“Lương 20 triệu đồng, tôi hối hận vì đã mua ô tô khi chưa có nhà”
Những năm trước, tôi không thực sự tự tin khi bạn bè xung quanh đều thành đạt dù có xuất phát điểm tương tự nhau. Các dịp về quê nghỉ lễ, cậu hàng xóm hay bạn cùng lớp cấp II năm xưa về quê bằng ô tô thì tôi khi ấy vẫn chen chúc đi xe khách. Nhìn chiếc xe bóng bẩy đỗ trước cổng nhà bạn, trong sự trầm trồ của hàng xóm, khiến tôi không khỏi chạnh lòng.
Lý do này khiến tôi quyết tâm sở hữu ô tô vào năm 2020, đương nhiên khoảng cách địa lý 100km giữa Hà Nội – nơi tôi làm việc và quê hương Thái Bình cũng là động lực không nhỏ. Khi đó tôi 28 tuổi, trong tay có 300 triệu đồng tích lũy được từ những năm đi làm trước. Đương nhiên, tôi cũng chưa có nhà ở Hà Nội dù xác định sẽ bám trụ lại Thủ đô.
Trước khi mua ô tô, tôi cũng đã phải đấu tranh tư tưởng nhiều. Rõ ràng nhà cửa là cần thiết nhưng với 300 triệu đồng thì còn phải mất cả chục năm tích cóp nữa mới nghĩ đến được. Để thuyết phục chính mình, tôi còn tự nghĩ rằng có ô tô sẽ là động lực kiếm tiền nhiều hơn, ô tô sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bản thân…
Nhiều người trẻ “đau đầu” trước quyết định mua nhà hay mua xe trước.
Chiếc xe sedan hạng B trị giá hơn 500 triệu đồng được tôi rước về, là xe lướt để tiết kiệm được một khoản, nhưng vẫn phải vay thêm 200 triệu đồng. Có được chiếc xe mơ ước, sự tự tin của tôi trở lại. Ánh lên trong đôi mắt của bố mẹ là sự tự hào và tôi cảm nhận rằng những người xung quanh đã nhìn tôi bằng ánh mắt khác.
Tuy nhiên, niềm vui ấy không kéo dài quá lâu khi những áp lực mà ô tô đem lại. Đầu tiên, tình hình tài chính của tôi giảm xuống rõ rệt khi lương chưa kịp tăng (nhờ ô tô) mà các khoản chi thì nhảy vọt. Mỗi tháng tôi tốn thêm 2 triệu đồng tiền gửi xe ở cơ quan và gần phòng thuê, chi phí nhiên liệu cao hơn rất nhiều so với xe máy và còn tiền lãi ngân hàng…
Phải thừa nhận từ khi có ô tô, tình hình sức khỏe của tôi được cải thiện, nhất là ít bị bệnh về mũi do tránh được khói bụi. Ngày mưa gió hay nắng gắt, ngồi trong chiếc ô tô thật thoải mái và hành trình về quê cũng gần hơn. Tuy nhiên, đi ô tô riêng ở Hà Nội cũng rất mệt mỏi để tìm chỗ đỗ, tắc đường nghiêm trọng và việc va quệt với lái mới như tôi là khó tránh.
Những áp lực dần dần lấn át lợi ích mà ô tô đem lại và sau 2 năm sở hữu, giờ đây nó trở thành gánh nặng cho bản thân. Mức lương 20 triệu đồng của tôi năm 2020 tăng lên thành 24 triệu đồng vào đầu năm 2022 nhưng cũng không cải thiện được là bao, nhất là trong bối cảnh vật giá leo thang và xăng lên gần 30.000 đồng/lít.
“Cày” để trả hết nợ ngân hàng, tôi không có thời gian để phát triển bản thân và giao lưu bạn bè. Áp lực phải ổn định vì có nhiều khoản cần chi tiêu mỗi tháng (trong khi tiền tích lũy đã tiêu hết vào xe) khiến tôi cũng không dám “nhảy việc”. Cuối cùng, chiếc xe tôi mua với giá hơn 500 triệu đồng, sau hai năm nếu bán lại thì chỉ được khoảng 400 triệu đồng.
Vì nhiều bất tiện ấy mà vừa rồi tôi đã quyết định bán xe và thấy nhẹ cả người. Tôi không còn phải dậy từ 5h sáng để chuẩn bị cơm (cho tiết kiệm tiền) và đi làm từ sớm để tránh tắc đường. Giấc ngủ đã ngon hơn vì chẳng mất 3-4 triệu mỗi tháng nuôi thêm “vợ hai” trong khi “vợ cả” vẫn chưa có vì còn mải “cày” trả nợ. Khói bụi, mưa nắng hóa ra vẫn dễ chịu hơn cảnh “chôn chân” khi tắc đường bởi đi ô tô…
Khoản đầu tư cho chiếc xe không hẳn “lỗ” nhưng cái giá để hiểu về nhu cầu của mình là không hề rẻ. Cầm về tay 400 triệu đồng, tôi vẫn không mua nổi nhà và đương nhiên ô tô cũng chẳng còn. Thời điểm ấy, nếu quyết tâm đem đầu tư đất cát (như lời mẹ tôi khuyên), có lẽ ở năm 2022 này tôi đã có tiền tỷ hay thậm chí bán đi mua được căn chung cư ở Hà Nội.
Hoàn cảnh của mỗi người khác nhau và câu chuyện của tôi không phải để bảo mọi người đừng mua ô tô. Chỉ là hãy cân nhắc thật kỹ trước nhu cầu và khả năng của mình khi sở hữu, bởi thực sự đây là “tiêu sản”.
Độc giả Phúc Thành
Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Báo Dân trí.