệ thống bảo tàng được xây mới, nhiều sưu tập hiện vật và di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia… đang được bảo quản, trưng bày…
Mộc bản Triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới.
Tuy nhiên, với một đất nước sở hữu khá nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như Việt Nam thì những lỗ hổng của luật vẫn khiến di sản chưa được bảo vệ một cách hiệu quả. Nhiều di sản đứng trước nguy cơ mai một, biến dạng. Thay đổi, bổ sung, điều chỉnh Luật để không chỉ bảo vệ di sản mà còn phát triển những giá trị của di sản trong đời sống hôm nay là một vấn đề cần thiết.
Tiến sĩ Lê Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam quan tâm tới việc nhận diện di sản văn hóa phi vật thể từ khái niệm đến các biện pháp bảo vệ. Theo bà, trong Luật Di sản văn hóa 2001, khái niệm di sản văn hóa phi vật thể không nói gì về chủ thể, di sản đó có đang thực hành không, không gian của nó ra sao, được kế thừa như thế nào? Sang luật sửa đổi năm 2009, khái niệm này đã khắc phục được các hạn chế trên. Song cần nói rõ thêm nội hàm “giá trị lịch sử”, “đa dạng văn hóa”, “trao truyền”, “tái sáng tạo” và “phát triển bền vững”… “Đó là các nội dung gắn với các biện pháp bảo vệ, mục tiêu của Luật Di sản văn hóa và Công ước 2003. Những từ khóa quan trọng này sẽ là cơ sở để phát triển chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản”, tiến sĩ Lê Minh Lý nói.
Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đề xuất bổ sung khái niệm “Di sản đô thị” và “Di sản kiến trúc nông thôn” vào Luật Di sản văn hóa sửa đổi. Đây là hai vấn đề chúng ta chưa kịp thời quan tâm dẫn đến sự mất mát, lộn xộn trong quy hoạch đô thị và nông thôn. “Thực tế luôn cho thấy sự mâu thuẫn giữa kiến trúc đô thị và nông thôn với nhu cầu bảo tồn và phát triển”. Ông khẳng định. Bài toán này cần có chế tài cụ thể để bảo vệ kịp thời những không gian kiến trúc, di sản đô thị mà chúng ta đang có.
Sở Văn hóa Thái Nguyên lại đề xuất về vấn đề trùng tu di tích, một câu chuyện luôn nóng trong nhiều năm qua. Những vấn đề quản lý lỏng lẻo và bất cập như chứng chỉ hành nghề đã tạo kẽ hở cho những người chưa đủ chuyên môn đi trùng tu di tích, khiến nhiều di tích bị biến dạng, phá hỏng, làm mới một cách kệch cỡm.
Ngoài ra, Luật Di sản có quy định về hành vi làm sai lệch di tích: “Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không giống với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao, du lịch”.
Nhưng Luật không quy định rõ những hiện vật đưa vào di tích là những gì. Đặc biệt, trong Luật Di sản không có những quy định cụ thể như thế nào là làm ảnh hưởng xấu đến di tích, đây là một kẽ hở khiến cho việc trùng tu di tích trở thành “vấn nạn” và chưa có chế tài xử phạt một cách nghiêm minh.
Công nghiệp văn hóa là xu hướng tất yếu
Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội đề xuất bổ sung khái niệm “Công nghiệp văn hóa” và các điều khoản liên quan đến Công nghiệp văn hóa trong Luật Di sản văn hóa sửa đổi. Lý do là trong bối cảnh toàn cầu và hội nhập hiện nay, nhiều quốc gia thành công và tiến bộ nhanh hơn dựa trên việc phát huy lợi thế và đặc sắc về văn hóa, xác định văn hóa là yếu tố cốt lõi của sự phát triển. Nhiều nước đã xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra toàn cầu.
Quan điểm và hành động hướng tới các ngành công nghiệp văn hóa (công nghiệp sáng tạo) đã và đang trở thành xu thế của thế giới, một trong những chiến lược phát triển quan trọng, bền vững của các quốc gia. Hà Nội đã gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo và chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa trên nền tảng văn hóa và con người, tạo sức mạnh nội sinh phát triền bền vững Thủ đô. Phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa thế mạnh, tiềm năng, giá trị văn hóa truyền thống, đó là cách chúng ta định vị mình trên bản đồ thế giới.
Theo tiến sĩ Lê Minh Lý: “Dựa vào vốn di sản văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa bền vững là một tất yếu”. Các thành phố của chúng ta đều có cơ hội để phát triển công nghiệp văn hóa một cách mạnh mẽ, hiệu quả, vì thế, rất cần bổ sung khái niệm này trong Luật Di sản văn hóa sửa đổi.
Nhiều cổ vật quý đã lưu lạc ra nước ngoài.
Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề chưa được đề cập trong Luật Di sản như chưa có quy định liên quan đến Di sản tư liệu. Di sản tư liệu là loại hình thuộc di sản văn hóa nhưng chưa được quy định bởi bất kỳ luật nào trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Nhiều quốc gia trên thế giới quy định Di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa (ví dụ: Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Chương trình Ký ức Thế giới do UNESCO khởi xướng từ năm 1992 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu, Việt Nam tham gia Chương trình này từ năm 2007, 15 năm là quốc gia thành viên tham gia Chương trình nhưng di sản tư liệu chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị.
Đến nay, Việt Nam đã có 7 Di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh (3 Di sản tư liệu Thế giới, 4 Di sản tư liệu Khu vực châu Á – Thái Bình Dương). Trong thời gian tới, Di sản tư liệu của Việt Nam sẽ tiếp tục được UNESCO xem xét, ghi danh cấp khu vực và thế giới và ngày càng có xu hướng gia tăng. Di sản tư liệu của Việt Nam ở các địa phương, gia đình và dòng họ… đa dạng về loại hình, tài liệu, tư liệu rất tiềm năng, cũng có di sản tư liệu có nguy cơ bị mai một, biến mất… Vì vậy, quy định mới loại hình Di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để điều chỉnh hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị là phù hợp và cần thiết.
Vấn đề di sản số và câu chuyện cổ vật cũng được các chuyên gia bàn thảo. Về di sản số, hiện nay chưa có trong luật, cần được bổ sung để có chế tài bảo vệ các di sản mà chúng ta đang số hóa.
Còn câu chuyện cổ vật, theo Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: “Chúng ta đang bị “chảy máu” cổ vật, một phần do chưa có những chế tài cụ thể để kiểm soát và bảo vệ cổ vật. Trong Luật Di sản văn hóa có quy định: “Di vật, cổ vật thuộc các sở hữu, ngoài sở hữu toàn dân, sở hữu của các tổ chức chính trị, xã hội, được mua bán, trao đổi, tặng, cho và để thừa kế ở trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật”. Đây là một quy định tạo điều kiện cho “chảy máu” cổ vật và phần nào mâu thuẫn với những quy định khác”.
Thực tế ở Việt Nam, từ khi có Luật Di sản văn hóa ra đời, việc thừa kế di vật, cổ vật trong nước cũng như nước ngoài chưa hề xảy ra, những quy định của luật pháp cần chuẩn để tránh mọi tình huống. Việc luật pháp cho phép bán đấu giá cố vật tưởng như tạo ra một thị trường công khai, minh bạch ở Việt Nam, tạo điều kiện quản lý cổ vật tốt hơn nhưng đến nay thị trường vẫn chưa xuất hiện ở nước ta theo hướng chuyên nghiệp hóa.
“Đó là vấn đề cần đặt ra đối với quy định của pháp luật về di sản, về tạo điều kiện cho quản lý, tạo điều kiện cho các bảo tàng sưu tầm được những cổ vật từ đấu giá, nhà nước thu được thuế và những cổ vật quý, thậm chí đạt tiêu chuẩn bảo vật quốc gia không bị đưa ra ngoài biên giới trái phép”. Tiến sĩ Phạm Quốc Quân khẳng định.